Đến Ea Súp tìm một Hội An đi xa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay cả lúc về hưu, nguyên bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vẫn thỉnh thoảng khăn gói lên Tây Nguyên. 
Ông bảo không thể không lên vì có một phần Hội An gửi trên đó.


Tránh trời không khỏi lụt

Tháng 7, vựa lúa lớn nhất Đak Lak là huyện Ea Súp mơn mởn thì con gái, trải dài tít tắp khuất hút tầm mắt. Nhiều năm qua dù Tây nguyên hạn hán đến cực độ nhưng trời phú cho thung lũng Ea Súp luôn đầy những dòng nước ngọt lành.

 

Nhìn cánh đồng này tại Ea Lê (Ea Súp) cứ ngỡ đang ở một vùng quê của Quảng Nam.
Nhìn cánh đồng này tại Ea Lê (Ea Súp) cứ ngỡ đang ở một vùng quê của Quảng Nam.

Ngồi trước hiên nhà nhìn dòng kênh xanh mát mang nước từ hồ Ea Súp Thượng chảy về cánh đồng thôn Hòa Phát (xã Ea Lê), bà Hồ Thị Thêm (64 tuổi) gật gù: “Bây giờ thì đỡ lắm rồi. Ngày trước chưa có cái hồ Ea Súp Thượng, mỗi năm dân làng Hòa Phát chạy lụt đến 4-5 lần. Không khác chi dưới quê mình”.

Bà Thêm, người huyện Duy Xuyên, lên Tây nguyên năm 1981 theo chương trình kinh tế mới (KTM). Gia đình bà sống chung với cộng đồng người Quảng Nam thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang. Cái tên thôn Hòa Phát ở xã Ea Lê chính là tên của xã Hòa Phát.

Cũng như các ngôi làng đi KTM khác, nơi gia đình bà Thêm được đưa đến là một cánh rừng hoang vu với sáu tháng lương thực để khởi đầu.

“Hồi mới lên cọp rình rập quanh làng nên ban đêm chẳng ai dám mở cửa. Cực rứa mà cũng khai hoang được hơn 5ha ruộng. Rồi chính quyền biểu vô hợp tác xã, ruộng vườn thành của chung, chia lại cho nhà tui 2.500m2 đất” - bà Thêm kể.

Những tưởng ly hương lên cao nguyên thì hết bão lụt như ở quê nhà, nhưng tháng 9-1983 một đại nạn đến với các ngôi làng của người Quảng Nam ở Ea Súp, đó là những trận lũ kinh hoàng.

Bà Thêm kể: “Lúc đó mưa liên tiếp hai, ba ngày. Cái thung lũng Ea Súp ni thành nơi chứa nước của cả vùng. Nhà cửa tài sản trôi sạch, người chết đầy. Xóm tui có bốn người chết trôi, hàng chục ngôi nhà trôi hết trong một đêm”.

Bà Lê Thị Yến (70 tuổi, người huyện Núi Thành), hàng xóm của bà Thêm, kể nếu không có hai can mắm cái bà mang từ quê lên Ea Súp làm quà có lẽ bà đã chết từ lâu.

“Nước về nhanh quá, lũ còn dữ hơn ở quê mình. Cái nhà lá tạm bợ bị cuốn phăng. Tôi ôm chầm can mắm cái nổi bồng bềnh giữa đêm tối như mực. Ngâm mình trong nước lũ một đêm, sáng sớm hôm sau có người đến cứu” - bà Yến kể lại.

 

Người Quảng Nam ở Ea Súp (Đak Lak).
Người Quảng Nam ở Ea Súp (Đak Lak).

Món mì Quảng quê nhà trên Tây Nguyên

Quán mì Quảng bà Cợi nổi tiếng nhất xã Ea Lê nằm trước cổng chợ. Bà Nguyễn Thị Cợi, đã 68 tuổi, người gốc Điện Bàn, lên đây từ lúc mười tám đôi mươi, mở cái quán mì Quảng truyền thống theo đúng hương vị quê nhà.

