Bài 3: Làng Ninh Bình ở Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Muỗi rừng và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là nỗi ám ảnh của những người đi kinh tế mới từ Hà Nam Ninh vào vùng đất dưới chân núi Chư Prông, tỉnh Gia Lai của những năm đầu mở đất.

Cơ ngơi của gia đình anh Phạm Ngọc Hiển, Công ty Cao su Chư Prông
Cơ ngơi của gia đình anh Phạm Ngọc Hiển, Công ty Cao su Chư Prông


Rừng xanh, máu và nước mắt

Ông Phạm Văn Thư (59 tuổi), người xóm Thượng, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, Ninh Bình, là thế hệ đầu tiên xung phong vào Tây Nguyên làm kinh tế mới năm 1976, đúng 19 tuổi. Năm đó, tỉnh Ninh Bình sáp nhập với hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ông Thư bảo chỉ còn đúng một năm nữa là những người Ninh Bình thế hệ đi khai hoang của ông sẽ về hưu.

Ông Thư hồi tưởng: “Năm đó tôi 19 tuổi, là một cán bộ đài truyền thanh. Nhiệm vụ của tôi là đi tuyên truyền bà con về vùng đất mới Tây nguyên màu mỡ nhưng còn hoang vu vì ít người canh tác. Khi người dân quê tôi đăng ký đi kinh tế mới, tôi cũng quyết định lên đường cùng bà con dù bố mẹ ngăn cản. Bố tôi bảo ở nhà bố có để con đói đâu mà đi. Nhưng tuổi trẻ đầy hoài bão và háo hức tinh thần đi mở đất nên tôi quyết định lên xe”.

Vùng đất ông Thư cùng đoàn người Ninh Bình đổ bộ xuống là thung lũng Ya Đrăng, địa danh được đặt tên theo một dòng sông uốn khúc quanh những cánh rừng dưới chân núi Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Vùng đất sát biên giới với Campuchia này cũng là nơi nổi tiếng với những trận đánh khốc liệt năm 1965. Để chinh phục vùng đất mới, một “bộ khung” gồm 64 người là cán bộ, công nhân của Nông trường dứa Đồng Giao (Hà Nam Ninh) lên đường vào trước, trong đó có ông Thư.

Chặt cây, đốt rừng làm rẫy, tỉa lúa, bắp, mì, khoai... là những công việc đầu tiên của những người đi mở đất kinh tế mới. Sau đó, đoàn dân đầu tiên vào kinh tế mới với 3.500 người thuộc các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và Tam Điệp (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Họ chính là những công nhân đầu tiên của Nông trường Cao su Chư Prông được thành lập đầu năm 1977.

Ông Thư kể: “Bốn năm sống giữa rừng già, bạn tôi người chết vì sốt rét, người nằm xuống vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngày đó, cứ nghe tiếng nổ ì ầm là biết có người ra đi. Những căn nhà tập thể tranh tre vách nứa dựng lên, có hôm bị phát hỏa cháy sạch, chúng tôi lại cưa gỗ dựng căn nhà mới với một bộ áo quần duy nhất còn lại trên người.

Trường học, trạm xá cũng bắt đầu hình thành. Những cô giáo ngoài quê vào dạy chữ cho các em được chia công điểm như những lao động tập thể khác. Lúc cao điểm khó khăn, Nông trường với 3.500 con người nhưng chỉ còn lại khoảng 800”.

Những người Ninh Bình thời đó thừa hưởng không khí lao động tập thể từ Nông trường Đồng Giao nên mọi việc triển khai trên vùng đất mới khá thông suốt. Năm 1977, họ bắt đầu ươm giống cây cao su và năm 1978, cao su được trồng hàng loạt.

Ông Thư kể những ngày đói khổ trên đất Tây nguyên nếu không có các rẫy sắn, đám khoai của bộ đội Trường Sơn trồng để lại, chắc cái đói sẽ rất gay gắt. Và sự nhẫn nại của những người dân Ninh Bình cũng được đền đáp bằng một cuộc sống khá giả từ cây cao su.

 

Chư Prông là vùng trồng cao su có diện tích hàng đầu Tây nguyên. Nơi đây năm xưa là vùng kinh tế mới của người Hà Nam Ninh
Chư Prông là vùng trồng cao su có diện tích hàng đầu Tây nguyên. Nơi đây năm xưa là vùng kinh tế mới của người Hà Nam Ninh


Làm giàu bên “Núi Lớn”

“Núi Chư Prông đứng bên mặt trời” trong bài hát Em muốn sống bên anh trọn đời của Nguyễn Cường chính là đây. Tiếng Jrai có nghĩa là “núi lớn” (chư là núi, prông là lớn).

