Nước mắt trâu hiến tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới ánh điện nhá nhem, tôi tiến lại gần cây nêu nơi có con trâu đực buộc sẵn và ngỡ ngàng khi thấy khóe mắt nó đang lem nhem nước. Trước giờ hiến tế, con trâu đã khóc?

Hai cây nêu cao được dựng ở khu vực tổ chức lễ hội
Hai cây nêu cao được dựng ở khu vực tổ chức lễ hội


1. Đêm nơi miền cao Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), cái lạnh cứa vào da thịt. Ai không có việc gì phải ra ngoài thì chỉ muốn ngồi quây quần bên bếp lửa để sửa ấm. Thế nhưng, trên ngọn núi cao ở nóc Tăk Lang, người Xê Đăng vẫn đánh trống nhảy múa say sưa. “Đêm nay sẽ rất vui. Cả làng sẽ hát múa và uống rượu cần đến sáng rồi sang lễ đâm trâu luôn. Anh là khách quý của làng nên cũng phải say...”-anh Hồ Thanh Mai ghé sát tai tôi nói át tiếng hò reo ngoài kia.

Khoảng 20 giờ, nghi thức chuẩn bị cho lễ đâm trâu mới bắt đầu thế nhưng từ chập choạng, căn nhà của 2 hộ dân đứng ra tổ chức lễ là Hồ Văn Núi và Hồ Văn Chiến đã chật kín người đến chơi. Theo phong tục của người Xê Đăng, khách đến làng vào đúng dịp đâm trâu đều trở thành khách quý và được mời cơm lam, ăn thịt heo, canh rau rừng… Cứ thế đoàn khách đến 200-300 người lần lượt vào từng hộ chủ lễ để được đãi cơm. Khi chúng tôi vào nhà ông Hồ Văn Núi cũng là lúc đoàn khách hơn chục người đứng dậy sau khi đã ăn no bữa tối. Chúng tôi được mời ngồi và tất nhiên một mâm cơm khác được dọn ra. Đoàn tới trước ăn xong tự ý đứng dậy để đoàn vào sau tiếp tục bữa tối. “Tốn kém lắm nhỉ? Hàng trăm vị khách thế kia mà”, tôi hỏi. Anh Hồ Văn Viêm, Trưởng công xã Trà Linh bảo theo phong tục người Xê Đăng, khi một hộ đứng ra đâm trâu là sẽ thết đãi cho cả làng, thậm chí khách từ các làng khác đến. “Không chỉ mời cơm, uống rượu cần… mà người ta còn nhờ và nuôi ăn đến cả chục người trong cả tuần lễ để chuẩn bị cho lễ hội”-anh Viêm nói.

Trong đêm trước ngày hành lễ đâm trâu, người Xê Đăng vận trang phục truyền thống và đi xung quanh nóc 5 vòng. Họ vừa đi vừa đánh cồng chiêng và nhảy múa. Khi nghi thức này hoàn thành, chủ lễ đâm trâu mời tất cả khách và người dân trong làng đến uống rượu cần. Nhà có điều kiện thì cả chục chum, nhà ít cũng phải 3-5 chum. Tính lễ đâm trâu với những phần đãi cơm, đãi rượu, đãi thịt trâu… tốn kém không dưới trăm triệu. Nhiều năm về trước, khi tôi có dịp lên 3 xã vùng cao Nam Trà My đã nghe nhiều câu chuyện người Xê Đăng đổ nợ do đâm trâu. Mà đổ nợ là phải, ở vùng cao này nếu không trồng sâm Ngọc Linh thì đồng tiền đâu phải kiếm ra dễ dàng. Nhiều người bản địa cho biết theo tập tục, người nào đâm trâu nhiều lần thì uy tín trước bản làng càng tăng lên bấy nhiêu. Nếu tăng đến 5 lần đâm trâu thì sẽ được “cân nhắc” vào vị trí già làng. Đã không ít nhà vì muốn có “máu mặt” với cộng đồng mà không tiếc tiền chơi sang.

2. Nghi lễ đâm trâu diễn ra vào sáng hôm sau khi cả khách lẫn chủ vẫn còn mềm môi vì rượu cần. Đúng 8 giờ, ngay tại bãi đất bằng của nóc nơi đã dựng sẵn 2 cây nêu cao chót vót, gia chủ sẽ tiến hành nghi lễ đâm lợn trước. Con lợn béo được treo ngược vào gốc nêu. Giữa đám đông có già có trẻ, có cả nhiều phụ nữ, chủ nhà cùng đám thanh niên dùng dao mác đâm con lợn chết.

