"Tây tạp dề" ở Bình Thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiếm vùng đất nào ở nước ta lại có nhiều người nước ngoài kinh doanh ẩm thực nhiều như ở xứ biển Hàm Tiến - Mũi Né của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dọc các con đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Hàm Tiến), Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né)… hình ảnh những người nước ngoài đeo chiếc tạp dề nấu ăn xuất hiện khắp các quán ăn, nhà hàng, resort. Điều này quen thuộc đến nỗi người dân nơi đây mỗi lần nhìn thấy họ là thốt lên câu cửa miệng … “Tây tạp dề”.

Ẩm thực đa quốc gia

Với sự tươi đẹp, hiền hòa, xứ biển Mũi Né - Hàm Tiến của TP Phan Thiết từ lâu đã được gọi bằng những mỹ từ như “Thủ đô resort” hay “Thiên đường nghỉ dưỡng phương Đông”… Những năm qua, có hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khu vực này tham quan, nghỉ dưỡng. Trong những vị khách phương xa ấy, nhiều người đã bị vẻ đẹp thiên nhiên, con người và đặc biệt là văn hóa ẩm thực xứ biển nơi đây hút hồn. Thế rồi họ quyết định ở lại, đeo lên mình chiếc tạp dề trở thành những chủ quán ăn, người đầu bếp, nhân viên phục vụ… mang văn hóa ẩm thực từ khắp năm châu đến vùng đất tươi đẹp này.

 

Hai anh em Rina và Manmet kinh doanh món ăn Ấn Độ khá thành công ở Mũi Né - Hàm Tiến
Hai anh em Rina và Manmet kinh doanh món ăn Ấn Độ khá thành công ở Mũi Né - Hàm Tiến

Cứ vào khoảng 6 giờ chiều hàng ngày, hàng trăm quán ăn, nhà hàng, khu ẩm thực trên các trục đường chính của xứ biển Hàm Tiến - Mũi Né bắt đầu sáng đèn để đón khách tới ăn uống. Lúc này, hình ảnh những đầu bếp, phục vụ, chủ nhà hàng… cả Tây và ta đều đeo trên mình chiếc tạp dề đon đả mời chào, giới thiệu với khách các món ăn bằng đủ thứ tiếng, nên nhiều người đến đây có cảm giác như đang lạc vào một lễ hội ẩm thực đa quốc gia nào đó. Tại đây, du khách trong và ngoài nước có thể dễ dàng thưởng thức các món ăn mang nét đặc trưng của Ấn Độ, Nga, Tây Ban Nha, Ý và nhiều quốc gia khác. Các món ăn này đều do những đầu bếp tại chính quốc gia đó tự tay chế biến, phục vụ với giá cả rất … Việt Nam.

Tối một ngày đầu tháng 12, tại Làng ẩm thực Đông Vui trên đường Nguyễn Đình Chiểu, anh Jean Santa Barbara, đến từ nước Pháp, với tay lấy 2 chiếc tạp dề màu sắc sặc sỡ, nhẹ nhàng mặc một chiếc cho người vợ của mình - chị Kée Bétin. Hôm nay, vợ chồng trẻ này tất bật hơn so với mọi khi vì có đoàn khách của Nga muốn thưởng thức văn hóa ẩm thực của Pháp, nơi được xem như “cái nôi” của ẩm thực châu Âu. Sau một hồi tất bật, bánh Macaron, bánh mì nướng (Croque Monsieur), gà sốt vang… đã được cặp vợ chồng này đưa lên bàn phục vụ đoàn khách. Trong khi chị Bétin dịu dàng giới thiệu khá rành rọt về sự nổi tiếng và cách chế biến cầu kỳ của những món ăn trên, cũng là lúc thức ăn trên bàn nhanh chóng hết vèo, kèm theo những lời khen ngợi không ngớt của các vị khách Nga dành cho đôi vợ chồng này.

Bên cạnh quán ăn của anh chị Jean, quán ăn của hai anh em người Ấn Độ Rina và Manmet cũng nhộn nhịp không kém. Cặp anh em này mang đến Mũi Né - Hàm Tiến các món ăn nấu chung với cà ri, gia vị mang nét đặc trưng của người Ấn. Cà ri thịt dê, cơm cà ri, cà ri đầu cá… không thiếu thứ gì.

Có lẽ, trong tất cả những người nước ngoài đang kinh doanh ẩm thực ở Mũi Né - Hàm Tiến thì người Nga là đông nhất. Hiện nay, nơi đây đã trở thành “làng Nga” với rất nhiều nhà hàng, khách sạn, resort… do người Nga hợp tác với người Việt mở. Do vậy, ẩm thực Nga ở đây vô cùng phong phú là điều dễ hiểu. Ông Nikolai Udovichenko có thâm niên kinh doanh ẩm thực ở Mũi Né được hơn 5 năm, chia sẻ: “Các món ăn đặc trưng của xứ Bạch Dương chúng tôi như bánh mì đen, salad, cháo Kasha… giờ đã có mặt hầu hết ở các nhà hàng Mũi Né. Ngoài kinh doanh, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm chút hương vị phương Tây để xứ biển này ngày càng phong phú, tươi đẹp hơn”. Chỉ tay ra con phố trước mặt, ông Nikolai cười tươi nói: “Đấy, bạn thấy không? Pizza Ý, bánh mì Nga, cà ri Ấn và cả bánh mì Việt Nam nữa, tất cả đều xuất hiện ở đây. Còn gì thú vị hơn khi chỉ ở một nơi, chúng ta được cùng nhau thưởng thức tất cả các món ăn trên thế giới”.

