Đến Trường Sa như trở về nhà - bài 1: Chuyện của những lính trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi thấy mình là một phụ nữ may mắn vì được đi công tác Trường Sa lần này, bởi từ lâu tôi khát khao được một lần đến với mảnh đất thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, thực sự tôi thấy như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình.

“Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”

Chúng tôi có mặt tại cảng Cát Lái thuộc Lữ đoàn 125 từ rạng sáng. Nhìn ra bến cảng, con tàu mang số hiệu KN 491 đã đứng lừng lững chờ đón đoàn công tác của chúng tôi.

 

Chiến sẽ trẻ đang làm nhiệm vụ trực gác tại đảo Đá Lớn B. Ảnh: Thanh Hà
Chiến sẽ trẻ đang làm nhiệm vụ trực gác tại đảo Đá Lớn B.


Ngày đầu khá bình yên. Đến ngày thứ 2, tàu chở đoàn công tác gặp phải gió cấp 5, có lúc lên cấp 6, sóng biển cấp 3. Mặc dù thủy thủ đoàn đã cố gắng cho tàu đi chếch sóng 60 độ để giảm lắc nhưng con tàu vẫn chao đảo và nghiêng ngả. Đồ đạc trong phòng... trôi tự do.

Cô bạn đồng nghiệp cùng phòng với tôi không chịu nổi đã phải uống thuốc chống say. Bên ngoài hành lang, tổ phục vụ gõ từng phòng để phát túi nylon. Bữa tối của ngày thứ 2, phòng ăn đã vơi đi hơn nửa vì say sóng.

5 giờ sáng ngày thứ 3 lênh đênh trên biển, chúng tôi được đánh thức và thông báo đã đến hòn đảo đầu tiên trong chuyến hải trình-đảo Đá Lớn B.

Bước những bước chân đầu tiên trên đảo, tôi bồi hồi và xúc động. Nhìn ngôi nhà văn hóa đa năng khang trang 3 tầng, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió, giữa biển trời, lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Những người lính đứng nghiêm, xếp thành hàng tay giơ cao chào đoàn công tác số 5. Trông khuôn mặt ai cũng nghiêm nghị, nhưng ngay đằng sau đó, lại là ánh mắt lấp lánh niềm vui khi có người từ trong đất liền ra thăm.

Theo lịch trình của chuyến đi, một ngày chúng tôi sẽ phải dậy từ 5 giờ sáng, và trưa là 13 giờ sẽ xuống canô để lên thăm các đảo. Vì vậy, cứ đến hai mốc giờ đó, loa tại các phòng lại vang lên với nhạc hiệu kèm giọng nói chắc nịch: “Hết giờ nghỉ. Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tuần khiến nó trở thành câu nói “huyền thoại” trong suốt 10 ngày hải trình của chúng tôi...

Những tình cảm quá đỗi chân tình


 

Bước những bước chân đầu tiên trên đảo, tôi bồi hồi và xúc động. Những người lính đứng nghiêm, xếp thành hàng tay giơ cao chào đoàn công tác. Trông khuôn mặt ai cũng nghiêm nghị, nhưng ngay đằng sau đó, lại là ánh mắt lấp lánh niềm vui khi có người từ trong đất liền ra thăm.


Trung úy Phạm Văn Quân, nhân viên báo vụ ở đảo Đá Lớn B chia sẻ, hồi mới ra đảo cũng cảm thấy buồn, bâng khuâng nhớ nhà, nhớ vợ, đặc biệt là nhớ con. Tuy nhiên sau một thời gian sống trên đảo, các anh em chiến sĩ giúp đỡ, quan tâm nên không còn nhớ nhà và đã quen với cuộc sống ngoài đảo. Quân cho hay, anh có người em ruột hiện  công tác trên đảo Đá lớn A, tên là Phạm Hồng Kỳ - nhân viên cơ yếu. “Khi Hồng Kỳ ra đảo cũng là lúc vợ sắp đến ngày sinh, và cho đến giờ sau gần một năm, bố vẫn chưa thể về thăm con” - Phạm Văn Quân tâm sự.

Quân bảo, một vài chiến sĩ ra đảo công tác khi con còn quá nhỏ, hoặc vợ chưa đẻ, khi trở về đất liền đều phải mất một thời gian để làm quen với con. Nghe tâm sự của Quân tôi chợt nhói lòng, nhưng cũng thật khâm phục các anh. Vì nhiệm vụ, các anh sẵn sàng hy sinh gạt bỏ tình riêng, đặt Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, canh gác nơi đầu sóng, ngọn gió.

Không chỉ những cán bộ vợ sinh con chưa một lần về thăm và biết mặt con, những chiến sĩ trẻ măng tuổi 18, đôi mươi chưa một lần cầm tay bạn gái cũng có mặt tại các quần đảo Trường Sa. Tại đảo Đá Lát, tôi gặp em Nguyễn Hữu Nghĩa, sinh năm 1997, quê Nam Định. Nhìn cậu đứng nghiêm tay bồng súng lòng tôi chợt chộn rộn, cậu còn quá trẻ, chỉ hơn con trai tôi vài ba tuổi...

 

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Hữu Nghĩa đã đỗ đại học trước khi nhập ngũ, làm lính hải quân. Ảnh: T.H
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Hữu Nghĩa đã đỗ đại học trước khi nhập ngũ, làm lính hải quân. Ảnh: T.H


Sau giờ Nghĩa trực gác, tôi tranh thủ trò chuyện cùng  em. Cậu kể, trước khi đi lính, cậu đã kịp thi đỗ Trường Đại học Công nghệ Thông tin và được bảo lưu kết quả. Hỏi Nghĩa vì sao lại quyết định đi lính mà không phải đi học đại học? Cậu bảo, bố mẹ muốn cậu thực hiện nghĩa vụ trước rồi mới tính chuyện đi học. Bản thân cậu cũng muốn mình được rèn luyện trong môi trường Hải quân. Hỏi cậu, ra đảo được gần một năm, em thấy mình đã học được những gì? Nghĩa cười nhẹ nhàng nói: “Em cảm thấy mình chín chắn hơn trong suy nghĩ. Biết nghĩ đến những điều lớn hơn là những vụn vặt loay hoay của tuổi học trò…”.

Cũng giống như Nghĩa, chiến sĩ Dương Tiến Công (sinh năm 1995, quê xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), ra đảo Phan Vinh B từ tháng 1-2017. Trước đó em nhập ngũ tháng 2-2016 tại Lữ đoàn 146 đóng ở Khánh Hòa. Công chia sẻ, khi biết tin mình sẽ được ra đảo cậu rất háo hức và hồi hộp, một cảm giác thiêng liêng khó diễn tả thành lời.

Công nhẹ giọng bảo, ở đảo, mọi người thương yêu và đoàn kết lắm. Tình cảm mọi người dành cho nhau như anh em một nhà. Hỏi về chuyện yêu, Công cười bẽn lẽn cho hay chưa có. Nhưng cậu bảo, cậu còn đang trẻ, nên cũng không nghĩ nhiều đến chuyện đó...

Theo Danviet

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.