Bí ẩn phụ nữ bộ tộc Apatani - Kỳ cuối: Người dẫn đường số 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Michi Tajo tỏ ra rất am hiểu văn hóa lẫn con người Apatani. Không những thế, Michi Tajo còn là một cộng tác viên đắc lực của kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Chanel.


“Nếu các anh không được Michi Tajo đưa đi thì chẳng bao giờ các anh tiếp cận được với người trong làng hay các suman (phù thủy), tộc trưởng. Không có Michi Tajo giới thiệu họ sẽ không bao giờ tiếp người lạ...” - anh chàng lễ tân khách sạn nơi chúng tôi lưu trú nói thế...

Guide giỏi nhất vùng

 

Michi Tajo (bìa phải) và đoàn khách quốc tế đến từ Anh.
Michi Tajo (bìa phải) và đoàn khách quốc tế đến từ Anh.

Khách sạn Blue Pine, nơi chúng tôi lưu lại, nằm trên một quả đồi. Từ đây, khách du lịch có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ Ziro chạy dài tít tắp bên dưới thung lũng.

Những ngôi nhà nối tiếp chen lẫn trong những cánh rừng trúc tựa như phim trường kiếm hiệp của Trung Hoa.

Biết chúng tôi là những người Việt Nam đầu tiên đến Ziro, không am hiểu đường đi lối về nên Putati - nhân viên lễ tân khách sạn Blue Pine - tỏ ra khá sốt sắng.

Sau một hồi trò chuyện, Putati hứa sẽ giúp tìm một hướng dẫn viên am hiểu tộc người Apatani nhất của xứ Ziro.

Quả đúng như lời hứa, sau cú điện thoại chúng tôi được thông báo: Michi Tajo đã nhận lời hướng dẫn cho nhóm trong những ngày lưu lại Ziro.

Và quả đúng như lời Putati cam kết, Michi Tajo tỏ ra rất am hiểu văn hóa lẫn con người Apatani. Không những thế, Michi Tajo còn là một cộng tác viên đắc lực của kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery Chanel.

Thậm chí tên anh còn được Lonely Planet (sách du lịch nổi tiếng thế giới) liên tục nhắc đến. Đó là một bản lý lịch quá “khủng” cho một hướng dẫn viên du lịch mà bất cứ dân phượt nào may mắn gặp được.

Chính vì thế chúng tôi cũng đỡ vất vả phần nào khi phải tiếp cận với một nền văn hóa lâu đời như tộc người Apatani cổ xưa chỉ trong vòng mấy ngày.

Vốn là người Apatani chính gốc nên Michi Tajo quá am tường về bộ lạc của mình. Khi đi qua con đường nối hai cánh đồng có hệ thống kênh dẫn nước ngoằn ngoèo từ trong lòng núi chảy ra, Tajo cho chúng tôi biết rằng “người Apatani sử dụng nguồn nước từ một con sông nhỏ nhưng có thể phục vụ được cho tất cả cánh đồng rộng lớn quanh năm tươi tốt.

Hệ thống dẫn nước của chúng tôi là thành tựu rất lớn trong nông nghiệp. Người Apatani không giống như các bộ tộc khác là du mục và phá rừng làm nương rẫy”.

Rồi anh nói tiếp: “Chúng tôi cũng giống như người Việt Nam, chọn nông nghiệp làm nghề nghiệp và định cư ở một nơi cụ thể. Ziro là vùng đất mà tổ tiên chúng tôi đã chọn sau một hành trình di chuyển kéo dài mấy trăm năm”.

Đưa Ziro ra với thế giới

 

Michi Tajo ngồi nhóm bếp với một bà cụ “khoét mũi xăm mặt” ở làng Hong.
Michi Tajo ngồi nhóm bếp với một bà cụ “khoét mũi xăm mặt” ở làng Hong.

Sau một ngày dẫn đoàn lang thang từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, cuối cùng Tajo đưa chúng tôi về thăm chính ngôi nhà của anh, nơi có cha mẹ và các con của anh cùng chung sống.

Đó là một căn nhà dựng bên mép một sườn đồi vô cùng lãng mạn. Trước cửa ngõ dẫn vào nhà là những cây lê đang kỳ ra hoa, những chuỗi hoa trắng xóa cuối cùng trong mùa. “Với tôi, Ziro là một niềm tự hào. Tôi yêu vùng đất này” - Tajo nói.

Lái xe hơi cực giỏi, nói tiếng Anh vanh vách, đặc biệt vốn kiến thức văn hóa đồ sộ về bộ tộc Apatani đã giúp Tajo nhanh chóng trở thành hướng dẫn viên số 1 kể từ khi Ziro có mặt trong bản đồ đi “phượt” của thế giới.

“Mình làm nghề hướng dẫn này đã 5 năm rồi, rất nhiều đoàn khách quốc tế đến Ziro để tìm hiểu văn hóa của vùng đất này như Anh, Mỹ, Nhật, Pháp... nhưng du khách Việt Nam thì đây là lần đầu tiên được gặp” - Michi Tajo cười bảo.

Theo lời Michi Tajo, để hiểu được tập tục, văn hóa của người Apatani cần phải có một thời gian dài.

Người Apatani có bề dày lịch sử, nhưng vì chiến tranh ly loạn mà bộ tộc của anh đã không còn lưu giữ được những văn hóa hữu hình. Tất cả chỉ còn trong ký ức cổ xưa.

Đúng hơn, văn hóa của người Apatani chỉ còn lưu lại trong những lời ca điệu múa, hay trong các lời cầu nguyện của những suman. Chính vì thế Ziro là chiếc nôi của rất nhiều lễ hội.

“Nếu bạn đến Ziro đúng vào mùa festival diễn ra từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, chắc chắn bạn sẽ đắm chìm trong đó vì đây là thời điểm toàn bộ người Apatani chúng tôi dừng mọi công việc đồng áng để thỏa thích vui chơi với cộng đồng” - Michi Tajo nói giọng đầy hãnh diện.

Để chứng minh, Michi Tajo bật laptop cá nhân, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu, hình ảnh mà chính tay anh ghi lại được trong kỳ festival vừa diễn ra rồi thuyết minh một cách say sưa.

“Tôi có rất nhiều tư liệu hình ảnh và phim về bộ tộc của mình. Mỗi ngày tôi vẫn lưu giữ lại chúng như một phần cuộc sống của tôi vậy” - Tajo nói.

Có lẽ chính nhờ vậy mà Tajo đã trở thành một cộng tác viên đắc lực của kênh truyền hình Discovery Chanel trong những năm qua. Không một mùa lễ hội, không một ngôi nhà của suman hay tù trưởng nào ở Ziro mà Tajo chưa đặt chân đến...

Tất cả đều được Tajo cảm nhận và ghi lại với một tâm nguyện: “Phải đưa Ziro ra với thế giới. Đó là một vùng đất đầy mê hoặc về văn hóa lẫn địa lý dưới chân dãy Himalaya hùng vĩ. Vậy nên phải tìm mọi cách để giới thiệu quê hương mình với bạn bè thế giới”.

Cũng theo lời Tajo, từ những bức ảnh về phụ nữ Apatani sở hữu chiếc mũi to bè kỳ lạ được đăng tải đầu tiên trên báo của một số hãng thông tấn nổi tiếng thế giới mà giờ đây đã có nhiều người biết về Apatani, biết về số phận của bộ tộc và biết cả những nét đẹp được “quy định” kỳ lạ của thiếu nữ Apatani.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.