Sống trên đỉnh núi - Kỳ 7: Tang lễ lạ lùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thi hài được quấn vải sơ sài đặt trên cái cáng tre treo giữa gian chính ngôi nhà và được “thầy pháp” thường xuyên bón cơm, bón rượu. Những dải vàng mã xanh đỏ tím vàng được treo tua tủa, đong đưa trên cáng.


Những thầy khèn vừa thổi vừa xoay vòng, lượn lờ trong một mớ âm thanh nghèn nghẹn, ai oán, réo rắt một cách bí hiểm. Mùi tanh của thịt bò, thịt heo tươi xen lẫn hương nồng của rượu ngô xộc thẳng vào người...

Đó là cảnh tượng đám tang ông Vừ Khái Lừ, 61 tuổi, ở bản Chúng Pả B, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

 

Mổ heo bò của người đi viếng ngay trong ngày tang lễ để chia thịt.
Mổ heo bò của người đi viếng ngay trong ngày tang lễ để chia thịt.

Bón rượu cho người chết

Phía bên trên chỗ nằm của người chết là mái nhà có khoảng trống thông lên bầu trời. Cạnh bên người chết được kê bộ bàn ghế là nơi gia quyến rượu trà với khách. Trông ra hiên nhà, ba nồi nước lớn đang sùng sục trên bếp lửa rừng rực.

Cạnh đó là một con heo lớn mới tắt tiếng kêu eng éc bởi đám thanh niên vừa chọc tiết xong. La liệt thịt, người ta mổ, cắt, chặt, xẻ, làm lòng... rồi phân ra từng phần để riêng. Bên trong nhà, những giò heo, dong sườn còn tươi treo khắp nơi quanh tường.

Mọi người rót rượu ngô mời nhau trong không gian im lặng vài phút, bỗng tiếng khèn, tiếng kèn, trống và xập xõa nổi lên vừa rộn ràng, vừa réo rắt ai oán. Ở gian giữa, ba thầy khèn, thầy kèn bước đi vòng tròn thổi những điệu nhạc réo rắt càng khiến cho không gian thêm u sầu.

Mọi cặp mắt hướng về “thầy pháp” đang rót từng bát rượu ngô bón hờ cho người chết, đổ vào cái ấm treo lủng lẳng trên cáng tre cạnh đầu nằm. Liền với đó là những muỗng cơm cũng được múc để bón hờ tương tự, đổ vào cái thố đặt cạnh đầu người chết. Nhạc ngưng, họ lại rót rượu ngô mời nhau...

“Éc, éc...”, chúng tôi giật mình nhìn ra sân; một đôi vợ chồng ăn mặc và vận khăn lanh truyền thống và hai thanh niên khác đang cố đưa con heo lớn tiến vào nhà. Một cây vàng mã và một can rượu ngô cũng mang kèm. Con vật được dẫn đến bên linh cữu, một sợi lanh được “thầy pháp” cột vào đầu, đầu kia của dây buộc vào tay trái người chết rồi lẩm bẩm điều gì đó.

Tất cả diễn ra trong tiếng khèn réo rắt. “Hơ.. hơ...!”, ngay sau đó, con heo được chuyển ra hiên chọc tiết trong sự chứng kiến của người mang đến. Chừng nửa giờ sau, một đôi vợ chồng khác đem đến một con heo khác, mọi nghi lễ cử hành tương tự và heo cũng được hạ ngay sau đó...

Gánh nặng trả lễ

Cụ Vừ Mí Sử, một thầy giáo hưu trí được xem là bậc trưởng thượng của bản Chúng Pả B trong vai trò chủ tang lễ này, diễn giải: sợi lanh nối từ cổ con heo vào tay người chết với ý tặng, giao cho người chết dẫn sang thế giới bên kia.

Cụ Sử cho hay đám tang của người Mông là vậy, bà con, họ hàng, thông gia hay những người quen biết, tùy từng điều kiện hoàn cảnh hay mối quan hệ mà dắt con vật bốn chân như lợn, dê hay bò đến viếng.

Riêng con vật phải được hạ ngay và chia ra nhiều phần. Một phần để lại cho gia quyến nấu nướng phục vụ lễ tang, một phần đưa người đi viếng mang về. Một phần dành cho thầy khèn, thầy kèn, thầy trống...

