Về nơi nắng lửa, dân nghèo…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe tôi muốn “bám càng” theo lên huyện mới Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum), bạn tôi cười khẩy: “Chỉ có nắng và nghèo. Ông thích thì lên…”. Biết  bạn có tật hay nói quá, tôi đành lặng im cho được việc. Lại nghĩ thầm: “Nếu đó là sự thật thì cũng là điều tôi muốn biết…”.

Bây giờ thì tôi đã phải tin điều bạn mình nói về cái nắng ác nghiệt của vùng đất Ia H’Drai. Thực ra thì dải vòng cung biên giới với Campuchia đầu mùa mưa đâu cũng nóng. Từng nếm cái nóng như quạt lửa ở Ia Mơr (huyện Chư Prông), từng đinh ninh rằng đấy là một kỷ lục, vậy mà so với vùng đất Ia H’Drai này xem ra chưa thấm vào đâu… Có cảm giác nắng chảy thành sợi, đan thành một tấm lưới sắt nung đỏ rồi quấn riết lấy da thịt mình… Tháng 3 là tháng nóng khủng khiếp nhất. Nhiệt độ nhiều ngày cứ đều đều 39-40oC…

 

Một góc xã Ia Tơi, huyện Ia H’Dai.     Ảnh: K.N.B
Một góc xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Ảnh: Internet

Huyện… 3 xã!

Trong tâm thức nhiều người, ngay cả ở Bắc Tây Nguyên này, Ia H’Drai vẫn là một cái tên còn rất xa lạ. Huyện mới thành lập ngày 11-3-2015 tách ra từ huyện Sa Thầy. Thuộc tỉnh Kon Tum nhưng Ia H’Drai lại quen với Gia Lai hơn bởi mọi sự giao thương đều qua ngõ tỉnh này. Chỉ vỏn vẹn có 3 xã nhưng tổng diện tích trên  980 km2 (tỉnh Vĩnh Phúc là 1.370 km2). Với dân số 11.664 người, bình quân phải hơn 0,08 km2 mới có một người dân…

Hẳn sẽ có người đặt câu hỏi: Với dân số ấy, đơn vị hành chính ít ỏi ấy, bộ máy cấp huyện có mấy việc để làm? Thì chính tôi cũng đặt câu hỏi ấy với Phó Chủ tịch UBND huyện-ông Pờ Lý Hải. Ông Hải cho biết: Khối Ủy ban huyện hiện chỉ có 45 người với 6 phòng ban. Tỉnh không cho tuyển thêm biên chế mà chỉ điều chuyển phần dôi dư ở nơi khác đến. Một số phòng ban hiện đang ghép chung… Trước mắt là thế nhưng trụ sở thì hầu hết đã xây rồi. Tất cả đều rất khang trang. Bộ mặt của một trung tâm hành chính đang hình thành nhưng dân thì chưa thấy đâu. Có chăng chỉ lèo tèo vài hàng tạp hóa với mấy quán cơm bụi phục vụ cho dân đến xây dựng công trình. Tình cảnh “trung tâm” Ia H’Drai hiện tại có vẻ chẳng khác mấy những “trung tâm hành chính” của các huyện Ia Pa (Gia Lai) hay Tu Mơ Rông (Kon Tum): Cán bộ cứ cuối ngày hoặc cuối tuần là “vù” về nhà, dân chẳng dám đến bởi biết buôn bán với ai, làm gì để sống…

Tuy nhiên, theo ông Pờ Lý Hải thì dự kiến trong năm nay sẽ tách thêm 3 xã nữa. Ba xã ấy sẽ giãn dân của 3 xã hiện tại, đồng thời “đổ” thêm 130 hộ kinh tế mới. Những hộ trong diện sẽ được cấp 1.000 m2 đất nhà ở cùng với giếng nước, điện, đường… Ngoài ra thì với hơn 24.566 ha cao su của 6 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, năm 2019 bước vào khai thác dự kiến sẽ thu hút khoảng 9.000 lao động nữa… Chẳng biết đến lúc ấy “đất đã lành” để “chim đậu” được chưa, còn bây giờ thì dù trên 90% dân số của huyện là công nhân cao su nhưng gần 55% vẫn thuộc diện nghèo...

Chuyện ở xã “đặc biệt”

Chủ tịch UBND xã Ia Dal Ngụy Đình Phúc dáng thấp đậm, vẻ là một con người trầm tính và đọng nhiều suy nghĩ… “Nếu nói Ia H’Drai là huyện “đặc biệt” nhất nước thì cũng có thể nói Ia Dal là một xã gần như vậy…”-ông Phúc nói và cung cấp cho tôi mấy con số: Có 894 hộ (3.341 nhân khẩu) nhưng diện tích của xã chiếm gần 218 km2 với 47 km đường biên.

