Người dân lấn đất doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng ngàn ha đất trên địa bàn huyện Chư Pưh được giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển đổi rừng đầu tư phát triển nông lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất. Thực trạng này khiến đất dự án ngày càng bị thu hẹp, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp kéo dài gây nhiều hệ lụy về an ninh-trật tự trên địa bàn.

Tranh chấp kéo dài

Dẫn chúng tôi đi thực địa một vòng quanh dự án trồng keo lai còn sót lại, ông Nguyễn Văn Hồng-nhân viên bảo vệ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh-TP. Hồ Chí Minh (Công ty Lê Khanh) cho biết: Hiện tại, hơn 400 ha rừng trồng của dự án chỉ còn lại khoảng gần 100 ha. Chỉ tay về phía đám rừng toàn những cây cháy khô, nhiều thân cây bị cháy nham nhở, dấu vết của một trận cháy trước đó, ông Hồng xót xa: “Rừng keo chúng tôi trồng lên cao chừng đó mà bị đốt trụi như thế này”. Đi tiếp một đoạn, trước mắt là một khoảnh đất rộng có nhiều cây đã bị chặt, chỉ còn trơ lại phần gốc. Chưa kịp hỏi, ông đã than thở: “Hai anh em chúng tôi không thể bảo vệ hết diện tích đất trong vùng dự án, người dân lén lút chặt phá cây, làm cây chết để lấy đất sản xuất”.

 

Bảo vệ của Công ty Lê Khanh bất lực trước khoảnh rừng bị người dân chặat phá.    Ảnh: M.T
Bảo vệ của Công ty Lê Khanh bất lực trước khoảnh rừng bị người dân chặt phá. Ảnh: M.T

Dự án mà ông Hồng vừa nói là của Công ty Lê Khanh. Năm 2006, Công ty này được tạm giao hơn 2.093 ha đất để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, giai đoạn 2006-2010, Công ty nhiều lần bị thu hồi đất với diện tích tổng cộng hơn 1.680 ha. Số diện tích còn lại (khoảng 412 ha), Công ty đã trồng keo lai, tuy nhiên trong số này, một phần diện tích rừng trồng bị cháy, phần lớn còn lại bị người dân thôn 6 (xã Ia Le) lấn chiếm.

Cùng “cảnh ngộ” như Công ty Lê Khanh, nhiều dự án trên địa bàn huyện Chư Pưh bị người dân xâm lấn đất. Nổi cộm là việc các hộ dân lấn chiếm hơn 247/697,5 ha đất dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh). Cụ thể, tại tiểu khu 1132, có đến 124 hộ dân đến từ các xã Ia Le, Ia Phang, Chư Don, thị trấn Nhơn Hòa và người dân huyện Phú Thiện lấn chiếm đất dự án để trồng hoa màu. Các hộ dân này lý giải, thời điểm năm 2012-2013, Công ty Trường Thịnh bỏ hoang đất dự án, chỉ thuê 2 bảo vệ giữ diện tích khoảng 280 ha keo (trồng từ năm 2011) nên họ lấn đất trồng điều, lúa, bắp và hoa màu khác.

Tại tiểu khu 1133, có khoảng 33 hộ dân thôn Kênh Mek, Kênh Săn (xã Ia Le) tham gia lấn chiếm đất, tổ công tác huyện nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Tiểu khu 1141 cũng bị 9 hộ dân thôn Ia Brel (xã Ia Le) lấn chiếm; khi Công ty Trường Thịnh tiến hành cày ủi thực hiện dự án thì xảy ra tranh chấp, người dân yêu cầu đền bù thỏa đáng phần diện tích hoa màu này.

Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng bị người dân chiếm đất canh tác, như: Công ty TNHH Đệ Nhất Việt Hàn hơn 80 ha; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình 194 hơn 33,9 ha… Trong đó, Công ty cổ phần Trồng rừng Gia Lai cũng từng được UBND tỉnh giao 942 ha, Công ty đã trồng được 649 ha cao su, còn lại 293 ha bị người dân lấn chiếm nên đành… chuyển lại cho địa phương; hiện phần đất này người dân vẫn còn canh tác.

 

Để tránh việc tranh chấp đất với người dân, ông Lưu Trung Nghĩa-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đề nghị các doanh nghiệp triển khai dự án đúng cam kết, tuyển lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Ông Nghĩa đề xuất: “Đối với diện tích cao su chết, tỉnh nên cho doanh nghiệp điều chỉnh một phần dự án chuyển sang trồng cây dược liệu hoặc trồng rừng kết hợp chăn nuôi miễn sao phần đất đó được khai thác, sinh lời. Đừng sợ doanh nghiệp bán dự án, nên khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp khác như các nhà chế biến bột giấy, hay triển khai các dự án giảm nghèo”.

Doanh nghiệp ngán ngại!

Kết quả kiểm tra của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho thấy: Trên địa bàn huyện có 11 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su và trồng rừng sản xuất với tổng diện tích hơn 7.000 ha, được UBND tỉnh giao cho 9 doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng cao su, trồng rừng trên 5.200 ha. Trong đó, nhiều diện tích bị thu hồi trả về cho địa phương quản lý, còn lại hàng trăm ha đất dự án đang bị người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất, tranh chấp với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Trương Viết Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le, điều đáng nói là khi đất dự án bị người dân lấn chiếm, các doanh nghiệp chưa phối hợp với chính quyền địa phương để lập biên bản vi phạm. “Người dân nói đất khai hoang trước khi giao cho dự án, còn cung cấp cho chính quyền giấy viết tay xác nhận mua đất của người này người kia nên giờ rất khó xác minh nguồn gốc đất để xử lý”-ông Trung nói.

Ông Nguyễn Thế Gia-Giám đốc dự án Công ty Trường Thịnh tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh) thừa nhận: Thời điểm từ cuối năm 2012 đến đầu 2014, Công ty gặp khó khăn về tài chính, dự án triển khai chậm nên người dân vào xâm chiếm đất trồng hoa màu. Từ tháng 6-2014, doanh nghiệp khởi động lại dự án thì bị đình trệ bởi sự tranh chấp này. “Trước đó, dự án của chúng tôi đã hoàn công, trồng được 450 ha cây tràm, bạch đàn. Phần diện tích còn lại để triển khai dự án chăn nuôi bị người dân xâm canh”-ông Gia than thở.

Ông Gia cho biết, Công ty đang phối hợp với chính quyền các địa phương để giải quyết tranh chấp với người dân. Chủ trương của Công ty là phần đất nào người dân xâm lấn mà Công ty chưa khai hoang sẽ được hỗ trợ tiền công khai hoang; phần đất nào đơn vị đã khai hoang trồng cây mà người dân xâm lấn trồng trỉa thì phải trả lại cho Công ty. Ngoài ra, Công ty Trường Thịnh cũng đồng ý đền bù 40 triệu đồng/ha đối với diện tích đất dự án nằm trong diện tích đất sản xuất của người dân.

 

Ông Võ Văn Minh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lê Khanh than thở: “Chúng tôi vô cùng mệt mỏi, họ hết chặt rồi phá, trồng đến đâu thì họ chặt đến đấy hoặc ken cây cho chết. Bắt ban ngày thì họ phá ban đêm, nói mượn đất trồng hoa màu rồi lấn chiếm luôn, mỗi lần kết hợp với địa phương giải quyết rất mất thời gian nhưng đâu lại vào đấy”.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.