Kỳ 2: Đất vỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 3-1975, “Bài ca thống nhất” còn chưa khải hoàn thì tại vùng đất Đức Cơ, Gia Lai,  đoàn quân mang sứ mệnh vỡ đất đầu tiên đã có mặt-đó là Đoàn Mê Linh với 1.000 con người xuất phát từ Mê Linh (Vĩnh Phú). Tiếp bước họ, cuối năm 1976, hơn 3.400 thanh niên của tỉnh Hà-Nam-Ninh và 29 cán bộ khung Nông trường Đồng Giao cũng tiến vào vùng đất cháy nắng, xác xơ bom đạn Chư Prông thành lập nông trường. Kế đó là sự ra đời của Công ty Cao su Đức Cơ với các nông trường 702, 707 (nay là các Công ty 72, 75 Binh đoàn 15); Nông trường Cao su Ninh Đức (Chư Pah). Sang năm 1983-1984, các công ty cao su Mang Yang, Chư Sê tiếp bước ra đời…  


Một thời đói rét

Xin được bắt đầu câu chuyện với cựu binh của Đoàn Mê Linh cũ-Đại tá Trần Quang Hùng-nguyên Giám đốc Công ty 74, Binh đoàn 15. Ngày ấy, như bao bạn bè trang lứa, ông Hùng cũng ghi nhật ký. Đấy là một cuốn sổ đóng bằng giấy kẻ ca rô khổ nhỏ đã ố vàng. Chỉ là những dòng sự kiện vắn tắt và cảm xúc thoáng qua nhưng lật lại nó, cả một quá khứ nhuốm màu bi tráng lại hiện về trong ông…

 

Công nhân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: N.T
Công nhân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: N.T

Tháng 3-1975, 1.000 thanh niên, phần lớn chỉ mới rời ghế nhà trường vẫn hăm hở tiến vào vùng đất mà họ gần như chưa có một ý niệm gì… Hơn 1 tháng trời hành quân ròng rã, những ý nghĩ lãng mạn của tuổi trẻ đã chùng xuống trước một sự thật khắc nghiệt: Ngút mắt họ là những khoảng rừng đét đóng, xác xơ vì bom đạn và những cơn gió mùa khô cuồng loạn. Cuộc sống bắt đầu với những dãy nhà tranh tự dựng và một tổ chức theo mô hình quân đội. Nhiệm vụ đầu tiên của họ chưa phải trồng cao su mà là sản xuất lương thực. Để có đất, chiến sĩ ta được lệnh khai hoang cả những khu vực cao su còn sót lại thời dinh điền… Sáng lưng chén cơm với mấy khúc mì luộc rồi vác búa ra rẫy. Trưa, tối lại điệp khúc mì luộc, lưng cơm. Lương thực sản xuất ra phải niêm kho để chuyển cho tuyến trước. Ngay cả mì chất đầy kho đấy nhưng không phải muốn là lấy ăn. Đói vàng cả mắt. Công việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ, giường chiếu chưa bén hơi người, sốt rét đã trỗi lên hoành hành. Hầu như cứ đến lán nào cũng bắt gặp những thân hình lép kẹp, co quắp lẩy bẩy trên sạp nứa… Với cánh nữ, một căn bệnh còn đáng sợ hơn sốt rét mà người ta gọi là “rối loạn công năng”. Đang bình thường, thốt nhiên phá lên cười như điên dại rồi chạy lung tung như người mất trí. Có người đang đêm bỗng vùng dậy leo tuốt lên ngọn cây cười sằng sặc… Giữa rừng núi mịt mùng, tiếng cười nghe cứ buốt lạnh cả sống lưng.

