Bài 1: Hình thức liên kết sản xuất mang lại chuỗi giá trị cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai xây dựng, phát triển các cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, lao động, nguồn vốn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; giúp cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Dù mới được triển khai trên một số cây trồng và chưa phát triển đại trà nhưng mô hình cánh đồng lớn đã và đang cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Đây thực sự là một hình thức liên kết sản xuất mang lại chuỗi giá trị cao và nên được nhân rộng trên tất cả các loại cây trồng chủ lực của tỉnh ta.

 

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên cánh đồng mía lớn tại xã Kông Bla (huyện Kbang). Ảnh: Hồng Thi
Đưa cơ giới vào sản xuất trên cánh đồng mía lớn tại xã Kông Bla (huyện Kbang). Ảnh: Hồng Thi

Gia Lai là địa phương có lợi thế và tiềm năng trong phát triển nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, mía, lúa nước, mì… Tuy nhiên, do trình độ và phương thức canh tác còn lạc hậu, việc đưa cơ giới vào sản xuất còn chậm nên năng suất, sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với đó, sự biến đổi của khí hậu trong những năm trở lại đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của người nông dân ngày càng giảm.

Trước tình trạng trên, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn trong nông nghiệp và bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

Từ cây mía…

Đi đầu trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân triển khai cánh đồng lớn trên cây mía là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi-Nhà máy Đường An Khê và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai. Trong những năm qua, để duy trì sự ổn định cho vùng nguyên liệu mía của mình, các công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương phía Đông và Đông Nam tỉnh triển khai hàng chục mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 2.000 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mía.

 

Người dân tham quan mô hình cánh đồng mía lớn tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa). Ảnh: Quang Tấn
Người dân tham quan mô hình cánh đồng mía lớn tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa). Ảnh: Quang Tấn

Dù có vùng nguyên liệu khá lớn với khoảng hơn 26.000 ha thuộc 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh (gồm: Kbang 7.272 ha, Kông Chro 6.874 ha, Đak Pơ 8.272 ha và An Khê 3.714 ha) nhưng do kỹ thuật canh tác lạc hậu nên năng suất đạt thấp, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu vận hành. Do đó, từ niên vụ mía 2012-2013, Nhà máy Đường An Khê bắt đầu triển khai cánh đồng lớn, đưa cơ giới vào thâm canh sản xuất, giúp người nông dân rút ngắn thời gian, công sức và chi phí lao động. Qua hơn 4 năm thực hiện, người trồng mía trên địa bàn đã bắt đầu thấy được lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa tạo cánh đồng lớn nên diện tích đăng ký thực hiện ngày càng tăng lên. Năng suất mía bình quân trên diện tích áp dụng theo mô hình này đạt trên 110 tấn/ha (cao hơn 40% so với diện tích mía sản xuất đại trà) và chi phí sản xuất mía giảm hơn 30%. Chính điều này đã tạo cho người trồng mía vùng nguyên liệu sự phấn khởi, đồng thời củng cố thêm lòng tin để họ tiếp tục nhân rộng mô hình.

Ông Đinh Chôi (làng Lợt, xã Kông Bla, huyện Kbang) phấn khởi nói: “Tôi bắt đầu tham gia thực hiện trồng mía theo cánh đồng lớn vào niên vụ năm 2014-2015 với diện tích 8 ha. Từ khi triển khai đến nay, tôi thấy hiệu quả hơn trước đây rất nhiều, tất cả các khâu từ làm đất, bón phân, làm cỏ, thu hoạch… đều được thực hiện bằng máy móc nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, trong khi đó năng suất mía tăng cao”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Tưởng (tổ dân phố 1, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) cũng vui vẻ cho biết: “Trước nay tôi chỉ trồng bắp, mì và cũng có một số hộ trồng mía nhưng năng suất thấp. Được sự vận động của huyện, sự hỗ trợ từ phía Nhà máy Đường An Khê, 27 hộ dân chúng tôi, trong đó đã đồng tình dồn điền để làm cánh đồng lớn. Nhờ đưa cơ giới vào thực hiện trong tất cả các khâu nên hiện cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt, cây cao, lóng dài, dự kiến sẽ cho năng suất cao”.

Dù đi sau nhưng Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tạo được hiệu ứng tốt khi tập trung thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất manh mún, sản xuất lúa một vụ kém hiệu quả. Theo đó, niên vụ 2015-2016, Công ty đã triển khai 7 mô hình cánh đồng mía lớn với tổng diện tích gần 50 ha, trong đó có 4 cánh đồng tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) và 3 cánh đồng tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ở niên vụ tới, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thêm khoảng 100 ha và nhân rộng ở những năm tiếp theo nhằm góp phần mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cũng như nâng cao kiến thức canh tác, cải thiện thu nhập cho người đồng bào Jrai ở 4 huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh. Đến nay, cây mía trên cánh đồng lớn đều sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến năng suất bình quân đạt khoảng 70 tấn/ha và lợi nhuận khoảng 21 triệu đồng/ha.


