Bí ẩn của phụ nữ bộ tộc Apatani - Kỳ 4: Trở về nét đẹp tự nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn 40 năm từ bỏ dần tục khoét mũi, xăm mặt, giờ đây những cô gái Apatani ở tuổi xuân thì đã vô tư tung tăng trên đường làng cùng những chiếc váy hoa điệu đàng với nét đẹp hoàn hảo...


Từ bỏ đớn đau

Bà Michi Otung có chiếc mũi to bè đang ngồi bên người cháu gái tên Michi Rinyi. Mới 14 tuổi nhưng Michi Rinyi đã như một thiếu nữ trưởng thành bởi cô bé đang sở hữu một chiếc mũi đẹp cùng hàm răng trắng xóa khiến khuôn mặt của Rinyi khi nào cũng như đang cười.

 

Thế hệ trẻ Apatani đã chính thức
Thế hệ trẻ Apatani đã chính thức "lột xác" trở nên lộng lẫy. Trong ảnh là cảnh một nhóm học sinh Apatani múa trong một lễ hội mùa xuân.

Để làm duyên cho cháu gái của mình trước khi ghi hình, bà Otung tự tay ra vườn hái một chùm hoa lê rồi cài lên mái tóc duyên dáng của cô bé. “Bọn trẻ giờ xinh đẹp lắm. Chúng không còn mang khuôn mặt của chúng tôi nữa”.

Theo lời bà Otung, từ năm 1975 khi sự hội nhập bắt đầu len lỏi vào thung lũng Ziro, những con đường lớn được mở ra, kéo cộng đồng người Apatani về gần với cuộc sống văn minh ở các đô thị lớn của Ấn Độ như Guwahati hay Kolkata.

Lúc ấy, những chiếc mũi to bè có hai thớ gỗ đen bóng trên khuôn mặt người phụ nữ đã trở thành vật cản cho công cuộc hội nhập của cộng đồng người Apatani. Bà Otung cũng như bao phụ nữ ở tuổi “thất thập” đang nhớ lại thời điểm mà người Apatani quyết định loại bỏ một tập tục vốn đã đi vào huyền thoại sắc đẹp của hàng chục thế hệ phụ nữ của bộ tộc.

Thời điểm đó là một ngày đầu xuân năm 1975 khi một nhóm thiếu nữ Apatani băng rừng tìm xuống Guwahati. Họ cũng là những người phụ nữ đầu tiên vượt khỏi sự cản trở của địa lý, bước ra khỏi thung lũng Ziro để đi tìm cái mới lạ bên ngoài.

Thế nhưng sự tươi mới của những phố thị ở Guwahati chưa kịp làm họ bất ngờ thì họ lại bất ngờ khi tiếp nhận cách nhìn của người dân thành phố dành cho khuôn mặt của mình. Cách nhìn đó đã làm mọi thứ phải thay đổi.

“Những người thành phố gọi chúng tôi là người rừng già và chúng tôi trở thành trò cười của họ với cái nhìn dè bỉu. Chính điều này đã khiến các tù trưởng Apatani quyết định không tiếp tục khoét mũi, xăm mặt cho con cái trong làng mình nữa. Đó là một quyết định táo bạo đầy khó khăn nhưng vô cùng đúng đắn”- bà Otung nói.

Bên bếp lửa trong cái lạnh tê buốt, nhìn hai thế hệ phụ nữ Apatani với hai vẻ đẹp khác nhau, chúng tôi cố thử hình dung nếu khuôn mặt xinh đẹp của cô bé Rinyi cũng được xăm và chiếc mũi bị khoét rộng ra hai bên cánh? Thấy tôi chăm chú nhìn Rinyi, bà Otung như hiểu ý liền bảo: “Nếu còn tập tục khoét mũi, bây giờ chúng tôi đã ép những thớ gỗ mây đầu tiên vào trong hốc mũi con bé rồi”.

Không còn khoét mũi, xăm mặt cũng đồng nghĩa với việc không còn đớn đau nữa. Vẻ đẹp của tự nhiên đã được trả lại. Giờ đây, những cô gái Apatani đã trở về đúng với vẻ đẹp tự nhiên của mình thay vì phải chối bỏ nó bằng một khuôn mặt khác. Vẻ đẹp lạ lùng của thế giới cổ xưa ấy đã trở nên thô kệch và xấu xí ngay khi cộng đồng người Apatani chính thức hội nhập.

Tiến ra thế giới

 

Michi Rinyi (14 tuổi) rạng rỡ với nụ cười trên môi.
Michi Rinyi (14 tuổi) rạng rỡ với nụ cười trên môi.

