Làng chài trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hồ thủy điện Sê San (thôn 7, xã Ia Tươi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum giáp với Ia Grai, Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những quả núi cao vời vợi, gây chia cách, cô lập với vùng xung quanh. Hiu quạnh là thế nhưng nhiều năm nay, hàng chục hộ dân nghèo khó ở các tỉnh An Giang, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế kéo về đây lập làng định cư, sinh sống bằng nghề chài lưới.

Sống nhờ cá tôm

7 giờ 30 phút sáng, làng chài náo nhiệt bởi tiếng thuyền máy chạy xình xịch, tiếng ngư dân gõ thuyền đuổi cá và cả tiếng sóng vỗ ầm ầm. Anh Nguyễn Văn Triều (41 tuổi, Tổ trưởng làng chài) đích thân chèo thuyền chở khách đi thăm làng. Anh giới thiệu danh sách 29 hộ dân với khoảng 90 nhân khẩu, trong đó, hộ sống lâu nhất cũng đã được 9 năm, người mới cũng 2 năm.

 

Một góc làng chài trên “ốc đảo”.
Một góc làng chài trên “ốc đảo”.

Gia đình anh Triều rời quê An Giang, chọn làng chài làm quê hương thứ hai đã được 5 năm. Lúc đầu, vì cuộc sống dưới quê khó khăn nên một mình anh đến đây chài lưới mưu sinh. Lúc đi, anh chỉ mang theo mấy triệu đồng, đủ sắm con thuyền và một ít lưới. Cần mẫn làm lụng, rồi anh sắm thêm ngư cụ, mua thép, đinh, tôn và đi chặt lồ ô về dựng chòi nổi trên sông.

“Thấy ở đây làm ăn được, tôi đón vợ lên, mua thêm mấy lồng cá và bán tạp hóa. Đến nay, gia đình tôi có 20 tay lưới, 10 vó lưới và 2 lồng cá.  So với hồi ở quê, thu nhập giờ cao hơn nhiều. Làm được chừng nào, tôi tích cóp gửi về quê cho 2 con ăn học”, anh Triều tâm sự.

Chúng tôi đến căn nhà nổi rộng khoảng 30m² của chị Trần Thị Tý (37 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế), khi chị đang thoăn thoắt sửa lại tay lưới để chiều mang đi thả. Bên cạnh chị là cậu con trai nhỏ hơn 2 tuổi đang say giấc.

“Gia đình tôi định cư ở làng chài được hai năm. Trước khi quyết định lên đây, vợ chồng tôi cũng đắn đo dữ lắm. Ở quê vợ chồng tôi cũng đi đánh cá nhưng cá ít, làm không đủ ăn. Người quen giới thiệu lên đây, họ nói trên này dù hẻo lánh, hoang vu nhưng bù lại tôm cá nhiều”, chị Tý nói.

Vợ chồng chị Tý cũng đi chặt lồ ô về dựng nhà nổi, rồi vét hết tiền mang theo để mua lưới, lừ và thuyền máy. Sáng sáng, vợ chồng chị bỏ con trong khung gỗ kê trên thuyền rồi lái đi khắp lòng hồ để thả lưới. Đến trưa thì về nghỉ rồi đầu giờ chiều lại đi đánh cá. Khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều, vợ chồng chị lại chèo thuyền đi đặt đèn vó lưới, đến 3 giờ sáng hôm sau thì đi kéo vó lên thu cá… Cuộc sống cứ như thế ngày qua ngày.

Mong muốn lên bờ

Theo ngư dân, mưu sinh ở làng chài này khá dễ thở so với công việc ở quê. Nhưng trong những ngày lưu lại, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn bủa vây cuộc sống người dân nơi đây. Nhà nổi dựng tạm bợ, mỗi lần có sóng to vỗ là rung chuyển, lắc lư. Nước sinh hoạt không có, phải đi mua nước bình. Làng như “ốc đảo”, nằm xa khu dân cư, bị núi rừng ngăn cách nên việc di chuyển từ sông nước lên đất liền để buôn bán là rất khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Triều cho biết, khoảng 8 năm trước, khi người dân mới đặt chân lên đây, đời sống chưa không ổn định, chỗ ở luôn thay đổi, phải trôi dạt hết xã này đến xã khác. Sau này, xã Ia Tươi tiếp nhận, cho bà con sinh sống trên địa bàn thì người dân mới ổn định hơn. Cũng từ đó, người dân các nơi đổ về và hình thành làng như bây giờ. Nếu như thời gian đầu, người dân chỉ biết đánh bắt thủy sản thì nay kiêm thêm nuôi cá lồng. Thu nhập vì thế cũng tăng, đủ nuôi sống gia đình. Người dân sống trên hồ đều mong muốn được tạo điều kiện sống lâu dài ở vùng đất mới này.

“Vừa rồi nghe tin  chính quyền đang xây dựng quy hoạch điểm dân cư làng chài, trong đó sẽ cấp đất cho bà con xây nhà. Nếu như thế thì chúng tôi rất mừng vì sẽ có chỗ ở ổn định, con cái đi học thuận lợi hơn. Không biết việc này đến đâu rồi”, anh Triều nói.

Theo ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tươi, xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Ia Hdrai đề nghị lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư làng chài. Xã cũng đã đi khảo sát, chọn vùng đất dự kiến đưa dân lên bờ. Mọi việc vẫn triển khai và đang chờ ý kiến cuối cùng của huyện.

“Quan điểm của xã là hết sức tạo điều kiện cho bà con làng chài làm ăn, ổn định sinh sống. Trước mắt, xã cấp tạm trú dài hạn cho ngư dân ổn định làm ăn, cử lực lượng xuống nhắc nhở bà con chằng chống nhà cửa cẩn thận trong mùa mưa bão… Các ngành chức năng cũng thường hỗ trợ áo phao, ngư cụ và cá giống cho dân nuôi trồng”, ông Quyền cho biết.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...