Người Việt làm thuê ở Malaysia - kỳ cuối: Miền đất mới của người Việt trẻ tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày ở Malaysia, chúng tôi nhận ra đây không chỉ là vùng đất mới của những lao động Việt xa xứ, mà còn là nơi thu hút ngày càng nhiều người Việt trẻ tuổi giỏi và năng động thế hệ 8X, 9X sang lập nghiệp.


Số lượng những người này đang sinh sống và làm việc ở Malaysia ngày càng tăng theo làn sóng di chuyển lao động tự do chất lượng cao trong các nước ASEAN.
 

Nguyễn Thị Thanh (thứ năm từ trái sang) và đồng nghiệp tại Công ty Datacom Malaysia.
Nguyễn Thị Thanh (thứ năm từ trái sang) và đồng nghiệp tại Công ty Datacom Malaysia.

Môi trường làm việc tốt

Anh Bùi Ngọc Duy (31 tuổi, quê Phú Thọ), đang làm chuyên viên phân tích nội dung cho công ty đa quốc gia Accenture Malaysia, cho biết người trẻ Việt góp mặt ở rất nhiều công ty và tập đoàn lớn có liên quan đến thị trường Việt Nam như các dự án của Google, Facebook, Dell, Uber...

Ngoài ra, họ còn có mặt trong các công ty bảo hiểm, tài chính, các tập đoàn xây dựng có vốn đầu tư tại Việt Nam. Duy cho biết thêm rất nhiều bạn trẻ Việt Nam học đại học và thạc sĩ tại Malaysia rồi ở lại làm việc.

Cách đây bảy năm, Duy ra trường và được nhận vào làm kỹ sư dự án của Công ty cơ điện Union Việt Nam - một chi nhánh của Công ty PJ Union Malaysia tại Việt Nam - chuyên thi công các hệ thống cơ điện, điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy... làm việc tại khu đô thị mới Thạch Bàn, Hà Nội - nơi mà chủ đầu tư cũng là một tập đoàn lớn của Malaysia tên Berjaya liên doanh với một công ty của Việt Nam.

Vào năm 2012, công ty rút về Malaysia, mang theo những người được chọn qua Malaysia làm việc để tạo hạt nhân cho các dự án tiếp theo. Anh Duy là một trong ba kỹ sư được chọn cùng chín anh em công nhân khác.

Duy cho biết mình bị choáng ngợp bởi hai thứ khi làm việc ở Malaysia. Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, người Malaysia quy hoạch rất thông thoáng, cây xanh phủ khắp nơi, sạch sẽ, hệ thống đường sá, cầu cống chắc chắn, khoa học, thuận lợi.

Kế đến là môi trường làm việc. Anh Duy cho biết người Malaysia có cách làm việc rất rành mạch và rõ ràng, cái gì cũng phải có giấy trắng mực đen, dấu phê duyệt. Các giám sát của những nhà thầu chính, tư vấn của các chủ đầu tư phối hợp rất tốt theo mục đích chung là giúp đỡ lẫn nhau.

“Công ty họ rất hòa nhã, quý trọng nhân viên, tạo điều kiện hết mức cho nhân viên làm việc như được khám chữa bệnh miễn phí, mỗi tháng được phép nghỉ ốm một ngày, thuê nhà cho nhân viên, một năm 12 ngày phép có lương, mọi chuyện đều rõ ràng và rành mạch” - anh Duy chia sẻ.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, giới trẻ Việt ở đây cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ngôn ngữ và thức ăn Malaysia.

“Ngôn ngữ thì lúc mới sang không chỉ là thách thức của riêng mình mà còn rất nhiều bạn khác. Ở đây họ nói tiếng Anh theo kiểu Mã, Ấn, Trung nên lúc đầu có vẻ rất khó nghe. Họ có nhiều ngôn ngữ khác nhau, điều đó làm mình cảm thấy khó khăn khi làm việc vì không phải là người bản địa.

Có lúc họ nói tiếng Trung, có khi lại tiếng Mã, tiếng Ấn nên nhiều khi trong cuộc họp hay các buổi liên hoan ở công ty cũ mình cảm thấy như người thừa vậy” - anh Duy nói.

Nguyễn Thị Thu Hoài (24 tuổi, quê Đà Nẵng), đang là chuyên viên phân tích dữ liệu, nội dung tại thị trường Việt Nam cho dự án Google trụ sở ở Kuala Lumpur, kể trong thời gian còn là sinh viên, cô từng là phó chủ tịch của Tổ chức AIESEC tại Đà Nẵng, chịu trách nhiệm trực tiếp chương trình trao đổi sinh viên.

Hoài cho rằng có lẽ AIESEC chính là nơi truyền cho cô ngọn lửa muốn vươn ra thế giới để học hỏi và trải nghiệm.

