Tô màu xanh cho đảo đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài công việc là Chủ tịch UBND một huyện đảo đặc biệt nhất cả nước - huyện đảo Trường Sa, anh Bùi Đình Dương còn là một trong những người luôn trăn trở với công cuộc gìn giữ và “tô màu xanh” cho các đảo đá.

Bảo vệ cây di sản

Chính anh Dương là người đã gợi ý cho tôi tìm hiểu về một cây cổ thụ rất đặc biệt ở đảo Nam Yết: cây bàng vuông 7 thân.

Bàng vuông là loại cây chịu được mặn, chịu được nắng gió, nên khá phổ biến trên các đảo nổi trong quần đảo Trường Sa. Nhưng “cụ” bàng vuông ở Nam Yết vẫn hết sức đặc biệt, thoạt nhìn, người ta tưởng đó là một cụm gồm 7 cây mọc thành vòng tròn. Quan sát kỹ mới thấy, ở chính giữa cụm bàng có phần gốc của cây “mẹ”. Trung tá Nguyễn Văn Ký-Chính trị viên phó đảo Nam Yết cho biết, cây bàng vuông có nguồn gốc tự nhiên, là cây thân gỗ rắn chắc, lá hình quạt, xanh thẫm, phiến lá dài đến 40 cm, rộng 20 cm. Phần thân trên của gốc cây cổ đã bị thời tiết, thời gian làm hư hại, nhưng phần gốc vẫn nguyên vẹn với chu vi khoảng 2,4 mét; chu vi của cả 7 thân “con” lên tới 10 mét. Cây cao 15 mét và tán cây có đường kính chừng 18 mét.

Bảy thân cây còn lại đều đang xanh tốt, phát triển bình thường. Với tuổi đời ước khoảng 400 năm, cây bàng vuông này có thể coi là một “nhân chứng xanh” cho lịch sử phát hiện, khai thác, quản lý ổn định đảo Nam Yết và quần đảo Trường Sa từ thời nhà Nguyễn (thế kỷ XVII) đến nay. Cây đang được cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết và huyện đảo Trường Sa chăm sóc, bảo tồn và đề nghị công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Nhưng không có nhiều “báu vật xanh” được thiên nhiên ban tặng như thế ở Trường Sa. Muốn có sự sống của màu xanh ở những đảo đá thiếu nước nhưng thừa nắng và gió, quân dân Trường Sa, ngay cả với sự hỗ trợ hết lòng từ đất mẹ, cũng đang phải kiên trì và kỳ công biết mấy!

 

Cây bàng vuông cổ thụ ở đảo Nam Yết
Cây bàng vuông cổ thụ ở đảo Nam Yết


Từ nhánh rau muống biển đến những bóng cây râm mát


Từng có tới 82 tháng công tác tại 4 đảo lớn nhỏ ở Trường Sa trước khi trở thành Chủ tịch UBND huyện đảo vào năm 2016, anh Bùi Đình Dương đã cất công tìm hiểu kỹ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Trường Sa. Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng này rất khắc nghiệt: nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt; thời tiết diễn biến rất khác với đất liền, một số đảo nổi như Nam Yết, Trường Sa có cát san hô, lẫn phân chim, mùn cây. Một số đảo có nước ngầm như Song Tử Tây, Song Tử Đông, Trường Sa…
Tùy theo từng đảo mà kiên trì cải tạo đất và chọn loại cây phù hợp.

Kể về kinh nghiệm trồng cây trên đảo, anh Dương cho biết, đầu tiên cần phải cải tạo đất bằng cách trồng rau muống biển, một loại cây chịu mặn rất tốt để nhanh chóng phủ xanh đảo, giữ độ ẩm cho đất. Bước thứ 2 là trồng cây bão táp xung quanh đảo. Đây cũng là một loại cây dễ trồng, phát triển tốt vào mùa mưa, có tác dụng che chắn gió. Rồi mới bắt đầu gây dựng vườn rau hoặc trồng cây lớn. Đi qua đảo nào thấy nhiều rau muống biển và cỏ ấu là anh Dương yêu cầu các chiến sĩ thu gom, mang sang các đảo khác để trồng. “Cỏ ấu vừa có sức sống mãnh liệt, lại cho củ bùi, ngon, là món ăn cải thiện khoái khẩu của heo mỗi khi được dịp cho sổ chuồng, dạo đảo. Heo đảo là thực phẩm sạch tươi sống cho quân dân trong mùa mưa bão khi tàu tiếp phẩm khó ra khơi”-anh hồ hởi kể.

