Độc đáo "Đũa cau rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đũa được làm từ cây cau rừng (có tên là nang rưng) ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh từ lâu đã trở thành thương hiệu của địa phương. Đây là một sản phẩm độc đáo của người dân mà không ở đâu có được. “Đũa cau rừng” vì nhiều lý do gần như đã rơi vào quên lãng nay đang dần được khôi phục.  

Thoát nghèo từ cây cau rừng

Trong ký ức của tôi, làng nghề làm đũa ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một ngôi làng nằm ngay cạnh ga xe lửa Bắc - Nam. Gọi là làng đấy, nhưng thực chất chỉ có một phần của làng theo nghề làm đũa mà thôi. Mỗi lần được mẹ giao đi chợ qua đấy, thể nào tôi cũng đi chầm chậm để được xem cách bào, cách gọt đũa nhanh thoăn thoắt của các bà, các chị nơi đây. Nghề sản xuất đũa nơi đây đã có từ lâu, rồi người ta quên lãng và giờ đây tiếp tục phát triển trở lại mấy năm nay. Thời gian tuy chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định sản phẩm của người dân Phúc Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Đoàn Văn Hải lấy nghề vót đũa làm nghề chính của gia đình. Ảnh: Mai Ka
Nhiều gia đình lấy nghề vót đũa làm nghề chính. Ảnh: Mai Ka

Điều đặc biệt làm nên sự độc đáo của làng nghề không nơi nào có được, đó là đũa được làm bằng cây cau rừng, gọi là cau nang rưng. Là loại cau mà chỉ mỗi ở xứ rừng núi này mới có. Đũa cau nang rưng tuy không thật sự tinh xảo và khá là đơn điệu về kiểu dáng nhưng độ bền, độ bóng của sản phẩm thể hiện được sự cần cù cũng như sự khéo léo của đôi bàn tay, khối óc của người dân Phúc Trạch.

Khởi điểm cho làng đó là hộ gia đình ông Chiên bà Thanh ở xóm 3- xã Phúc Trạch. Gia đình bà Thanh lấy cau vót đũa bán. Lúc đầu cũng ít người ưa chuộng nhưng có lẽ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nên sản phẩm đũa cau rừng dần được nhiều người tìm đến. Thấy hộ gia đình ông Chiên, bà Thanh dần thay đổi được cuộc sống nhờ vào cây cau nang rưng ở rừng, từ đó các hộ dân xung quanh cũng học hỏi kinh nghiệm của bà để sản xuất đũa. Lúc đầu thì chỉ có vài hộ, rồi thấy hiệu quả nên truyền tay nhau bây giờ đã có rất nhiều người nơi đây thay đổi được cuộc sống nhờ nghề vót đũa.

một trong những công đoạn để sản xuất đũa cau. Ảnh: Mai Ka
Một trong những công đoạn để sản xuất đũa cau. Ảnh: Mai Ka

Bà Thanh vừa mời chúng tôi bát nước chè xanh vừa lấy tà áo lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, bà tâm sự: “Ở làng quê nghèo này, ngoài đồng ruộng và những gánh củi trên rừng thì thật sự chúng tôi cũng không biết làm gì ra tiền để có thể nuôi các con ăn học và chu cấp cho sinh hoạt gia đình. Từ khi biết lấy cây cau nang rưng ở rừng về làm đũa bán, thú thực kinh tế gia đình cũng đỡ hơn nhiều. Ban đầu còn gặp hơi nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng giờ thì đỡ hơn nhiều. Bởi chất lượng sản phẩm được truyền xa nên mọi người ai cũng tìm đến mua”. Bà Thanh cho biết thêm, khi mới bắt đầu với nghề, mọi người chủ yếu dùng dao để vót đũa nên sản phẩm làm ra không được trơn và đều. Hơn nữa lại hạn chế về số lượng. Từ đó, mọi người cũng đã nghĩ ra cách dùng bào để thay thế cho việc vót bằng dao, nên sản phẩm ra đời đều hơn. Sau đó, đũa được mang đi chà với lá chuối khô để được mịn và trơn hơn.