Khi con lợn bị chọc tiết xong, phần nghi lễ đâm trâu sẽ chính thức diễn ra sau khi chủ nhà dùng bình thủy tinh chứa gạo rắc từng hạt vào mặt con trâu. Ngay sau đó con trâu sẽ bị đám trai làng quật ngã xuống đất rồi dùng dây mây rừng buộc chặt ở 4 chân để nó không thể vùng vẫy. Trong khi những người phụ nữ múc nước suối về thành từng thùng lớn để cạnh con trâu thì những người đứng ra hành lễ sẽ kiểm tra lại độ sắc bén của dao, mác lần cuối. Rồi trống, chiêng giục lên liên hồi... Anh chủ nhà cầm cây dao đâm vào hông trước của con trâu. Tiếp đó, một số người khác cầm mác nhọn đâm liên tục. Có người sợ hãi vì cái chết của “bạn trâu” quá dã man nên bỏ chạy ra xa... Nhiều người dưới xuôi đến lễ hội này chắc chẳng dám nhìn cảnh tượng này. Tôi lại gần thấy con trâu chết hẳn. Trên khóe mắt, nước mắt nó lăn dài... Chợt nhớ lại ánh mắt sợ hãi đầy ám ảnh của nó mà tối trước tôi đã thấy.

Người Xê Đăng cũng có thêm một nghi lễ kỳ lạ sau lễ đâm trâu, đó là lễ dùng máu của con trâu hiến tế quẹt ngang trán. Ông Nguyễn Cao Bằng người phụ giúp chủ lễ cho hay sau lễ đâm trâu, gia chủ thường tổ chức lễ gọi linh hồn về với thể xác và cầu chúc những điều tốt đẹp đối với những người dự lễ. Nghi thức là dùng một tấm vải nhỏ nhúng vào bát tiết trâu rồi quẹt ngang trán của khách với lời thì thầm gọi linh hồn và cầu may mắn. Nghi lễ kỳ lạ này khiến cho không ít khách lạ e dè vì sợ…

3. Cùng ở tỉnh Quảng Nam, nhưng trong khi ở huyện vùng cao Tây Giang đã xóa bỏ hoàn toàn tục đâm trâu thì đâu đó ở Nam Trà My con trâu vẫn bị đem ra hiến tế, đổ máu trước số đông dân làng. Dịp tết vừa qua, 100% bản làng ở Tây Giang, người Cơ Tu không còn tổ chức lễ đâm trâu nữa nhưng không khí vui xuân vẫn rộn ràng. Nhận thấy lễ hội đâm trâu dã man, không còn phù hợp với đời sống văn minh, từ nhiều năm qua, chính quyền Tây Giang đã vận động từ già làng cho đến từng người dân. Vào ngày 18-7-2016, khi đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới, UBND xã Lăng (huyện Tây Giang) đã lần đầu tiên xóa bỏ nghi lễ này. Nhiều già làng cho biết tuy không đâm trâu nhưng các nghi thức liên quan khác vẫn được giữ nguyên nên không gây ra lo ngại mất đi bản sắc văn hóa. Người Cơ Tu giờ đã đổi tên lễ đâm trâu thành lễ ăn trâu. Nghe qua cũng đủ thấy lễ ăn trâu nhẹ nhàng và tạo thiện cảm hơn so với đâm trâu.

Ông Hồ Quang Bửu-Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết đâm trâu là phong tục của người Xê Đăng có từ ngàn đời nay. “Thế nhưng, trong đời sống văn hóa hiện nay, đâm trâu lại mang tính chất phản cảm, tương tự như chém lợn vậy. Do đó, huyện, xã, thôn đã tuyên truyền rất nhiều. Tỉ lệ hộ dân đâm trâu năm nay so với năm ngoái đã giảm được khoảng 50%”-ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết thêm, hiện tại xã Trà Linh, người dân đều khá giả nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Những hộ đứng ra tổ chức đâm trâu đều là những người có tiền, chứ không nợ nần gì. “So với tài sản họ có thì đâm trâu là không nhiều nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền để tiết kiệm vừa để xây dựng nếp sống văn hóa hơn. Một sớm một chiều không thể xóa bỏ phong tục cả ngàn đời nay được. Cho nên chúng tôi phải tiến tới xóa bỏ từ từ bằng cách đi sâu vào đời sống của họ”-ông Bửu nói và cho biết huyện vùng cao Tây Giang đã xóa bỏ tục đâm trâu là quá tốt. “Chúng tôi cũng cố gắng xóa bỏ để xóa bỏ như huyện bạn”-ông Bửu nói.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.