Mai rừng về phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cận Tết, các trục đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học (thị xã Ayun Pa) lại trở thành nơi họp chợ mai rừng. Hàng chục người Jrai bắt đầu khiêng cành mai rừng khẳng khiu xuống núi, dựng thành hàng dài cả trăm mét như tô điểm cho phố phường thêm chút sắc Xuân…

Chợ mai rừng Ayun Pa. Ảnh: Trần Đức
Chợ mai rừng Ayun Pa. Ảnh: Trần Đức

Anh Siu Nheng (buôn Ma Knik, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) loay hoay lựa thế dựng cành mai rừng tựa vào thân cây bên lề đường Lê Hồng Phong để không bị gãy cành, rụng nụ. Cành mai rừng của anh cao hơn 4 mét, to gần bằng bắp đùi người lớn lại có thế đẹp, cành búp sum suê ngả hướng ra mặt tiền, thuộc dạng “đỉnh” của chợ mai rừng, được anh ra giá “dưới 10 triệu đồng, không bán!”. Anh Nheng cho biết, đã “tia” thấy cành mai này từ năm ngoái nhưng lúc đó vì lạnh quá nó không ra nụ nên “ém hàng lại”. Năm nay, anh đã “canh me” đi sớm hơn mọi người gần chục ngày, mắc võng ăn ngủ dưới gốc cây để chờ đến cận Tết mới bứng về. “Nếu không canh chừng thì người khác đã chặt mất rồi. Tìm được cành mai rừng to đẹp cỡ này bây giờ hiếm lắm!”-anh Siu Nheng cười nói.   

Giá mai rừng năm nay đắt hơn năm ngoái chừng 30%, trung bình 800.000-1.000.000 đồng/cành. Thậm chí, có những cành to bằng bắp đùi người lớn, cành tỏa đều hai bên, dáng đẹp, búp nhiều thì bán đến chục triệu đồng. Người chơi mai chỉ việc mua những cành khẳng khiu trông có vẻ như củi khô ấy đem về đốt gốc, cứa cành, ngâm nước ấm để dưỡng sức và thúc cho mai nứt mầm, bung nụ, nở hoa. Một nét mới là năm nay chợ mai rừng xuất hiện thêm nhiều gốc “lão mai”. Giá của gốc mai rừng đắt hơn cành mai vài triệu đồng. Mặt trái của nó là đã có không ít người săn mai rừng về bán theo cách tận diệt: đào cả gốc rễ cây mai rừng; kể cả những thân mai rừng nhỏ như ngón chân cái, vóc dáng lèo khèo bám vào cục đá cũng bị bứng về, bỏ chậu làm bonsai. Nhiều người chơi mai lâu năm xuýt xoa: Có lẽ chỉ ít năm nữa thôi, Tết về sẽ vắng bóng mai rừng!

 

Cành mai rừng to, đẹp ngày càng hiếm. Ảnh: Trần Đức
Cành mai rừng to, đẹp ngày càng hiếm. Ảnh: Trần Đức

Để có được những cành mai rừng trong dịp Tết, từ khoảng mùng 5 tháng Chạp, những người chơi mai đã bắt đầu lên đường lùng sục khắp các ngọn núi vùng Chư A Thai (huyện Phú Thiện), Suối Đá (thị xã Ayun Pa), Chư Jú (huyện Krông Pa), Pờ Yầu (huyện Mang Yang)… để tìm mai. Ông Rcom Tam-Chủ tịch UBND xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa), một người Jrai có nhiều kinh nghiệm đi lấy mai rừng, nói: Lúc trước chỉ cần leo dăm cây số trên vùng Suối Đá là tìm được cành mai ưng ý mang về. Nhưng vài năm lại đây thì phải leo núi khoảng 20 cây số vào giáp vùng 82 của huyện Ea HLeo (Đak Lak) mới có mai. Người chơi mai phải đi từ sáng sớm, mang theo thức ăn, nếu may mắn tìm chặt được cành mai thì phải dựng lều ngủ lại trong rừng, đến sáng sớm hôm sau mới tỉ mẩn cưa hạ cành rồi vác xuống. Khi về đến chân núi là xế chiều. Vai người nào cũng trầy trụa, ứa máu. Có những đoàn người đi tìm mai rừng về bán đã phải tổ chức những chuyến đi dài cả tuần liền mới mong có được cành mai đẹp. Tầm ngày 12 tháng Chạp là chấm dứt chuyện “đạp núi tìm mai” để vác cành mai về nhà ngắt hết lá, áp dụng các biện pháp dưỡng, thúc khoảng vài tuần mới mong mai nở kịp Tết.
 

Mai rừng bứng nguyên gốc. Ảnh: Trần Đức
Ảnh: Trần Đức

…Ngày áp Tết, dọc các con đường nội thị Ayun Pa, nhiều gia đình đã bắt đầu khiêng cành mai rừng khẳng khiu ra hứng nắng Xuân. Tiết trời se lạnh khiến người chơi mai thấp thỏm phải dành nhiều thời gian hơn để “canh cho mai nở” hòng tránh vận xui vì quan niệm chơi mai rừng không nở sẽ không may mắn. Ông Nguyễn Văn Trung (tổ 4, phường Đoàn Kết)-một người chơi mai rừng, nói: “Từ ngày 12 tháng Chạp, cùng mấy người bạn già rảo khắp chân núi Suối Đá đón các “lão mai” do người dân tộc Jrai đi chặt về mới vác xuống núi. Giá có đắt hơn năm ngoái nhưng đổi lại, cành to cao, dáng thế đẹp, có tả, có hữu, có tiền, có hậu. Với tiết trời lạnh năm nay, người chơi mai cần tuân thủ các bước chăm sóc như: cứa cành, châm nước ấm liên tục và ban ngày đem cành mai ra ngoài trời hứng nắng ấm, đêm đến khiêng vào nhà tránh sương lạnh thì cành mai rừng sẽ nứt mầm, bung nụ…”.

 

Bứng cả gốc mai rừng. Ảnh: Trần Đức
Bứng cả gốc mai rừng. Ảnh: Trần Đức

Mai rừng vùng phía Đông Nam tỉnh vốn nức tiếng vì nhiều cánh (thường là 5 cánh), màu vàng rực rỡ, lâu tàn, hương thơm ngào ngạt, xen kẽ các chồi lộc non xanh mơn mởn. Dáng vẻ cành mai rừng khẳng khiu tự nhiên, mưa nắng phong sương. “Ít ai ngờ cành mai rừng trong dáng vẻ khẳng khiu như củi khô lúc mới mua về ấy lại có thể nứt mầm, bung nụ hoa, vươn lộc non tơ xanh biếc. Cành mai rừng ngày Tết hàm chứa một sức sống mãnh liệt, vươn lên tràn trề sức Xuân”-ông Trung trầm trồ.

Theo quan niệm của những người chơi mai, vào ngày Tết nếu sưu tầm được một cành mai rừng ưng ý chưng trong nhà rồi chăm chút cho nó nở vàng rực rỡ đúng vào Giao thừa thì sang năm gia chủ làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Còn nếu như chơi mai rừng không nở thì sẽ kém vui… Chính vì thế, những ngày cận Tết, nếu ngắm chừng cành mai nhà mình không kịp nở đúng Giao thừa thì người chơi mai đành phải tặc lưỡi luyến tiếc mà khiêng cành mai bỏ ra bãi đất trống xa nhà “để tránh vận xui” rồi mở ví rút tiền đi rinh về cành mai khác cho kịp đón Xuân mới.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).