Nhật ký phóng viên: Những ngày ra đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với nhiều đồng nghiệp thì 2 chuyến ra đảo của tôi chẳng thấm tháp gì. Lần đầu tôi ra đảo là năm 2012, đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển đảo Tây Nam gồm: Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du và Hòn Tre. Chuyến thứ hai là ra Trường Sa. Nếu ra biển đảo Tây Nam thời gian chỉ hơn 10 ngày thì Trường Sa kéo dài đến 23 ngày, điểm đến nhiều hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn, điều kiện tác nghiệp cũng vất vả hơn.

Ấn tượng mà cũng là thu lượm quan trọng nhất sau 2 chuyến đi đó là hiểu biết về biển đảo Tổ quốc, ý thức vị trí chiến lược, tầm quan trọng biển đảo, chủ quyền quốc gia. Mỗi đảo đến thăm, đứng bên cột mốc chủ quyền, lòng bỗng xúc động vô cùng. Ta hiểu vì sao biển đảo tiền tiêu là cánh tay nối dài đất liền, là mắt thần từ xa bảo vệ đất nước, bảo vệ tài nguyên, giúp ngư dân bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương và nuôi sống xã hội.

 

Đại diện Báo Gia Lai trao quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông.          Ảnh: T.S
Đại diện Báo Gia Lai trao quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.S

Ngoài vai trò quan trọng về mặt quốc phòng-an ninh, tôi biết biển đảo mình giàu đẹp như thế nào. Quần đảo Trường Sa rộng lớn, bao la đảo chìm, đảo nổi, là nơi thử thách sự hy sinh gian khổ và rèn luyện, trưởng thành của người lính. Đảo nào cũng xa, đến đảo chìm Đá Lát, hành trình kéo dài 2 ngày 2 đêm. Mỗi đảo có đặc điểm riêng, có đảo dễ cập bờ nhưng cũng có đảo rất nguy hiểm khi tiếp cận như đảo: An Bang, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài là những đảo chìm, nằm trên rặng san hô, ra vào phụ thuộc thủy triều. Nhưng tất cả đều được xây dựng khang trang, chủ động nước ngọt, có điện, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh, ti vi, mạng điện thoại Viettel, thư viện, karaoke. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, chiến sĩ còn sinh hoạt thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ, vui chơi, giải trí. Đêm đêm, các đảo rực sáng ánh đèn trông như thành phố thu nhỏ giữa biển khơi. “Thành tựu ấy là kết quả từ sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân”-Đại tá, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4, Trưởng đoàn công tác Phạm Ngọc Quang nhìn nhận.

Ngoài cuộc sống người lính, trên đảo còn có dân. Đảo Trường Sa có 7 hộ dân với 28 nhân khẩu. Một số công dân tí hon như bé Thái Bình Hải Thùy hiện đã thôi nôi, sinh hạ tại đây, có sự chung tay giúp đỡ của Bệnh xá đảo bên cạnh sự trợ giúp của các chuyên gia trên đất liền. “Chúng em chủ yếu nuôi dạy con cái, làm vườn, chăn nuôi. Những hôm biển lặng thì xin phép đi đánh bắt hải sản, được bao nhiêu chia đều, phần còn lại hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ. Bà con còn làm bánh, làm hoa ốc để cải thiện thu nhập hoặc làm quà cho người thân”-anh Nguyễn Thành Hưng cho biết. Hôm Tết cận kề, Hưng khoe đồ đạc đã có ông bà nội ngoại từ đất liền gửi ra. Mỗi dịp Tết đến, bà con còn được gửi tặng rất nhiều quà. Nhìn bánh trái, hoa quả biết Xuân về khá đủ đầy, nhưng vẫn thoáng chạnh lòng vì bà con, chiến sĩ xa người thân, gia đình lúc Tết đến.

 

Ngôi chùa trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Duy Lê
Ngôi chùa trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Duy Lê

Đây là lý do mà như Trung tá, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đỗ Thế Tuyến, trao đổi với báo chí: “Để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo vơi đi nỗi nhớ nhà, chúng tôi tổ chức gói bánh chưng, biểu diễn văn nghệ, hái hoa dân chủ, nghe Chủ tịch nước chúc Tết, viếng chùa đầu năm… Hoạt động sôi nổi đó làm cho đời sống tinh thần và tình cảm của đảo thêm phong phú, gắn bó, nghĩa tình, cộng đồng trách nhiệm chung tay giữ gìn bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.

