Chuyện bà Dạnh "đạp" sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người làng Xuân Ngọc (xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) chẳng ai mà không biết tiếng tăm nghề biển của bà Lê Thị Dạnh (61 tuổi). Họ còn vanh vách kể như in về cái quãng đời “quăng quật” mà bà ấy đã trải qua.

“Đàn bà đi biển bị miệt thị ghê lắm! Dân biển nhà nòi mọi nơi, họ thấy mấy o chèo đò qua mũi thuyền là quay sang chửi bới, cho là xúi quẩy. Nhưng ở đây, có ai xem tui là đàn bà nữa đâu vì đàn ông đi biển sao thì tui rứa. Bất chấp, nghề chi tui cũng làm hết, xa mấy tui cũng đi, chẳng thua gì ai. Với lại, thời buổi khó khăn, ai nấy đều phải quăng quật với biển, kể chi đàn bà hay đàn ông chứ!”, bà Dạnh nói đến cái nghiệp biển giã đã mấy chục năm của mình.

 

Bà Dạnh và chồng sửa lưới để chuẩn bị ra khơi xa đánh bắt cá.
Bà Dạnh và chồng sửa lưới để chuẩn bị ra khơi xa đánh bắt cá.

Theo nghề biển tuổi lên 10

Sinh ra trong một gia đình truyền thống nghề biển, rất đông anh em. Từ nhỏ cô bé Dạnh rất lanh lợi, chẳng chịu ngồi yên một chỗ, như con “rái cá” dưới nước vậy. Suốt ngày chỉ thích bơi lặn ở ngoài sông vắng. “Cái nghiệp biển giã đến với tui như định mệnh mà ông trời sắp đặt. Từ nhỏ tui đã có thể bơi được 500m sông ngon lành, chẳng biết sợ sệt là chi. Năm 10 tuổi, tui đã tập làm quen với nghề biển, dần rồi quen với sóng biển, sau đó theo bố dong thuyền ra đảo Cồn Cỏ bủa lưới bắt cá ngừ. Hồi ấy cá nhiều lắm, các thợ câu chỉ cần chặt cành tre ra cắm giữa biển đợi đến khi rong rêu mọc đầy, cá từ đâu tìm đến ăn rêu đen dày cả vạt biển. Thợ câu đến nỗi chán chê chẳng muốn giật cần nữa…”, bà Dạnh nhớ lại.

Lớn lên, bà Dạnh cùng gia đình chạy giặc vào Huế, rồi vừa buôn cá vừa xin các tàu ra biển để câu cá hố và mực. Đến năm 1973, bà tìm đường trở lại quê nhà tham gia đội dân quân du kích xã... Thời gian này, những lúc rảnh bà vẫn thường xuyên theo các đội thuyền đi biển. Ít năm sau, “túi bom” nơi Dốc Miếu yên ắng trở lại, bà Dạnh về “kết tóc xe duyên” với một người đàn ông cũng là dân biển rồi từ đó cùng nhau ra đảo Cồn Cỏ đánh cá. Những ngày ấy, mỗi chuyến biển vợ chồng bà Dạnh chỉ đi trong 2 - 3 ngày là tàu về đã ăm ắp cá, mực. Những khi biển động, con thuyền nhỏ tròng trành giữa biển lớn, vợ chồng bà quay thuyền trở lại đảo Cồn Cỏ để trú tạm. Trong ký ức bà Dạnh, đảo Cồn Cỏ ngày ấy hoang vắng và rậm rịt lắm. “Vài năm sau đó tại đảo xuất hiện một con tàu du lịch, không biết vì lý do gì mà con tàu bị bỏ không, hai vợ chồng tui lấy đó để làm nơi trú ngụ mỗi khi biển có gió mạnh hoặc trở động”, bà Dạnh kể.  

