Giờ cứu nước - Kỳ 4: Những cô gái bất khuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tôi cầm bức thư kêu gọi toàn quốc kháng chiến do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết mà rưng rưng xúc động. Vậy là chiến tranh rồi, những người thân của tôi, những bạn bè mới ngày qua còn mặc áo dài, mang guốc đến trường giờ đã ở trước mũi súng quân thù”.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận hiện nay
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận hiện nay


Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ, vẫn không thể quên được trận chiến mùa đông năm 1946. Đó là những ngày đầu các kiều nữ Hà thành dấn thân vào cuộc chiến xương máu...

Người mã hóa mật thư

Hồi tưởng chuyện 70 năm trước, bà Nguyễn Thị Bích Thuận kể: “Cuối tháng 11, tôi đang là nữ điện thoại viên Bưu điện Bờ Hồ thì nhận mật lệnh đặc biệt. Chính ông Lê Quang Đạo đưa tôi về nhà riêng lấy nhanh vài món đồ sinh hoạt phụ nữ, rồi chở lên thẳng Văn phòng Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đến nơi tôi thấy ông Trần Quốc Hoàn đã đợi sẵn, giọng nghiêm trang: “Cô được giao nhiệm vụ mới, rất quan trọng, cố gắng hoàn thành cho tốt”.

Đó là một đêm cuối tháng 11-1946. Trước khi bước vào cuộc chiến vệ quốc, bà Thuận là nữ sinh Trường Đồng Khánh. Năm 1944, tham gia phong trào phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, chính bà đã lấy khăn đỏ trên bàn thờ nhà để may cờ đỏ sao vàng.

Về làm việc tại văn phòng ông Trần Quốc Hoàn, bà cảm nhận không khí chiến tranh không thể tránh khỏi. Ngoài đường quân Pháp liên tục đàn áp, trong văn phòng Xứ ủy luôn diễn ra nhiều cuộc họp căng thẳng với các lãnh đạo cấp cao. Tất cả sẵn sàng cho cuộc chiến vệ quốc.

“Tôi nhớ đó là đêm 19-12-1946. Trong lúc tiếng đạn rền Hà Nội, ông Trần Quốc Hoàn đưa cho tôi một bức thư viết tay, không có phong bì, ông nói: “Cô mã hóa ngay bức điện này gửi đến cho các chiến sĩ ở mặt trận Liên khu I, Hà Nội”.

Ngồi trước máy, đọc lướt qua lá thư, bà Thuận run lên vì xúc động: đó là lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải cố kiềm chế xúc động, bà mã hóa lá thư. Mã hóa xong lại mở kiểm tra lần nữa rồi mới gửi đi.

Hôm sau bà lại nhận được bức mật điện từ mặt trận Hà Nội. Đích thân ông Trần Quốc Hoàn lại giao tận tay cho bà và yêu cầu mở mã dịch thư ngay. Đó là thư của Chính ủy mặt trận Lê Trung Toản đại diện dân quân đang chiến đấu, xin hứa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Về sau, bà còn tiếp tục nhận và gửi các mật thư đặc biệt khác. Trong đó có cả thư lãnh đạo căn dặn phải di tản đồng bào ra vùng an toàn để tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ...

Trong lúc bà Thuận làm nhiệm vụ giải mã mật thư, rất nhiều bạn bè bà cũng đang ở chiến hào. Vừa trực tiếp chiến đấu, họ vừa đảm đương các nhiệm vụ quan trọng như cứu thương, cấp dưỡng, đào đắp công sự, tải đạn phục vụ binh lực kháng chiến. Nhiều nữ sinh đành cắt cả mái tóc dài, nhuộm quần áo trắng sang màu đen chiến trường.

Ngoài trận địa, các nữ sinh yêu kiều này còn sử dụng một “vũ khí” đặc biệt khác để hạ gục quân thù. Bằng tiếng Pháp ngọt mềm vọng qua bên kia chiến tuyến, họ cất lời hát về quê hương và tình yêu để kêu gọi binh sĩ đối phương hạ súng...

Máu hồng loang trận địa

Trên chiến địa, nhiều cô gái trong đội quân đặc biệt này cũng dũng cảm hi sinh. Đến giờ, các cựu chiến binh trong cuộc chiến Hà Nội 60 ngày đêm vẫn còn nhớ câu chuyện hi sinh của hai cô gái Trần Thị Tam và Huỳnh Thị Huyền.

