Kỳ cuối: Bản giao hưởng từ những vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rừng cao su vào mùa thay lá mang một vẻ đẹp thật khó tả. Bắt đầu là một sắc vàng miên man siêu thực để rồi sau đó một rừng nụ từ từ hé mở, lấp dần những ô trời bằng triệu triệu chấm xanh mỡ màng…

Phép màu mang tên “cao su”

Chiều muộn, tôi đi dưới tán rừng xào xạc mùa trở gió, lâng lâng với bao cảm xúc không đầu không cuối của riêng mình. Những lô cao su trước mắt tôi đây, xưa là khoảnh rừng hoang lỗ chỗ những hố đào củ mài của dân làng Quen Grai (xã Ia Me, huyện Chư Prông) mùa giáp hạt. Ở làng Quen Grai có một con người khá đặc biệt-đó là ông Puih Blang. Thời chống Mỹ, ông là Xã đội trưởng-chính là người đã cặp rèn rồi đưa người anh hùng nhỏ tuổi Kpă Klơng vào du kích. Một chiều mưa tầm tã, tôi đã tìm đến nhà ông để bòn chút tư liệu cho bài báo Tết. Câu chuyện về Klơng hôm đó hóa ra chỉ chiếm một dung lượng nhỏ. Phần lớn thời gian tôi đã phải nghe nỗi lòng đau đáu của một con người bom đạn kẻ thù không ngại mà bất lực trước nỗi khổ cực của dân làng. Thắng Mỹ hơn hai chục năm rồi mà sao làng ông-chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn vẫn mỗi lúc mỗi xa vời. Hột lúa của ông bà sao cứ như biết chạy. Mới tuốt lúa chưa đầy tháng, làng đã có người đói rồi. Hột lúa chạy về đâu, Puih Blang biết lắm. Cái áo, cái quần, thậm chí đến chiếc kẹo, cái bánh cho con cũng lúa. Mà hột lúa thì mỗi lúc một gầy. Nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất. Hột lúa chạy đi, cái xấu theo đến. Ai đời phạt vạ càng nhiều mà ai cũng mừng (!) Ấy là cái cớ ngồi với nhau cho quên nỗi buồn. Biết mình, biết làng mỗi ngày càng bị dắt sâu vào chỗ tối mà không ai nghĩ được lối ra.


 

  Bộ đội hướng dẫn công nhân người Jrai  kỹ thuật khai thác mủ. Ảnh: N.T
Bộ đội hướng dẫn công nhân người Jrai kỹ thuật khai thác mủ. Ảnh: N.T

Có thể nào tin được đây từng là một ngôi làng đói rét, lạc hậu đến xót xa? Vậy mà từ ngày cây cao su đến, Quen Grai đã lột xác như có phép màu. Những căn nhà tôn sùm sụp rỉ rét, đen sì muội khói; những túp lều tranh trơ xương vì gió thốc bây giờ đã được thay hầu hết bằng những ngôi nhà gạch, mái tôn đỏ chói… Miên man với những tên làng, tên người nơi đứng chân của các công ty 72, 74, 75, Mang Yang, Chư Sê… cũng đã qua những năm tháng đói nghèo như thế và còn hơn thế, tôi lại chợt quay về với cái ý nghĩ lẩn thẩn rằng giả sử một sớm mai nào đó ta thức dậy, cái mảng xanh ngỡ chừng không biên giới trên miền đất Gia Lai này bỗng dưng biến mất? Thật khó để hình dung cuộc sống của hàng trăm ngôi làng ấy, hàng vạn con người ấy giờ sẽ thế nào. Đành rằng bản chất của cuộc sống là sự phủ định những giá trị lạc hậu, lỗi thời nhưng sự phủ định tịnh tiến là khác với sự tiến bộ bằng xúc tác… Có thể có người cho rằng cuộc sống của nhiều người làm cao su đến nay vẫn chưa giàu có gì. Đúng vậy. Nhưng đã là công nhân cao su thì chẳng còn ai thuộc diện nghèo. Và bao nhiêu công nhân có tài sản giá trị tiền tỷ nhờ thêm “nghề tay trái” thì cũng không thể chối bỏ cội nguồn là nhờ sự xúc tác từ cây cao su… Cây cao su đã mang đến một cuộc cách mạng trong nếp nghĩ, cách làm cho bao vùng đất, bao con người. Và không chỉ thế, những giá trị ấy còn tạo nên sự cộng hưởng cho cả những vùng đất, những con người ngoài cương giới. Tạo nên giá trị tài sản hàng vạn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng là lớn-nhưng những giá trị về mặt xã hội  mà ngành cao su mang đến cho vùng đất Gia Lai mới thực sự có ý nghĩa nhất. Ngẫm nghĩ và chợt nhận ra dung lượng của phóng sự này đã không đủ sức ôm hết một đề tài quá lớn. Câu chuyện về làng Poong (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) và Rơmah MRao có thể sẽ là một cái kết tạm cho huyền sử chặng đường 40 năm cây cao su đứng chân trên đất Gia Lai này.

Ngày mới ở làng Quen Grai

…Cái năm 94 (1994) ấy làng Poong đói lắm. Làm lúa rẫy, bình thường cứ đến tháng ba đã hết ăn huống chi lại gặp lúc mất mùa. Người người đi vật vờ trên đường như bị con ma lấy mất vía, con mắt lặn sâu như hố củ mài; đến cái khố đeo trễ xuống mà cũng chẳng buồn kéo nó lên nữa. May sao gặp lúc nhà Rơmah MRao đang cúng con ma. Đói thế này mà có thịt trâu ăn, có rượu uống thì còn nói gì được nữa. Giá mà nó cứ cúng miết thế này cho đến lúc Yàng cho mưa.

