Sống trên đỉnh núi - Kỳ 5: Tập tục kéo vợ của người Mông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong những ngày đầu năm mới, nhất là dịp lễ hội mùa xuân, những con lộ đầu bản ngoằn ngoèo quanh núi đá xám ngắt chính là nơi dập dìu những chàng trai và cô gái người Mông.


Đó cũng chính là nơi các chàng trai, cô gái khởi đầu câu chuyện kết duyên trăm năm với tập tục kéo vợ.

Chẳng cần ý kiến nhà gái

Trong một “pháo đài đá” chênh vênh trên triền núi đá của thôn Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), Mùa Thị Mái đang ôm đứa con nhỏ nhìn về vực thẳm hun hút, nơi con sông Nho Quế nằm sâu giữa hai dãy núi sừng sững.

 

Các cô gái Mông dập dìu đi chợ tình Khâu Vai tháng 4-2017 để có người kéo về làm vợ.
Các cô gái Mông dập dìu đi chợ tình Khâu Vai tháng 4-2017 để có người kéo về làm vợ.

Năm năm trước, khi mới 17 tuổi, Mái xúng xính trong áo váy đẹp nhất một mình sang Mã Pì Lèng chơi hội mùa xuân và được Lì Mí Sing kéo về nhà làm vợ.

Thực ra từ trước đó, hai cô cậu này đã có biết về nhau, cũng “ưng cái bụng rồi” nên mới hẹn nhau ở lễ hội mùa xuân để Sing kéo về nhà làm nên vợ chồng.

Sau ba ngày, gia đình Sing cử người sang nhà Mái báo con nhà họ đã được kéo về làm dâu nhà họ Lì rồi và đặt vấn đề thăm hỏi chính thức.

Cho dù có một nghi lễ nho nhỏ diễn ra trong nội bộ gia đình để cặp đôi chính thức kết duyên vợ chồng, nhưng cho đến nay sau hơn 5 năm, bạn bè và dòng họ, cả bản mong chờ mà lễ cưới của họ vẫn chưa diễn ra.

Tương tự, đôi vợ chồng Vừ Mí Tuẩn và Sùng Thị Mai ở xã Lũng Phìn (Đồng Văn) có với nhau đã hai mặt con, đứa lớn lên đến 8 tuổi nhưng vẫn chưa diễn ra lễ cưới.

Trong một phiên chợ đầu xuân ở Lũng Phìn khoảng 10 năm trước, Tuẩn đã kéo Mai (vốn ở xã Vần Chải cùng huyện Đồng Văn) về nhà làm vợ. Nhà Tuẩn cũng sang báo nhà gái sau ba hôm con dâu “làm ma nhà mình”.

Kiểu lấy nhau vài năm, thậm chí có với nhau 2-3 mặt con nhưng chưa tổ chức đám cưới như vậy là chuyện bình thường theo quan niệm người Mông. Họ chỉ tổ chức đám cưới khi có tiền và hội đủ các điều kiện, cho dù gia cảnh vợ chồng, con cái đã đề huề.

Lắm kiểu nên duyên

Cách lấy vợ của người Mông thì nhiều, nhưng ngày nay hầu như chỉ còn tục kéo vợ. Còn tục cướp vợ và bắt vợ đã ít đi, cho dù đây đó thỉnh thoảng vẫn diễn ra.

Dù là kéo, bắt hay là cướp, khi chàng trai đưa được cô gái về nhà mình làm vợ, bố mẹ đều mừng vì con trai lấy được vợ.

 

Dà Mí Mua 26 tuổi đã có ba con, con lớn 10 tuổi đang đi học trường nội trú Pải Lủng, Mèo Vạc. Trong ảnh là vợ chồng anh Mua và hai con nhỏ.
Dà Mí Mua 26 tuổi đã có ba con, con lớn 10 tuổi đang đi học trường nội trú Pải Lủng, Mèo Vạc. Trong ảnh là vợ chồng anh Mua và hai con nhỏ.

Mặc cho nhà gái có đồng ý hay không, cha mẹ nhà trai chỉ cần xoay ba vòng con gà trống trên đầu đôi lứa là cô gái coi như đã “làm ma nhà mình”...

Liên quan đến việc nên vợ nên chồng, những người Mông (trắng) ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc còn có một hình thức tỏ tình khác là... vỗ mông.

