Chuyện chưa kể về trại phong Quy Hòa - Kỳ 5: 3 người đàn ông trong "bức tường than khóc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở làng phong Quy Hòa, mỗi ngôi nhà đều mang trong mình một câu chuyện bi ai. Nhưng họ luôn rộng lòng với những mảnh đời bất hạnh như chính cuộc sống của họ từng trải qua.


Đó là câu chuyện một ông già bệnh nhân phong cụt tay chân đã mở lòng mình đón một đứa trẻ bị bỏ rơi và một người điên về ở dưới một mái nhà. Ngôi nhà này của ông Nguyễn Văn Hoàng, nay đã 80 tuổi.

Bên trong “bức tường than khóc”

 

“Bức tường than khóc” bao lấy làng phong Quy Hòa, bên trong đó là những thân phận mang nhiều khổ đau.
“Bức tường than khóc” bao lấy làng phong Quy Hòa, bên trong đó là những thân phận mang nhiều khổ đau.

Bên hông dãy nhà tập thể dành cho người bệnh ở Bệnh viện phong Quy Hòa có một căn nhà nhỏ, cửa lúc nào cũng mở toang, phía trước là giàn mướp sắp ra hoa.

Gọi cửa mãi chẳng có người mở, thì ra người con trai của ông Hoàng vừa đẩy chiếc xe lăn cho ông đi dạo nắng. Hai bàn tay rụng hết ngón, chân trái bị cưa gần đến gối, mái tóc hoa râm che đôi mắt xệch của tuổi già, ông Hoàng mỉm cười chào khách.

Hơn 50 năm sống trong bệnh viện, xuất thân từ một kỹ sư xây dựng, ông Hoàng rất được các bệnh nhân ở đây tin yêu vì sự thông thái của mình.

Ông Hoàng bảo hơn 50 năm qua ông chỉ quanh quẩn trong những bức tường bao bọc khuôn viên làng phong Quy Hòa mà ông đặt tên là “bức tường than khóc”.

Vì sao lại là “bức tường than khóc”? Vì chứa đựng bên trong đó là những phận người héo hon do bệnh tật, không có ngày mai. Và sự dày vò thân xác khiến các bệnh nhân chỉ muốn than khóc cùng những ẩn ức trong tâm hồn mình.

Ông Hoàng cho rằng cứ nhìn vào bức tường là ông nghe những lời than khóc của bệnh nhân và cuộc đời ông cũng giống như một viên gạch xây nên chúng.

Ngồi trên chiếc xe lăn cũ, ông lão nhìn ra phía biển và trải lòng mình về những ngày tháng xưa cũ... Đó là một buổi sáng năm 1972, ông Hoàng nhìn mặt mẹ mình lần cuối rồi khăn gói vào Quy Hòa ở đến tận ngày nay.

“Tôi không nghĩ mình bị bệnh! Không bao giờ nghĩ tới. Nhưng nó đã tới như một định mệnh” - ông Hoàng thở dài kể.

Năm 21 tuổi ông Hoàng vừa tốt nghiệp kỹ sư thì bị bắt đi quân dịch. Những ngày làm lính, công việc của ông là đi xây dựng các sân bay và công trình kỹ thuật ở khu kỹ nghệ An Hòa (Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay).

Trong một chuyến đi phép vào Sài Gòn, ông ở nhà một người bạn. Một hôm ông và bạn cởi trần nằm dưới nền nhà thì người em trai bạn ông là bác sĩ ghé tai bảo ông: “Mời anh lên gác em nói chuyện này!”.

Ông Hoàng theo lên gác, vị bác sĩ trẻ dùng kim và bông gạc chích vào người ông, một lúc sau nói nhỏ: “Anh bình tâm nhé! Anh bị phong cùi rồi!”.

Ông Hoàng không tin vào tai mình và đem chuyện tâm sự cùng bạn. Bạn ông an ủi: “Em tao nó sang Pháp nhảy đầm chứ có học hành gì nên nó nói bậy đấy. An tâm đi!”.

Nhưng có lẽ ông đã biết và có thể tưởng tượng được từng con vi khuẩn Hansen đang gặm nhấm thân thể mình. Và khi những ngón chân, ngón tay của ông bắt đầu khác thường, ông quyết định vào Quy Hòa.

