"Hiệp sĩ" Ba Lan trên đất Việt-kỳ 3: Nhà tiên tri của Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Không có Kazik, chúng ta không có Hội An như hôm nay. Không có Kazik, chúng ta đã không ngồi đây để bàn việc bảo tồn đô thị cổ Hội An".


"Không có Kazik, ngoài đường phố kia sẽ không có cảnh tấp nập du khách, không có chuyện người dân Hội An đang giàu lên từng ngày” là những lời của GS Hoàng Đạo Kính phát biểu tại hội thảo 10 năm trùng tu và bảo tồn đô thị cổ Hội An vào tháng 4-2009.
 

Thiếu nhi chăm sóc công viên Kazik ở trung tâm Hội An.
Thiếu nhi chăm sóc công viên Kazik ở trung tâm Hội An.

Thông điệp đầu tiên về Hội An

Những ngày cuối tuần, thay vì về Đà Nẵng, Kazik thường xuôi dòng sông Thu Bồn ra biển Cửa Đại (Hội An) chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đô thị cổ Hội An.

Lúc đó Hội An chưa là gì trên bản đồ du lịch của Việt Nam. Có lúc một mình Kazik cũng lang thang nơi phố cổ, cà phê vỉa hè hoặc đi xem tranh ở Hội An, nơi có chút phong vị như thành phố cổ quê hương ông.

“Lúc tôi cùng Kazik đi thăm thị xã nhỏ này, nó dường như ít có sức sống, tĩnh lặng, nghèo nàn. Hội An như một viên ngọc quý đang bị phủ lớp bụi thời gian” - nguyên giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Hải Học nhớ lại.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An - là cán bộ của thị xã. Ký ức của ông về Kazik là một ông Tây dồn tâm sức lăn vào từng ngõ phố, từng căn nhà cổ với tất cả lòng nhiệt huyết.

Theo ông Sự, Hội An có rất lâu nhưng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ít ai phát hiện giá trị của nó. Về mặt lịch sử, Hội An được đề cập là một thương cảng, là thành phố dưỡng già, về mặt kiến trúc thì lúc đó ít ai biết đến.

GS Hoàng Đạo Kính cho biết đầu năm 1981, “Kazik quyết định tình nguyện ngoài kế hoạch cùng chúng tôi nghiên cứu, khảo sát và đạc họa khu nhà cổ trong mấy mùa liên tục”.

“Nhiều người nói rằng ông ta phát hiện Hội An là không đúng, mà chính xác ông ta đã phát hiện giá trị kiến trúc của Hội An” - ông Nguyễn Sự nhìn nhận.

Ông Sự cho biết sau hai năm nghiên cứu về kiến trúc phố cổ Hội An, năm 1983 Kazik đã có một báo cáo đầu tiên về đô thị cổ Hội An đệ trình lên Nhà nước Việt Nam và UNESCO, Hội đồng Di sản thế giới, Tổ chức Bảo tồn các đô thị cổ Ba Lan.

Thông điệp đầu tiên về Hội An ra thế giới được nhìn nhận: “Hội An là một đô thị cổ có vẻ đẹp không trùng lặp với bất kỳ đô thị cổ khác, thể hiện cấu trúc phố phường, sự phong phú các thể dạng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc, nội thất, các quần thể kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong không gian và thiên nhiên riêng biệt.

Với những đặc điểm trên đã đưa quần thể đô thị cổ vào kiến trúc di tích văn hóa Việt Nam và trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại”.

 

Kazik những ngày tham gia nghiên cứu phố cổ Hội An.
Kazik những ngày tham gia nghiên cứu phố cổ Hội An.

Ở đâu bị phá, Hội An thì không

Sau đó, Bộ VH-TT cùng các nhà khoa học, trong đó có các nhà nghiên cứu tiếng tăm của Việt Nam, tổ chức một hội thảo quốc gia đầu tiên về phố cổ tại Hội An vào năm 1985.

Từ những nghiên cứu giá trị đưa ra hội thảo, Nhà nước công nhận Hội An là di tích cấp quốc gia. Đến năm 1990, một hội thảo tầm quốc tế và dần dần nhiều người biết đến Hội An.