Ngày hội vỗ mông diễn ra trên những con đường vào thôn Sảng Chải A, sau những lời chào hỏi và chúc đầu năm khi phải lòng nhau qua ánh mắt, chàng trai vỗ vào mông cô gái như một lời tỏ tình.

Nếu được cô gái đáp trả bằng một cái vỗ mông ngược lại coi như “ok”, họ nhờ mai mối đến để nên duyên chồng vợ. Trong ngày hội vỗ mông này, thay vì vỗ mông trai gái còn cố ý vỗ vào chỗ kín của nhau nhưng không bị coi đó là dung tục...

Cùng với những tập tục lấy nhau thông qua các lễ hội, trong cộng đồng người Mông có nhiều trường hợp đi thách cưới để nhà trai có thêm lao động cho dù chàng trai còn rất nhỏ.

Đó là cặp đôi Dà Mí Mua và Dà Thị Dính ở thôn Mã Pì Lèng. Dà Mí Mua năm nay 26 tuổi, đã có đến ba đứa con, con đầu đã 10 tuổi.

Mua cho biết anh lấy vợ được 12 năm rồi: “Khi đó mình mới 14 tuổi, mấy anh chị lấy chồng lấy vợ hết cả, bố mẹ mình sang Pả Vi cưới vợ cho mình. Khi đó hắn (chỉ người vợ Dà Thị Dính) 19 tuổi, hơn mình 5 tuổi. Nhà mình thách cưới hết một con lợn, mấy can rượu, tiền và bộ quần áo lanh. Vậy là hắn về làm vợ mình, làm việc cho nhà mình!”.

Hệ lụy

Thực ra, tục kéo vợ cũng để lại một số hệ lụy mà phần lớn rơi vào trường hợp kéo nhau về quá sớm, chưa tìm hiểu rõ nhau.

Chỉ qua ánh mắt, nụ cười, thậm chí một điệu khèn hay... một phát vỗ mông rồi nên duyên, mọi chuyện diễn ra chóng vánh quá, dẫn đến những bi kịch gia đình trẻ thường xảy ra mà phía nhận lãnh không ai khác là phụ nữ.

Trong lịch sử dân tộc Mông có rất nhiều trường hợp làm dâu chưa lâu đã tìm đến giải thoát bằng lá ngón.

 

Trong tập tục của dân tộc Mông, các nhà nghiên cứu ghi nhận có ba hình thức lấy vợ, đó là kéo vợ, cướp vợ và bắt vợ.

Với kéo vợ, đôi trai gái thường đã ưng ý nhau từ trước, họ hẹn nhau tại một điểm đông người, chủ yếu vào ngày hội đầu năm để chàng trai kéo cô gái về nhà. Bắt vợ thì chàng trai dù không được bên gái đồng ý vẫn bắt cô gái về làm vợ và chấp nhận thách cưới cao.

Còn cướp vợ thì đằng gái đã đính ước hoặc đã có chồng nhưng vì thích, chàng trai vẫn tổ chức cướp hoặc dụ dỗ cô gái theo mình, trở thành nguyên nhân cho nhiều mối bi kịch diễn ra...

Ghi nhận gần đây của cơ quan chức năng, nhiều cô gái về làm dâu chưa lâu đã bỏ đi vì không phù hợp, nảy sinh nhiều bất đồng, khiến nhà trai phải huy động người đi bắt 
trở lại...

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tiếng hát làm dâu lại trở thành một trong năm tiếng hát chính của kho tàng văn nghệ dân gian Mông, với những câu ca thấm đẫm tiếng lòng và day dứt đến lạ lùng.

Chẳng hạn như: “Năm nay em đi làm dâu/Thân khác gì trâu măng đeo ách”; “Chỉ có chết thân hóa làm con ve lột xác/Chỉ có chết thân mới như trâu măng thoát ách/Chỉ có chết mình biến làm con ve lột xác/Chỉ có chết mình mới như trâu măng tuột sẹo”; “Chết được thì con chết ngay/Để đi tìm chồng khác mới quên nổi con đường này nắng bỏng”.

Hay như: “Con đi, tốt thì con ở/Không tốt con ngắt lá ngón liều thân/Chịu cùng lá chết đi, biến đi/Con đi, tốt thì con sống/Không tốt con ngắt lá ngón liều mình/Chịu cùng lá nát tan mất đi”...

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).