“Ngày đón xe vào Quy Hòa, tôi nghĩ mình đang đến một địa ngục trần gian. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Với những người bệnh phong cùi như chúng tôi, rõ ràng đây là một thiên đường hạ giới với các thiên thần là những nữ tu đầy lòng nhân hậu. Chúng tôi được đối xử rất tốt nhưng nỗi buồn bệnh tật thì chẳng biết giấu vào đâu...” - ông Hoàng tâm sự.

 

Ông Nguyễn Văn Hoàng và người con trai nuôi bị tâm thần.
Ông Nguyễn Văn Hoàng và người con trai nuôi bị tâm thần.

Hai người con nuôi

Trong khu tập thể của Bệnh viện phong Quy Hòa, không chỉ có bệnh nhân bị phong cùi mà còn nhiều mảnh đời khác trôi dạt về đây nương náu, bám víu.

Ông Hoàng kể ông bắt đầu nhen nhóm cho mình một cuộc sống riêng bằng cách xin một căn phòng biệt lập. Một ngày đầu năm 1980, các nữ tu gọi ông Hoàng lên bảo có một thằng nhóc 7 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi, hỏi ông có thể giúp gì cho nó hay không.

Ông quyết định mang cậu bé về nuôi. Trợ cấp bệnh của ông mỗi tháng 180 đồng, ông chia lại khẩu phần ăn của mình cho cậu bé và cậu bé lớn lên cùng ông.

Nhìn những tia nắng xuyên qua mái hiên, ông Hoàng kể tiếp: “Đến năm nó học lớp 9 thì tôi không còn cơm để nuôi nó học cấp III. Tôi tâm sự thật tình với nó rằng bố đã hết sức và nó quyết định đi học nghề. Vài năm sau nó vào Sài Gòn tìm việc.

Công việc cứ dang dở trôi qua. Đến mấy năm sau nó về thăm tôi, tôi mừng và bảo nó cưới vợ. Nó cứ ậm ờ mãi... Thì ra nó bị quai bị nhưng không biết chữa trị và giờ đường con cái không biết ra răng nên cứ ở vậy với tôi”.

Ngày ngày người con trai của ông đi làm thợ gò hàn ở Quy Nhơn, sáng nào anh cũng dậy sớm, đi chợ mua thức ăn để lại cho ông Hoàng rồi mới đi làm.

Tôi hỏi ông vậy người đàn ông hay đẩy xe lăn cho ông là ai, ông Hoàng cười như mếu: “Tôi cũng chẳng biết gọi nó là ai. Nhưng nó thương tôi như cha và vào sống trong gia đình này như một thành viên từ lâu lắm rồi”.

 

Quê ông Hoàng ở Đà Nẵng nhưng 50 năm qua ông chưa một lần trở về. Ngày mẹ mất ông có nhận được tin nhưng cũng không dám về đưa tang mẹ vì nghĩ mình mang thân phận của người bệnh phong.

“Dù khoa học đã chứng minh căn bệnh này không lây và chữa trị được, nhưng nhớ về một thời bị hắt hủi, xa lánh, kỳ thị tôi không tài nào vượt qua được” - ông Hoàng cay đắng nói và nhìn về phía chân trời trong ánh hoàng hôn.

Tên người con nuôi thứ hai của ông Hoàng là Minh, nay đã 61-62 tuổi nhưng có nụ cười như đứa trẻ lên 3. Ông Minh bị tâm thần từ nhỏ, chẳng còn cha mẹ, ở với người này vài hôm qua nhà người khác.

“Khi nó ở với một gia đình, người cha nuôi say rượu đánh đập nó không nương tay. Tôi quyết định đem nó về ở cùng mình. Từ đó nó trở thành một đứa con trong gia đình này” - ông Hoàng nói.

Ông Minh bị tâm thần nặng, chỉ biết đẩy xe đưa cha nuôi đi dạo và đòi ăn khi đói. Ông Hoàng có lần hỏi hai người con nuôi rằng nếu ông chết họ có thể sống cùng nhau không, anh thợ hàn gò bảo được, nhưng còn ông Minh thì không nói gì.

Những đồng tiền trợ giúp của các đoàn từ thiện ông Hoàng dành dụm gửi các nữ tu để nhờ lo đám tang cho mình. Ông để dành một ít cho ông Minh với phần tiền lương tháng của người con thợ hàn.

“Khi tôi chết thân xác này sẽ được thiêu để cháy hết những con vi khuẩn đã hành hạ cuộc đời tôi. Nhưng nghĩ về hai đứa con tôi lại khó lòng nhắm mắt!” - giọng ông Hoàng chùng xuống.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).