Đất lành

 

Vợ chồng Jean và Bétin cảm thấy vui khi có ai đó gọi mình là “Tây tạp dề”
Vợ chồng Jean và Bétin cảm thấy vui khi có ai đó gọi mình là “Tây tạp dề”

10 giờ đêm, tại Làng ẩm thực Đông Vui bất chợt vang lên ca khúc mừng Giáng sinh. Anh Jean quay qua vợ cười nói: “Vậy là đã 3 mùa Giáng sinh mình ở lại nơi đây rồi nhỉ?”. Hiểu ý chồng, chị Bétin tươi cười nói với người bạn đồng hương vừa qua Việt Nam du lịch: “Mình phải cảm ơn Jean vì anh đã quả quyết rằng, nhất định phải đến đây một lần trong đời. Thời tiết ấm áp, bãi biển đẹp, con người hiền hòa, mến khách. Jean tiếp lời vợ mình, kể lại cái duyên mà họ đến vùng đất Mũi Né - Hàm Tiến. Gần 3 năm trước, Jean và Bétin cưới nhau rồi bàn chuyện đi hưởng “tuần trăng mật”. Jean đã cố thuyết phục vợ tới vùng biển có thời tiết ấm áp là Mũi Né của Việt Nam (sau khi đã tham khảo những người bạn của mình trở về từ Việt Nam). Sau cuộc hành trình này, cặp vợ chồng này đã bị mê hoặc bởi bờ biển dài đầy nắng gió và cuộc sống dễ chịu nơi đây, nên khi về nước cả hai quyết định dồn hết tài sản trở lại Mũi Né - Hàm Tiến bắt đầu cuộc lập nghiệp mới. Đến nay, Jean và Bétin đã có một quán ăn mang hương vị Pháp và Tây Ban Nha với lượng khách tương đối ổn định.

Với hai anh em người Ấn Độ Rina và Manmet, cái duyên họ đến với Mũi Né - Hàm Tiến cũng thật tình cờ. “Năm 2014, hai anh em tôi qua Việt Nam du lịch rồi ghé Mũi Né chơi. Thế rồi, sẵn có nghề đầu bếp, sau khi cùng hội ý ở quê nhà, hai anh em đã quyết định quay lại Việt Nam kinh doanh ẩm thực.

Còn với Nikolai, người đàn ông Nga này đến Mũi Né vì có quá nhiều bạn đang sinh sống tại đây. “Họ bảo tôi hãy đến đây một lần sẽ thích ngay cho mà xem. Và đúng như vậy, tôi đã đến rồi quay lại, đeo trên mình chiếc tạp dề để tự tay chế biến các món ăn Nga, rồi cũng tự tay mang ra mời thực khách. Tôi yêu vùng đất này!”, ông Nikolai bày tỏ.

Từng có nhiều năm gắn bó với vùng biển Mũi Né, ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, người nước ngoài đến Hàm Tiến - Mũi Né kinh doanh, buôn bán khá đông. Trong đó, có người lấy vợ Việt Nam, rồi sinh con và quyết định sinh sống lâu dài ở đây.

đối với Jean, Bétin, Nikolai, Manmet… nói riêng và người nước ngoài đang ở Mũi Né - Hàm Tiến nói chung, họ luôn cảm thấy bình an, thoải mái vì được chính quyền, người dân địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để sinh sống và làm việc ở đây. “Mình được giúp đỡ thì mình phải có trách nhiệm với nơi mình đang ở. Chúng tôi đã xem nơi này như quê hương thứ hai của mình rồi!”, anh Jean tâm sự. Do vậy, những người đang sinh sống, kinh doanh các ngành nghề ở Mũi Né - Hàm Tiến luôn chủ động tham gia các chương trình làm sạch môi trường, tuyên truyền cho mọi người có ý thức giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi. “Hiện chúng tôi đã thành lập một nhóm khoảng 20 người nước ngoài là chủ quán ăn, nhà hàng, resort ở khu vực này để cùng nhau tổ chức các buổi làm sạch vệ sinh môi trường biển và đường phố”, ông Nikolai cho biết. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ đã tự giới thiệu tiềm năng du lịch, văn hóa và ẩm thực của Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung lên các trang mạng xã hội để bạn bè khắp năm châu biết tới.

Rời “thủ đô resort” trong đêm khuya đã vắng dần khách, trong khi bài hát Giáng sinh từ Làng ẩm thực Đông Vui vẫn còn rộn ràng. Tôi thấy họ thực sự đã yêu mảnh đất này thật rồi!

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.