Theo dòng sông Ba - Kỳ 5: Báu vật Đồng Cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt hơn 300 km về vùng hạ du, trước khi ra biển, sông Ba đã trở thành báu vật cho một vùng cư dân cả triệu người khi đập Đồng Cam được Pháp xây dựng để lấy nước tưới cho những cánh đồng khô hạn.


Con đập kỳ tích

Hơn 80 năm trôi qua khi con đập được coi là thành quả kinh tế nông nghiệp lớn nhất mà chính quyền thực dân Pháp đã làm được ở miền Nam Trung Bộ, người dân Phú Yên vẫn tự hào khi nhắc đến nó.

 

 Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đak Pak của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt.
Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đak Pak của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt.

Báo cáo về xây dựng đập Đồng Cam từ Sở Thủy nông Đông Dương cho biết công trình này là công lao khổ nhọc của các nhà khoa học, các kỹ thuật viên và đáng nói là của một lượng nhân công người Việt khổng lồ.

Vì sao có đập Đồng Cam? Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ giải thích: “Vì người Pháp thấy cái đồng bằng Tuy Hòa nằm sát con đường lớn của Phú Yên quá rộng lớn nhưng người dân vùng này cứ mãi thiếu đói hạt gạo ăn, trong khi nước sông Đà Rằng (tên gọi sông Ba chảy qua Tuy Hòa) lại không được tận dụng. Không đói sao được khi năng suất ở châu thổ Đà Rằng lúc ấy chỉ có 800kg thóc/ha/vụ?”.

Với quy mô xây một con đập lớn đủ tưới cho hàng vạn hecta ruộng, lại chặn dòng một sông lớn như sông Ba phải có nguồn kinh phí lớn.

Những toan tính xây đập trên sông Ba của Phú Yên được người Pháp hoạch định từ năm 1890 nhưng phải đợi đến năm 1923 mới thực hiện được theo thiết kế của kỹ sư trưởng Lefèvre.

“Người Pháp phải bỏ ra đến 3.651.000 đồng bạc Đông Dương để xây đập Đồng Cam, chưa kể những khoản chi phí cho khảo sát ban đầu, chi phí cho nhân viên, công chức...” - ông Huệ cho biết.

Để thi công cùng lúc vừa đập chính - dài đến 680m trên dòng sông, vừa hai kênh chính Nam và chính Bắc 68km cùng 16 kênh phụ và mương ở hai kênh này với chiều dài 97km cùng các cống vượt qua đường, qua suối chủ yếu dựa vào thủ công cả là một kỳ tích.

Con đập kỳ vĩ có thể đo được, nhưng sẽ không đo được sức lực, mồ hôi nước mắt của con người đổ ra để xây lên nó lúc ấy.

Trong thời gian xây dựng cao điểm (năm 1924-1929), mỗi ngày trên công trường có đến 1.200 nhân công. Những giai đoạn cần tranh thủ làm tối đa mỗi ngày có đến 1.800 - 5.000 người trên công trường.

Để con đập được hoàn thành, đã có nhiều người Việt đã nằm xuống. Trong báo cáo về đập Đồng Cam của người Pháp có ghi tai nạn làm 49 công nhân chết vì lật đò, 2 người chết đuối khi đắp đê tạm, 1 người chết vì bắn đá.

Người Pháp đã xây miếu thờ, lập bia khắc tên những người đã chết vì xả thân cho đập Đồng Cam.

 

Bia kỷ niệm khắc bằng chữ Nho tên 52 người bỏ mình vì tai nạn khi tham gia xây dựng đập Đồng Cam hồi tháng 9-1929.
Bia kỷ niệm khắc bằng chữ Nho tên 52 người bỏ mình vì tai nạn khi tham gia xây dựng đập Đồng Cam hồi tháng 9-1929.

Dòng nước ấm no

Sau hai năm cho dẫn nước thử nghiệm, năm 1933 đập Đồng Cam đã chính thức đưa vào sử dụng, tưới được cho 19.000ha ruộng của Phú Yên.

“Đập Đồng Cam là cuộc đổi đời của người dân Phú Yên. Ấy là họ có được cơm no, có được năm hai mùa lúa, năng suất cao hơn thời ăn nước trời gấp mấy lần - ông Nguyễn Văn Trúc, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, nói - Cũng nhờ vậy mà thời Việt Minh, Phú Yên đã góp lương thực cho Liên khu 5 và cứu đói cho mấy tỉnh lân cận...”.

