Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 3: Khúc ca đợi chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về…”.


Bà Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, đang sinh sống ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã hát bài hát tiếng Nhật đó (dịch ra lời Việt như trên) trong suốt 52 năm, chờ đợi tin chồng.
 

Bà Xuân ngày càng ốm yếu phải thở khí dung.
Bà Xuân ngày càng ốm yếu phải thở khí dung.

"Tôi đi lần này, ít nhất 5 tháng..."

Tuổi cao, sức yếu, phải thường xuyên thở khí dung, tiếng Nhật câu nhớ câu quên, nhưng bài hát “Đợi chồng”, bà Xuân không quên một từ nào. Lấy ông Shimizu Yoshiharu, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1919, từng sinh sống ở tỉnh Toyama, Nhật Bản) từ năm 1945, cô gái Hải Phòng từng làm cho một nhà hàng đồ Nhật tại thành phố cảng đã theo chồng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa... tùy vào nhiệm vụ của chồng được Việt Minh giao phó. Tuy nhiên, điều nghiệt ngã là cho đến ngày chồng về lại Nhật Bản, bà không hay biết, chỉ nghĩ rằng chồng đi công tác.

Bà Nguyễn Thị Xuân xúc động: “Từ năm 1946 tới 1954, ông Đức tham gia công tác huấn luyện trong quân đội Việt Minh tại nhiều địa phương, đi tới đâu, mẹ con tôi đi theo tới đó. Ông Đức hiền lành lắm, không bao giờ uống rượu. Ông tinh tế, quán xuyến hết mọi việc trong nhà, không bao giờ khiến tôi buồn lòng”.

 

Tấm ảnh chụp chung lần sau cùng của vợ chồng bà Xuân và hai người con trước ngày chia ly năm 1954.
Tấm ảnh chụp chung lần sau cùng của vợ chồng bà Xuân và hai người con trước ngày chia ly năm 1954.

Năm 1954, vợ chồng bà Xuân đang ở Thanh Hóa, họ đang có 2 người con, Nguyễn Thị Phương, 7 tuổi; Nguyễn Văn Phi 3 tuổi và một em bé đang trong bụng. Nhiều ngày liên tiếp, bà Xuân thấy chồng mình rất buồn, không thiết ăn uống, nói chuyện, trong khi bình thường ông luôn vui vẻ. Và rồi, ông đưa cả nhà đi chụp một tấm ảnh gia đình rồi khẽ bảo vợ: “Tôi đi lần này ít là 5 tháng, nếu lâu hơn thì Xuân tự lo. Xuân nhớ, đừng bao giờ để các con thất học”, bà Xuân chỉ nghĩ chồng đi công tác và không suy nghĩ.

Một trưa tháng 9.1954, ông chia tay bà và xách ba lô, đi về hướng thị xã Thanh Hóa và rồi sau đó ông không trở lại. Bà Xuân đợi mãi, 5 tháng, 5 năm, rồi 10 năm. Nước mắt cạn khô. Bà lấy ngày ông đi làm ngày giỗ để cúng cơm. Ngày nào bà cũng thơ thẩn ngồi hát khúc ca Nhật buồn thảm: “Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về...”.

“Tôi chỉ có thương”

 

Gia đình ông bà Xuân trong ngày hội ngộ (năm 2006).
Gia đình ông bà Xuân trong ngày hội ngộ (năm 2006).

Ông Đức về lại Nhật và bặt vô âm tín. Sợi dây liên lạc với người vợ Việt Nam chỉ nối lại vào khoảng những năm 1996, 1997, nhờ những gia đình người quen tìm kiếm giúp tại Nhật Bản. Đài truyền hình NHK của Nhật sau đó đã về Việt Nam làm một bộ phim về bà Xuân. Sau giờ phát sóng, biết địa chỉ của vợ, ông Đức nghẹn ngào viết những dòng thư đầu tiên: “Tôi sẽ sang thăm Xuân. Xuân mặc áo dài ra đón tôi nhé”.

Năm 2006, lần đầu tiên ông Đức trở lại Việt Nam, đi cùng là một người vợ Nhật Bản. Bà Xuân và 3 con, Phương, Phi, Bình ra sân bay Nội Bài đón bố. Xa xa, nhìn thấy chồng đang ngồi trên xe lăn, các con đã òa khóc nức nở. Bà Xuân im lặng. “Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi”, bà nói.

Ông Đức ở lại Việt Nam 5 ngày, họ cùng nhau đi thăm Lăng Bác, đền Ngọc Sơn và nhiều nơi khác ở Hà Nội. Ông Đức cầm tay bà Xuân và nói: “Tôi mừng vì Xuân khỏe. Tôi có lỗi với Xuân, với các con!”.

 

Mái nhà nhỏ bà Xuân đang sinh sống tại Đông Anh.
Mái nhà nhỏ bà Xuân đang sinh sống tại Đông Anh.

Cũng trong những ngày đó, các con cháu cùng tổ chức lễ mừng thượng thọ cho cả ông Đức, bà Xuân và cả người vợ thứ 2 của ông Đức. Bà cụ tuổi 94 bồi hồi kể lại ngày đáng nhớ: “Tôi từng xem những bộ phim về sự đoàn tụ của những gia đình sau hàng chục năm và ao ước, giá như tôi được gặp lại chồng tôi. Năm 2006, ước mơ đã trở thành sự thật. Tôi từng mơ, sẽ có ai đó ở Nhật Bản gửi cho tôi một tấm ảnh của chồng tôi khi ông ấy đã già, để đặt cạnh tôi cho xứng. Giờ thì chúng tôi đã có tấm ảnh cùng tóc bạc, da mồi ngồi cạnh nhau”.

Sau lần gặp ngắn ngủi 5 ngày ấy, ông Đức về lại Nhật và qua đời sau đó 5 năm. Bà Xuân chưa hề hay biết tin đó, bà vẫn luôn tin rằng chồng mình đang còn sống, chỉ là sức khỏe ngày càng yếu, ông không thể chủ động đi lại cũng như vệ sinh cá nhân... Lá thư gần đây nhất ông viết cho vợ cách đây đã 12 năm, được bà Xuân dịch ra tiếng Việt để bên đầu giường: “Em ơi, anh không nói chuyện dài được với em vì anh đang bị ốm. Anh muốn gửi lời thành thật cảm ơn và xin lỗi cho em. Anh làm phiền em, làm em gặp nhiều khó khăn. Anh thành thật cảm ơn và cảm phục em đã nuôi 3 con thành người, xây dựng gia đình thành công tốt đẹp...”.

Mỗi ngày của bà Xuân trôi đi bình yên trong một căn nhà nhỏ, cách cây cầu hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có tên Nhật Tân không xa. Người phụ nữ trải qua bao thăng trầm, khốn khó của đời người bảo chẳng bao giờ oán trách chồng mình. “Tôi chỉ có thương. Đàn ông thì phải tìm cho mình một bờ vai để chăm sóc. Ông ấy từng nói, tôi và các con có nguyện vọng gì cứ nói để ông giúp đỡ, nhưng chúng tôi không có mong muốn gì hơn. Ông bệnh tật nhưng đã vượt 4.000 km về Việt Nam gặp lại tôi là hơn cả trong mơ. Giờ tôi có ra đi cũng thấy lòng thanh thản...”, bà Xuân trải lòng.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).