Họ là nữ sinh Trường Hàm Long, khi chiến sự nổ ra đã được lệnh sơ tán nhưng tình nguyện ở lại phục vụ chiến đấu. Cả hai cô đều mồ côi mẹ, nên chơi rất thân với nhau. Trong đó, Tam có anh trai Trần Hậu Tịnh cũng vào Vệ quốc đoàn ngay từ ngày đầu và đã hy sinh.

 

Các cô gái trong đội cứu quốc thành Hoàng Diệu - Ảnh tư liệu Q.V. chụp lại  Các cô gái trong đội cứu quốc thành Hoàng Diệu - Ảnh tư liệu Q.V. chụp lại
Các cô gái trong đội cứu quốc thành Hoàng Diệu - Ảnh tư liệu Q.V. chụp lại

Nhiều lần xin ra chiến tuyến, hai cô đều bị từ chối bởi dáng nữ sinh “ẻo lả” và chưa đủ tuổi. Sau họ được nhận vào phòng tuyến chợ Hôm. Chiến sự khu vực này rất ác liệt, nhiều chiến sĩ đã thương vong.

Trước khi vào trận đánh, Tam và Huyền xin người bạn của anh trai mình cũng đang chiến đấu ở khu vực này mỗi người một trái lựu đạn.

Ban đầu người lính định không cho, nhưng nghe hai cô gái phụng phịu nói cần lựu đạn để tự vệ nếu đụng độ với lính Pháp thì anh rút cho mỗi người một quả. Hết đêm qua ngày, phòng tuyến chợ Hôm bị quân lê dương tấn công dồn dập.

Trung đội Việt Tử trấn giữ ở đây dũng cảm đánh bật được kẻ thù nhưng cũng bị thương vong rất nhiều. Hai nữ sinh Trường Hàm Long làm cứu thương hầu như không lúc nào được nghỉ.

Có trận, chiến sĩ xung phong phản công và bị thương nằm dưới làn đạn súng máy bắn xối xả của đối phương. Anh không bò về được mà đồng đội anh cũng không thể lên cõng về. Bất ngờ hai cô cứu thương nhỏ bé lao lên khiêng người thương binh trong làn đạn sáng rực cả đêm đen.

Trung đội trưởng Việt Tử hoảng hốt gọi đồng đội tập trung bắn yểm trợ cho họ. Sau lần ấy, Việt Tử rất quý mến hai nữ cứu thương đơn vị, mà trước đó họ đã định không nhận vì “trông yếu ớt quá”.

Hai ngày sau, lính dù mũ đỏ và tăng, thiết giáp quân lê dương quyết tâm triệt hạ bằng được phòng tuyến chợ Hôm. Đạn dược cạn kiệt dần, trung đội tự vệ chiến đấu rất kiên cường và lần lượt hi sinh gần hết.

Hai cô nữ sinh được lệnh rút lui, nhưng họ vẫn kiên quyết ở lại sống chết cùng chiến sĩ. Khi người lính cuối cùng bị thương gục xuống, không thể chiến đấu được nữa cũng là lúc lính dù Pháp tràn vào bắt sống hai cô gái bé nhỏ và định làm nhục họ.

Một chiến sĩ bị thương là nhân chứng của khoảnh khắc này trông thấy cả đám lính Pháp đè hai cô nữ sinh xuống định xé quần áo, thì bất ngờ Tam và Huyền đã cho nổ hai quả lựu đạn mới xin được hôm trước để cùng chết với kẻ thù!

Theo Tuoitre

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng, tiểu đoàn 212, kể lại một trận đánh không quên của ông trong những ngày khói lửa ấy với cái chết của hai cô cứu thương:

“Hai bên giằng co đến xế chiều thì địch thay đổi cách đánh. Chúng dùng hỏa lực súng cối giội vào trận địa. Biết không còn đủ khả năng chiến đấu, trung đội trưởng phái liên lạc về truyền lệnh và dẫn đường cho tổ nuôi quân rút trước.

Các tiểu đội thay nhau kìm chân địch, luân phiên vừa đánh vừa hướng về phía chùa Sét. Khi đến nơi thì ông Hồng không thấy bóng cô cứu thương Bùi Thị Giần và cô Toàn đâu.

Ông Hồng hớt hải ngược trở lại tìm thì thấy một đồng đội đang ngồi cúi mặt ôm chặt Giần đang nằm sóng soài trên tay, kế bên là cô Toàn cũng đang nằm dưới đất. Máu trên vết thương do đạn cối tứa ra khắp người họ.

Hai cô cứu thương người Hà thành đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu không cân sức của dân tộc mình...

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.