Đám cưới không phong bì của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không tiệc tùng linh đình như ở miền xuôi, quà cưới không phải là phong bì, vàng bạc. Người Bahnar tổ chức đám cưới rất đơn giản. Bữa tiệc chỉ có cháo trắng, rượu và thịt bò nướng, nhưng phần lớn người trong buôn đều đến chia vui, mang theo những sản vật của núi rừng làm đồ mừng cưới.

Trong không gian se lạnh u tịch của núi rừng, khi trời chưa tỏ mặt người, buôn Len, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai đã huyên náo vì mọi người đang chuẩn bị đám cưới cho một đôi trai gái.

“Ưng cái bụng” là cưới

Khi mặt trời chưa kịp ló dạng, giữa hơi sương đang bao trùm, những người Ba Na sinh sống ở buôn Len bước nhanh về phía một căn nhà nằm ven con đường mòn đất đỏ với gùi quà sau lưng, chúc mừng gia chủ hôm nay tổ chức đám cưới. Đến mừng ngày vui, các cô gái Ba Na xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, các họa tiết sặc sỡ trên váy áo cộng với trang sức như góp phần đẩy lùi cái lạnh, cái hoang vu trên vùng cao này. Nhiều người đeo gùi sau lưng chứa ché rượu ngô thơm phức, trứng gà, thậm chí là những con cóc vừa mới bắt ở suối… để tặng gia chủ.

H’Mai, 23 mùa rẫy (người Bahnar tính một mùa rẫy là một tuổi) mách nước rằng, khi đến chúc mừng đám cưới trong làng, người đến dự thường chuẩn bị trang phục đẹp nhất. Ngoài ra, quà đi cưới không phải là phong bì, phong bao mà chỉ là những sản vật đặc trưng của núi rừng.

Già làng K’Siu 72 mùa rẫy, người có nhiều thâm niên trong tục cúng Yang (vị thần tối cao của của người Ba Na) bảo rằng, theo tục lệ của người Ba Na, trai gái trong buôn khoảng 15 mùa rẫy là đến tuổi “dựng vợ gả chồng”. Chuyện kiếm vợ tìm chồng của tộc người này mang nét đặc trưng riêng. Về đêm, con trai trong buôn xách đàn đến sân nhà các cô gái gảy bính bong… để gây sự chú ý. Nghe đàn, cô gái mở cửa chạy ra xem, nếu “ưng cái bụng” thì cô mời chàng trai vào nhà trò chuyện, mời thuốc hút và dọn đồ ăn ngon để cùng nhau thưởng thức. Còn nếu không thích thì cô gái đóng cửa, không mời chàng trai vào nhà.

 

Phụ nữ chỉ tiếp khách và ngồi uống rượu.
Phụ nữ chỉ tiếp khách và ngồi uống rượu.

Đàn bà uống rượu, đàn ông vào bếp

Gần 9 giờ sáng, khi mặt trời lên cao, rất đông người tụ tập trước cửa nhà ông Đinh Sính. Những ché rượu cần của khách đem tặng được đặt theo hàng ở một bên khoảng sân. Phía đối diện, cột rượu gồm các ché rượu quý được ủ trong những chiếc ché có hoa văn rất đẹp dùng để tế Yang. Cạnh các ché rượu quý này, gia chủ bày biện tim, gan trâu, bò để cúng thần linh.

 

Tình cảm của những người con xứ sở đại ngàn được thể hiện đơn giản bằng  những xâu thịt được xỏ vào từng que lồ ô vót nhọn đợi khách đến chung vui. Khi đã no say rồi, lúc về họ sẽ được gia chủ dúi tận tay hay bỏ vào gùi những que thịt, gọi nôm na là lễ chia thịt. Ngày thường, thức ăn chính là rau củ quả, nhưng trong ngày đám cưới, tiệc linh đình, có miếng thịt cũng chia đều cho mọi người.

