Vĩnh biệt mối tình đẹp nhất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là mối tình mà bất cứ ai đã biết cũng đều ngưỡng mộ, được ví như mối tình đẹp nhất Tây Nguyên. Một người ở thủ đô, một người đến từ vùng đất khó Kông Chro, Gia Lai; họ đã cùng nhau dệt nên câu chuyện tình thách thức mọi định kiến. Đó là nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh và nghệ nhân ưu tú HBen. Nhưng sáng qua (3-1), ông lặng lẽ chia tay bà ở tuổi 82, sau nhiều năm tai biến.

Qua điện thoại, bà HBen cho hay, tối 2-1, ông vẫn ăn uống bình thường, rồi thanh thản ra đi trong giấc ngủ. Đó là chuyến đi thật nhẹ nhàng mà ai trong đời cũng thầm cầu ước. Anh em, họ hàng của ông từ Hà Nội đã có mặt tại Kông Chro vào tối 3-1. Theo nguyện vọng lúc còn sống, ông sẽ nằm lại Kông Chro, mảnh đất mà vì tình yêu lớn lao với bà, ông đã quyết tâm theo về để cùng nhau dựng một ngôi nhà sàn nhỏ xinh, giữa vườn điều thơm mát, ngay bên dòng sông Ba thơ mộng.

Vượt qua định kiến

 

Vợ chồng nghệ sĩ HBen-Lê Đức Thịnh. Ảnh: P.D
Vợ chồng nghệ sĩ HBen-Lê Đức Thịnh. Ảnh: P.D

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chàng nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh và nghệ sĩ HBen gặp nhau ở Nhạc viện Hà Nội, khi bà đang theo học một khóa học ngắn hạn tại đây. Lúc này, con chim rừng HBen tài sắc vẹn toàn vừa chia tay người chồng trước, cây đại thụ của núi rừng Tây Nguyên-Anh hùng Núp. Giữa họ có một đứa con tật nguyền là Đinh Trung Kiên.

Có lần, bà đưa tôi xem cuốn nhật ký viết về những ngày tháng thơ mộng và đầy kỷ niệm êm đẹp này, dù chiến tranh lúc đó vẫn đang hiện diện quanh họ. Bà kể lại rằng, lần đó, bà đi ngang qua căn phòng nơi ông đang tập đàn thì lập tức bị chinh phục bởi tiếng đàn da diết của ông. Ngay lúc đó, bà chợt nghĩ rằng ông thật giống một thứ quả chín trên cành và bà chỉ muốn đưa tay hái xuống cho riêng mình. Thật dễ thương bởi cạnh những dòng nhật ký này còn có một dòng chữ khác bằng bút chì, ghi lại cảm xúc của bà khi đọc lại nhiều năm sau đó: “Đọc lại thấy buồn cười quá…”. Còn ông thì cũng không giấu diếm khi kể rằng mình bị mê hoặc bởi tài sắc và tiếng hát trong veo của bà.

Vậy nhưng, bà chỉ thầm ước chứ không dám hái thứ quả ấy, bởi mặc cảm mình đã từng có chồng, đang nuôi con tật nguyền, lại là người dân tộc thiểu số; trong khi đó ông là chàng trai Hà thành hết sức đào hoa và kém bà 2 tuổi. Song, qua nhiều năm âm thầm, tình yêu mãnh liệt của ông đã thuyết phục được bà, thuyết phục được cả gia đình ông vốn từng ra sức phản đối. Yêu bà, ông cũng thương yêu đứa con tật nguyền của bà như con ruột. Trong thời gian bà đi lưu diễn dài ngày ở các nước xã hội chủ nghĩa, ông là người tận tình làm “gà trống nuôi con”, chăm sóc Đinh Trung Kiên trong chuyện vệ sinh, ăn uống. Sau giờ làm, ông đều lấy xe đạp chở Kiên đi châm cứu. Trong khói lửa chiến tranh, ông cũng nhiều lần đưa Kiên đi sơ tán.

Sau năm 1975, trước ý nguyện “chỉ muốn về với rừng” của bà, ông đã không ngần ngại cùng bà rời chốn đô hội về lại Gia Lai. rồi nhiều năm sau đó, ông lại một lần nữa chiều ý bà về Kông Chro dựng ngôi nhà sàn nho nhỏ, giữa bốn bề hoang sơ, cùng nhau làm rẫy, nuôi gà… Khi rảnh rỗi, ông lại dùng chiếc xe máy cũ chở bà đi sưu tầm dân ca Bahnar, Jrai ở khắp các làng gần xa. Họ không khá giả nhưng thật giàu có vì có nhiều bạn bè và cơ man là những người yêu quý. Những nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi và đã từng gắn bó máu thịt với Tây Nguyên như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Tô Ngọc Thanh... hễ có dịp đến Gia Lai là lặn lội vượt hơn 100 cây số ghé thăm họ. Chuyện tình của ông bà nổi tiếng là vậy nên đến thị trấn Kông Chro hỏi bà HBen và ông Thịnh thì ai cũng biết. Sáng sáng, khi gặp ông bà cùng nắm tay nhau đi uống cà phê, bọn trẻ con trong thị trấn đều vòng tay “chào ông ngoại, bà ngoại”. Hạnh phúc chỉ giản đơn là vậy.

