Sẵn sàng giúp người gặp nạn trên đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày này, tiết trời TP. HCM nắng gắt, ai cũng muốn vội vã về nhà hoặc tìm nơi nào mát mẻ để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Vậy mà trên đường phố có một người đàn ông đi trên chiếc xe máy cũ chở theo thùng đựng các dụng cụ sơ cứu y tế, bình cứu hỏa mini, cứ thong dong đi hết con đường này đến con đường khác để sẵn sàng giúp những người không may gặp nạn trên đường.

Tấm lòng hào hiệp

Đó là ông Tống Văn Thơm, 66 tuổi, Chủ tịch Nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận 5. Chiếc xe chở đồ cứu hộ, cứu nạn cộng đồng được ông trang bị cách nay đã 10 năm. Một lần, ông bị máy ép rác kẹp ngón tay, giập xương nát thịt; không ai hỗ trợ, ông phải tự mình băng bó vết thương rồi đến bệnh viện. Từ tâm trạng tủi thân, đau đớn khi gặp tai nạn mà không có người kịp thời giúp đỡ, ông Thơm đã nảy ra ý định trang bị đồ nghề cứu hộ, cứu nạn cộng đồng để kịp giúp đỡ những người bị nạn trên đường. Ông Thơm tâm sự: “Tôi ngụ tại quận 12, làm ở quận 5, hàng ngày đi về đoạn đường khá dài, nên vẫn thường thấy có người bị té xe hay gặp tai nạn. Ngày trước tôi có học về sơ cấp cứu y tế, nên có kiến thức, kỹ năng cấp cứu cơ bản. Vì vậy, tôi muốn giúp người bị nạn bằng cách làm thùng chứa đồ y tế rồi mua bông, băng, gạc, thuốc khử trùng mang theo. Mỗi ngày tôi đều đi làm từ 6 đến 16 giờ, đi đường vòng qua các quận từ quận 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 10, quận 3, quận 5 rồi lại quay về quận 12, nên cũng giúp được nhiều người”.

 

Ông Tống Văn Thơm bên chiếc xe chở dụng cụ cứu hộ, cứu nạn.
Ông Tống Văn Thơm bên chiếc xe chở dụng cụ cứu hộ, cứu nạn.

Suốt 10 năm “hành hiệp”, ông Thơm đã giúp rất nhiều người, hầu như ngày nào ông cũng gặp và kịp thời giúp người bị nạn. Sau khi sơ cứu, ông đưa đi bệnh viện và hỏi số điện thoại người nhà nạn nhân, báo sự việc để họ đến chăm sóc người nhà. Với hàng trăm cuộc sơ cứu như vậy, có người sau khi hồi phục gọi điện cảm ơn, cũng có người không liên lạc lại, nhưng ông Thơm không buồn lòng. Ông bảo: “Mình giúp người ta thì trước hết là cái tâm mình an lạc, không phải áy náy hay lấn cấn gì. Còn người gặp nạn, nhiều khi lúc ấy họ bị  rối trí, mất bình tĩnh, đau đớn, do vậy nhiều khi họ quên lời cảm ơn, mình không nên câu nệ làm chi cho nặng lòng”. Cứ thế, dù nắng hay mưa, hết ngày này qua ngày khác, hết năm nọ đến năm kia, ông Thơm vẫn rong ruổi đi khắp các nẻo đường thành phố để giúp người gặp nạn.

Từng được ông Thơm giúp khi bị té xe, ông Dương Minh Thì (ngụ tại quận 10) tâm sự: “Hôm trước tôi bị té xe trầy chân tay, tuổi cao, đoạn đường lại vắng nên tôi loay hoay mãi không đứng dậy được. May lúc đó ông Thơm đi ngang, có mang theo bông băng, đã tận tình tới giúp tôi rửa vết thương, băng bó cầm máu, rồi gọi xe đưa tôi tới bệnh viện. Trong khi nhiều người làm ngơ khi thấy người bị nạn ngoài đường vì sợ bị liên lụy, thì ông Thơm lại hào hiệp và chủ động giúp người bị nạn, việc làm như vậy thật đáng quý!”.

Hết lòng vì đồng nghiệp

Trước khi làm Chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập quận 5, ông Thơm có hơn 40 năm làm nghề thu gom rác, nên rất thấm nỗi cực khổ của nghề. Ông Thơm tâm sự: “Việc thu gom rác vất vả lắm! Người dân mình chưa có thói quen phân loại rác nên anh em vừa thu rác vừa phải phân loại. Trên địa bàn thành phố có nhiều hẻm sâu, nhỏ, để vào gom rác cũng không phải dễ, mà rác gom có giờ, để lâu sẽ hôi, người dân mắng vốn”. Sau này, khi làm quản lý, không trực tiếp đi thu gom rác, những lúc rảnh, ông Thơm lại đi tới từng khu phố vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác thải, vận động mọi người vứt rác đúng nơi quy định, chung tay bảo vệ môi trường. Điều khiến anh em trong nghiệp đoàn quý mến ông Thơm còn do sự chân thành quan tâm đến từng hoàn cảnh và sức khỏe những người thu gom rác. Thấy anh em hàng ngày tiếp xúc với phế thải độc hại nhưng lại không có chế độ gì, trong khi thu nhập thấp, muốn tự chăm lo sức khỏe cũng khó, ông Thơm đã liên hệ nhiều nơi tìm sự hỗ trợ. Anh Trần Văn Tiến, thành viên Nghiệp đoàn rác dân lập quận 5, kể: “Chú Thơm hay lắm, thấy anh em thiếu thốn, chú xách xe đi liên hệ khắp nơi để xin quần áo đồng phục, đồ bảo hộ, phương tiện cho anh em đi thu gom rác. Chúng tôi còn được hỗ trợ khám bệnh, chích ngừa miễn phí nên cũng yên tâm làm việc”.

Tấm lòng và nghĩa cử của ông Thơm đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5 ghi nhận và trao tặng giấy khen Người tốt việc tốt. Ông Thơm tâm sự: “Tôi dặn lòng đến lúc nào còn sức khỏe, còn đi được thì còn giúp người, giúp đời”.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.