Kể chuyện "Người bảo vệ Di sản xuất sắc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến Sở Thượng hôm nay, người dân ai cũng biết và yêu quý “Người bảo vệ Di sản xuất sắc” Vũ Xuân Tròn, một cựu binh, cán bộ bị địch bắt tù đày... Ông là Chi hội trưởng Chi hội Sở Thượng, Trưởng ban Quản lý di tích - Khánh tiết của làng Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội - người đã chủ trì vận động nhân dân tu bổ xây dựng lại tất cả đền, chùa, miếu, đình làng; khôi phục lễ hội truyền thống quê hương Sở Thượng.

Nặng lòng với quê hương

 

Lễ hội truyền thống thôn Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Lễ hội truyền thống thôn Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Sinh năm 1927 ở thôn Sở Thượng, tổng Thanh Trì cũ, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cậu bé Vũ Xuân Tròn đã tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở xã. Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, cậu lại có mặt trong Tự vệ đoàn, chiến đấu bảo vệ quê hương. Năm 1951, người thanh niên ấy trở thành Chính trị viên xã đội Hà Ninh thuộc quận VII ngoại thành Hà Nội, tham gia phá tề, trừ gian, phối hợp với bộ đội chủ lực để tập trung đánh địch.

Tháng 1 năm 1951, trên đường đi công tác từ Sở Thượng sang Yên Duyên do có kẻ phản bội nên Chính trị viên Vũ Xuân Tròn đã bị giặc bắt và bị tra tấn rất dã man. Bị giam cầm từ bốt bảo an Sở Thượng đến Nhà tù Hỏa Lò, nhưng ông vẫn luôn cùng đồng đội giữ vững được phẩm chất “kiên trung bất khuất” của các chiến sĩ cách mạng. Sau 3 năm tù đày tại Hỏa Lò, ông đã nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức và ra vùng tự do để hoạt động.

Với chừng ấy những gian khó đã trải qua trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, người lính ấy cũng như bao người dân Việt Nam yêu nước khác đều mong muốn có được hòa bình để nhanh chóng bắt tay vào lao động sản xuất xây dựng quê hương.

Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, ông Vũ Xuân Tròn là Phó Chủ tịch phụ trách Công an xã. Từ năm 1959-1964, ông là Chủ nhiệm Hợp tác xã đầu tiên của xã Yên Sở, sau này là Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp nhất của 3 hợp tác xã làng Sở Thượng, Chủ tịch Hợp tác xã Tín dụng. Thời kỳ này, đây là lá cờ đầu trong phong trào nông nghiệp của ngoại thành Hà Nội.

Nhưng thú vị là, với kinh nghiệm làm ruộng một vụ lúa một vụ cá, ông Vũ Xuân Tròn được tuyển vào Học viện Quân sự làm việc trong 9 năm, phụ trách công tác hậu cần nuôi cá phục vụ quân đội. Phục viên trở về quê hương, ông tham gia chỉ đạo sản xuất ở vùng đất trũng, sản xuất một vụ lúa một vụ cá đạt năng suất cao. Đặc biệt, năm 1990 ông cùng Hợp tác xã Sở Thượng xây dựng trại cá giống (trước đây địa phương phải mua cá giống ở các tỉnh xa...). Trại cá có quy mô khá lớn với bể cá đẻ, nuôi cá giống các loại để cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh bạn, kể cả các loại con giống mới như tôm càng xanh (tôm nước lợ chuyển sang nuôi nước ngọt), cá chim trắng, trê lai, rắn, ba ba… Đây được coi là trại cá giống số 1 đạt hiệu quả và năng suất cao ở Hà Nội.

Nhưng không dừng ở đấy, con người sẵn sàng cầm súng và hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất ấy còn nhiều điều bất ngờ thú vị khác.

Làm sống lại những di sản văn hóa

 

Ông Vũ Xuân Tròn - “Người bảo vệ Di sản xuất sắc”.
Ông Vũ Xuân Tròn - “Người bảo vệ Di sản xuất sắc”.

