Chuyện chưa kể về trại Phong Quy Hòa-Kỳ cuối: Từ Quy Hòa ngắm nhìn vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần 100 năm trước, khi linh mục Paul Maheu lập nên làng phong để chữa bệnh, ít ai nghĩ rằng thung lũng Quy Hòa ngày nay lại là nơi hội tụ của những thiên tài toán học, vật lý, hóa học hàng đầu thế giới, trong đó có những người từng đoạt giải Field, Nobel...


Họ đến Quy Hòa, nơi có những bệnh nhân phong đau khổ, để phóng tầm mắt nhìn vào vũ trụ với bao mơ ước của con người...

Thung lũng hút khách

 

Tổ hợp không gian khoa học rộng 3,8ha đang được gấp rút hoàn thành sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Quy Hòa trong việc thu hút nhân tài khoa học và du lịch.
Tổ hợp không gian khoa học rộng 3,8ha đang được gấp rút hoàn thành sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Quy Hòa trong việc thu hút nhân tài khoa học và du lịch.

Lật lại tấm ảnh cũ ố vàng do các linh mục ở giáo xứ Quy Hòa chụp năm 1940, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay ở trại phong Quy Hòa.

Những mái nhà tranh vách đất, những nhà tường vôi lô nhô giữa thung lũng hoang vắng dành cho các bệnh nhân đã không còn nữa.

Thay vào đó là bộ mặt khang trang ngày nay của trại nhờ sự đóng góp của những con người trong trại phong này.

Đứng trên đỉnh đồi Suối Tiên nhìn xuống, Quy Hòa giờ đây là một khoảng xanh bao la với dừa và những hàng thông cao vút. Ngay giữa làng, một mái vòm nhô lên cong vòng là hình hài của Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam đang được định hình.

Ông Huỳnh Văn Dũng, một bệnh nhân bị bệnh phong, đẩy chiếc xe chở nước ngọt, thuốc lá dạo quanh bờ biển để bán cho du khách.

Ông nói rằng những năm gần đây Quy Hòa đã trở thành điểm đến của khách thập phương, tây ta đều có. Sự thay đổi này đã giúp người dân trong làng Quy Hòa dễ làm ăn hơn. Họ bắt đầu học buôn bán và làm dịch vụ du lịch.

Theo ông Dũng, làng Quy Hòa là câu chuyện dài và trầm tích của nó ngót nghét cả trăm năm nhưng chưa có hướng dẫn viên nào lột tả được hết điều đó để du khách thấm thía.

“Mỗi ngôi nhà, mỗi phân xưởng, mỗi hàng cây, góc phố tại đây đều là chứng nhân của một thời đau khổ. Nếu những người già trong làng chịu khó kể câu chuyện về Quy Hòa, tôi nghĩ đây là những câu chuyện rất đáng nghe đối với du khách.

Phong cảnh đẹp, sự yên bình, biển xanh của Quy Hòa chỉ là phần xác, còn phần hồn là những chứng tích, những câu chuyện đau thương một thời của những người bị bệnh phong cùi” - ông Dũng nói.

Quy Hòa được chọn

 

Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành được xây dựng ở Quy Hòa.
Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành được xây dựng ở Quy Hòa.

Bước ra khỏi bức tường ngăn cách bệnh viện phong và khu dân cư bên ngoài, ngay gần nghĩa trang Quy Hòa là tòa nhà tráng lệ do hai kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thiết kế với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học.

Khu nhà được ví như “thánh đường” của khoa học, giáo dục và chắp cánh cho những ước mơ tri thức, cũng là tâm huyết cả đời của giáo sư Trần Thanh Vân - một người con ưu tú của đất Việt, cha đẻ của dự án ICISE (Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành).

Ngay bên cạnh dự án ICISE là một công trình kỳ vĩ không kém, đó là Tổ hợp không gian khoa học rộng 3,8ha đang được gấp rút hoàn thành.

