Xanh mãi cánh "rừng làng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, diện tích rừng giao cho người dân quản lý bảo vệ luôn giữ được một màu xanh tốt. Sức mạnh cộng đồng được phát huy, người dân luân phiên tuần tra làm nhiệm vụ gác rừng. Rừng được bảo vệ, đời sống người dân cũng được nâng lên nhờ vào số tiền chi trả từ Dịch vụ môi trường rừng.

Sức mạnh cộng đồng

 

Mới hơn 5 giờ sáng, già làng Đinh Hip (làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cùng con trai Đinh Hưt đã thức dậy, lục đục nấu cơm, nướng cá khô, chuẩn bị thức ăn, nước uống cho chuyến đi rừng. Từ khi làng giao khoán quản lý, bảo vệ gần 400 ha rừng thì những chuyến đi tuần tra rừng trở nên quen thuộc với cha con ông và người dân làng Klah.  

Trưởng thôn làng Klah Đinh Hưt cho biết: Với vai trò trưởng ban quản lý rừng cộng đồng của làng, anh đã tổ chức họp dân, thông báo đây là diện tích rừng mà làng được giao đất, giao rừng chăm sóc, quản lý và bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ tiền nên dân làng không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy, phải cùng tham gia bảo vệ, phòng cháy-chữa cháy rừng. Người dân làng Klah đồng thuận lập quy ước nghiêm cấm mọi hoạt động phát, đốt phá rừng làm rẫy; khai thác lâm sản phụ sai quy định. Gần 100 đàn ông trong làng được chia thành 5 tổ (mỗi tổ từ 16 đến 20 người), thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.

Theo Trưởng thôn làng Klah Đinh Hưt, những năm trước việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, chặt cây về làm củi của người dân trong làng diễn ra thường xuyên. Nhưng từ lúc được giao rừng, nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thì tình trạng này đã không còn. Số tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được, thôn trưởng Hưt chia đều cho các hộ dân trong làng, nên ai cũng có trách nhiệm bảo vệ khu rừng của mình quản lý. Đối với những người “lỡ quên” hương ước làng, chặt phá cây rừng, đốt nương rẫy, lấy mật ong không đúng quy định… đều bị làng nhắc nhở, xử phạt bằng cách cắt khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời đưa ra kiểm điểm trước thôn làng.

 

Cũng nhờ thường xuyên tuần tra bảo vệ, đầu năm 2016, dân làng Klah kịp thời phát hiện vụ xâm chiếm đất rừng với quy mô gần 3ha, thu giữ 3 chiếc xe máy và 2 cưa máy. Ngồi dưới tán rừng xanh mát, lấy vội điếu thuốc ra đốt sau 1 buổi đi tuần, ông Đinh Chhưng chia sẻ: “Lúc trước, cứ mỗi tháng vào ngày 15 và 30, chúng tôi tổ chức đi tuần. Tuy nhiên, những kẻ có ý đồ xấu nhanh chóng nắm bắt được quy luật này nên thỉnh thoảng rừng vẫn bị xâm hại vào thời điểm trước và sau khi chúng tôi đi tuần tra. Rút kinh nghiệm này, người dân làng Klah chúng tôi không quy định ngày nào cụ thể mà có thể đi bất cứ lúc nào, thời điểm nào mà nhóm trưởng thông báo”.

Tương tự, hơn 2.228 ha rừng mà cộng đồng làng Pẹk, xã Ia Bă (huyện Ia Grai) hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai luôn được giữ một xanh tốt. Hơn 205 hộ dân làng Pẹk từ lâu đã xem việc giữ rừng như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt và lao động của mình. Nếu người dân nào trong làng Pẹk cố tình vi phạm sẽ bị luật làng phân xử. Già làng Kpuih Nhen cho hay: “Gần đây, có 2 hộ dân trong làng lấn chiếm đất rừng, làng đã kết hợp với lâm trường tổ chức giáo dục, trừ tiền dịch vụ môi trường rừng của những hộ này, mua cây giống bắt họ trồng lại khoảnh rừng đã phá đó”.