Sở Thượng là một làng cổ có lịch sử lâu đời, nên nơi đây tập trung nhiều di tích và sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo. Trải qua quá trình lịch sử, chiến tranh… hầu hết các di tích đình, đền, miếu, chùa của làng đều bị phá hủy và xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 10 năm qua, ông Vũ Xuân Tròn với vai trò Trưởng ban Khánh tiết di tích làng Sở Thượng và là Chi hội trưởng Di sản văn hóa Sở Thượng, đã chủ trì vận động nhân dân đóng góp tu bổ - tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa ở quê hương.

Trải qua bao khó khăn vất vả, nhiều lúc tưởng như không vượt qua nổi. Song với tâm đức và uy tín, ông đã được sự đồng thuận ủng hộ của đông đảo nhân dân địa phương và chính quyền sở tại. Cho đến nay cả một quần thể di tích đình, chùa, đền, miếu của làng Sở Thượng đã được trùng tu, xây dựng lại khang trang đẹp đẽ với nguồn kinh phí xã hội hóa lên đến hơn hai chục tỷ đồng. Trong đó có thể kể tới công trình xây dựng lại đền Kim Khuyết năm 2003 với 1,5 tỷ đồng; cùng với nhà sư trụ trì khôi phục lại chùa Hưng Phúc với 8 tỷ đồng năm 2005; xây lại miếu Cốc năm 2006 với 500 triệu đồng; huy động 7,5 tỷ đồng xây dựng đình làng từ năm 2007-2010...

Đáng mừng hơn, không chỉ trả lại cho làng những không gian vật thể đậm hồn Việt, từ năm 2012, ông Vũ Xuân Tròn cùng với tập thể đã chỉ đạo, phối hợp với cơ quan nghiên cứu di sản, khôi phục lễ hội truyền thống làng Sở Thượng vào ngày 15 tháng Giêng sau hơn 60 năm vắng bóng.

Gần đây, ông đã cùng Ban Chấp hành Chi hội Di sản văn hóa và Ban Khánh tiết di tích tổ chức tọa đàm về hoạt động của cán bộ và du kích trong thời kỳ chống Pháp tại miếu Cốc của làng và đề nghị gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến ở đây.

Ngoài trách nhiệm là Trưởng ban Quản lý di tích - Khánh tiết của đình, đền, miếu làng Sở Thượng, ông còn tham gia nhiều công tác xã hội khác. Hằng tháng, ông dành ra 400.000 đồng (trích từ tiền trợ cấp dành cho thương binh và người hoạt động cách mạng bị bắt tù đày) để hỗ trợ cho hai cháu gia đình nghèo, mỗi cháu 200.000 đồng/tháng nhằm giúp các cháu được tiếp tục đến trường…

Trước câu hỏi “Mỗi lần vận động nhân dân đóng góp, ông nói gì với bà con?”, ông Vũ Xuân Tròn nhẹ nhàng: “Tôi chỉ nói, các di tích lịch sử, văn hóa là nơi ghi nhớ công lao các vị thành hoàng, danh nhân, anh hùng của dân tộc. Dân làng mình phải tri ân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị ấy vì nhờ có sự đóng góp, hy sinh của các bậc tiền bối mà dân ta mới có cuộc sống ấm no như hôm nay”. Cũng như vậy, ông cười thật hiền và giản dị chia sẻ về việc làm sao vận động được hàng chục tỷ đồng trong suốt thời gian dài để làm việc nghĩa như vậy: “Tôi đi theo cách mạng từ năm 1946, suốt cuộc đời mình đều sống trong sáng, không lấy của công làm của riêng, làm được điều gì tốt cho dân cho nước thì làm. Vì vậy cuối đời mình được hưởng sự tin tưởng của bà con”.

Có thể nói, với tâm niệm xuyên suốt giản dị và cũng sâu sắc ấy, ông Vũ Xuân Tròn đã trở thành một trong những Chi hội trưởng xuất sắc điển hình trong hàng ngũ những người tích cực bảo tồn di tích lịch sử văn hóa ở Thủ đô. Tháng 10-2010, ông được Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tặng danh hiệu “Người bảo vệ Di sản xuất sắc” nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ông còn được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 1995 và 2014; ngày 25-10-2016, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, nhân Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập (2001-2016).

Danh hiệu chính quyền, các tổ chức trao tặng có nhiều, nhưng nói một cách giản dị thì ông thực sự là “Người bảo vệ Di sản xuất sắc” trong lòng người dân quê hương.

Theo hanoimoi

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).