Những trưởng thôn tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quảng Bình vừa trải qua nhiều trận lũ. Trong mưa lũ vùi dập, nếu không có bóng dáng của các trưởng thôn, người dân sẽ khó xoay xở với thế giới… nước mênh mông. Sau lũ, hàng ngàn trưởng thôn “quên” nhà mình bùn non cũng ngập tới đầu gối để đi giúp dân khắc phục hậu quả.

Chuyện trưởng thôn Bưa

Ông Trương Minh Bưa ở thôn Zét, làm trưởng thôn đã hơn 30 năm. Chức trưởng thôn ở ngôi làng có 65 hộ dân nằm sâu trong hốc núi Quảng Sơn này ít người nhận làm, bởi nếu có việc gì chưa được lòng cũng bị thị phi. Với ông Bưa, làm trưởng thôn như một định mệnh. “Ngày đi bộ đội nghĩa vụ về, cả làng rồi xã ngó quanh nói tôi tính tình điềm đạm, làm trưởng thôn để nghe dân nói rồi báo lên xã để có hướng giải quyết các ý nguyện của dân. Nghe rứa, tôi đồng ý, rồi dân bầu làm trưởng thôn. Chuyện to nhỏ, lớn bé chi cũng đụng tới tôi. Vợ nông dân sinh đẻ khó cũng hỏi vì răng ông Bưa?, bò đẻ không ra cũng kêu “ông Bưa ơi cứu bò tui với!”. Nhà ai mất con gà cũng tới nhờ tìm giùm, mà tìm không ra là nghe… chửi xéo. Mần trưởng thôn nghe dân “càm ràm” cả ngày, định buông mấy lần rồi nhưng bà con nói chừ có ai trong làng nữa mô, rứa là phải chịu nghe dân… mắng riết thành quen”-ông Bưa kể.

Mùa lũ năm nào, trưởng thôn Bưa cũng nhanh nhảu lo giúp dân, còn nhà mình để vậy dọn sau. Trận lũ tháng 10 vừa rồi, ông đi xin từng suất quà; có đoàn từ thiện đến, ông chèo ghe đi nhận hàng. Làng có 65 hộ (kể cả trưởng thôn), trưởng đoàn từ thiện nói “trưởng thôn là cán bộ, đừng nhận quà cho bản thân mình”, trưởng thôn Bưa đồng ý, nhưng bà con xúm lại xin nhà tài trợ thêm phần quà vì nhà ông Bưa cũng nghèo, nghèo hơn cả nhà dân. Thế là trưởng đoàn tặng quà cho ông Bưa và nhiều người ứa nước mắt.

Ở bản Ón, trưởng bản Trần Văn Tư, kiêm trưởng thôn người Rục cũng cơ cực đủ đường. Ông Tư kể: “Bà con ở đây im lặng nhiều hơn nói. Vì thế, giữ đồng bào Rục ở lại nhà của họ đã khó, chứ chưa nói động viên họ lao động cần cù. Mỗi ngày, tôi đều đi từ đầu bản đến cuối bản đếm số hộ, số khẩu để có ai bỏ bản vô hang sinh sống mà biết. Trận lũ vừa qua, tôi tiếp đón các đoàn cứu trợ, rồi phân phối không chỉ cho dân bản Ón mà còn phân về cho bản Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ vì 2 trưởng thôn kia ở quá xa điểm tiếp nhận quà từ thiện”. Lũ lụt, ai đau ốm, ông chèo ghe chở vượt Hung Trâu để thuê xe lên bệnh viện; ai hết gạo, ông lại sớt gạo ở nhà đến giúp.

Ngã giập mặt vẫn lo cho dân

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa đã phải nhập Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng chấn thương sọ não và mặt mũi bị trầy trụa vì ngã trong lúc đi giúp dân sau khi lũ rút. Ông Trung là trưởng thôn đầy tình nghĩa ở mảnh làng hay bị lũ quét trên thượng nguồn sông Gianh. Trong lũ, ông chèo đò đi khắp làng để giúp dân; thấy nhà nào sập, ông kêu xóm làng đến phụ đưa dân ra khỏi nơi nguy hiểm; nơi nào chưa tiếp cận được, ông gọi điện thoại động viên hàng xóm cưu mang lẫn nhau. Lũ rút, ông để mặc bùn đất ngập nhà mình, lặn lội đến từng căn nhà đổ nát. Sang nhà chị Nguyễn Thị Thành, bùn còn quá trơn, nước chảy xiết, thấy nhà bị lũ cuốn trôi, ông vào giúp mót được gì hay đó thì chẳng may bị ngã, đầu đập vào thành bê tông chấn thương, mặt ập vào đống đổ nát bị thương nặng, phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Chị Thành cho hay: “Ông Trung gần dân, sát dân, ai có việc gì ông đều đến giúp đầu tiên, chừ bị tai nạn chấn thương nặng rứa, bà con trong thôn ai cũng lo. Chừ ông ấy đang hồi phục rồi và câu đầu tiên hỏi người nhà là bà con có ai mất mát chi không”. Khi trưởng thôn Trung đi viện, mọi việc giao lại cho phó thôn Nguyễn Xuân Tuyên làm bở hơi tai đến mệt lả cũng phải nhập viện. Còn lại Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Thanh một mình xuôi ngược đến khan giọng, sốt cao phải nằm li bì trong nhà.