Từ những hiệu quả kinh tế ấy đã góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn ở các địa phương vùng mía, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể qua các năm. Ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: “Mô hình cánh đồng lớn thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Đak Pơ những năm qua. Việc tạo ra chuỗi liên kết sản xuất trên cây mía đã giúp giải phóng sức lao động của người dân, giảm chi phí lao động, đặc biệt năng suất mía tăng đột biến từ 65 tấn/ha lên 100 tấn/ha, có nơi tăng đến 140 tấn/ha và chữ đường cũng cao hơn so với ruộng mía sản xuất đại trà”.

… đến các loại cây trồng khác

 

Mô hình cánh đồng lúa lớn ở huyện Chư Pưh. Ảnh: Quang Tấn
Mô hình cánh đồng lúa lớn ở huyện Chư Pưh. Ảnh: Quang Tấn

Huyện Chư Pưh có tổng diện tích lúa nước gieo trồng hàng năm khoảng 2.000 ha, phần lớn do người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn canh tác. Vụ Mùa năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh đã vận động 179 hộ dân triển khai mô hình cánh đồng lúa lớn đầu tiên trên địa bàn tại 2 cánh đồng: Plei Dung (xã Ia Hrú) và Ia Sái (xã Ia Phang), mỗi cánh đồng 50 ha, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Tiếp đà thành công, những năm sau đó, ngành nông nghiệp Chư Pưh đã tăng cường quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân nhân rộng thêm mô hình cánh đồng lớn với hàng trăm ha lúa ở hầu hết các cánh đồng trên địa bàn huyện.

Ông Rơh Mah Chốch-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh cho hay: “Làm lúa theo cánh đồng lớn là tiến hành gieo sạ đồng loạt, cùng giống, cùng cánh đồng; áp dụng phương pháp 3 giảm, 3 tăng; áp dụng phòng trừ sâu bệnh theo  phương pháp IPM; đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí lao động… Qua thực hiện mô hình, bà con đã nắm bắt được các quy trình kỹ thuật cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống lúa có năng suất và chất lượng cao vào thay thế các giống kém hiệu quả lâu nay mà họ vẫn sử dụng”.

Chỉ với 5 sào lúa ở cánh đồng Plei Dung, gia đình anh Kso Ne (làng Plei Đung, xã Ia Hrú) đã thu hoạch được hơn 30 tạ lúa. “Nhờ được gieo sạ đồng loạt nên việc chăm sóc thuận lợi hơn, hạn chế được rất nhiều sâu bệnh hại lúa so với trước đây. Năng suất lúa cũng tăng lên đáng kể, nếu theo cách canh tác trước đây ruộng mình chỉ đạt 30-40 tạ/ha thì nay đã lên hơn 60 tạ/ha. Gia đình mình rất vui vì không sợ thiếu ăn như những năm trước nữa”- anh Ne hồ hởi khoe.

Tương tự, nhận thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ việc thực hiện cánh đồng lớn, vụ Mùa 2016-2017, ngành nông nghiệp 2 huyện Phú Thiện và Ia Pa cũng bắt đầu triển khai thực hiện cánh đồng lớn đối với cây lúa. Theo đó, huyện Phú Thiện triển khai trên địa bàn 2 xã Ia Sol và Ia Ke với tổng diện tích 80 ha; huyện Ia Pa triển khai khoảng 60 ha trên địa bàn 2 xã Ia Mrơn và Ia Tul. Các mô hình bước đầu tạo sự yên tâm cho người dân khi lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn do sử dụng cùng loại giống, cùng gieo sạ một thời điểm, cùng cánh đồng và cùng chăm sóc, bón phân, dự kiến năng suất sẽ tăng từ 1 đến 2 tấn/ha.

Cùng với lúa, người dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm triển khai cánh đồng lớn trên cây mì. Việc tạo nên các vùng chuyên canh cây mì nhằm hướng người dân đến lối canh tác lâu dài, bền vững; tăng cả về lượng và chất cho cây mì; nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, một số mô hình cánh đồng mì lớn cũng đã được triển khai, áp dụng cơ giới hóa, đưa giống mới vào trồng trọt, chăm sóc cây mì theo quy trình kỹ thuật mới đã làm cho năng suất tăng lên 10-15 tấn/ha so với sản xuất đại trà.

Hiệu quả đem lại từ việc triển khai cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là điều rõ ràng. Thế nhưng, để phát triển và nhân rộng mô hình, doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương còn phải nắm tay nhau vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại về mặt khách quan lẫn chủ quan.

Hồng Thi-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.