Dù vẫn lui tới thăm ông bà mỗi lần có dịp về công tác tại Kông Chro, ngồi nghe nhiều chuyện xưa cũ về thời thế, về tình yêu của ông bà, xem những tấm ảnh cách đây mấy mươi năm...,  tôi vẫn không sao lý giải nổi sức mạnh lớn lao của tình yêu ấy, một chuyện tình rất hiếm hoi trong cuộc sống bộn bề suy tính. Có lẽ cũng vì vậy mà trong những cơn thác lũ thông tin, người ta vẫn ngưỡng vọng những mối tình đẹp. Để tin rằng vẫn còn đó những thứ vượt lên trên cả vật chất, trên cả những toan tính thiệt hơn, bất chấp cách biệt của tuổi tác, địa lý, xuất thân…, cứu chuộc những suy nghĩ cực đoan nhất về cuộc sống và tình yêu.

Bao giờ đến thăm ông bà cũng thấy luôn luôn là sự yên bình ngự trị trong không gian của ngôi nhà sàn ấy: Đàn gà tíu tít trên mảnh sân nhỏ, vườn điều đang mùa cho trái tỏa mùi thơm dịu dàng, cây xoài, cây na bắt đầu đơm trái, dòng sông Ba lặng lẽ trải ra êm đềm phía sau nhà. Bên ấm trà tinh khôi của buổi sớm mai, hai ông bà ngồi cùng nhau ôn chuyện... Chỉ vậy thôi là thấy đời nhẹ bẫng… Cái cảnh trí ấy như vận vào câu thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh: “Chỉ còn anh và em/Là của mùa thu cũ/Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại...”.

“Như một lời chia tay…”

 

Đoàn cán bộ Sở Giáo dục-Đào tạo trong một chuyến thăm gia đình ông bà Lê Đức Thịnh-HBen. Ảnh: P.D
Đoàn cán bộ Sở Giáo dục-Đào tạo trong một chuyến thăm gia đình ông bà Lê Đức Thịnh-HBen. Ảnh: P.D

Tưởng không có gì chia lìa được mối tình “có một không hai” trên đời nhưng khi nghe tin ông bị tai biến lần thứ nhất, rồi thứ hai, những ai từng yêu quý họ không dưng đều cảm thấy lo lắng. Tình yêu của họ vượt qua mọi định kiến nhưng thử thách lớn nhất chính là tuổi già và bệnh tật. Sau những cơn tai biến nặng nề có lúc làm liệt hẳn một nửa thân người, ông lại gắng gượng ngồi dậy, nhúc nhắc vịn tường tập đi, rồi bà lại là cái gậy giúp ông tựa vào để đi đứng vững vàng hơn. Hơn một năm trở lại đây thì ông nằm hẳn một chỗ. Có lần bà trăn trở: “Lo nhất là nếu mình đi trước thì ai sẽ chăm sóc cho 3 cha con?”.

Tôi không muốn thi vị hóa tuyệt đối cuộc sống của họ, bởi cạnh những điều đẹp đẽ ấy ông bà còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Ông bệnh tật nhiều năm liền, anh Đinh Trung Kiên vẫn ngẩn ngẩn ngơ ngơ, không tự lo được cho bản thân mình; còn anh Thăng, người con trai duy nhất của ông bà cũng đã thất chí mà bỏ phố về ở cùng với ông bà lâu nay. Thành ra một tay bà, ở cái tuổi bát thập, phải chăm sóc cả 3 người đàn ông. Ngôi nhà sàn thay bằng căn nhà xây cấp 4 để tiện việc chăm sóc. Họ chủ yếu sống bằng lương hưu. Có đợt, bà phải cắt đất bán bớt mới đủ trang trải. Gần đây, không lo nổi nên bà phải gửi anh Đinh Trung Kiên xuống Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, Bình Định).

Vậy là, ông đã nhẹ nhàng rời bỏ những vướng bận cuối cùng của đời người. Điều bà lo lắng nhất đã không đến. Bà cho hay, anh Kiên đã vừa từ bệnh viện về Kông Chro để tang cha. Còn ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro thì chia sẻ: Các ban, ngành của huyện và thị trấn đã nhanh chóng đến hỗ trợ gia đình khi hay tin này. Trong cuộc chuyện trò giữa lúc tang gia bối rối, bà vẫn giữ được sự bình tĩnh. Ở tuổi 84, chắc hẳn bà đã quá hiểu lẽ đời, lẽ sinh tử. Càng hiểu rằng những cuộc gặp gỡ rồi chia ly là rất thường tình và cuộc sống này luôn có những được-mất. Ai đó đã nói một câu thật khó bàn cãi rằng: Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những phút giây vĩnh cửu của tình yêu…

Biết vậy, nhưng sao tôi vẫn chỉ muốn nói lời tạm biệt mà thôi, với ông, với mối tình vô cùng đẹp đẽ ấy. Mỗi khi nhớ về, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh thật thanh tân và lãng mạn, trong ngôi nhà sàn đơn sơ: Ông ngồi kéo đàn violon, còn bà cất cao giọng hát không tuổi, về một bài dân ca Bahnar: “Đan tấm áo em mong anh về/Đi chiến đấu để cho yên nhà/Mẹ bảo em rằng con phải chờ/Thương anh mãi, em đợi chờ…”.

 Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.