Nữ trưởng thôn Thống Nhất (Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) Nguyễn Thị Ngọc Lan là người tử tế nên được bà con bên thượng nguồn sông Kiến Giang nể trọng. Trong mưa lũ, thân gái, chị đến với dân đếm từng nhân khẩu. Nhà nào neo đơn, chị xắn tay áo khuân vác đồ đạc đem lên chỗ khô ráo; lúc về lại nhà mình thì nhiều đồ dùng đã ướt đẫm nước bạc. “Nữ trưởng thôn làng này sống có nghĩa, tử tế nên bà con tin lắm. Xử lý mọi thắc mắc có trước có sau, công bằng nên bà con lại càng tin tưởng”-bà Hoàng Thị Hà, một người dân thôn Thống Nhất đánh giá.

 

Trưởng thôn Trần Văn Toàn suy tư với việc phân chia hàng cứu trợ sao cho công bằng.
Trưởng thôn Trần Văn Toàn suy tư với việc phân chia hàng cứu trợ sao cho công bằng.


Không dám nhận quà

Thôn Cồn Nâm ở giữa đảo nổi trên sông Gianh (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn), khi lũ lên nhiều nhà phải dỡ nóc ra chạy. Trưởng thôn Nguyễn Văn Toàn chỉ huy ban quản lý thôn chèo đò cứu từng mạng người ở rốn thấp. Quần quật mấy ngày dầm nước với dân; hết lũ, trở về nhà, may quá vợ con vẫn còn sống. Khi đoàn cứu trợ về, ông lại “ra trận” để cung cấp danh sách cứu trợ rồi chuyển hàng về thôn giao tận tay dân làng. Tính ra, từ ngày 14-10 đến hết tháng, chưa bữa nào ông Toàn ăn được bữa cơm no bụng. Trong lũ thì tranh thủ nhai mì gói sống, sau lũ, ai cho phong lương khô lại tiết kiệm để chống đói lúc qua bữa. Lội bùn non khắp xóm để có khi đưa đoàn này, đoàn khác về các hộ nghèo.

Hôm chúng tôi cùng đoàn thiện nguyện ở TPHCM đến thăm, tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tiền mặt, cả đêm trước ông trằn trọc, suy tính làm sao để số tiền này đến đúng hộ dân mà không có ai máu mủ, ruột rà dính vào để không khó nói với làng. Khi mọi việc xong xuôi, bà con nhận quà xong chuẩn bị ra về, trưởng đoàn thiện nguyện thấy ông Toàn và nhóm lãnh đạo thôn vất vả nên có nhã ý tặng 500.000 đồng nhưng ông không nhận. Động viên mãi, ông Toàn mới đứng ra trước mặt dân trong hội trường nhà văn hóa thôn, nói: “Thôn xin nhận số tiền này để dùng cho việc làng, bà con có đồng ý không?”. Cả hội trường vang lên tràng vỗ tay của 100 hộ nghèo đồng thanh để ông Toàn nhận. Ngay lúc đó, người làng rơi nước mắt, đoàn thiện nguyện cũng rơi nước mắt, còn trưởng thôn Toàn cũng lấy tay áo lén lau giọt nước mắt trào ra trong nghĩa xóm làng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Bà Hòa khi nhận tiền xong kể: “Không có trưởng thôn thì chúng tôi khó đương đầu với lũ, không có trưởng thôn chúng tôi mần răng mà đoàn kết lại được, việc trưởng thôn làm như “vác tù và hàng tổng”, nhiều khi có ai đó không hiểu chỉ tội cho trưởng thôn”.

Sâu trên xã Trường Sơn huyện Quảng Ninh có một cán bộ được người dân 20 thôn, bản ở đây xem như trưởng thôn của họ, đó là ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trường Sơn. Ông Tráng trưởng thành từ cán bộ Đoàn cơ sở. Cuộc sống gia đình khá khó khăn, vợ bị chấn thương sọ não vì tai nạn, một nửa hộp sọ phải gửi nuôi ở Bệnh viện Trung ương Huế đợi ngày bệnh viện hẹn vào phẫu thuật lắp lại hộp sọ. Lũ ở Trường Sơn đã tràn qua 2 lần, lần nào ông cũng đi khắp các bản hỏi anh em Vân Kiều cần gì. Nhiều đoàn cứu trợ về, ông phải nhờ hàng xóm lo cơm cháo cho vợ và đứa con nhỏ để theo kịp các chuyến hàng về với dân.

 

Cán bộ Nguyễn Văn Tráng được nhiều người dân thôn, bản quý trọng vì làm việc tận tâm.
Cán bộ Nguyễn Văn Tráng được nhiều người dân thôn, bản quý trọng vì làm việc tận tâm.


Tôi đi khắp những vùng lũ ngập, thấy các trưởng thôn, trưởng xóm từ vùng sâu vùng xa đến vùng trũng hay miền biển, trưởng thôn nào cũng chân chất, thật thà. Đôi bàn tay họ thô ráp, nhưng nụ cười luôn tươi rói. Họ không bóng bẩy, trịch thượng; họ đến với dân làng bằng đôi chân dính đầy bùn đất. Họ thay mặt lãnh đạo địa phương có trách nhiệm trước dân, nhưng cũng có lúc họ tủi thân trước vài tiếng bấc tiếng chì thị phi của thế gian. Đến với họ lúc này, ghé qua liếp nhà của trưởng thôn nào đó, ngồi xuống uống chén trà bên họ, chắc chắn họ sẽ vui với chỉ một lời động viên.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.