Người đàn ông 6 năm đi bộ hút đinh, giúp người thành phố "né" đinh tặc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đúng 5 giờ 30 phút, bất kể trời mưa, anh Nguyễn Văn Phong (42 tuổi) vẫn cầm cây gậy nam châm do anh tự chế đi bộ khắp các con đường ở quận 12 TP. HCM để hút đinh, giúp người đi đường không bị thủng lốp xe, tránh được những tai nạn nguy hiểm.

Sáng sớm ngày cuối tuần, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Phong ngụ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. HCM trong lúc anh đang đi bộ rà đinh trên QL 1A đoạn từ phường An Phú Đông đến đường Tô Ngọc Vân (quận 12). Anh cầm chắc cây gậy hút đinh tự chế trong tay, tập trung quan sát kỹ, tỉ mẩn hút từng cây đinh nhọn. Anh nói: “Thấy vậy chứ lực hút của gây mạnh lắm, nếu đầu nam châm đầy thì gỡ đinh ra, nó mạnh trở lại thôi”.

Nạn rải đinh vẫn còn tiếp diễn từng ngày

 

Hàng ngày anh Phong đi dọc đoạn đường từ phường An Phú Đông đến ngã tư Tô Ngọc Vân (Q.12) TP.HCM để hút đinh.
Hàng ngày anh Phong đi dọc đoạn đường từ phường An Phú Đông đến ngã tư Tô Ngọc Vân (Q.12) TP.HCM để hút đinh.

Anh Phong bảo cứ chừng 5 giờ 30 mỗi sáng, bất kể trời mưa, anh lại khoác chiếc áo phản quang vào và bắt đầu công việc mà anh gọi là “công tác xã hội” trong hơn 6 năm qua. Anh cứ bước chầm chậm, tay cầm gậy rà qua rà lại trên mặt đường vắng tanh, bắt đầu đi từ hướng phường An Phú Đông (Q.12) dọc theo QL 1A cho đến đường Tô Ngọc Vân. Tính ra mỗi ngày anh di chuyển trên đoạn đường dài hơn 1,5 km. Theo anh Phong đoạn đường này là nỗi ám ảnh của người đi xe máy vì đinh rải đầy.

Anh Phong cho biết: “Thời gian trước trên QL 1A đoạn từ phường An Phú Đông lên tới đường Tô Ngọc Vân, tình trạng người đi đường bị thủng lốp do cán đinh xảy ra rất thường xuyên, nên tôi quyết định đi hút đinh giúp hạn chế phần nào nạn rải đinh này”.

Thấy việc làm của anh có ý nghĩa nên P.Thạnh Lộc đã giao cho anh một chiếc xe hút đinh chuyên nghiệp của đoàn thanh niên về dùng để rà đinh, nhưng dùng được vài tháng thì anh bị một người đi đường tông trúng. Từ đó, anh không dùng xe nữa mà tự chế cho mình một cây gậy hút đinh đơn giản.

“Lúc trước dùng xe hút đinh của đoàn thanh niên thì lực hút của nó tốt hơn vì tiết diện hút lớn, còn nay tôi dùng cây gậy này thì hút cũng còn sót, ngày được vài lạng, nói chung mình làm vì cái tâm thôi”, anh Phong tâm sự.

Anh vừa đi vừa kiên trì quan sát mặt đường, thấy dưới có rất nhiều mảnh thép hình thoi được rắc có chủ đích, anh tặc lưỡi ngao ngán nói: “Đây là thủ phạm làm thủng lốp xe, nhìn nhỏ vậy thôi, chứ uy lực lắm. Đinh này là những miếng thép được cắt hình thoi, rất nhọn và bén, xe nào chạy nhanh thì khả năng hư vỏ và ruột xe là rất cao, đặc biệt nếu chạy tốc độ nhanh thì rất dễ gặp tai nạn khi thủng lốp”. Đoạn đường này có rất nhiều phương tiện lưu thông, nên việc hút đinh cũng gặp không ít nguy hiểm, thấy đinh ở giữa đường nhưng có lúc xe chạy rất đông, anh phải giơ tay xin đường, khi được nhường đường anh mới dám ra hút.