Ông Phúc cho biết thêm: “Chỉ từ đầu thôn đến cuối thôn, đi bộ cũng đã mất cả buổi-song đó cũng chưa phải là chuyện đáng nói. Chúng tôi có bao nhiêu dân đó nhưng thành phần bao gồm tới 20 dân tộc. Hầu hết bà con đều từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào. Các công ty ở đây ra tuyển họ làm công nhân. Tiếng là công nhân nhưng đến đất mới lập nghiệp đã hơn 10 năm nay, hơn 74% vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo…”.
 

Đường vào huyện mới Ia H’Drai. Ảnh: K.N.B
Đường vào huyện mới Ia H’Drai. Ảnh: Internet

Điều ông Phúc nói quả là sự bất ngờ với tôi. Nghe Ia Dal là xã “đặc biệt”  tôi đã lặn lội tới đây, hóa ra sự “đặc biệt” ấy là như vậy?  Làm công nhân mà nghèo, sự thể là cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản, công việc chỉ làm cỏ, bón 1-2 đợt phân, vèo cái là hết. Doanh nghiệp trả lương theo việc mà chỉ mấy việc đó, tháng có việc thì cũng  đến 3-4 triệu đồng là kịch…-“Thế bà con không kiếm đất để làm thêm sao?”. Ông Phúc bảo: Bà con không được giao đất bởi đây là đất rừng, đất lâm nghiệp. Họ chỉ tận dụng đầu thừa đuôi thẹo ở đầu lô cao su, bìa rừng trồng ít lúa, mì theo mùa vụ thu nhập có đáng là bao. Năm 2015, tôi về đây nhận công tác, con vật mà cả nước này đi đâu cũng thấy là bò thì xã này chẳng thấy bóng dáng đâu…

Chợt nhớ lúc băng qua lô cao su vào xã, chúng tôi bỗng giật mình vì tiếng chuông reo í eo dưới đám lá khô. Tìm đến, hóa ra là chiếc điện thoại của ai đánh rơi. Vừa lúc “ông chủ” hớt hải chạy tới. Anh là Hà Văn Tình-công nhân cao su. Tình từ Cổ Lũng (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vào lập nghiệp đã được 6 năm rồi. Hỏi làm ăn ra sao, anh lắc đầu: “Chẳng dư được đồng nào, còn không đủ sống nữa là khác”. Chỉ vào 5 con bò đang thả bên vườn cao su, tôi đùa: “Bò cả đàn thế kia, sao bảo không dư đồng nào?”. Anh cười ngượng nghịu: “Vừa mới được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 28 triệu đồng mua đó”…

Bắt qua chuyện sao bà con không vay vốn để phát triển chăn nuôi, ông Phúc như chợt nhớ ra: “Ấy đấy, mấy năm trước dân chúng tôi cũng biết trong hoàn cảnh này thì chỉ phát triển chăn nuôi nhưng mà vốn đâu. Vay thương mại thì ai cho bởi lấy gì mà thế chấp. Từ năm 2015 đến nay may có Ngân hàng Chính sách Xã hội, chúng tôi mới có chút vốn để mở mang sinh kế. Tổng đàn bò, dê của xã hiện đã có 435 con… Thực sự là nếu không có Ngân hàng Chính sách Xã hội, chắc giờ bà con đã bỏ về quê hết…”.

Ngần ấy bò dê, tính ra bình quân mỗi hộ còn chưa được 0,5 con. Quả là vốn liếng quá ư ít ỏi. Dẫu vậy thì cũng là sự đáng mừng cho một lối thoát nghèo. Theo ông Phúc, điều kiện tự nhiên ở đây khá phù hợp với nghề chăn nuôi nên nếu được đáp ứng đủ vốn, dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu. Thực tế là ở xã Ia Tơi đã có hộ ông Đinh Văn Dũng, ông Đinh Văn Phê phất lên từ chăn nuôi với đàn bò cả trăm con. Giúp dân phát triển chăn nuôi cũng là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng. Thật khó mà hình dung được điều gì sẽ xảy ra với vùng đất nắng lửa này nếu người dân vì sinh kế bức bách mà phải phá rừng…

*
Trở lại “trung tâm huyện”  giữa cái nắng vẫn không ngừng quạt lửa, dù đang đói ai cũng muốn thoát nhanh về Gia Lai… Nhìn những chòm cây rừng lả ra vì nắng trong ánh ỏi tiếng ve gào, tôi liên tưởng đến vùng đất Mo Ray giáp giới. Thực ra thì sự khắc nghiệt của vùng đất này cũng chỉ nhỉnh hơn tí chút. Năm 1999, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 tuyển công nhân vào khai phá vùng đất mới. Đối mặt với cảnh tượng mùa mưa đất trời sũng nước, mùa khô nắng bỏng da, ai cũng cho rằng đất này họa chăng chỉ trồng được… cây cột điện và lần lượt bỏ về. Thế nhưng những người bám trụ lại rồi cũng vượt lên sự khắc nghiệt để tạo dựng cuộc sống. 

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.