Cô gái năng động này từng có thời gian thực tập tại một công ty Pháp ở TP.HCM, hỗ trợ phiên dịch cho tàu biển Mercy của Mỹ.

Sau đó, Hoài đứng trước hai lựa chọn: một là làm cho công ty của Đức tại Đà Nẵng với mức lương khá tốt, con đường thăng tiến sự nghiệp tốt, không cần bận tâm chuyện nhà ở, ăn uống, sống gần gia đình, hai là qua Malaysia làm việc xa nhà.

Và Hoài đã có chọn lựa thứ hai vì muốn được thử thách và phiêu lưu trong một môi trường đa văn hóa, đa quốc tịch.

Trong khi đó thì Nguyễn Viễn Quỳnh Anh (28 tuổi, quê TP.HCM), hiện làm chuyên viên phân tích chất lượng và đánh giá nội dung cho một công ty đa quốc gia với hơn 10 quốc tịch khác nhau ở Kuala Lumpur, nói trong công ty sếp đánh giá và cân nhắc dựa trên năng lực thực sự, bất kể tham gia sau hay trẻ tuổi.

“Tôi được sếp hướng dẫn rất tận tình và định hướng nghề nghiệp cụ thể. Nhìn chung, môi trường làm việc khá tốt, có cạnh tranh (công bằng), có cầu tiến, có học hỏi và cơ hội thăng tiến” - Quỳnh Anh nói.

 

Các bạn trẻ Việt Nam và Malaysia tại văn phòng Công ty Google ở Malaysia.
Các bạn trẻ Việt Nam và Malaysia tại văn phòng Công ty Google ở Malaysia.

Sẽ trở về Việt Nam, nhưng...

Thu Hoài tâm sự dự định làm việc ở Malaysia thêm một thời gian rồi sau đó sẽ trở về Việt Nam vì “dù gì Việt Nam cũng là quê hương, là nơi mình sinh ra, cả gia đình, bạn bè của mình đều ở đó nữa. Tôi cũng thèm đồ ăn Việt một cách điên cuồng”.

Theo Hoài, nếu Việt Nam muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng.

“Cứ nghĩ đến về Việt Nam, cảnh mỗi sáng đi làm phải chen chúc kẹt xe, dưới trời nắng nóng, bụi bặm rồi chưa kể những ngày mưa ngập nước lầy lội, chật vật dắt xe trong lúc bụng đói, mệt lả sau một ngày làm việc là mình ngán ngẩm chả dám về chứ không phải không muốn về” - Thu Hoài nói.

Còn Nguyễn Thị Thanh cho biết vì đã làm việc ở Malaysia được 10 năm nên cô và nhiều bạn đồng trang lứa vẫn còn lưỡng lự giữa việc đi hay về bởi vì sợ “sốc ngược văn hóa” khi đã quá quen với cách sống và làm việc ở Malaysia.

“Tôi vẫn sẽ trở về Việt Nam bởi dù sao đó cũng là quê hương. Nhưng tôi chỉ về khi tìm được một mức lương bổng phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình, được làm việc cho một công ty đa quốc gia tại Việt Nam” - cô nói.

Bùi Ngọc Duy thì tâm sự vì sức ép từ phía gia đình, chuyện lấy vợ lấy chồng sẽ khiến Duy sớm muộn gì cũng phải quay trở về.

“Nhưng những ngày tháng làm việc bên này sẽ giúp bọn mình rất nhiều khi quay về Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc, tư tưởng và cách tư duy, cách nghĩ ở bên này, bọn mình hi vọng sẽ góp một phần nhỏ bé nào đó cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn” - Duy nói.

Theo tuoitre

Chị Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi, quê TP.HCM) sống và làm việc ở Malaysia đã được 10 năm. Năm 2007, Thanh qua Malaysia học ngành quản trị khách sạn và du lịch.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng muốn tìm việc trong ngành khách sạn, du lịch nhưng Malaysia không cấp visa cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này vì muốn giữ công việc này cho dân bản địa” - Thanh kể.

Đầu năm 2011, Thanh bắt đầu làm việc cho các công ty đối tác của Google và Microsoft tại Malaysia. Hiện cô làm quản lý chất lượng cho công ty đa quốc gia Accenture Malaysia.

“Khi làm việc cho các công ty đa quốc gia, cơ hội tạo cho mình những kỹ năng độc lập làm việc rất cao. Hầu hết các bạn phải tự độc lập một mình, không thể dựa dẫm ai vì khả năng đào thải rất cao.

Phải luôn học và học. Giữa nhân viên và nhân viên thì họ vẫn giúp đỡ mình hết lòng. Nếu muốn thăng tiến, bạn phải chứng minh thực sự mình có năng lực. Quy trình tuyển dụng thì rất minh bạch” - Thanh đúc kết.

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.