Những cung đường ăn nhậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là đất nước nông nghiệp, mỗi năm, người Việt Nam cặm cụi làm lụng và thành quả thu về là kim ngạch xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới - khoảng 3 tỷ USD. Song, thật kinh hoàng, mỗi năm, cả nước lại “nướng” vào rượu, bia số tiền khoảng 3 tỷ USD, tương đương số tiền thu về từ xuất khẩu gạo. Dù chỉ có mức thu nhập vừa thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập thấp và đang đứng thứ 8 Đông Nam Á nhưng Việt Nam trở thành quốc gia đứng hàng đầu khu vực và trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia (thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới). Năm qua, người Việt uống hơn 3,4 tỷ lít bia, hơn 200 triệu lít rượu tự nấu, chưa kể rượu công nghiệp và rượu ngoại nhập về. Điều gì đang xảy ra? Phải chăng, người Việt ham nhậu nhẹt và đang lạm dụng rượu, bia? Phía sau những cuộc nhậu là gì?

TP. HCM sửa sang, nâng cấp nhiều tuyến đường, khu dân cư với cơ sở hạ tầng khang trang nhằm cải thiện tình hình giao thông, nâng cao đời sống. Dù vậy, song song với hình ảnh đô thị hiện đại là khung cảnh quán nhậu tràn lan, bao kín các tuyến đường. Đường mở ra tới đâu, quán xá mọc lên tới đó trở thành bức tranh hiện hữu, quen thuộc tại TP. HCM.

 

Quán nhậu hai bên bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa đông nghịt khách.
Quán nhậu hai bên bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa đông nghịt khách.

Sôi động từ nội thành…

Sau thời gian chỉnh trang, nâng cấp, hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP. HCM) không chỉ nổi tiếng là tuyến đường xanh mà còn trở thành tuyến đường… nhậu nhẹt. Quả thật, nhiều người tìm đến đường Hoàng Sa, Trường Sa không phải để tham quan cung đường kiểu mẫu mà để tìm nơi tụ tập, ăn nhậu. Không gian thoáng mát, vỉa hè rộng rãi tạo điều kiện cho hàng quán mọc lên nhan nhản. Dọc hai bên đường, những quán ốc, quán lẩu, đồ nướng… mọc san sát nhau. Cứ chiều tối mỗi ngày, bàn ghế xếp tràn ra đến lề đường vẫn không đáp ứng hết nhu cầu khách đến ăn, nhậu. Không ít người chấp nhận đứng chờ sau khi vào nhiều quán nhưng vẫn chưa có chỗ. Mùi bia, rượu, mùi thức ăn và khói nghi ngút bốc ra từ quán xá như muốn chiếm hết phần không khí tự nhiên ít ỏi quanh bờ kênh - vốn là địa điểm lý tưởng để đi dạo, tập thể thao của người dân. Nhiều người lưu thông qua khu vực trên không giấu nỗi bực dọc khi nhân viên các quán đứng ngay dưới lề đường chặn xe, vẫy khách. Chỉ cần thấy xe máy của ai tà tà đi ngang là nhân viên quán nhậu xông ra mời chào, thậm chí chặn trước đầu xe, lôi bằng được khách vào quán. Mặc cho người đi đường tỏ vẻ khó chịu, mặc giao thông ách tắc, lòng đường vốn dành cho phương tiện đi lại giờ đây trở thành “đất” cho nhân viên quán nhậu ngang nhiên đứng chờ, tranh giành, chèo kéo. Đến nửa đêm mà sức nóng tỏa ra từ các bàn nhậu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cũng là địa điểm quen thuộc của dân ưa nhậu nhẹt. Chỉ ngót nghét 2 km, từ giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí đến khu vực Tân Cảng nhưng các quán nhậu mọc lên dày đặc hai bên đường. Ngày trời mưa hay đường ngập nước vẫn không là trở ngại lớn với khách ra vào nhà hàng, quán xá ở đây. “Tụi tui hẹn nhau bàn chuyện làm ăn ở quán này. Đi nhậu thì cần gì để ý thời tiết, mưa thì tui đi taxi đến, ngập thì đợi nước rút rồi về”, anh T.V.H. (ngụ quận 5, TP.HCM) đang đợi taxi trước cổng một nhà hàng hải sản trên đường Ung Văn Khiêm, vừa cười vừa nói.

Trong khu vực nội thành, những tuyến đường như: Nguyễn Tri Phương (quận 5), Tô Hiến Thành (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4)… đều dày đặc quán nhậu, tấp nập khách ra vào cho đến tận 1 giờ hôm sau.

 

Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1-2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỷ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Với lượng rượu bia sử dụng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đã “vươn lên” tốp 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.

Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình. Cụ thể ở châu Phi là 44%, nam giới châu Âu trên 73% còn tính chung toàn thế giới thì tỉ lệ này xấp xỉ 48%. Tỷ lệ này ở nữ là 11%. Cách đây 5 năm, tỷ lệ này lần lượt là 69,6% và 5,8%. Trong số đó tỷ lệ nam giới dùng bia rượu ở mức độ có hại cũng tăng chóng mặt từ 25% lên trên 44% sau 5 năm.

…ra ngoại thành

Những cung đường huyết mạch nối liền vùng ven với trung tâm hay những khu đô thị mới ven đô góp phần quan trọng cải thiện tình hình giao thông, chỗ ở, nâng cao đời sống người dân. Đi liền với chuyện khu đô thị quy hoạch bài bản với hệ thống hạ tầng khang trang hay vỉa hè ở những con đường mới luôn rộng rãi là hình ảnh quán xá tấp nập, xe, biển hiệu dựng sát lòng, lề đường. Có thể nói, đường mở ra đến đâu, quán nhậu tràn đến đó. Cụ thể như các tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Thủ Đức), khu đường Tên Lửa (quận Bình Tân)...

14 giờ, hàng trăm hàng quán hai bên đường Phạm Văn Đồng rục rịch mở cửa. Nhân viên hò nhau sắp xếp bàn ghế. Các bảng hiệu với đủ loại tên gọi: quán ốc, đồ nướng, nhà hàng hải sản hay quán ăn gia đình dựng chiếm lấy vỉa hè.

Từ 18 giờ trở đi, đoạn đường ồn ào, đông đúc hẳn lên, nườm nượp từng tốp người tới bắt đầu ăn nhậu. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng mời chào khách, tiếng nhạc ầm ĩ, inh ỏi. Dù tập hợp cả trăm quán nhậu trên một con đường nhưng gần như không có quán nào rơi vào cảnh ế ẩm. Mỗi quán có ít nhất 2 nhân viên giữ xe ngồi chờ khách. Bên trong, cùng với nhân viên phục vụ, các quán nhậu còn có lực lượng nhân viên nữ tiếp thị bia hùng hậu. Các cô gái mặc đồng phục hãng bia, chủ động giới thiệu, khui bia luôn tay, sẵn sàng uống “giao lưu” với thực khách. Từ lâu, đây là hình ảnh không thể thiếu trong bất kỳ hàng quán nào, từ vỉa hè đến nhà hàng. Mặt bằng giá cả các quán ở tuyến đường này thuộc diện “bình dân” nên từ nhân viên văn phòng, kinh doanh, môi giới bất động sản đến lao động tự do, xe ôm… đều tìm đến đây. Bia chai, lon luôn là lựa chọn hàng đầu của thực khách. Gần nửa đêm, tốc độ khui bia, khách ra, vào quán chưa có dấu hiệu ngừng lại. Chai, lon bia nằm la liệt dưới gầm bàn, ghế. Trên nhiều bàn nhậu, nồi lẩu đã cạn nước, bếp tắt ngấm, trẻ con gà gật ngủ nhưng những ông bố vẫn không ngừng chúc tụng, mời mọc nhau. Đến 1 hoặc 2 giờ sáng hôm sau, các quán nhậu ở đây mới đóng cửa.

Nhắc đến “thiên đường” ăn nhậu vùng ven, không thể không nhắc đến đường Tên Lửa (quận Bình Tân, TPHCM). Cũng như đường Phạm Văn Đồng, các quán nhậu ở đây mọc lên với đủ quy mô, hình thức. Hầu như các quán đều có khu để rượu, bia, có nơi chất két bia cao lưng chừng phòng.

Ở đây, quán vỉa hè luôn thu hút dân nhậu vì giá bình dân, thực đơn phong phú. Còn chuyện nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thì không ai hỏi han hay để ý. Hàng ngày, từ 19 giờ, nhân viên các quán vắt chân lên cổ, đi lại như con thoi mà không làm hết việc.

Làm phục vụ bàn ở một quán hải sản tròn 2 năm, chị Nguyễn Thanh Mỹ (23 tuổi, quê Long An) kể, khi mới hình thành, tuyến đường này chỉ là tụ điểm ẩm thực của người dân sống quanh khu vực quận Bình Tân, đa phần là người nhập cư, sau một ngày làm việc mệt mỏi rủ nhau ra quán làm vài ly, đến tầm 23 giờ là kéo nhau về. Vì vậy, giá cả ở đây không “chát” bằng nhiều nơi khác. Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều nhóm khách nhậu từ các quận, huyện khác không quản đường xa đến đây thâu đêm suốt sáng. Có cầu thì có cung, quy mô hàng quán theo đó nhanh chóng mở rộng. Chị Mỹ nói: “Hàng quán ở đây chẳng cần cạnh tranh vẫn tăng doanh thu đều đều vì không kịp phục vụ khách, số người đến đây nhậu nhẹt mỗi lúc một nhiều hơn”.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.