Thế nhưng dẫu sao thì được chu cấp theo chế độ quân đội, Đoàn Mê Linh có lẽ còn chưa gian khổ bằng Nông trường Chư Prông. Ngày ấy, huyện lỵ Chư Prông còn đóng ở Thanh An. Cái tên “Lệ Ngọc” thực tế chỉ là địa danh hàm chứa một vùng đất ngờm ngợp cỏ đuôi chồn. Họ như bị đẩy vào một cái túi không có đường  ra. Nông trường thuộc tỉnh, vốn đầu tư chỉ đáp ứng được hơn một nửa, lại nhỏ giọt, công nhân vài tháng liền trễ lương là chuyện thường. Vừa chống chọi với sốt rét, bom mìn, FULRO rình rập, công nhân vừa “đánh gốc bốc chà” trồng lương thực để tự cứu mình. Trừ một số vị lãnh đạo gia đình còn ở lại Bắc, tất cả đều phải trần lưng ra rẫy. Công nhân vô hình trung trở thành nghề tay trái và cao su chỉ là cây “Nhà nước thuê làm”… Bấy giờ, người ta vẫn còn trồng cao su theo phương pháp rất lạc hậu: Hạt cao su gieo thẳng xuống đất, sau đó mang mắt ghép từ nơi khác ghép vào. Cứ 10 cây thì chỉ được năm, sáu mắt sống, còn thì hoặc chết hoặc tồn tại dưới dạng thực sinh. Hậu quả là không ít lô cao su nhìn vào cứ khập khễnh như hàm răng “chín sáu ba không”.

Thuận lợi hơn những đơn vị tiên phong đến vùng đất mới là các công ty thuộc mô hình “công ty mẹ đẻ công ty con” như Chư Sê, Mang Yang. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ vẫn trong mẫu số chung là cơ chế “làm công ăn lương, đánh kẻng đi làm”; đồng tiền mất giá nhanh. Điều này đã dẫn đến sự nan giải trong việc tuyển dụng lao động-đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Để có công nhân, trước hết họ phải nhờ cán bộ lão thành, các già làng uy tín đi cùng. Ba bảy lần họp mới có người đăng ký nhưng nhận gạo, nhận bảo hộ lao động hôm trước, vài hôm sau đã  có người bỏ đi làm rẫy, đi đãi vàng… Xung đột văn hóa, xung đột giữa thói quen làm việc tùy hứng và cung cách giờ giấc, mệnh lệnh đã khiến họ quay lưng… Rồi tàn dư FULRO kích động. Mỗi gốc cao su trồng lên là mỗi thử thách, mỗi dồn ép khốc liệt của thiên họa, nhân họa… Công ty Cao su Mang Yang,  suốt 10 năm (1984-1994) vốn liếng chỉ có hơn 3.000 ha, trong đó chỉ 370 ha được đưa vào khai thác. Ấy là chỉ tính “bóng” chứ chưa nói đến mật độ cây… Thiếu lao động, thiếu vốn, nhiều nông trường đành bất lực nhìn vườn cây chìm trong cỏ đuôi chồn rồi làm mồi cho lửa.

Tương lai nào cho cuộc sống này? Chẳng phải đến bây giờ mới phải nghĩ suy, dằn vặt. Với nhiều người, chạy trốn khỏi tương lai vô vọng này mới là thượng sách. Ngay từ tháng đầu ở các đơn vị đến trước đã có người bỏ trốn. Đoàn Mê Linh có đại đội bỏ ngũ đến một phần ba. Chỉ một xã Hồng Lạc, 80 người ra đi lúc đầu chỉ còn lại 6 người… Nông trường Chư Prông, 3.400 người sau một năm chỉ còn 800 người. Có người còn tự tay đốt nhà mình để kiếm cớ bỏ về. Thuyết phục, vận động không nổi, có đơn vị đã phải dùng đến biện pháp “rắn” là cho tự vệ cơ quan ra bến xe liên tỉnh kiểm tra. Chìa khóa để giữ thế trận đang nguy này khó có thể bằng cưỡng bức hay thuyết phục suông mà phải bằng cơ chế. Nhưng cơ chế ấy là gì thì chưa đơn vị nào trả lời được. Vậy là chỉ có cách dựa vào ý chí của những người còn bám trụ, ý chí của những người cầm lái để vượt lên.