Khi tình trạng đình chùa miếu mạo trên cả nước bị đập phá rất nhiều, chính Kazik đã gặp bí thư Thị ủy Hội An Võ Hiên khuyên: “Ở đâu bị phá thì phá, riêng các di tích ở phố cổ Hội An phải được giữ nguyên”.

Năm 1995, chính quyền tập hợp tất cả nghiên cứu, đánh giá về Hội An làm hồ sơ để Nhà nước Việt Nam trình UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới.

“Giá trị Hội An thì ai cũng biết, nhưng lúc đó UNESCO còn ngại ngùng công nhận bởi Hội An là một di tích sống, con người còn sinh sống trong đó, việc bảo tồn cực kỳ khó khăn. Nếu công nhận xong con người phá thì sao?

Đến lúc này, tiếng nói của một nhà khoa học như Kazik mới thật sự quan trọng và có uy tín. UNESCO cử đặc phái viên qua kiểm tra, theo dõi thì thấy mình quản lý như vậy là ổn” - ông Sự nhớ lại.

Và ông Sự khẳng định: “Người làm ra Hội An là những người đi trước, còn người phát hiện những giá trị kiến trúc Hội An, để nó có được ngày hôm nay chính là Kazik.

Quan trọng hơn, không chỉ dừng lại trách nhiệm với những giá trị kiến trúc của quá khứ mà sự phát hiện của Kazik đã đánh thức lại tất cả những nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, vẻ đẹp của Hội An mà lâu nay không thấy, đánh thức lại cách nhìn của người Hội An đối với giá trị khu phố cổ này”.

Mỗi nhà cổ là một khách sạn độc đáo

Thị xã Hội An bấy giờ chỉ có 8 phòng nghỉ đón du khách. Ngay cả khi Kazik đi trên đường, nhiều người còn tò mò chạy theo coi mặt mũi ông Tây.

Thế nhưng đầu năm 1980, khi lần đầu đến đô thị cổ này, Kazik đã tiên đoán rằng 1 người dân Hội An trong tương lai sẽ đón ít nhất 4 người khách, trong khi đô thị cổ này chưa biết đến khái niệm du lịch.

Một lần ông Kazik cùng ông Hồ Hải Học làm việc với lãnh đạo thị xã Hội An. Kazik đặt câu hỏi Hội An sao chưa làm du lịch được, một lãnh đạo nói: “Thiếu khách sạn nên không có khách đến”. Kazik hỏi ngược lại: “Hội An làm khách sạn liệu có tốt hơn, sang trọng hơn các khách sạn ở châu Âu không? Mọi người đều ngớ người, bởi có khách sạn như châu Âu thì họ ở châu Âu chứ qua đây làm gì”.

Ông khuyến cáo chính quyền: Mỗi cái nhà cổ của các anh là một khách sạn độc đáo không ở đâu sánh được, chỉ cần cải tạo và lắp thêm một số tiện nghi cần thiết thì cả phố cổ này chính là khách sạn mà du khách tìm đến.

Ông Học kể hôm đó Kazik và ông rảo bộ ra chùa Cầu, Kazik nói: “Học ơi, mày có tiền mua một cái nhà cổ đi, vài năm sau mày sẽ ngồi thu tiền, sẽ trở thành triệu phú”. “Đó là tầm nhìn rất xa của Kazik” - ông Học nhớ lại.

Năm 1993, Hội An mới có nghị quyết phát triển du lịch, khách bắt đầu nườm nượp đến. Hai năm sau đó, Kazik trở lại Hội An với vẻ mặt rất hài lòng.

Kazik nói với ông Sự: “Tương lai Hội An nhờ những phố cổ này, dân của ông sẽ giàu lên với điều kiện phải giữ cho được kiến trúc, văn hóa Hội An, đừng cho nó biến đổi”.

Giờ đây, ngồi nhìn du khách nườm nượp đến Hội An, ông Sự thổ lộ: “Năm 2015, Hội An đón hơn 2 triệu lượt khách. Lời tiên tri từ 3 thập niên trước của Kazik thật diệu kỳ”.

Dù dành trọn thời gian cho Mỹ Sơn và Hội An, Kazik cũng “bén duyên” với những đền đài cung điện của Huế. Nhưng đúng lúc Kazik đang trùng tu Thế Tổ miếu, một sự kiện lớn ập đến...

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.