Hy sinh vì Campuchia kỳ 1: Căn cứ Suối Râm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đây 38 năm, quân tình nguyện Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến vào thủ đô Phnom Penh. Máu của quân tình nguyện Việt Nam đã đổ khá nhiều...

Ngày 7-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến vào thủ đô Phnom Penh. Để giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, máu của quân tình nguyện Việt Nam đã đổ khá nhiều...

 

Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7-1-1979.
Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot trưa 7-1-1979.

Đến dốc Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), hỏi đường vào “nghĩa trang Campuchia”, người dân ai cũng biết... Đó cũng là di tích Đoàn 125, tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia.

Thượng tá Phùng Bình Dũng (phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn bộ binh 302 - Quân khu 7) cho biết: “Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Khmer Đỏ do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu đã sát hại nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng Campuchia, đẩy nguy cơ cả dân tộc rơi vào thảm họa diệt chủng.

Trước tình hình đó, được sự giúp đỡ của quân đội nhân dân Việt Nam, những người yêu nước Campuchia đã sang Việt Nam để củng cố, xây dựng lực lượng chờ thời cơ trở về lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Ban đầu, lực lượng bạn chỉ có hơn 50 người, sau phát triển lên hàng trăm người, tổ chức thành các trung đội, đại đội.

Ngày 12-5-1978, tại ấp Suối Râm (xã Long Giao), Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia (Đoàn 125) được thành lập gồm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ do ông Hun Sen làm chỉ huy trưởng. Lực lượng này sau đó phát triển thành quân đội Campuchia hiện nay.

Huấn luyện chiến đấu

 

Ông Đào Ngọc Sơn, người từng giúp tuyển quân và huấn luyện chiến đấu cho lực lượng vũ trang Campuchia ở Đoàn 125.
Ông Đào Ngọc Sơn, người từng giúp tuyển quân và huấn luyện chiến đấu cho lực lượng vũ trang Campuchia ở Đoàn 125.

Không chỉ giúp bạn có nơi an toàn và bí mật để gây dựng lực lượng, Việt Nam còn giúp Campuchia huấn luyện quân sự, chờ một ngày quay về cố hương đánh bại Pol Pot - Ieng Sary. Tại căn cứ Suối Râm, Quân khu 7 đã tổ chức huấn luyện quân sự cho Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia. Lực lượng tham gia huấn luyện gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội đặc công, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội hỏa lực, 2 đại đội công binh và vận tải.

Một trong những người từng tham gia huấn luyện cho lực lượng tiền thân của quân đội Campuchia là ông Trần Hồng Thể. Ông Thể giờ đã 61 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM. Ngày đó, ông Thể là trung đội trưởng trung đội trinh sát (Đoàn 27 đặc công), phụ trách huấn luyện các kỹ chiến thuật của đặc công Việt Nam cho bộ đội Campuchia.

“Lúc đầu bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi huấn luyện cho bạn rất khó khăn. Chúng tôi phải dùng tay chân, làm mẫu động tác, tư thế cho họ để họ làm theo. Hơn một tháng sau thì tiểu đoàn 16 của mình chuyên làm nhiệm vụ phiên dịch mới học được tiếng, xuống hỗ trợ phiên dịch. Mình biết cái gì, chỉ họ cái đó, chẳng giấu giếm gì. Chúng tôi huấn luyện cho bộ đội Campuchia từ những thứ sơ đẳng nhất trong chiến đấu như bắn súng, hành quân đêm... đến các kỹ chiến thuật của đặc công rồi cách đánh du kích... Huấn luyện ngày rồi huấn luyện đêm, không nề hà vất vả, ăn uống thiếu thốn kham khổ, chỉ mong bạn xây dựng lực lượng hùng mạnh, mau về nước giải phóng nhân dân khỏi chế độ Pol Pot” - ông Trần Hồng Thể hào hứng kể.

Ông Đào Ngọc Sơn, nguyên trưởng Ban tuyên huấn Lữ đoàn 874 (Quân khu 7), nhớ lại: “Hồi đó dân ở đây ít lắm, rất thưa thớt. Quanh khu này chỉ có hai ấp là Long Giao và Nhơn Nghĩa. Toàn bộ lương thực thực phẩm đều do bộ đội Việt Nam mình giúp hết, cả đi chợ búa, nấu nướng... Mình cũng đảm nhiệm luôn y tế, thuốc men chăm sóc sức khỏe cho họ. Bộ đội Campuchia chỉ lo nhiệm vụ huấn luyện thôi”. Ông Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi còn làm công tác tuyển quân cho họ. Chúng tôi xuyên rừng, trèo đèo lội suối đi ngày đi đêm lên Tây Ninh để tuyển quân”.