Không thể đong đếm mồ hôi, nước mắt của những người Ninh Bình đổ xuống vùng đất dưới chân “Núi Lớn” này, nhưng thành quả của họ đã nhìn thấy rõ. Những cây cao su trên vùng đất đỏ bazan Chư Prông đã thay đổi những phận người năm xưa đi mở đất.

Ngồi trong ngôi biệt thự với vườn cây cảnh bạc tỉ trước hiên, anh Phạm Ngọc Hiển, 34 tuổi, một kỹ sư điện của Công ty Cao su Chư Prông, tâm sự tài sản của gia đình là một đời tích cóp của mẹ cha anh, những người đầu tiên vào vùng đất này.

Anh Hiển là thế hệ thứ hai của những người đi kinh tế mới sinh ra trên đất Chư Prông, được đào tạo bài bản ở Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh để tiếp nối công việc quản lý nhà máy cao su.

Anh Hiển kể rằng thời của cha mẹ anh, chỉ một chuyện về thăm quê đã là điều quá sức tưởng tượng, bởi đường xa cách trở, đi xe ôm ra huyện đón xe về tỉnh, rồi lên xe khách chạy ba ngày ba đêm mới về tới làng.

Đi kinh tế mới đồng nghĩa với việc ra đi biền biệt, điện thoại không có, thư từ cũng cả tháng mới về đến quê nên ly hương thì đừng nghĩ đến ngày về. Ngày nay cung đường từ Chư Prông về Pleiku đã phẳng lì, xe khách xuất phát từ Chư Prông về đến làng quê ở tận vùng biển Kim Sơn, Ninh Bình.

 

"Ở đây đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, chỉ cần siêng năng và tiết kiệm là khấm khá"

Ông Phạm Văn Xứng

Chúng tôi tìm về xã Ia Đrăng nằm cạnh thị trấn Chư Prông, nơi có rất đông dân Ninh Bình. Chủ tịch xã Phạm Văn Xứng nói giọng Ninh Bình hồ hởi khoe rằng ở đây nạn đói nghèo đã xóa hết từ nhiều năm trước. Toàn xã có 13 thôn đan xen giữa người miền xuôi và người bản địa, trong đó có tám thôn là của người Ninh Bình.

Ông Xứng nói ở đây có bao nhiêu tiền là giàu ông không biết, nhưng cà phê, cao su và hồ tiêu cho thu nhập trung bình mỗi gia đình 500-700 triệu đồng/năm là bình thường.

Ông Xứng là lớp người Ninh Bình thứ hai vào Gia Lai trong năm 1986, đợt di dân đông nhất. Những tên làng của xã Ia Drăng như Nhân Nghĩa, Nhân Hòa, Nhân Đức, An Hòa, Bình Thanh, Diên Phúc, Đức Hậu... đều được bê nguyên xi từ Ninh Bình vào đây.

Ông Xứng nói đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, chỉ cần siêng năng và tiết kiệm là khấm khá.

Từ những ngày đầu khốn khó đến nay, một xã nhỏ như Ya Đrăng có đến bảy nông trường. Nông trường cao su Chư Prông năm nào giờ là Công ty Cao su Chư Prông-nòng cốt của Tập đoàn Cao su Việt Nam - đang chăm sóc và khai thác gần 9.000 ha cao su với hơn 3.000 lao động, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng, trong đó số công nhân là người Ninh Bình chiếm 1.200 người.

 

Ở Gia Lai còn một vùng kinh tế mới khác của người Ninh Bình ở huyện Phú Thiện. Dân Ninh Bình ở Phú Thiện cũng rất khả giả nhờ trồng lúa, mía, cây gỗ quý và chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 30.000 người Ninh Bình sinh sống.

Ông Phan Sĩ Bình-Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông, là một trong những người Ninh Bình đầu tiên đặt chân vào đây.

Ông Xứng cho biết cái được lớn nhất là đời sống những người di dân Ninh Bình khấm khá, trong khi đó hơn 2.000 dân Jrai bản địa cũng ảnh hưởng và thay đổi tư duy, cùng khá giả với người Ninh Bình. “Hồi mới vào, cứ tám tháng là đồng bào hết cái ăn.

Họ ngồi bó gối nhìn mưa hoặc vào rừng đào củ mài. Chúng tôi bày cho họ cách trồng lúa nước. Những hủ tục lạc hậu cũng bỏ dần và cách ăn ở sinh hoạt trở nên văn minh hơn.

Bây giờ nhiều người Jrai trồng cao su chẳng thua người Kinh là mấy. Nhiều người có nhà lầu, xe hơi. Khi người bản địa và người di cư cùng làm giàu thì cuộc sống thật vui vẻ”-ông Xứng nói.

Theo Tuoitre

-----------------------

Kỳ tới: “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” trên miền đất đỏ

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.