Theo ông Trúc, thời chiến tranh năm 1951, quân Pháp đã cho một đội quân kéo đến phá hủy đập Đồng Cam.

Nhưng vì thân đập quá kiên cố, quân Pháp đã không đạt được ý đồ. Sau đó, họ cho máy bay ném bom đánh sập hai cầu máng của đập Đồng Cam là cầu máng Đồng Bò ở phía nam và Suối Cái ở phía bắc.

Vì sập cầu máng làm đứt nước tưới lúa nên năm 1952 dân ở đây đói. Đến khoảng đầu năm 1955 hai cầu máng này mới được chính quyền Sài Gòn cho làm lại.

Đập Đồng Cam đã tồn tại qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến nay, sau khi cơi thêm thân đập cao lên, đập Đồng Cam đã cung cấp nước tưới được cho 31.000ha ruộng, xứng danh “báu vật” trên những cánh đồng của tỉnh Phú Yên.

 

Dự án xây dựng đập Đồng Cam chắn ngang sông Ba, nối liền từ Đồng Cam với Quy Hậu, có chiều dài 657 mét.

Đập Đồng Cam được thi công trong những điều kiện kỹ thuật phức tạp vì lũ sông Đà Rằng mỗi năm có thể lên xuống tới 20 lần.

Lưu lượng lũ từ 8.000 - 10.000 m3/giây, có khi lên đến 13.000 m3/giây. Trở lực này là nghiêm trọng nhất, có thể làm đảo lộn bất ngờ mọi kế hoạch của công trường nên không một hãng nào dám mời thầu.

Chính quyền thuộc địa phải thi công theo lối công quản dưới sự điều khiển của hai kỹ sư thượng hạng De Fargue và Machefaux, đập chính được thi công liên tục từ năm 1925 - 1929 mới hoàn thành và từ năm 1933 mới đi vào hoạt động.

Trong bài diễn văn nhân dịp khánh thành hệ thống thủy nông Đồng Cam ngày 7-9-1932, toàn quyền Đông Dương Pasquier đã nhận xét về giá trị công trình này: “Du khách đi theo đường thuộc địa, vừa qua một vùng đất hết sức tốt tươi của xứ Trung Kỳ, một vùng đất mà nước trong lấp lánh khắp nơi giữa các cây hoa màu xanh tốt, không thể tưởng tượng được cảnh đau buồn trước đây của đồng bằng Tuy Hòa, thường sáu tháng trong một năm biến thành vùng thảo nguyên khô cằn, bị mặt trời thiêu cháy và bão cát đè lên” (dẫn theo Bộ Thủy lợi 1981 và Sở Thủy lợi Phú Yên 1990).

Đập Đồng Cam nằm cách trụ sở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) bên quốc lộ 25 theo con đường nhỏ về phía nam chừng 2 km.

Một kiến trúc toàn đá granite chẻ lục giác với kích cỡ nhỏ được gắn kết với ximăng. Đẹp lạ thường. Mặt trên của tất thảy những bờ ngăn của đập - cũng là những lối đi, dù không tô trát nhưng mặt đá vẫn bằng như mạch cắt. Kiến trúc Đồng Cam khiêm tốn nhưng chứng tỏ được cái hùng vĩ nhân tạo của con người trước thiên nhiên.

Qua cây cầu Đà Rằng dài trên 1.500m bắc qua sông Ba tại thành phố Tuy Hòa, dòng nước phù sa luôn cuồn cuộn chảy vào mùa mưa để đổ về biển rộng.

“Đoạn sông Ba từ dưới đập Đồng Cam xuống đến cửa biển dài trên 30km, người Phú Yên mình quen gọi là sông Đà Rằng. Còn cửa biển thì có người gọi là cửa Đà Rằng, có người gọi cửa Đà Diễn. Nhưng gọi là vậy chứ bà con ai cũng biết Đà Rằng là sông Ba; Đà Rằng, Đà Diễn đều là cửa ra biển của sông Ba...” - ông Trần Sĩ Huệ dẫn giải.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.