Nơi đầu nguồn con nước sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát nguồn từ dãy núi Ngọc Rô có độ cao 1.549 mét nằm ở mạn đông bắc tỉnh Kon Tum rồi chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, với chiều dài 374 km, sông Ba là con sông nội địa dài nhất ở miền Trung.

Nơi đây chứa đựng những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của cư dân hai miền xuôi - ngược trong lưu vực hàng bao đời nay.

 

Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đak Pak của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt.
Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đak Pak của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt.

Chúng tôi đã hành trình theo cuộc sống dọc sông Ba từ đầu nguồn đến cửa biển...

Rừng đại ngàn ngút mắt. Những dãy núi cao chạm mây trời. Sương mù giăng phủ buôn làng lúc sớm mai, xế chiều.

Chúng tôi không biết đâu là đỉnh Ngọc Rô khi đứng giữa “biển” núi với rừng già che phủ nơi giáp ranh Kon Tum - Gia Lai, nhưng thật dễ nhận ra sự giao hòa thân thiện giữa đại ngàn và buôn làng khi giữa núi rừng là những lũng ruộng ăm ắp nước.

Trải qua bao tang thương, thật đáng mừng khi được thấy những cư dân Mơ Nâm, Ba Na vẫn giữ được hai chữ “rừng già” cho đầu nguồn sông Ba...

Đak Pak, đầu nguồn của người Mơ Nâm

Chúng tôi đến huyện Kon Plong, nhờ cư dân ở vùng Đông Bắc Kon Tum này chỉ cho đầu nguồn sông Ba.

“Nguồn sông Ba nằm ở làng Kon Plong của xã Hiếu. Xã này rất rộng, có rất nhiều con nước nhưng đều đổ về sông Re, chỉ có một dòng nhỏ nằm chệch bên trên làng Kon Plong là chảy vào suối Đak Rông của xã Đak Rông thuộc huyện K’bang, tỉnh Gia Lai, là xã giáp giới với xã Hiếu” - một chuyên viên phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kon Plong cho biết.

Còn trưởng thôn Kon Plong là A Triết cũng như già làng A Bầnh thì biết con suối chảy ra từ dãy núi cao của quê mình là “cái đầu” của sông Ba.

“Nó là cái nước Đak Pak của làng mình đó. Nó chảy vòng qua mấy cái núi rồi mới đổ vào cái nước Đak Rông của K’bang. Hồi trước người làng Kon Plong mình sống theo cái nước Đak Pak ở sâu trong núi. Từ chỗ mình ngồi đây muốn tới Đak Pak phải đi bộ hơn một buổi”, họ nói.

 

Già làng Kon Plong A Bầnh (và trưởng thôn Kon Plong A Triết) người Mơ-nâm.
Già làng Kon Plong A Bầnh (và trưởng thôn Kon Plong A Triết) người Mơ-nâm.

Làng Kon Plong mới hiện nay nằm sát bên đường Đông Trường Sơn, cách làng Kon Plong cũ thời xưa khoảng 20 km về hướng Đông, cách thị trấn Măng Đen của huyện Kon Plong 27 km về hướng Nam, theo quốc lộ 24.

Không biết tuổi mình, già làng Bầnh nói ông chỉ nhớ hồi người Pháp đóng đồn ở làng Vi Glong bên cây cầu Đak Sơ Rơk thì ông mới 12-13 tuổi, đã đến đó “coi những người lính có cái mũi dài, mắt xanh, có cái súng “mách” bỏ đạn viên một” - ông nói chậm bằng tiếng miền xuôi.

Hỏi về núi Ngọc Rô (Ngok Roo), vị già làng mang vẻ đẹp đặc trưng của một đại lão vùng cao trải nhiều gian lao lại phải nói bằng tiếng Mơ Nâm để trưởng thôn Triết phiên dịch: “Mình chỉ biết cái núi Cuông Rua thôi.

Cái nước Đak Pak chảy ra từ cái núi Cuông Rua đó mà”. Người Mơ Nâm gọi núi là cuông và rô (roo) là rua nghĩa là núi Rô, tức Ngọc Rô.

Làng Kon Plong đang vào vụ cấy. Ngôi nhà đầm (loại nhà tạm làm bên ruộng/rẫy để ở khi làm mùa) của già Bầnh bên khu ruộng nước lọt thỏm giữa bốn bề rừng già trông bớt cô quạnh nhờ đám thợ cấy đang cấy giúp cho ông.