Con gái bà Cợi mang ra hai tô mì cho khách. Anh bạn đồng hành kiểm chứng: “Có đúng mì Quảng không em?”. Một câu trả lời đúng chất Quảng: “Không mì Quảng thì mì chi?”.

Tôi liền kiểm chứng thêm: “Đường này có qua được xã Cư M’Lan không em?”. “Không qua Cư M’Lan thì đi đâu?”(Cư M’Lan cũng là một xã KTM của người Quảng Nam).

Khác với người Quảng xa quê vào các đô thị lớn như Sài Gòn, giọng nói và cốt cách có thể thay đổi, nhưng cộng đồng người Quảng ở Tây nguyên vẫn không khác chi người Quảng ở quê.

Bà Cợi nói rằng người Quảng đi mô cũng không bỏ được cái tính “hay cãi”. Bà nói tếu: “Ở xóm dưới của người Thái Bình vào sống, nó yên lắm. Còn ở đây lúc mô cũng như hội. Không chuyện ni thì chuyện nọ, cứ cãi nhau cả ngày. Họp dân mà có vài người Quảng Nam là khí thế hẳn lên”.

Bà Cợi kể cái quán mì Quảng của bà bán hơn 30 năm cho người tứ xứ. “Khách lạ thì khen ngon mà người Quảng Nam hay chê. Họ ăn xong thả đũa, lắc đầu nói thua mì Quảng ở quê” - bà Cợi cười nói.

Ở Krông Bông, tại xã Hòa Lễ có quán mì Vân nổi tiếng. Vào Google Maps gõ chữ “mì Vân Hòa Lễ” là ảnh vệ tinh chỉ ngay vào quán mì của người Quảng Nam dưới chân núi Chư Yang Sin này.

Chủ nhân quán mì Vân là bà Trần Thị Hạnh, quê huyện Điện Bàn, đi KTM vào đây năm 1985. Ở nơi đất khách quê người, vốn liếng của cô Hạnh chỉ là món mì Quảng.

Cô mở quán bên tỉnh lộ 12 để kiếm cơm qua ngày. Món mì Quảng đậm đà của cô có lẽ hợp với khẩu vị dân miền sơn cước này, và tất nhiên đúng món mong ước của cộng đồng dân Quảng KTM nên quán lúc nào cũng đông khách.

Một mảnh Hội An ở Krông Bông

Huyện Krông Bông (Đak Lak) cũng là nơi có nhiều xã KTM của người Quảng Nam. Đến xã Ea Trul sẽ gặp những người Hội An lên đây lập nghiệp từ những năm 1980 với nếp xưa không chen lẫn vào đâu được.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, người gốc phường Cẩm Phô (Hội An), mở quán cao lầu ngay đầu xóm. Năm 1980, cha mẹ chị Mai rời Cẩm Phô lên định cư ở vùng KTM nằm tít tận trong góc núi Chư Yang Sin của huyện Krông Bông - một trong vài nơi xa nhất Đak Lak.

Hành trang cha mẹ chị mang theo là món cao lầu truyền thống của Hội An. Chị Mai tâm sự: “Ngày xưa cha mẹ bán cao lầu nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Bây giờ tôi nối nghiệp bán món ăn này nuôi năm đứa con”.

Ông Võ Phùng - giám đốc Trung tâm văn hóa TP. Hội An - chia sẻ: “Krông Bông có đến ba xã người Hội An, nếp xưa ở phố Hội vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Thậm chí nhiều nhà những nét xưa cũ họ gìn giữ còn hơn người Hội An đang ở Hội An. Hằng năm TP. Hội An thường có đoàn lên thăm bà con. Những đoàn ca kịch, bài chòi, lô tô... thỉnh thoảng cũng lên đây diễn để bà con bớt nhớ quê”.

Hằng năm những ngày giáp tết dù bận bịu mấy thì ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư TP. Hội An, vẫn dẫn đầu đoàn cán bộ thành phố lên thăm “Hội An trên cao” này.

Ông Sự kể chỉ cần nhìn những ngôi nhà rường ở Hòa Phong, Hòa Lễ và nếp sinh hoạt ở đó thì có cảm giác như Hội An gần gũi lại.

Kỳ cuối: “Đất võ trời văn” ở Đak Nông

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.