Vinh danh ý chí con người

Có thể bây giờ còn không ít người vẫn giữ ấn tượng dè bỉu cái thời duy ý chí ấy. Đúng là nếu không có cơ chế “phát gạo tháng, đánh kẻng đi làm” thì ngành cao su đã không phải trải qua thời kỳ khó khăn, trì trệ cả hơn chục năm trời. Nhưng cuộc sống vốn không có giả thiết. Và cũng không phải bao giờ ý chí cũng là một thứ “Dã tràng xe cát”. Trong bối cảnh bấy giờ, ý chí của những người dám trụ lại và những người cầm lái vô hình trung đã trở thành sự quyết định cho ngành cao su sống còn, tạo nền móng cho bước phát triển mang tính nhảy vọt khi tiến hành công cuộc đổi mới sau này. Một trong những con người còn đọng mãi trong tôi ấn tượng ấy là vị Giám đốc đầu tiên của Công ty Cao su Chư Prông Nguyễn Cữu Tư. Gia nhập Vệ quốc đoàn ngay sau những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công rồi trở thành Bí thư Đảng ủy Nông trường Đồng Giao-một nông trường mà khó khăn gian khổ đã kết lại thành câu ca “Ai về Quán Cháo Đồng Giao/Má hồng để lại xanh xao mang về”.

Chấp hành lệnh điều động vào Chư Prông xây dựng nông trường, chính sự từng trải gian khổ ấy đã cho ông bản lĩnh kiên định trước một bối cảnh có lẽ còn khó khăn gấp bội nơi ông đã từng lãnh đạo… Vợ con ở lại ngoài Bắc, một mình trong căn phòng cấp IV chưa đến chục mét vuông; trang phục sang trọng nhất của ông là bộ quần áo đại cán sĩ quan; tài sản đáng giá trong căn phòng làm việc là chiếc đồng hồ citizen để bàn vỡ cả mắt kính; nghỉ chế độ chưa kịp nhận lương hưu đã mất-tôi có cảm giác con người ấy gần như suốt đời không màng đến sự tìm kiếm lợi ích vật chất… Ý chí của ông, tinh thần lạc quan của ông kết lại chỉ một chi tiết này: Khi dòng nhựa đầu tiên của cây cao su được chế biến thành những miếng cơ-rếp từ một chiếc lò thủ công thô sơ, tôi nhớ ông đã cầm lên săm soi nó một hồi lâu. Giọng lạc đi vì xúc động, ông nói như với chính mình: “Bây giờ thì mới chỉ thế này thôi, nhưng không lâu nữa thì… xin mời anh!”
 

Không chỉ thế hệ lãnh đạo được tôi luyện qua gian khổ, thế hệ trẻ dù chỉ mới rời ghế nhà trường cũng còn bao nhiêu con người kiên định vào tiền đồ sẽ đến với một vùng đất như thế…Năm 1977, trong đoàn người tiến vào vùng đất mới Chư Prông có một thanh niên đã tốt nghiệp phổ thông từ 2 năm trước. Thời ấy, ngoài Bắc có được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu không đậu đại học thì cũng không thiếu những trường trung cấp, cao đẳng danh giá mời gọi. Gia đình ngăn cản, bạn bè chê dại nhưng anh vẫn quyết đi. Cũng phải tự tay trồng lúa, trồng đậu phộng để lấy cái ăn cơ khổ như ai nhưng trước hàng trăm con người đang thoái chí, anh không những quyết bám trụ đến cùng mà còn tiếp lửa cho họ bằng “quyết tâm thư” cháy bỏng nhiệt huyết. Còn “anh lính trơn” Trần Quang Hùng thì ghi vào nhật ký “Dù khó khăn gian khổ đến mấy mình vẫn quyết không lùi bước. Mình tin ý chí của người lính sẽ bắt đất chuyển mình. Cuộc sống rồi sẽ sáng lên…”.

Ngọc Tấn
-----------
Kỳ cuối: Bản giao hưởng từ những vùng đất khó.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.