Như một lẽ tự nhiên, tâm nguyện “phủ xanh Trường Sa” cũng là mong muốn chung của cán bộ, chiến sĩ và người dân ở các đảo. Trung tá Lê Đức Lượng, đảo Sơn Ca vui vẻ bảo, nếu có dịp đưa con trai ra thăm đảo, anh nhất định sẽ chỉ cho cậu bé cây bàng vuông chính tay anh trồng và chăm sóc trong Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đảo có lệ, mỗi cán bộ chiến sĩ ra đảo đều trồng một cây xanh, tự mình chăm sóc và đến khi rời đảo sẽ trồng thêm một cây nữa, giao lại đồng đội ở lại tiếp tục chăm sóc, để màu xanh cứ thế trường tồn.

Cây chẳng phụ người

Để có một cây xanh khỏe mạnh ở vùng đảo san hô này, sau khi cải tạo đất, vẫn còn nhiều công đoạn phải làm. Các chiến sĩ sẽ đào hố có kích thước 2m x 2m, rồi cho đất và mùn cây xuống hố. Đất được chở từ đất liền ra đảo, nhưng không phải loại nào cũng trồng cây được, mà phải chọn đất phù sa loại 1, mưa xuống vẫn tơi, không nhão nhoét, nắng gắt cũng không bị khô cứng lại như đá. Rồi tận dụng xơ dừa, mùn lá cây để tạo màu cho đất. Lại cũng không phải lá cây gì cũng dùng được. Lá phi lao nhiều tinh dầu, chỉ có thể đốt ra tro chứ không thể để hoai mục bón cây. Phân bón thì dùng loại phân sinh học là tốt hơn cả, phân vô cơ thì phải lựa chọn cẩn thận để không bị chai cứng và bốc mùi dưới ánh nắng gay gắt kéo dài. “Vì thế mà nhiều khi ở đất liền có lòng gửi nhiều phân bón ra đảo, nhưng chúng tôi lại không dùng được, mà xử lý chỗ “rác thải” bất đắc dĩ đó lại rất khó khăn”-anh Dương chia sẻ.

 

Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lớn
Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lớn


Bước tiếp theo là lựa chọn loại cây thích hợp để trồng. Ở Nam Yết có thể trồng cây bàng vuông, cây dừa, đu đủ và cả những cây bàng ta cho trái chín vàng, được lính tráng gọi vui là “xoài đảo”; cây nhàu lấy lá nấu canh, quả, rễ làm thuốc chữa bệnh huyết áp cao…  

Nếu như đảo Song Tử rất thích hợp với cây phong ba, thì đảo Trường Sa dường như lại hợp duyên với cây tra, loại cây có quả chùm khá giống chùm nho, khi chín cũng có màu tím đen, ăn có vị chua ngọt, được gọi là “nho đảo”. Lá non có thể dùng làm rau ghém, vị chát bùi của lá tra “đi” với thịt heo hoặc gỏi cá giúp cho bữa cơm quân dân trên đảo thêm hương vị thơm ngon.

Nhờ thế mà nhiều đảo nổi đã xanh tươi hoa trái. Anh Dương gần như nhớ rõ lai lịch từng gốc cây trên đảo, từ cây bàng vuông cổ thụ ở Nam Yết (đang được đề nghị công nhận là cây di sản), cho đến 3 cây chanh “tổ”, quả sai như chùm nhãn, bao năm qua giúp làm dịu đi cơn khát của lính đảo sau những giờ luyện tập thao trường… Nhiều đảo không thiếu sắc hoa: hoa sứ, hoa chuông vàng, hoa mười giờ, thanh táo tím và dĩ nhiên là hoa giấy nữa, đủ sắc màu rực rỡ. Người lính đảo Sinh Tồn còn khéo léo uốn thép, hàn thành những chiếc xe hoa rất nghệ thuật, cắt tỉa cây, làm non bộ… tạo ra môi trường xanh tươi đẹp đẽ. Ca sĩ Cẩm Tú bảo, cô đã hết sức xúc động khi nhận được cành hoa giấy nhỏ xíu xiu từ tay người lính sau bài hát của mình, món quà tặng lãng mạn và hào phóng giữa biển muôn trùng xanh và nắng rất vàng.

Trường Sa đã xanh và sẽ ngày càng xanh hơn như thế nhé!

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.