Trong ba ngày đám tang ông Vừ Khái Lừ có 20 con heo, 3 con bò và một số con dê được mang đến. Vậy mà đây chưa phải là một đám lớn, bởi có đám lên đến hàng mấy chục con heo và dê, trên chục con bò. Tuy nhiên, những con vật bốn chân đó chính là những “món nợ”, trở thành gánh nặng đối với gia đình người chết, buộc họ phải trả lễ.

“Tục là vậy, người ta mang con vật đến mình phải nhận, mang đến bao nhiêu phải nhận bấy nhiêu để giết thịt. Sau này khi nhà người ta có tang thì mình phải mang trả lại đúng như thế” - ông Sử cho biết.

Trong đám tang của người Mông, tiếng khèn là những bài tang ma chỉ đường cho người chết “về với cõi âm, lên trên trời, trở lại đất, biết đường đi đầu thai, trở thành con người mới sinh nở lại kiếp khác...”. Hằng đêm khi xác chết còn nằm trên cáng trong nhà, trong tiếng khèn, “thầy pháp” cầm cây kiếm gỗ và nắm cỏ ranh đi quanh nhà để “đuổi giặc”.

Trước khi đem chôn ngoài huyệt mộ, người Mông đem phơi nắng người chết một buổi trước sân nhà. Khi sang thế giới bên kia, người Mông được mặc bộ đồ lanh truyền thống, chân mang giày kiểu “xỏ ngón” cũng bằng sợi lanh. Kỳ lạ là trước khi chôn, người đàn ông Mông được vận bộ đồ lanh của phụ nữ.

“Cuộc cách mạng”

Trở lại việc đặt xác chết nằm trên cáng, những người hiểu biết văn hóa Mông cho hay tập tục này hình thành do điều kiện sống trên núi cao, di chuyển quá khó khăn. Vì vậy người ta đem quan tài ra đặt trước ngoài huyệt, còn người chết thì đặt trên cáng để làm lễ rồi khiêng cho gọn nhẹ.

Hầu hết những đám tang để 2-3 ngày trở lên, người chết nào cũng bốc mùi, nếu dài ngày hơn thì điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Đã có những trường hợp lây lan các bệnh truyền nhiễm từ người chết quàn trên cáng, mà khủng khiếp nhất là đợt dịch mô cầu não lây lan sau một đám tang để lâu ngày ở xã Cán Chu Phìn làm chết 13 người vào đầu thập niên 1990...

Vài năm trở lại đây, một số dòng tộc Mông ở Hà Giang đã ý thức được sự tác hại của việc đặt người chết trên cáng dài ngày nên đã đưa người chết vào quan tài ngay để khâm liệm.

Tuy nhiên, để thay đổi tập tục này đối với những người trong cuộc là cả một “cuộc cách mạng” bởi theo lý giải của ông Vừ Mí Sử: “Bao đời nay vẫn để như thế, giờ tục nó ngấm vào xương, vào tủy rồi, không dễ gì thay đổi được, sợ ảnh hưởng đến con cháu sau này”.

 

Tập tục mất vệ sinh

Thầy pháp bón rượu cho người chết nằm trên cáng tại đám tang ông Vừ Khái Lừ.
Thầy pháp bón rượu cho người chết nằm trên cáng tại đám tang ông Vừ Khái Lừ.
Ông Sùng Đại Hùng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang, cho biết nếu anh em trong dòng tộc không đồng tình thì rất khó thay đổi tập tục tang lễ kỳ lạ như trên vì sợ nhiều người “nói ra nói vào”.

Mấy năm trước khi cụ thân sinh ông Hùng mất, cả dòng họ ngồi lại bàn bạc, xin ý kiến bà cô để khâm liệm ngay trong quan tài cho ông cụ mà không phải quàn trên cáng. Ba năm sau, khi ông cụ mồ yên mả đẹp mà dòng họ chẳng xảy ra điều gì nên cả dòng họ Sùng nhà ông mới tin tưởng và làm theo cách mới này. Dù trước đó ai cũng sợ làm trái tập tục sẽ bị tổ tiên trách phạt.

Theo ông Hùng, mặc áo quan cho người đã khuất cũng chính là cách tìm về văn hóa gốc của người Mông. Ông nói: “Người chết treo trên cáng là một tập tục lỗi thời, vừa mất vệ sinh, tác động xấu đến sức khỏe người đang sống... nên phải chuyển đổi thôi!”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.