Người Mường gốc Hòa Bình ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm sau ngày đặt chân đến với vùng đất Gia Lai theo diện di dân giải tỏa lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, từ những ngôi nhà tái định cư đơn sơ, khốn khó ban đầu, những người dân gốc Hòa Bình đã ổn định cuộc sống và góp phần tạo nên một vùng biên giới Ia Lâu ngày một trù phú.

Gặp tỷ phú người Hòa Bình

Nhấp chén trà nóng hổi, ông Hà Văn Mừng (thôn 7, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) chậm rãi kể về hành trình 20 năm gắn bó với mảnh đất Ia Lâu nắng gió. “Tháng 12-1996, vợ chồng tôi quyết định rời quê hương Lũng Vân (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vào Tây Nguyên theo chủ trương di dân vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Theo thông tin trước đó, Tây Nguyên là vùng đất rộng lớn, trù phú và tốt tươi. Điều ấy đã cho tôi sức mạnh, hy vọng và quyết tâm tìm đến để tạo lập cuộc sống mới”-ông Mừng kể lại.


 

Gia đình ông Mừng sum họp. Ảnh: H.L
Gia đình ông Mừng sum họp. Ảnh: H.L

Vào Ia Lâu, gia đình ông Mừng được cấp hơn 1 ha đất để sản xuất. Đất đai Ia Lâu phì nhiêu, màu mỡ, trồng cây chẳng cần bón phân mà vẫn tốt ngợp trời. Do nắm rất chắc kỹ thuật làm lúa nước nên chả mấy chốc vợ chồng ông Mừng đã biến cánh đồng vốn bị bỏ hoang thành ruộng lúa tốt tươi. Năm tháng khó nhọc vơi dần nhờ sự chăm chỉ siêng năng. Từ đồng vốn ít ỏi lận lưng lúc rời quê hương, ông Mừng bàn với vợ mua một chiếc máy xát gạo cũ về phục vụ bà con trong xã. Phía sau nhà, ông gom góp tiền làm chuồng, mua heo về nuôi. Ông vừa nấu rượu bán để có thêm thu nhập, đồng thời tạo nguồn thức ăn cho đàn heo. Bên cạnh đó, ông mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ để vợ buôn bán. Từ quán nhỏ buôn bán gạo muối ban đầu, nay vợ chồng ông đã phát triển thành cửa hàng điện nước lớn nhất nhì xã, người vào ra mua bán tấp nập. Đó là chưa kể mì, lúa, bắp năm nào cũng cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Từ căn nhà phên nứa vỏn vẹn 24 m2, đến nay, bằng sự cố gắng, ông mừng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.

“Mỗi năm trừ chi phí, vợ chồng tôi thu lãi 300-400 triệu đồng. Tuổi cũng không còn trẻ nên vợ chồng tôi nghĩ đến lúc phải đầu tư cho các con, để chúng nó vươn lên”-ông Mừng cho biết. Vậy nhưng, theo lời lãnh đạo xã và bà con xung quanh, ông Mừng khiêm tốn mà nói vậy, chứ với ngần ấy khoản thu, trung bình mỗi năm ông thu trên nửa tỷ đồng.

Những “mùa lạc” trên Tây Nguyên

Cùng dòng người tìm đến Tây Nguyên theo chủ trương xây dựng kinh tế mới, những người gốc Hòa Bình mang theo khát vọng thay đổi cuộc đời đã đặt chân đến mảnh đất Ia Lâu. Tại đây, họ đã viết nên những câu chuyện đẹp đẽ về ý chí lập thân, lập nghiệp, hướng về tương lai. Câu chuyện của Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu Lê văn Công là một ví dụ.

“Năm 1993, tôi đang học lớp 4 thì gia đình chuyển vào Ia Lâu sinh sống theo diện di dân vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Ia Lâu ngày ấy bao la, rộng lớn nhưng hoang vắng và thiếu thốn. Cả xã mới chỉ có 3 lớp học là lớp 1, 2 và lớp 3. Không có lớp 4 để có thể học tiếp nên tôi đành dừng lại một năm, qua năm sau nhập vào khối lớp 3 khi các em lên lớp mới. Vất vả lắm mới tốt nghiệp THCS bởi nhà đông anh em, bố mẹ nghèo khó”-anh Lê Văn Công nhớ lại. Thời điểm đó, Tây Nguyên còn rất khó khăn, cơ sở vật chất, ngành Giáo dục rất hạn chế. “Chẳng ai muốn mình dở dang học hành nhưng khó khăn quá nên đành chịu. Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi về nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Tôi tham gia công tác Đoàn và môi trường ấy đã thắp lại trong tôi khát khao đi học. Tôi đăng ký theo học THPT hệ bổ túc”-anh Công kể.

Hoàn tất hệ THPT, anh Công được xã tạo điều kiện cho đi học hệ cử tuyển Trung cấp hành chính văn phòng. Hoàn tất khóa học, anh trở về phục vụ địa phương với vai trò cán bộ Văn phòng UBND xã Ia Lâu. Tháng 8-2008, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Trưởng thành ngay tại địa phương, trải qua những năm tháng khốn khó cùng những thăng trầm của vùng đất này, anh hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con nơi đây. “Tôi luôn tâm niệm, người cán bộ là công bộc của dân. Bác Hồ đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì gây hại cho dân phải hết sức tránh”, bởi vậy, dù ở trên cương vị nào, tôi cũng cố gắng, nỗ lực hết mình để phụng sự nhân dân”-anh Công chia sẻ.

…Ông Mừng, anh Công chỉ là hai trong số nhiều người gốc Hòa Bình tôi gặp và trò chuyện trong chuyến đi này. Lắng nghe những câu chuyện họ chia sẻ, nhìn ngắm mảnh đất tươi đẹp họ đang chung tay dựng xây, tôi tin rằng, tương lai nơi đây sẽ còn phát triển hơn nữa, giàu mạnh hơn nữa bởi có những bàn tay, khối óc lao động kiên trì, không ngừng nghỉ. Và một điều đáng quý nữa là, mặc dù xa quê hương nhưng những người con đất Hòa Bình vẫn luôn có ý thức trân trọng và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Mường của mình.

“Họ yêu văn hóa dân tộc lắm! Họ gìn giữ ngay từ tiếng nói, mái nhà sàn truyền thống, trang phục hay cả các món ăn, lễ nghi ngày Tết. Họ cũng không quên truyền dạy cho con cháu giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Đó là điều đáng quý nhất!”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu Nông Văn Hoàng chia sẻ.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.