“Cách ăn uống sinh hoạt của người Campuchia khác người Việt lắm - gần 40 năm đã trôi qua, trong ký ức của mình, ông Trần Hồng Thể vẫn nhớ rõ - Họ rất thích mắm bò hóc còn mình không ăn được. Sau họ cũng ăn cơm như mình. Tôi còn nhớ hồi đó bộ đội mình ăn rất kham khổ, chỉ có 7 hào nhưng Việt Nam mình dành chế độ ăn cho bộ đội họ gấp 3 lần mình! Trong suốt 6 tháng huấn luyện, tướng lĩnh Việt Nam về đơn vị chúng tôi liên tục để kiểm tra công tác huấn luyện”.

Đến tháng 12-1978, Đoàn 125 đã phát triển thành 22 tiểu đoàn, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu. Đầu năm 1979, khi Đoàn 125 về Campuchia thực hiện sứ mệnh lịch sử thì căn cứ này tiếp tục làm nơi tiếp nhận, huấn luyện các đơn vị vũ trang của Campuchia.

Vì Campuchia, không màng sống chết

Như nhiều đồng đội khác tình nguyện sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, ông Trần Hồng Thể đi Siem Reap làm chuyên gia quân sự. Đến năm 1982 ông mới về nước. “Tôi luôn nhớ mãi về những năm tháng nghĩa tình keo sơn, trong sáng giữa bộ đội Việt Nam mình và Campuchia. Chúng tôi đi giúp bạn chiến đấu mà không màng gì đến sống chết, hạnh phúc riêng tư dù khi đó Việt Nam mình đã hòa bình. Đồng đội tôi đã nhiều người hi sinh trên đất bạn. Đó là một thời thế hệ chúng tôi chẳng thể nào quên”.

Gần 4 thập kỷ qua đi. Vật đổi sao dời, vùng đất Long Giao giờ đã khác xưa nhiều. Lần đầu tiên khi Thủ tướng Hun Sen quay lại đây, ông không thể nhận ra.

“Cũng đúng thôi vì ngày đó đây là rừng nguyên sinh - ông Đào Ngọc Sơn nói - Căn cứ này rộng 300ha mà chỉ có bộ đội đóng quân. Dân cư ngụ tách biệt ở bên ngoài. Trong ngày khánh thành nghĩa trang, ông Hun Sen xin lỗi bà con nhân dân Long Giao vì lúc đói quá, bộ đội Campuchia liều nhổ trộm mì của bà con. Ông nói ông luôn nhớ tình nghĩa và sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam và cảm ơn vùng đất Long Giao này đã che chở cho ông và các đồng đội của mình làm việc lớn”.

Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn bộ binh 302 - thượng tá Phùng Bình Dũng kể trong lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 (ngày 2-1-2012), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã: “Chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Quân khu 7 và tỉnh Đồng Nai đã giữ nguyên mảnh đất, nơi an nghỉ của 49 chiến sĩ Campuchia trong suốt những năm qua mà Campuchia chưa có điều kiện đưa hài cốt về nước; đồng thời cảm ơn về việc xây dựng đài tưởng niệm, một di tích lịch sử cho các thế hệ mai sau”.

 

Bộ đội Việt Nam canh giữ nghĩa trang Campuchia ở căn cứ Suối Râm.
Bộ đội Việt Nam canh giữ nghĩa trang Campuchia ở căn cứ Suối Râm.

Nghĩa trang Campuchia tại Việt Nam

Nghĩa trang Campuchia nằm yên bình giữa khu rừng xanh mướt. Cổng nghĩa trang nổi bật với kiến trúc Campuchia đặc trưng, có dòng chữ “Nơi an nghỉ các chiến sĩ Campuchia” bằng tiếng Việt và tiếng Khmer. Hai bên cổng phủ rợp mát bởi bóng hai cây đa cao, tán rộng. Một cây do Thủ tướng Campuchia Hun Sen trồng, một cây do trung tướng Phan Trung Kiên (tư lệnh Quân khu 7) trồng.

Nghĩa trang cũng là Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia. Ở khu vực trung tâm của di tích là nơi an nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ Campuchia, gồm 49 ngôi mộ có bia khắc tên, năm sinh, ngày mất...

Hầu hết những người đã mất đều ở tỉnh Svay Rieng. Trong quá trình xây dựng lực lượng tại Việt Nam, một phần trong số này bị thương nặng khi chiến đấu tại Campuchia và số còn lại do ốm đau, đã mãi mãi không thể trở về đất nước. Họ đã được đồng đội và những người bạn Việt Nam an táng tại đây.

Quân khu 7 đã bỏ ra kinh phí để xây dựng nghĩa trang này và cử lực lượng hằng ngày làm nhiệm vụ tiếp đón khách, quét dọn và nhang khói cho các chiến sĩ nước bạn đang yên nghỉ. Binh nhất Dương Hữu Nghĩa cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi thắp nhang hai lần. Trước khi thắp nhang phải tắm rửa sạch sẽ rồi mặc quân phục chỉnh tề. Hằng tháng ngày rằm, mùng một đều cúng cơm, trái cây và hoa cho các chiến sĩ Campuchia. Khuôn viên nghĩa trang được quét dọn vệ sinh, nhổ cỏ dại sạch sẽ”.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.