Ông Trần Văn Hành hăng say chẻ cau. Ảnh: Mai Ka
Ông Trần Văn Hành hăng say chẻ cau. Ảnh: Mai Ka

Cùng với hộ gia đình bà Thanh, hộ gia đình ông Trần Văn Hành cũng theo nghề làm đũa hơn 10 năm nay. Đi từ những cái khó đến những cái dễ. Bàn tay con người cứ chịu khó miệt mài sản xuất rồi kết quả đã mỉm cười với những người dân nơi đây. Trong khi đồng ruộng chỉ ăn theo mùa vụ thì ngược lại nghề làm đũa lại quanh năm. Một điều quan trọng là ở trong giai đoạn thị trường đang tràn ngập những hoá chất gây mất an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng thì đũa cau lại là một trong những giải pháp lựa chọn rất đáng tin cậy. Như với hộ gia đình ông Hành thì bây giờ đã lấy nghề vót đũa làm chủ đạo chính trong gia đình. Thu nhập một tháng của cả gia đình ông cũng trung bình từ 6-8 triệu đồng. Cũng từ nghề này mà gia đình ông đã nuôi được năm đứa con ăn học Đại học. Đũa cau không chỉ được người dân ưa thích mua về sử dụng mà nhiều người còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước. Với những dịp cuối năm nhu cầu về đũa cau lại càng cao. Khách hàng phải đến để đặt trước thì mới có được. Thậm chí, nhiều gia đình phải tranh thủ làm thêm cả ban đêm vẫn không đủ đũa giao cho khách hàng.

Hướng đi còn nhiều gập ghềnh

Đối với nghề làm đũa, cái cơ bản nhất là yêu cầu phải có cây cau rừng, và yêu cầu cau phải già trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 20 - 30cm, cao trung bình 7m. Chỉ có 2m cau gốc mới sử dụng vót  được đũa. Vì sự chọn lọc khá kỹ càng đó nên cau càng ngày càng hiếm. Bây giờ để đi lấy cau thì người dân phải đến các vùng rừng của huyện lân cận như Vũ Quang, Hương Sơn. Mỗi chuyến đi phải mất 3 ngày may ra mới được một bó khoảng 20 đoạn (mỗi đoạn 2m). Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua các công đoạn: cắt, chẻ, đẽo, bào phả, bào trau, mít, chà, phơi. Trong đó bào trau là công đoạn quyết định của sản phẩm. Nếu gặp thời tiết mưa nhiều thì phải sấy đũa bằng than vì đũa khô thì mới không bị mốc.

Cây cau rừng ngày càng khan hiếm. Ảnh: Mai Ka
Cây cau rừng ngày càng khan hiếm. Ảnh: Mai Ka

Rõ ràng trong cơ chế thị trường hiện nay thì làm bất kỳ mặt hàng gì thì bao giờ người sản xuất cũng phải lấy chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu. Chẳng ai dạy cho những người làng đũa Phúc Trạch biết thế nào là thị trường hay không thị trường nhưng họ biết chắc một điều nếu muốn sống được bằng nghề thì hàng hóa của họ làm ra phải đạt chất lượng và phải biết giử uy tín với bạn hàng. Phát triển nhanh là thế nhưng nghề làm đũa ở Phúc Trạch cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Hành chia sẻ: “Giá cau càng ngày càng cao và nguồn cung cấp lại khan hiếm. Chúng tôi không thể dùng cau non kém chất lượng để làm đũa vì sẽ không đảm bảo. Hơn nữa thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa thực sự được quan tâm. Đây thực sự là thách thức với người làm đũa”. Những hộ sản xuất đũa ở đây vẫn miệt mài đi bán những bó đũa cau “nang rưng” trên mảnh đất quê hương mình. Thông qua những chuyến tàu dừng tại ga Phúc Trạch, bà Thanh, ông Hành cũng như bao người dân khác đều mong muốn những chuyến tàu sẽ mang đũa cau “nang rưng” đi đến nhiều nơi, hiện diện trên các bàn ăn lớn nhỏ của ba miền đất nước.

 Đũa cau nang rưng không thật sự tinh xảo nhưng độ bền, độ bóng rất khác biệt. Ảnh: Mai Ka
Đũa cau nang rưng không thật sự tinh xảo nhưng độ bền, độ bóng rất khác biệt. Ảnh: Mai Ka

Rời xóm đũa Phúc Trạch lúc trời sập tối, nghe tiếng nói cười của những bà, những cô thôn nữ hòa vào tiếng bào đũa gấp gáp, đều đặn, lại thấy mừng vì người dân ở đây luôn nặng tình, biết trân trọng, bảo tồn và phát huy những gì đẹp đẽ, thanh cao của quê hương.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.