Không những sở hữu một khuôn mặt khả ái, đẹp như hoa rừng, Michi Rinyi còn là một vũ nữ sành điệu với những điệu nhảy sôi động. Nhìn cảnh Rinyi tham gia nhảy cùng nhóm bạn ở sân trường mới thấy sự thèm khát được hòa nhập của một thế hệ phụ nữ Apatani tươi trẻ.

Đã thế Michi Rinyi còn rất giỏi tiếng Anh, vậy nên cô bé là trợ thủ đắc lực cho cha mình mỗi lần có du khách ghé chơi nhà.

 

Những bà già cô đơn

Khi vẻ đẹp khoét mũi, xăm mặt không còn “hợp thời” thì cũng là lúc những người phụ nữ già nua chấp nhận cuộc sống cô đơn, quanh quẩn trong những ngôi làng xưa cũ ở thung lũng Ziro.

Hôm chúng tôi đến nhà bà Ruliing ở làng Tajang, bà bảo rằng đã hơn hai tháng rồi mới có người ghé thăm.

Thời tiết lạnh dần khi những tia nắng cuối ngày sắp khuất dần sau chân núi. Tự tìm pha cho mình một cốc rượu uống chống lạnh, bà Ruliing nói như phân bua rằng con cái bà đã chuyển hết ra thị trấn sống từ lâu.

“Tụi nó có cuộc sống mới vui vẻ hơn nên chẳng chịu về làng nữa”- bà nói.

Đi dọc khắp các ngôi làng của người Apatani ở Ziro cũ, không khó để bắt gặp những người phụ nữ già cô đơn cùng chiếc mũi của mình.

Cũng như bà Ruliing, bà Hage Lingu ở làng Hari rất cô đơn. Từ ngày chồng chết, bà Lingu thui thủi một mình trong căn nhà đầy bóng tối.

Thế nhưng khi được hỏi về con cái, bà Lingu tươi vui bảo rằng: “Chúng nó đang sống một cuộc đời hội nhập chứ không ẩn dật ở Ziro như chúng tôi. Tôi không muốn con cháu mình bám lấy ngôi làng này và tự làm xấu mình bằng một hình trình đau đớn khoét mũi, xăm mặt như thời chúng tôi”.

Ngồi bên bếp lửa giúp cha làm cơm đãi khách, Rinyi chậm rãi kể về những bạn học của cô ấy ở thị trấn Hapoli. “Học xong rồi, rất nhiều người bạn của cháu muốn về thành phố Guwahati để tìm việc làm. Riêng cháu thì rất muốn theo con đường âm nhạc”.

Người dẫn đường Michi Tajo nghe con gái nói về mơ ước của mình cũng đầy tâm tư. Từ khi không còn xăm mặt, khoét mũi, đã có rất nhiều cô gái trẻ Apatani từ bỏ bản làng lần lượt tiến về các thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm vì thu nhập cao hơn.

Cũng như cô bé Rinyi, Hage Tieg, 25 tuổi, làm nghề bán hàng ở cửa hàng điện thoại di động ngay thị trấn Hapoli cũng tỏ ra rất sành điệu khi mặc chiếc váy ngắn cách tân cùng mái tóc nhuộm màu hung.

Như những cô gái cùng tuổi, Tieg cũng sở hữu một khuôn mặt rạng ngời. Tieg cười tươi khi biết chúng tôi là du khách Việt Nam lần đầu đến Ziro.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết Tieg là con út trong một gia đình tám anh em. Mẹ Tieg thuộc tuýp người Apatani xưa cổ với khuôn mặt đầy hình xăm và khoét mũi, thế nhưng đến thế hệ của cô thì chẳng còn ai nữa.

Tieg bảo cả tám anh chị cô không ai ở thung sâu Ziro cũ nữa. Bốn người đang ở thị trấn Hapoli, bốn người đã xuống các thành phố Kolkata và Guwahati tìm việc làm.

“Một chị gái tôi đang là luật sư, còn một chị là giáo viên. Dĩ nhiên chúng tôi không xăm mặt. Thế hệ chúng tôi không còn xem đó là vẻ đẹp nữa. Tôi và bạn bè thích khuôn mặt trắng trẻo này hơn là có hình xăm và chiếc mũi to như cha mẹ chúng tôi”, Tieg nói.

Đã hơn 40 năm kể từ cái ngày những người mẹ Apatani quyết định không khoét mũi, xăm mặt cho con mình nữa, đã có rất nhiều người trẻ từ bỏ ngôi làng của mình để tiến ra hội nhập cùng thế giới.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).