Ia Pô-"ốc đảo" nơi tiền tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điểm dừng chân Ia Pô (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) là tên gọi mới thay cho “Chốt Ia Pô” trước đây. Ia Pô nằm bên cạnh dòng Sê San, cách đồn hơn 10 km. Những năm trước, Ia Pô được ví như “ốc đảo” nơi tiền tiêu.

“Ốc đảo” Ia Pô

Men theo con đường tuần tra biên giới, chúng tôi đến với điểm dừng chân Ia Pô vào một buổi chiều mưa. Ngôi nhà bằng ván rộng chừng 40 m2 nằm thâm u dưới những tán cây rừng, nép mình bên dòng Sê San đang mùa nước lớn. Chỉ cách quốc lộ 19 chưa đầy 10 km, nhưng nơi đây dường như là một thế giới khác, không gian tĩnh lặng, có chăng chỉ là tiếng nước chảy, tiếng ếch nhái và tiếng vo ve của muỗi rừng.

 

Ia Pô là một trong những điểm tăng gia sản xuất.       Ảnh: P.D
Ia Pô là một trong những điểm tăng gia sản xuất. Ảnh: P.D

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Ia Pô, Thiếu tá Võ Hồng Thanh-Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho biết: Nhờ có đường tuần tra biên giới nên khoảng cách giữa Ia Pô với đồn được rút ngắn, chứ lúc trước còn đường mòn, cứ vào mùa mưa là Ia Pô bị cô lập, vì vậy mới có tên là “ốc đảo”. Vào mùa mưa, để có thể di chuyển qua 4 điểm ngập, cán bộ, chiến sĩ trong điểm dừng chân Ia Pô chỉ có thể sử dụng duy nhất phương tiện là thuyền. Ngoài tên gọi “ốc đảo”, Ia Pô còn được anh em biên phòng gọi vui là “điểm dừng chân ba không”: không điện lưới, không sóng điện thoại và không cả nước sinh hoạt vào mùa khô.

Mặc dù đồn đã triển khai đào giếng, nhưng do nguồn nước bị nhiễm phèn nên khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Vì vậy, bước vào đầu mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ đã phải huy động tất cả những vật dụng có thể chứa nước để vừa đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, vừa có thể tích trữ nước cho những tháng mùa khô sắp tới. Nhưng nguồn nước mưa cũng chỉ đáp ứng được tháng đầu tiên của mùa khô, còn những tháng tiếp theo, cán bộ, chiến sĩ lại thay phiên nhau chở từng can nước từ Trạm kiểm soát Cửa khẩu hoặc từ đồn vào để sử dụng. Riêng nguồn nước để tắm, giặt và tăng gia sản xuất hàng ngày, chủ yếu vẫn là nước sông. Nói về nguồn điện thắp sáng, Trung úy Ksor T’Lú-cán bộ phụ trách tại Ia Pô, chia sẻ: Vài năm trở lại đây, nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời nên vào những ngày nắng, anh em có thể sử dụng điện thắp sáng và xem ti vi khoảng 4 giờ đồng hồ. Nhưng vào những ngày mưa dầm, có khi phải dùng đến 2 bình ắc quy dự phòng mới đủ điện thắp sáng… “Điện thắp sáng còn phải sử dụng hết sức tiết kiệm nên có nhiều khi anh em muốn giải trí bằng xem những trận bóng đá cũng đành… bất lực!”-Trung úy T’Lú nói.

Vì nằm ở điểm trũng nên sóng điện thoại tại khu vực này gần như bị vô hiệu hóa, nhất là khi mưa lũ. Còn vào những ngày nắng ráo, việc dò tìm các cột sóng điện thoại cứ như đang đi bắt… Pokemon! Sóng điện thoại chập chờn khiến cho công tác thông tin liên lạc giữa cán bộ, chiến sĩ tại Ia Pô với Ban Chỉ huy đồn nhiều khi bị gián đoạn… Giờ đây, nhờ có hệ thống đường tuần tra biên giới nên Ia Pô đã không còn là “ốc đảo”, nhưng cái tên “điểm dừng chân 3 không” vẫn gắn liền với Ia Pô như thử thách sự can trường của những người lính bên dòng Sê San.

Vững vàng nơi tiền tiêu

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,6 km đường biên giới, trong đó có 6,2 km đường biên giới trên sông. Nhiều năm qua, dẫu phải đối diện với nhiều khó khăn, song những người lính Ia Pô vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên sông, ngăn chặn các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, và khai thác lâm sản trái phép… Ngoài ra, 3 cán bộ, chiến sĩ phụ trách điểm dừng chân Ia Pô còn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân-chủ yếu là người dân tộc thiểu số vào khu vực vành đai biên giới làm nương rẫy-chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm chủ quyền an ninh biên giới…

 

Trao đổi về công tác tuần tra trong mùa mưa bão, Thiếu tá Võ Hồng Thanh cho biết: Dòng Sê San vốn rất hiền hòa nhưng cứ đến mùa mưa bão, nước dâng cao, chảy xiết và trở nên hung hãn, có thể cuốn trôi hay nhấn chìm bất cứ thứ gì. Do vậy, trong mỗi chuyến tuần tra, đơn vị luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và trang bị. Cũng theo Thiếu tá Võ Hồng Thanh, những năm trước, khu vực này vẫn còn tình trạng người dân tộc thiểu số trong những lúc nông nhàn vào rừng khai thác lâm sản trái phép nhưng từ khi thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, tình trạng này cơ bản đã chấm dứt. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính là chốt chặn, kiểm tra người, phương tiện vào khu vực vành đai biên giới, Ia Pô trở về đúng với tên gọi: điểm dừng chân trên đường tuần tra biên giới. Trong quá trình tuần tra biên giới, nhất là tuần tra thông tuyến, cán bộ, chiến sĩ có thể dừng chân tại đây để nghỉ ngơi hoặc ăn uống khi quá bữa…

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Ia Pô còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi thêm gia cầm để cải thiện đời sống bộ đội.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.