Người Bahnar không đốt hương, nến để cúng tổ tiên như người miền xuôi. Thay vào đó, các thầy cúng đọc những câu chú mời thần linh về chứng giám và ban phép cho đôi trẻ được hạnh phúc đến lúc bạc đầu. Trong lúc chờ thầy cúng mời Yang về, ở một góc sân trước nhà, phụ nữ thỏa sức vít rượu cần, mời mọc với nhau. Thấy khách lạ, họ không ngần ngại, ngồi gần uống rượu chung vui. Sau nhà, đàn ông đang hì hục xẻ thịt trâu, bò để tế thần. Cạnh đó, hàng chục thanh niên đang cắt thịt ra thành từng miếng bằng nắm tay, xiên bằng những que lồ ô rồi nướng.

Bà Hen 52 mùa rẫy, mẹ cô dâu ngồi nhấp từng hơi rượu cần thơm lừng. Bà bảo, con gái bà cùng chú rể H’Lu trước giờ có qua lại với nhau. Sau mấy tháng, H’Lu có nhờ bà mối đến đánh tiếng xin hỏi cưới. Con gái bà gật đầu đồng ý, bà cũng “ưng cái bụng” vì chàng rể cao to lực lưỡng, lại siêng năng. “Ở buôn này, chỉ cần con trai con gái thấy thích nhau là chúng nó về xin gia đình cho cưới. Đứa nào cũng thế cả. Mình sống ở đây mấy chục mùa ngô rồi mà chưa từng thấy có nhà nào ép gả bao giờ”, bà Hen nói thêm.

Còn theo ông Đinh Mun, tròn 60 mùa rẫy, dù nhà giàu hay nghèo, trong lễ cưới, gia chủ bắt buộc phải làm đủ bốn lễ: lễ uống rượu (vợ chồng cùng cầm cần, uống rượu và ăn một miếng gan động vật); lễ ăn cơm (hai vợ chồng phải ăn hết hai đùi gà và hai vắt cơm); lễ nằm ngủ (khoảng 19 giờ tối, bà mai hoặc gia đình mang chăn của hai vợ chồng vò với nhau, sau đó lấy chăn chồng đắp cho vợ và ngược lại. Hai người nằm dăm ba phút rồi bật dậy. Từ đó hai người đã nên nghĩa phu thê); lễ chia thịt ( Khi khách về, gia chủ dúi tận tay hay bỏ vào gùi những que thịt).

 

Không phong bì như ở thị thành, quà đi đám cưới là ché rượu cần.
Không phong bì như ở thị thành, quà đi đám cưới là ché rượu cần.

Cấm ăn vụng

Trong tiệc cưới, người Bahnar chế biến thức ăn rất đơn giản, mùi thịt nướng dọn lên thơm lừng. Tuy nhiên, một điều thú vị là, việc nấu nướng trong ngày cưới phải là đàn ông, phụ nữ chỉ mỗi việc tiếp khách và thưởng thức. Ngoài ra, cấm kị trong tiệc tùng của người Ba Na là ăn vụng. Dân làng Ba Na ai cũng nằm lòng luật tục rằng đối với những con vật hiến sinh, mọi người chỉ được phép ăn sau khi đã qua nghi lễ cúng Yang. Bởi họ suy nghĩ “Yang ăn trước, làng ăn sau”. Mà lúc này, ở khoảng sân trước, các vị thầy cúng vẫn còn miệt mài với bên những ché rượu thiêng gọi Yang về dự và ban phước cho đôi trẻ.

Có đi mới biết, có đến mới tường. Đám cưới người Ba Na mang đậm yếu tố tình cảm, không có chút ý niệm nào về chuyện vật chất như chốn thành thị. Nhiều đám cưới ở đồng bằng, gia chủ bỏ ra số tiền lớn để làm đám cưới, khách mời đến dự tô son phấn lòe loẹt, ai cũng cầm theo phong bì. Nhưng nơi đây, đám cưới đậm phong cách núi rừng, phong bì được thay bằng những ché rượu cần, mớ rau rừng…

Mặt trời ngả bóng cũng là lúc đám cưới tan dần. Chia tay núi rừng Tây Nguyên khi trời đã chập choạng, trong cái se lạnh của chiều tà, là không gian thật yên bình của xứ đại ngàn. Người vùng cao không cần giàu sang phú quý, tranh quyền đoạt lợi. Thứ họ luôn có cuộc sống yên bình, cái mà không ít người miền xuôi đánh mất từ rất lâu.

Theo tienphong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.