Cả tháng nay rồi, chiều nào MRao cũng ngồi ôm đầu gối vào bụng. Cảnh làng, cảnh nhà-hai cái buồn gộp lại khiến trong ruột như có bàn tay ai cào. Vợ MRao đau. Không biết bệnh gì mà trong ngực cứ như có con gõ kiến mổ rồi ho, khạc ra máu. Thầy cúng Rơ Ma Chênh đến lấy quả trứng gà đập ra, đổ vào chén săm soi một lúc rồi bảo: “Thế này là vợ mày bị con ma nó núp trong phổi, phải đập trâu cúng thì mới hết được”. Chẳng chần chừ, MRao cho đập con trâu kèm một con heo, hai chục ghè rượu để cúng. Cả làng say mềm như cây chuối bị vặn gốc suốt 2 ngày. Xong việc, MRao còn phải tạ thầy một gùi lúa to nữa. Vậy mà lạ, chẳng thấy vợ đỡ chút nào? Hỏi, thầy lại bảo: “Vợ mày bị con ma ăn đã lâu, phải cúng thêm nữa thì nó mới chịu”. Lại phải nghe thầy. 1 tháng ròng rã cúng, mất 10 gùi lúa đền công cho thầy rồi đàn trâu 4 con, gồm cả con trâu mẹ to nhất làng, lại thêm 4 con bò, một chục con heo lần lượt “ra đi”, vậy mà xem ra con gõ kiến mổ trong ngực vợ MRao lại nhiều hơn. MRao muốn khóc khi nghe thầy bảo: “Con ma này không chịu ăn trâu bò, không chịu uống rượu, vậy là nó chỉ muốn vợ mày đi theo rồi”.

Nếu không có Đại tá Nguyễn Thanh Xuân-Giám đốc Công ty 75 thì chắc vợ MRao đã về làng ma lúc đó. Chuyện là lúc ấy cán bộ công ty vận động bà con trồng cao su. Đang buồn như cây lúa chờ mưa, vậy mà nghe nói trồng cao su bụng MRao bỗng nhốt lên như có ai bỏ cục lửa. Trồng cao su mất hết đất ông bà, mai mốt biết lấy chỗ nào cho con bò đi chơi? MRao bí mật nói với dân làng nằm lăn ra cản, không cho bộ đội khai hoang. Làng Poong phải một trận ầm ĩ như cháy nhà. Đại tá Nguyễn Thanh Xuân phải đích thân xuống vận động… Hôm đó tình cờ ghé vào nhà, nghe MRao buồn rầu kể đầu đuôi, ông lập tức cho bác sĩ xuống khám bệnh. Bác sĩ bảo vợ MRao bị bệnh phổi rồi đưa về trạm xá Công ty điều trị. Được 3 tháng thì hết bệnh, khỏe ra như có phép Yàng cho!

Nói cho thật thì lúc ấy MRao chưa tin cây cao su lắm. Chịu đi làm công nhân cũng như là cách trả ơn người đã cứu vợ mình. Nhưng rồi dần dần MRao nhận ra rằng của cải tích cóp mười mấy năm làm rẫy so với mấy năm MRao làm cao su đâu có hơn gì. Ấy là MRao được tiếng giàu nhất làng đấy! Càng nghĩ MRao càng thấy xấu hổ với việc mình làm. Được Công ty giao vận động dân làng vào công nhân, MRao gặp nhiều cái khó lắm. Người càng nghèo càng khó nhưng MRao biết mình đã đi đúng đường thì dân làng sẽ chịu theo. Có một dạo làng Poong xôn xao chuyện nhà MRao sắm két đựng tiền. Chẳng phải tin đồn mà có thật. Sau hơn chục năm dốc sức làm ăn, bây giờ MRao đã có 20 ha cao su, 10 ha điều, 3 ha cà phê, một cửa hàng tạp hóa. Tài sản của MRao, người ta ước tính phải trên chục tỷ đồng, ấy là chưa kể ngôi nhà xây gần 2 tỷ bạc, cái ô tô cũng tiền tỷ và 3 cái nhà MRao đã xây cho con, rồi máy cày, trâu bò… Nhưng nếu chỉ mỗi mình MRao giàu lên thì cũng chẳng ý nghĩa mấy. MRao vẫn thầm tự hào trong sự đổi thay của dân làng có phần đóng góp của mình.

 

 

Làng Poong bây giờ đã đổi thay tới mức khiến người ta phải ngỡ ngàng. Cả 135 hộ đều có nhà xây. Nhiều nhà xây kiểu Thái to rộng. Mức thu nhập từ trăm triệu đồng/năm trở lên đã có hơn 10 nhà. Chẳng có phép lạ nào, tất cả đều từ cây cao su. Làng được Công ty giao 460 ha, mỗi lao động đều được đảm bảo từ một suất cạo trở lên. Ngoài ra, Công ty còn khuyến khích, giúp đỡ bà con trồng điều, cà phê để tăng thêm thu nhập. Làng Poong trở thành một ngôi làng kiểu mẫu. Không có chuyện trộm cắp, không nghe lời kẻ xấu. Ai cũng hiểu làm những việc đó là tự chặt tay mình.

Không chỉ trở thành người giàu có nhất vùng, thậm chí còn được “phong” là “người Jrai giàu nhất”, MRao còn là Đội phó đội sản xuất mang quân hàm sĩ quan chuyên nghiệp. Mỗi khi rảnh rỗi ngồi ngẫm chuyện mình, chuyện làng, MRao cứ cảm giác như vừa qua một giấc mơ-một giấc mơ có thật giữa ban ngày…

 Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).