Già Bầnh cho hay người Mơ Nâm ở đây đã biết làm lúa nước từ lâu đời, trai gái đều cấy giỏi, có nhiều trai làng cấy giỏi hơn cả phụ nữ.

Đến thời Pháp thuộc ông đã thấy những khu ruộng nước đứng sát chân rừng già, nhà nào cũng làm lúa nước, chỉ làm một ít rẫy để trồng bắp ăn thêm, gạo không thiếu nhiều mà chỉ có thiếu muối. “Có hạt thóc lúa nước cho no bụng thì phải biết quý rừng.

 

Đầu nguồn sông Ba đoạn ở làng Kon Pông thuộc xã Đak Rông.
Đầu nguồn sông Ba đoạn ở làng Kon Pông thuộc xã Đak Rông.

Vì có rừng mới có nước” - già làng Bầnh giải thích. Và đó là câu trả lời cho việc giữ rừng nghiêm ngặt của cư dân nơi vùng đất mà rừng già đứng sát bên mép ruộng, sát bên lối đi, sát bên buôn làng.

Đak Rông - đầu nguồn của người Bahnar

Khó nói hết cái mênh mông, hùng vĩ của những vùng rừng nguyên sinh nối tiếp nhau từ xã Hiếu đến hết Đak Rông - xã địa đầu phía bắc của huyện K’bang, nằm hai bên đường Đông Trường Sơn suốt chiều dài gần 40 km.

Làng Kon Pông của xã Đak Rông - cũng như làng Kon Plong của xã Hiếu, là tên làng cũ được giữ đến nay khi đa số làng cũ trong vùng được thay bằng tên mới - là ngôi làng đầu tiên mà con nước Đak Rông vốn cũng phát sinh từ hệ núi Ngọc Rô chảy ngang qua.

Đak Rông cũng là một đầu nguồn của sông Ba, tên con nước đã được dùng đặt tên xã.

 

Không dời làng như người Mơ Nâm ở làng Kon Plong, người Ba Na ở Kon Pông bao đời nay vẫn sống kề con nước Đak Rông của mình.

Từ nguồn nước dồi dào, từ những lũng hẹp xen kề bên những quả núi đứng theo hình bát úp, cũng như những người anh em Mơ Nâm ở kề bên, người Bahnar ở đây đã sớm biết làm ruộng nước.

Và điều đặc biệt, người Bahnar ở Kon Pông, tựa như người miền xuôi, đã biết cùng nhau làm lễ cúng cầu mưa khi hạn hán.

“Lễ cúng là con gà trắng, con dê, con heo, đặt dưới cái thác Lung bên suối Đak Rông mà cúng. Lại đan hình con ó bằng nan treo chỗ đoạn nước to dưới thác để làm phép. Nhiều lần cúng xong đến tối thì có mưa, linh thiêng thiệt đó...” - già làng Thanh kể.

Con nước Đak Pak len mình qua những phần rừng thuộc làng Kon Plong theo hướng Nam, qua các làng Kon Trang 1, Kon Trang 2 của xã Đak Rông và chảy thêm một đoạn dài chừng 15 km nữa rồi nhập vào con nước Đak Rông ở đoạn giữa hai làng Kon Lanh 1 và Kon Lanh 2, nơi cách trụ sở xã Đak Rông chừng 2 km về hướng Nam.

Làng Kon Pông cách trụ sở xã Đak Rông chừng 20 km về hướng Tây Bắc, cũng nằm dưới bóng phủ của hệ rừng già Ngọc Rô. Già làng Kon Pông Đinh Văn Thanh cho rằng từ làng ông vào chỗ đầu con nước ở sâu trên núi cao chắc phải hơn một buổi.

“Đak là nước, là cái suối, cái sông, còn rông là lớn. Người Bahnar ở đây thấy cái con nước chảy qua đất mình to hơn mấy cái con nước khác nên gọi nó là Đak Rông, suối Đak Rông.

Thời cán bộ cách mạng đến đây hoạt động, lâu lắm rồi, họ gọi cái suối Đak Rông ở đây là sông Ba. Nhưng người Bahnar mình ở đây chỉ quen gọi nó là nước Đak Rông, suối Đak Rông thôi...” - vẫn vị già làng, cựu chiến binh 85 tuổi, giải thích.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).