Nỗi nhớ biển khơi

Không chỉ bà Dạnh, tại cảng Cửa Việt thời trước có rất nhiều người phụ nữ đi biển xa. Như lời bà Dạnh thì trong gia đình bà có 4 chị em gái, đều theo cha đi biển xa từ lúc còn nhỏ. “Thời ấy khó khăn lắm, gia đình nào cũng thi nhau sinh con, sinh càng nhiều con càng tốt, cho đủ đội quân đi biển luôn. Đàn bà cũng như đàn ông, tay lái, tay chèo ra biển như nhau hết”, bà Dạnh kể tiếp.

Ông Trần Xuân Thu (63 tuổi, chồng bà Dạnh) nói: “Nay tàu lớn và còn gắn máy hàng trăm CV nữa, chứ trước tàu còn rất nhỏ, chèo bằng tay chỉ rộng 2,5m, dài 12-13m trong đó có 4 - 5 người đi biển, cả đàn ông lẫn đàn bà. Với lại, đàn bà họ khéo tay, lanh lợi nên làm nghề rất nhanh, chịu thương chịu khó lắm…”.

Trời đất có 4 mùa thì biển theo đó mà sinh sôi những mùa cá khác nhau. Bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6 bà Dạnh cùng đội tàu dong thuyền ra khơi xa săn loài cá chuồn bay, cá lẹp và câu cá hố, mực nang... Đến tháng 8 quay lại ven bờ hành nghề cá nổi, dạ ruốc... Có những hôm đang đi săn loài cá chuồn bay giữa biển, chợt thuyền bà Dạnh đụng phải một con cá mập lớn. Cá mập lượn lờ quanh con thuyền, rồi liên tục thúc mạnh vào mạn, khiến thuyền chếnh choáng. Bình tĩnh, bà Dạnh vẫn giữ chặt tay lái để con thuyền vững vàng trên sóng. Cá trêu đùa mệt, sau đó bị mỏ neo gạt nhằm, bị đau mà bơi mất hút để lại vệt máu lan dài trên mặt biển... Dù đã quá tuổi 60 nhưng bà Dạnh vẫn đều đặn theo chồng, các con trai ra khơi đánh bắt. Bà Dạnh tâm sự: “Thời gian vừa rồi do sự cố môi trường biển nên con cá cũng ít dần đi, người hành nghề biển như chúng tôi thấy buồn thay biển. Có giai đoạn cả tháng trời nghỉ biển, cứ ra trông lại vào ngóng. Xem biển đã “khỏe” lại chưa, để được dong thuyền ra khơi. Thấy đầu năm biển dần hồi sinh, con cá trở về nhiều, tui mừng lắm!”.

Mấy ngày nay nghe tin nhiều ngư dân xã Gio Việt (Gio Linh) ra khơi đánh bắt và trúng đậm mẻ cá bè hàng trăm tấn ở đảo Cồn Cỏ, lòng dạ bà Dạnh thấy khấp khởi hẳn lên. Vừa như mừng cho người và mừng cho biển chóng hồi sinh. “Đi được biển đều đặn thì khỏe trong người, quanh năm chẳng đau ốm gì. Nay già rồi, các con khuyên mẹ nên ở nhà. Nhưng sinh ra đã thấy biển hồ, quanh năm quay theo đuôi con cá quen rồi, giờ còn sức thì cứ đi, ở nhà thì nhớ lắm…”.

Lạ thay, ở nơi cửa biển đầu chân cát ấy còn có rất nhiều người phụ nữ lựa chọn gắn cuộc đời theo muôn vàn sóng. Với họ, nơi bao la biển lớn lại là nơi để họ hồn nhiên hát khúc tự tình. Trong những đội nữ “đạp” sóng ra khơi ngày ấy tại cảng Cửa Việt, hôm nay còn lại một số người vẫn say sưa khi nhắc đến biển hồ. Qua câu chuyện của nữ “rái cá” Lê Thị Dạnh, chúng tôi có thể mường tượng ra một làng biển hừng hực khí thế năm xưa nơi Cửa Việt.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.