Lặn biển trồng san hô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng 11 âm lịch, mặt biển Tây cuộn lên theo từng cơn gió bấc. Một ngày làm việc của những người thợ trồng san hô bắt đầu...

Từ cảng An Thới (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang), chiếc tàu gỗ chở nhóm cán bộ kỹ thuật Khu bảo tồn biển Phú Quốc nổ máy rời bến, trực chỉ hướng nam.

Vừa cách cảng vài trăm mét, tàu vào giữa lòng Kênh Nhứt, eo biển hẹp nối giữa đảo lớn Phú Quốc và Hòn Dừa, là gặp ngay những lượn sóng cao hơn 1m. Chiếc tàu trồi lên hụp xuống. Chiếc phao tiêu tròn như quả bóng, nặng hai người khiêng lúc lắc trên 
boong tàu.

Anh Nguyễn Linh Ngọc - trưởng phòng kỹ thuật Khu bảo tồn biển Phú Quốc - lấy ổ bánh mì ra gặm. Với dân đi biển, ra khơi không gặp sóng là mất đi phần thi vị.

 

Chiết nhành san hô giống từ rạn san hô gốc để đưa vào vườn ươm.
Chiết nhành san hô giống từ rạn san hô gốc để đưa vào vườn ươm.

Khu vườn dưới đáy biển

Khoảng 20 phút sau tàu đến Hòn Rỏi và dừng lại ngoài khơi chờ ông Nguyễn Văn Hải (56 tuổi) đi xuồng máy ra để gia nhập đoàn.

Ông Hải tham gia nhóm dự án trồng tái tạo san hô của Khu bảo tồn biển Phú Quốc từ những ngày đầu trong vai trò là cộng tác viên cộng đồng. Sau đó tàu tiếp tục cưỡi sóng hướng ra Hòn Đụng, Hòn Móng Tay, vùng lõi của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Càng trưa, gió càng thổi mạnh. Tàu căng mình theo từng con sóng.

Đến khoảng giữa Hòn Đụng và Hòn Móng Tay, anh Tha - nhân viên kỹ thuật Khu bảo tồn biển Phú Quốc - một tay cầm chiếc máy định vị GPS, một tay níu chặt thành tàu, miệng hô từng câu khẩu lệnh để người tài công đưa tàu vào đúng vị trí thả neo: Qua trái tí nữa! Tới chút nữa! Quăng!

Nhóm kỹ thuật ba người gồm: Ngọc, Tha, Đạt - do Ngọc làm trưởng nhóm - khẩn trương ra boong sau mặc quần áo thợ lặn, mang bình hơi, dụng cụ cá nhân rồi lần lượt nhảy ùm xuống biển.

Bên dưới, ở độ sâu 7m nước là một vườn ươm san hô rộng chừng 40m2 vừa được nhóm gây trồng cách đây vài tháng.

Vị trí này dòng nước chảy luồn qua giữa hai hòn đảo nên vận tốc khá mạnh. Công việc của nhóm hôm nay là kiểm tra khả năng sống của từng cá thể và trồng giặm những vị trí đã chết.

Dưới biển, các nhành (mỗi nhành là một cá thể) san hô được cấy chặt vào các giá đỡ là những khung nhựa gắn cố định xuống đáy biển. Hầu hết các nhành san hô đều sống và có dấu hiệu phát triển tốt với những ngọn chồi nhú lên trắng nõn. Cả nhóm đưa ngón tay cái ra hiệu vẻ hài lòng.

Anh Nguyễn Linh Ngọc cho biết để xây dựng được một vườn ươm san hô dưới đáy biển cần cả một thời gian dài.

Giá thể để cấy san hô là những ống nhựa PVC được hàn thành những khung vỉ rộng khoảng 3m2, trên đó gắn sẵn những đoạn ống cao khoảng 12cm, cách nhau 40cm để đón những nhành san hô cấy vào.

“Bản thân san hô là động vật, rất nhạy cảm với môi trường nên địa điểm để đặt vườn ươm cũng phải thỏa những điều kiện rất khắt khe như nguồn nước không được ô nhiễm, không quá sâu và cũng không quá cạn, đặc biệt là tránh xa những tác động của con người” - anh Ngọc 
giải thích.

Theo anh Ngọc, việc chọn các rạn san hô để chiết nhành cấy nhân giống cũng phải theo những nguyên tắc nhất định.

Hiện nay, Khu bảo tồn biển Phú Quốc chỉ mới nhân giống đối với san hô gạc nai, là loài san hô cành. San hô gốc phải là những cụm đang phát triển tốt, nhiều nhánh. Khi chọn được cụm san hô gốc, các kỹ thuật viên sẽ cắt nhành giống dài không quá 
gang tay.

Những nhành san hô sau khi cắt được cho vào các thùng nước biển sục khí oxy và di chuyển tới khu vực chờ sẵn.

Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ cấy từng nhành san hô giống vào các cọc chuẩn bị sẵn và cố định lại bằng đinh ốc, đảm bảo không bị xê dịch hoặc cuốn trôi do dòng chảy. Những nhành san hô sau khi được cấy vào vườn ươm sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập.

“Cái khó của san hô là sự sinh trưởng của nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân và môi trường tự nhiên xung quanh, con người không thể tiếp sức theo kiểu bón phân, phun thuốc. Vì thế, nhiều cá thể sau khi cấy không thích nghi phải âm thầm chấm dứt sự sống” - anh 
Ngọc nói.

