Cây thiêng trên đỉnh Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam có Quyết định số 252-QĐ/HMTg công nhận quần thể 725 cây pơ mu trên địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là Cây di sản Việt Nam. Quần thể rừng pơ mu thuộc xã Axan và Trhy (Tây Giang) thuộc khu vực núi Ziliêng, độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển, trải dài trên diện tích 450 ha, cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 40 km về phía tây, được mệnh danh “Vương quốc pơ mu”. Đây được xem là khu rừng nguyên sinh lớn và quý nhất Nam Trường Sơn.
 

  Cây pơ mu có đường kính lớn gồm nhiều người ôm có tên là pơ mu hổ. Ảnh: T.V
Cây pơ mu có đường kính lớn gồm nhiều người ôm có tên là pơ mu hổ. Ảnh: T.V

Quần thể rừng quý hiếm này được người dân địa phương phát hiện trong quá trình mở đường từ năm 2008 và năm 2011 mới công bố và được chính quyền cùng nhân dân bảo vệ nguyên vẹn. Quần thể rừng pơ mu ở Tây Giang có hơn 2.000 cây, trong đó có hơn 700 cây có độ tuổi trên 700 năm tuổi, thậm chí có cây trên 1.000 năm tuổi. Các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhất là các nhà nghiên cứu ở Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã đến đây khảo sát đo đạc và khoan tăng trưởng trên thân cây để xác định độ dày của từng năm tăng trưởng, hoàn thiện hồ sơ để công nhận cây di sản.

Người Cơ Tu gọi cây pơ mu là bhalâng hinghêê-là cây linh thiêng, giống như các loài cây cổ thụ khác trong rừng, là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi hồn người chết trú ẩn. Do vậy, không ai được phép chặt hạ, họ không bao giờ chặt cây đứng, chỉ lấy cây ngã đổ làm áo quan cho người mất mà người ấy phải có uy tín trong làng. Ai xâm hại sẽ bị dân làng xử phạt theo luật tục. Từ khi biết tiếng, dân buôn gỗ thường lui tới gạ gẫm dân làng, hứa trả giá cao để mua được những súc gỗ pơ mu quý. Nhưng với ý thức của mình, lâu nay, đồng bào vẫn coi đó là cây thiêng, không thể xâm hại và không thể dễ dàng trở thành món hàng mua bán kiếm lợi cho mình. Trải qua bao thế kỷ nay, người Cơ Tu vẫn bảo vệ, gìn giữ khu rừng này. Chính điều đó đã lý giải vì sao vương quốc pơ mu vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, mặc dù khu rừng này chỉ cách huyện lỵ khoảng 40 cây số.

Cây pơ mu có nhiều tên gọi khác nhau, như đinh hương, tô hợp hương, mại vạc, nó thuộc nhóm A2 quý hiếm, có đường vân rất đẹp, có mùi thơm dễ chịu, không bị mối mọt. Vì thế gỗ pơ mu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Gỗ và rễ pơ mu có thể chưng cất tinh dầu làm thuốc và hương liệu.

Tại cánh rừng thiêng này ken dày những cây gỗ quý, trong đó cây pơ mu thường sinh trưởng ở những vị trí cao nhất trên các mỏm núi. Loại cây này không chịu được bóng râm, ưa thích khí hậu mát mẻ, nhiều mưa, nên thường sinh trưởng tốt chỗ đất ẩm trên núi. Dáng cây cao vút, thẳng đứng, luôn vươn đến tầng cao của tán rừng, có một số cây lớn cao đến 50 m, những cây trung bình cao khoảng 30 mét. Nhiều cây có đường kính thân khoảng 3 mét cùng hàng trăm cây khác có đường kính thân từ 1 mét trở lên. Cây lớn nhất có chu vi 7,52 mét. Dưới gốc pơ mu rêu rủ xanh rì, phía trên, bao phủ thân cây từ gốc lên đến chỗ ra nhánh là một lớp vỏ dày xù xì, màu ánh nâu-xám, bong nứt, tróc ra thành mảng dọc thân cây.

Tồn tại cả ngàn năm, thiên nhiên đã tạo ra nhiều gốc cây pơ mu có hình thù kỳ lạ, một số cây đã được đặt tên theo hình thù của nó, như: cây hổ, cây rồng, cây voi, cây ngà voi… Vài cây có hang hốc dưới gốc, rễ cây còn tạo hình cây cầu, nên người phát hiện ra nó đặt tên là cây chùa cầu. Gốc cây pơ mu còn có rêu phủ thành từng cụm xanh biếc. Loài cây pơ mu đã được Sách đỏ Việt Nam năm 1996 xếp hạng “nguy cấp”. Nay rừng Ziliêng-cây pơ mu được nhân dân nâng niu, gìn giữ. Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm đếm, đặt tên cây bằng số tự nhiên để tiện quản lý, bảo vệ.

Cây pơ mu chính là biểu trưng cho sức sống mạnh mẽ của vùng đất Tây Giang. Rừng pơ mu thành rừng cây di sản sẽ mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ nguyên vẹn cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm này. Chính quyền địa phương hy vọng khi được công nhận cây di sản, khu rừng này sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nhân dân Tây Giang luôn ủng hộ và truyền nhau khẩu hiệu: “Rừng còn, Tây Giang phát triển. Rừng mất, Tây Giang suy vong”. Sau khi được công nhận cây di sản, huyện Tây Giang đã đầu tư, làm những căn nhà truyền thống mang phong cách kiến trúc của đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang giữa lõi rừng, làm nơi lưu trú cho những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và những du khách đến với “Vương quốc pơ mu”. Địa phương và các cơ quan chức năng đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ thành lập Khu bảo tồn loài cây pơ mu, Vườn quốc gia pơ mu đầu tiên của Việt Nam. Cùng với di sản nhân văn, Cây di sản pơ mu được vinh danh sẽ làm cho huyện Tây Giang-vùng cao xứ Quảng thêm tiềm năng để phát triển văn hóa, du lịch bền vững.

Tấn Vịnh

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.