Lượng đinh sau khi hút xong được anh tháo ra, cẩn thận gom tất cả bỏ vào túi nilon, rồi ngày hôm sau lại đi hút tiếp. Trên đoạn đường từ xưởng sản xuất xe rùa ( 545 QL 1A, P.Thạnh Lộc, Q.12) về nhà ăn trưa, anh cũng tranh thủ đi bộ hút lại một lượt nữa, hầu như lúc đi lẫn lúc về, lần nào cây gậy hút đinh của anh cũng đầy đinh trong đó.

“Người ta rải khi nào thì mình không biết thời điểm, có hôm khoảng 6 giờ tối là có người rải để vá xe sáng đêm, còn sáng thì tầm khoảng 4 giờ tụi nó rải một lần nữa để vá ban ngày, lúc thì nó rải mé trong lề, lúc thì rải mé ngoài, nên việc hút đinh cũng gặp khó khăn”, anh Phong cho biết.

Anh Phong trăn trở: “Tôi chỉ mong muốn phường tổ chức đội vá xe lưu động, và có đường dây nóng, ai bị thủng lốp thì gọi vào đường dây nóng. Từ đó những người rải đinh sẽ không còn đất sống, thì có thể nạn rải đinh giảm”.

 

Đinh sau khi hút về, được anh Phong gom lại và cất cẩn thận.
Đinh sau khi hút về, được anh Phong gom lại và cất cẩn thận.

Bị nói “lo chuyện bao đồng”, vẫn hút đinh miệt mài

“Thấy bà con bị thủng lốp xe, đẩy bộ trên đường, tôi thấy tội quá, nhiều người chở đồ nặng mà phải dắt bộ giữa trưa nắng, còn ban đêm mà cán đinh như vầy thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa… Nên từ đó, tôi quyết định đi hút đinh để người đi đường đỡ cực”, anh Phong chia sẻ.

Ngoài việc hút đinh, anh còn tham gia bắt cướp và được phường trao tặng bằng khen, giấy khen tuyên dương. Anh Phong hăng say kể lại thành tích của mình: “Bắt cướp cũng có, lúc đó tôi đang làm ở xưởng, nghe hô hoán có cướp thì chạy ra bắt thôi, ngoài ra cũng có bắt trộm vặt, một lần là trộm mô-tơ điện, lần khác là trộm bình ắc-quy xe tải… Tôi làm vì tấm lòng thôi, chứ không nghĩ ngợi gì sâu xa. Nhiều người không hiểu chuyện hỏi tôi hút cái này về làm gì, tôi nói đại là hút về bán ve chai kiếm chút tiền chứ chi đâu”.

Người dân xung quanh khu vực mà anh Phong hay hút đinh cũng đã quen với hình ảnh người đàn ông 42 tuổi sáng sáng lặng thầm cầm cây gậy rà qua rà lại trên đường. “Người dân ở đây thấy việc làm của anh Phong rất có ý nghĩa, thấy người đi đường bị bể bánh xe phải dắt bộ tội quá nên ảnh mới bỏ thời gian đi hút đinh để giúp, tôi rất hoan nghênh hành động của ảnh”, chị Trương Thoại Chi ngụ P.Thạnh Lộc, Q.12 phấn khởi nói.

Nhiều người thấy vậy cho tiền để hỗ trợ nhưng anh không nhận. “Nhiều khi nhặt đinh ngoài đường có người nói tôi làm chuyện bao đồng, còn có người thì biết tôi làm vậy thì khen. Có hôm đi hút đinh, người đi đường thấy vậy cho tiền nhưng tôi không lấy. Có người chạy ngang cho tôi chai nước thì tôi nhận”, anh Phong kể.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.