 

Một nhành san hô giống sau khi ươm hơn một năm đã phát triển tốt, sẵn sàng để tái tạo rạn san hô mới.
Một nhành san hô giống sau khi ươm hơn một năm đã phát triển tốt, sẵn sàng để tái tạo rạn san hô mới.

Phá 1 giây, 
mất 5 năm gầy lại

Cũng theo anh Ngọc, thông thường thời gian quyết định mỗi nhành san hô sau khi cấy có thành công hay không là trong khoảng 2-3 tuần đầu. Nếu không đủ sức duy trì sự sống thì nhành san hô sẽ tự ngả màu rồi chết 
sau đó.

Tuy nhiên, để tiếp tục lớn lên và tái sinh thành một cụm san hô mới lại là một chuỗi thời gian rất dài. Thời gian một nhành san hô gạc nai sống và trưởng thành trên giá thể tại vườn ươm kéo dài khoảng hai năm. Trong suốt thời gian này, các nhân viên kỹ thuật phải lặn theo dõi thường xuyên.

Sau hai năm, các cơ thể san hô đã sinh trưởng khỏe khoắn sẽ được tách khỏi vườn ươm để đưa tới trồng cố định tại các vùng rạn san hô đã bị phá. Và thời gian để các cá thể san hô bám rễ đâm chồi chính thức trở thành một “cư dân” mới trong lòng biển mất thêm khoảng ba năm nữa.

Các kết quả khảo sát được công bố cho thấy các rạn san hô ở Phú Quốc có tổng diện tích gần 500ha, hơn 250 loài, thuộc 49 giống với 14 họ san hô cứng và 19 họ san hô mềm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy hệ sinh thái rạn san hô một số nơi ở Phú Quốc những năm qua cũng bị suy giảm đáng kể.

Về tự nhiên, theo Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tình trạng biến đổi khí hậu những năm gần đây với biểu hiện là nắng kéo dài khiến nhiệt độ nước biển ven bờ các hòn đảo nóng lên làm chết san hô.

 

Chưa ai bị xử phạt vì phá san hô

Theo ông Hà Thế Phong - giám đốc Khu bảo tồn biển Phú Quốc, các hoạt động du lịch lặn biển ngắm san hô, đánh bắt hải sản có xâm hại trực tiếp đến các rạn san hô trong phạm vi khu bảo tồn biển diễn ra khá phổ biến.

Nhiều nhất là tình trạng ngư dân không am hiểu, vì áp lực mưu sinh mà vô tình hủy hoại san hô. Ngoài ra, còn có việc du khách bẻ san hô để chụp ảnh hoặc mang về.

Tuy nhiên, khu bảo tồn biển không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm này. Muốn xử phạt phải kết hợp với các cơ quan chức năng khác như UBND, cơ quan quản lý về tài nguyên - môi trường địa phương, biên phòng...

“Các cơ quan có phối hợp kiểm tra nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ làm theo đợt, theo kế hoạch nên hầu như không phát hiện, không xử lý được. Đến giờ chưa có trường hợp xâm hại san hô nào bị xử phạt” - 
ông Phong nói.

Trong khi đó, việc khai thác du lịch của con người như lặn biển ngắm san hô cũng tác động đáng kể khi nhiều tàu chở du khách quăng neo ngay trên vùng rạn san hô, hay du khách tiện tay hái san hô đem về.

Nhưng đáng kể nhất là họạt động đánh bắt hải sản diễn ra ngay trên các vùng biển có rạn san hô. Ước tính có hơn 150 loài cá thuộc 31 họ sinh sống ở các rạn san hô Phú Quốc, trong đó nhiều họ cá có giá trị kinh tế cao như cá mú (13 loài), cá mó (11 loài), cá dìa (8 loài), cá hồng (7 loài)... Chưa kể hơn 130 loài thân mềm (gồm các loài ốc, trai, sò,...) và hàng chục loài da gai (hải sâm) cũng có mặt tại đây.

Ông Nguyễn Văn Hải vốn là một thợ lặn bắt cá hàng chục năm kinh nghiệm ở các vùng biển Hòn Thơm, nay đã giải nghệ.

Ông kể: “Cá mú thường sống trong rạn. Dân lặn mang theo lưới, lặn xuống phát hiện cá là co chân vừa chạy vòng tròn vừa vung lưới ra để vây. Lúc đó chỉ có chạy thôi, đạp lên đá, lên san hô mà chạy cho kịp, chậm chân là không kịp với nó”.

Ông Hải thừa nhận mình đã có thời đối xử với san hô như thế. “Hồi đó chỉ lo chuyện con cá miếng cơm, đâu kịp nghĩ rằng khi san hô không còn thì cá cũng bỏ đi, đâu còn lại gì cho con cháu. Giờ mới thấy tiếc!” - ông Hải nói.

Có lẽ thế mà mấy năm nay ông đã chọn việc tham gia hỗ trợ nhóm dự án trồng san hô làm niềm say mê sau khi bỏ nghề lặn cá.

Theo ông Hải, đáng lo ngại là những năm gần đây dân lặn còn sử dụng cả hóa chất để bơm vào các hang hốc, rạn san hô làm các loài cá bị tê liệt tạm thời để bắt sống. San hô bản chất là động vật nên rất nhạy cảm với hóa chất, vì thế hình thức đánh bắt cá này là cực kỳ nguy hiểm.

“Chi phí để trồng 1m2 rạn san hô khoảng 3 triệu đồng và mất khoảng năm năm. Một rạn san hô bị tàn phá không chỉ phải tốn công tốn của trồng lại mà cả hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản kèm theo cũng mất đi. Đó là một cái giá rất lớn” - anh Nguyễn Linh Ngọc nói.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).