Tổ hợp này gồm ba bộ phận: nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông. Một ngày không xa, đứng từ đây qua kính viễn vọng, du khách có thể phóng tầm mắt mình nhìn các vì sao xa trong vũ trụ.

Lý giải về việc chọn thung lũng Quy Hòa làm nơi đặt dự án ICISE và Tổ hợp không gian khoa học, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng đây là tâm huyết cuối đời của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và cũng là cơ duyên cho Bình Định.

Sau khi khảo sát từ Quảng Bình đến Ninh Thuận thì giáo sư Vân quyết định chọn Quy Hòa. Bởi nơi đây hội tụ đủ các yếu tố có ba bên núi rừng bao phủ, mặt trước có biển xanh rất phù hợp cho một mùa hè để các giáo sư trên khắp thế giới đến đây.

Giáo sư Vân mong muốn đưa khoa học Việt Nam phát triển ngang bằng với thế giới nên phải đầu tư, thu hút đầu tư, nhân tài và đào tạo trẻ. Trong năm 2016 đã có 1.600 nhà khoa học, trong đó có năm nhà khoa học đoạt giải Nobel đến thăm Quy Hòa.

Cũng theo ý tưởng của giáo sư Vân và kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou, sau này ICISE và Tổ hợp không gian sẽ thông nhau và tạo thành một khu đô thị dành cho khoa học và phát triển du lịch.

Khu đô thị khoa học này sẽ là nơi thu hút các nhà khoa học trẻ người Việt trên khắp thế giới quay về và được các giáo sư đỡ đầu nghiên cứu.

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, Tổ hợp không gian chính là nơi khoa học hiện diện một cách thực tiễn mà du khách có thể chạm đến thành quả của khoa học.

“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là khu đô thị khoa học của vùng Đông Nam Á. UBND tỉnh đã dành cho khu vực này gần 100ha và tiếp tục xây dựng các công trình vui chơi, giải trí gắn liền với nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông để thu hút khách du lịch.

 

Riêng với làng phong Quy Hòa, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng mọi thứ vẫn phải giữ nguyên nếp cũ từ những ngôi nhà có kiến trúc cổ xưa đến bệnh viện, nhà thờ... nhưng cũng cần sắp xếp lại một số vị trí để bà con ổn định đời sống hơn.

Ông Dũng hi vọng đời sống bệnh nhân và con em của họ sẽ được nâng lên khi vùng đất này chuyển động. Làng phong sẽ là điểm nhấn về du lịch Quy Hòa.

Và điều đặc biệt là con em các bệnh nhân cũng sẽ có công ăn việc làm ngay trong trung tâm với một trình độ phù hợp. Hiện nay có nhiều con em bệnh nhân trong làng Quy Hòa đang làm việc để xây dựng quần thể khoa học này nhưng chủ yếu là lao động chân tay.

“Tôi sẽ gắng sức giúp người dân làng phong chuyển mình sang làm dịch vụ. Có như vậy Quy Hòa mới nhanh chóng đổi thay” - ông Dũng nói.

Với các nhà khoa học trên thế giới, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể lưu trú tại đây hằng tháng cùng gia đình và người thân.

Quần thể kiến trúc khoa học tiện lợi, bờ biển đẹp, yên tĩnh sẽ giữ chân họ. Chắc chắn các nhà khoa học trên khắp thế giới sẽ có ấn tượng với Quy Nhơn sau khi đặt chân đến Quy Hòa” - ông Dũng chia sẻ.

TS Trần Thanh Sơn, phó giám đốc ICISE, kể rằng khi biết Quy Hòa là nơi có làng phong với hàng ngàn bệnh nhân của ngày trước, đặc biệt là các cha xứ, nữ tu từ Pháp, Đức qua đây dâng hiến đời mình để cứu giúp các bệnh nhân, giáo sư Trần Thanh Vân đã nói: “Tôi chọn Quy Hòa để đặt ICISE và tổ hợp không gian không chỉ vì vị trí lý tưởng của nó mà còn vì nơi đây là mảnh đất có tình người”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...