 

Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: “Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 cộng đồng dân cư thôn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Trong đó có 9 cộng đồng thuộc các tổ chức của nhà nước; 9 cộng đồng thuộc UBND các xã và 7 cộng đồng dân cư thôn là chủ rừng (được UBND huyện cấp sổ đỏ). Tính sơ bộ thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng dân cư thôn thuộc các tổ chức nhà nước và 2,2 triệu đồng/người/năm đối với cộng đồng dân cư các xã. Tuy nguồn thu nhập chưa cao nhưng đây là nguồn lực có ý nghĩa đối với việc xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống gần rừng”.

Chính sách giảm nghèo bền vững

Ông Võ Đình Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng khẳng định: Tính cộng đồng của người dân trong việc bảo vệ rừng rất cao, đặc biệt đây chủ yếu là những hộ dân sống gần rừng nên mỗi khi rừng bị xâm hại người dân sẽ nhanh chóng phát hiện và thông báo chính quyền địa phương. “Gần 400 ha rừng được người dân làng Klah bảo vệ luôn xanh tốt, chúng tôi đã khảo sát và sắp tới sẽ đề xuất nhân rộng mô hình này bằng hình thức ký hợp đồng giao khoán đối với  2  làng Ktu và Deng”- ông Huy cho biết.

Một lý do khác cũng được ông Huy chia sẻ: Hiện tại, UBND xã quản lý bảo vệ hơn 1.200 ha rừng. “Diện tích rừng lớn, lực lượng giữ rừng mỏng, chủ yếu là các cán bộ đoàn thể xã kiêm nhiệm nên việc tuần tra bảo vệ rừng không được thường xuyên và không hiệu quả bằng người dân. Chỉ có nhờ sức mạnh cộng đồng thì rừng mới không bị xâm hại. Rừng được giữ cũng nhờ vào chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân được kịp thời”- ông Huy khẳng định.

Tương tự, ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai xác nhận: Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rùng đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với người dân tộc thiểu số. “Qua kiểm tra rừng tại các làng nhận giao khoán, chúng tôi cho rằng nên tăng cường giao khoán đối với các hộ dân sống gần rừng, người dân vừa có thu nhập mà môi trường sinh thái rừng cũng bền vững hơn”.

 

Những cánh rừng được người dân quản lý, bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt. Ảnh: M.N
Những cánh rừng được người dân quản lý, bảo vệ luôn giữ được màu xanh tốt. Ảnh: M.N

Theo ông Hải, trong diện tích gần 15.000 ha rừng cung ứng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai đã hợp đồng giao khoán cho 6 làng trên địa bàn huyện với diện tích hơn 7.604 ha, trong đó làng Pẹk có diện tích lớn nhất với 2.228 ha. Đặc biệt, ở những khu vực rừng gần dân, gần làng, nơi xung yếu, dễ bị xâm hại, Ban Quản lý cũng tin tưởng giao khoán cho người dân.

Còn ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng-đề xuất: Để nâng cao tính hiệu quả việc giao đất, giao rừng hay hợp đồng giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn thì các ngành liên quan cần triển khai tốt Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Trong đó đáng chú ý là việc khoán quản lý bảo vệ rừng đối với các hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng với mức thu nhập được nâng lên 400.000 đồng/ha/năm. “Nếu lồng ghép nguồn lực giữa tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách nhà nước thì chính sách này có khả năng thực thi rất cao”.

Ngoài ra, hiện nay diện tích rừng do UBND các xã quản lý còn lớn, xấp xỉ 150.000 ha (5 xã có diện tích quản lý hơn 20.000 ha) nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong khi các địa phương đánh giá cộng đồng dân cư thôn tham gia giữ rừng rất tốt. “Nếu việc giao khoán này thật sự hiệu quả, chúng tôi đề nghị các ngành liên quan xem xét thu hồi một phần diện tích rừng ở một số UBND xã giao cho người dân quản lý, bảo vệ”- ông Hạnh đề nghị.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...