Chùa Non Nước đẹp thanh nhã quanh năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, chùa Non Nước (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) còn là không gian thanh nhã giữa khung cảnh bao la, hùng vĩ của núi non trùng điệp và hồ nước xanh trong.
 

Băng qua đền Sóc, con đường bậc thang nhỏ thấp thoáng giữa rừng thông dẫn lên chùa cảnh đẹp như mơ.
 

Chùa Non Nước vốn có tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc ở độ cao hơn 110m so với chân núi.
 

Theo truyền thuyết, sau khi dẹp giặc Ân, trên đường về núi Sóc, Thánh Gióng đã dừng chân tại đây và xuống tắm ở hồ Tây. Khi lên đường, ngài để quên chiếc roi sắt bị gãy trong chiến trận. Vì thế, người dân lập đền thờ ở đây.
 

Trong cuốn “Thiền Uyển Tập Anh” và “Đại Việt Sử ký toàn thư” ghi rất rõ: Vị thiền sư đầu tiên trụ trì Sóc Thiên Vương Thiền Tự tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Đó là vị thiền sư đầu tiên được nhà nước phong kiến của Việt Nam phong tặng danh hiệu Quốc sư.
 

Lịch sử ghi nhận vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam.
 

Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Đinh - Lê - Lý). Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, Sóc Thiên Vương Thiền Tự đã bị chôn vùi hoàn toàn.
 

Sau khi nền chùa cũ được phát hiện, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã cho xây dựng lại ngôi chùa bằng tiền của các tăng ni phật tử và thiện nam tín nữ quyên góp. Chùa được xây dựng trên nền đất cũ, thuộc sườn núi Non, phía Nam núi Nhà Bia.
 

Tòa chánh điện có diện tích 260m2, cao 14m. Để xứng với vai trò ngôi chùa di tích của đất địa linh và là chốn Tổ đình xa xưa, công trình này đã sử dụng 30 tấn đồng đúc tượng, 600m3 gỗ lim, 30m3 đá xanh.
 

Đặc biệt, trong chính điện, có tới 80 cột lim có chiều dài khoảng 13m, đường kính mỗi cây khoảng 35cm. Đây cũng là ngôi chùa có số cột gỗ lim trong chính điện nhiều nhất nước ta.
 

Trước đó, năm 2000, Đại đức Thích Thanh Quyết đã cho đúc pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Bảo tượng được nghệ nhân Vũ Duy Thuấn thực hiện tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
 

Tượng được thực hiện trong vòng 18 tháng với trọng lượng 20 tấn đồng đỏ đúc liền khối, đài sen cũng bằng đồng đúc liền khối với trọng lượng 10 tấn.
 

Tượng có chiều cao 5,3m; đài sen cao 1,35m; bệ đá cao 1,75m. Nếu tính cả bệ đá thì Đại tượng có chiều cao 8,4m. Năm 2003, được đánh giá là một công trình nghệ thuật xuất sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của nước ta.
 

Vãn cảnh chùa, khách thập phương sẽ được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ giữ lưng chừng núi. Nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, chùa Non Nước tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước và những xóm làng trù phú của huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
 

Theo thuyết phong thủy, nơi đây được xây dựng trên thế long chầu hổ phục, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có đến hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi năm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng…
 

Ngày nay, ngoài đền Sóc, bên cạnh chùa Non Nước còn có học viện Phật giáo Việt Nam và tượng đài Thánh Gióng. Đây đều là những công trình có kiến trúc độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Nhờ đó, ngày càng có nhiều du khách tới hành hương, vãn cảnh chùa Non Nước và huyện Sóc Sơn.

Theo KTDT

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...