Không thể không nói đến nhà báo khi ra đảo. Nếu đến các đảo Tây Nam bộ, nhà báo vất vả lội bộ, trèo dốc hàng cây số để tiếp cận trạm hải đăng, ra đa, đồn biên phòng, hải quan, ấp dân cư thì hành trình ra Trường Sa nỗi vất vả là tăng bo lên xuống xuồng, băng qua các rặng san hô, vào âu tàu trước khi cập cầu tàu hay lội nước vào bờ. Ai cũng dép rọ, áo mưa, túi ni lông sợ ướt thiết bị, máy móc. Ngày thường đã vất vả, lúc biển động xuồng chòng chành, chao đảo, rất nguy hiểm, nhiều người suýt bị tai nạn. Thực sự chỉ khi bước chân lên tàu, chúng tôi mới biết ra Trường Sa không phải chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ như một số người lầm tưởng. Mùa giông gió, thời tiết xấu nên tàu rung lắc. Không kể người không quen sóng gió mà chiến sĩ cũng “ngất ngây”. Anh nuôi nhiều khi phải “ôm” khư khư nồi cơm đề phòng ngả đổ. Cơm nước dọn ra nhưng sóng lớn xô tàu nghiêng ngả, bát chén rơi loảng xoảng. Đêm không thiếu giấc “ngủ nghiêng”, nằm giường tầng phải lấy gối chăn chắn lại để khỏi rơi xuống sàn. Công Việt-Đài Phát thanh-Truyền hình Đak Lak ở cùng phòng tôi suốt mấy ngày liền say sóng đứ đừ, nhiều hôm bỏ bữa, anh em phải mang cơm cháy về cho; lãnh đạo đoàn đến thăm và đề nghị truyền nước giúp sức. Văn Nam-Đài Phát thanh-Truyền hình Khánh Hòa có đến 5 lần ra đảo mà gần cuối hành trình cũng bỏ cơm.

 

Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.                                                    Ảnh: T.S
Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: T.S

Vất vả, nhọc mệt là vậy mà ở đâu, trên tàu, xuống xuồng, nơi nào họ cũng có mặt, tay máy, tay quay, ghi ghi chép chép hối hả, khẩn trương. Mới nôn thốc nôn tháo đó nhưng nghe có hoạt động ghi hình tiết mục văn nghệ chiến sĩ trên ca bin là Việt nhỏm dậy vác máy đi ngay. Văn Nam là nhà báo trẻ rất chăm chỉ, lúc nào cũng cặm cụi, sợ thiếu hình ảnh tư liệu sẽ khó cho biên tập viên. Phi Long, Nguyễn Hoàng (TFS) là những nhà báo nhiều kinh nghiệm, khả năng độc lập tác chiến rất cao. Anh Hoàng tỉ mỉ, chuyến này anh ghi hơn 7 ngàn file hình, mấy thẻ nhớ máy quay dung lượng lớn. Do yêu cầu công việc nên sinh hoạt phóng viên như của lính. Lâu dần nhà báo đâm quen với thông báo kiểu như: “Báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”…

“Các nhà báo ra đảo công tác đều là những người tâm huyết với biển đảo, nhiệt tình với công việc”-Đại tá Phan Ngọc Quang đánh giá. Ngay khi lên bờ, phóng viên báo chí đã nhanh chóng gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn, ghi hình đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, sau đó viết tin bài, phóng sự chuyển về đất liền cho kịp thời. Nhiều người thức trắng đêm để chuyển tác phẩm về Tòa soạn. “Thông qua thông tin báo chí, hình ảnh Trường Sa, hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ, người công dân mẫu mực được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, chân thật đến người dân mọi miền đất nước, giúp hiểu biết và yêu quý biển đảo hơn, chung tay chăm lo xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Đó thật sự là hoạt động rất có ý nghĩa đối với không chỉ các cấp lãnh đạo, báo đài, mà trực tiếp là nguồn chia sẻ, động viên, khích lệ rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên đảo”-Đại tá Quang đúc kết.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.