Kỳ cuối: Theo chân đồng nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều muộn ngày 17-8-2015, trên chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Lào từ Nội Bài, Hà Nội đến Vientiane, máy bay vừa cất cánh được một lúc thì trời bỗng nhiên mù, rồi đổ mưa to. Không ai bảo ai, nhưng chắc cũng như mình, tôi biết họ nghĩ gì khi máy bay đi qua vùng rừng núi trập trùng, hiểm trở của miền Tây Bắc trong cơn mưa mỗi lúc một lớn dần. Rồi trời trở lại quang mây, có lẽ “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” là đây chăng? Về phía Tây, những ánh vàng cuối ngày rọi xuống mênh mông rừng. Người ngồi cạnh tôi thốt lên, ôi rừng Lào còn nhiều quá, đẹp quá. Nhìn qua cửa sổ máy bay, đúng là anh khách lạ nói không sai...

  Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng nghiệp Lào.  Ảnh:  Bích Hà
Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng nghiệp Lào. Ảnh: Bích Hà

Sau mấy ngày lưu lại thủ đô Vientiane, chúng tôi đi Luang Phrabang, thành phố cổ của xứ Lane Xang trên chặng dài chừng 370 cây số. Đường dốc cheo leo và quanh co khúc khuỷu, tôi hình dung giông giống cung đường Tây Bắc vòng từ Lào Cai đến Hòa Bình, điều rất khác là bên xứ bạn con đường luôn hun hút trong bao la rừng, hết những cánh rừng này, lại nối những cánh rừng khác, ngun ngút tầm nhìn với một màu xanh đến tận tít tắp... Đồng nghiệp Vanpheng Phayamath trên cùng chuyến xe, bảo rằng do Lào đất rộng, mà người ít nên rừng không bị phá nhiều. “Có thể là thế, song hy vọng sau này dù người có nhiều thì rừng vẫn được bảo vệ, bạn ạ”-tôi bảo với Vanpheng như thế. Nhưng thôi, chuyện về rừng dành kể vào một dịp khác.

Là một trong những người được các đồng nghiệp được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ưu ái, hay kêu đi chỗ này, chỗ nọ. Chẳng biết phải vậy không, mà tôi hay có cơ hội tháp tùng với các vị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, từ thời anh Lê Quốc Trung, đến Phạm Quốc Toàn, lần này là với Hồ Quang Lợi, mà khi nào đi cũng có người đẹp tháp tùng, chuyến này là đồng nghiệp Nguyễn Đỗ Họa My. Gần 6 giờ tối 17-8-2015 chúng tôi đã có mặt ở Vientiane. Khách sạn Lane Xang nơi chúng tôi ở không “tệ” như Khammeuang Oudomhack-Ủy viên Thường trực Hội Nhà báo Lào thông tin khi đón chúng tôi ở sân bay quốc tế Wattay-anh bảo Hội còn nghèo, chúng mình cùng chia sẻ... Phía trước Lane Xang là dòng Mê Kông, vào giờ ấy trên con đường ven sông đã tấp nập người đổ về chợ đêm. Thấp thoáng bên kia bờ là xứ Chùa Vàng, ở đấy, những con đường cũng đã lên đèn... Lần thứ tư tôi trở lại Vientiane nhưng vẫn cứ thấy nhiều điều bất ngờ đến lạ.

Đêm càng sâu, phố phường càng vắng vẻ, từng dãy ô tô đậu san sát theo dọc hai bên những con phố không lộng lẫy đèn hoa và cũng không dài rộng cho lắm. Anh bạn Lào bảo, bên này do ô tô rẻ nên mọi gia đình mức sống trung bình, tiết kiệm chi tiêu thì có thể sắm được, không đắt như bên Việt Nam. Nghĩ, khi Nhà nước có chính sách phù hợp và đúng đắn thì quả là người dân được nhờ. Nhưng có cái hình như nhiều người Lào không muốn làm giàu cho lắm(?), gần như hầu hết việc kinh doanh, dịch vụ, lao động ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường... trong các khâu nặng nhọc là do công nhân người nước ngoài đảm nhận. Mà thôi, việc tôi muốn nói là chuyện về “theo chân đồng nghiệp” vậy.

 

Đoàn nhà báo Việt Nam thăm Phòng chế bản cưa Vientiane Times. Ảnh: Bích Hà
 Phòng chế bản của Vientiane Times. Ảnh: Bích Hà

Nhà báo Bualaphan Thanphilom, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Lào, trong cuộc làm việc đã thông tin đôi nét về báo chí Lào. Rào trước, đón sau một lúc về sự chưa lớn mạnh của báo chí Lào so với nhiều anh em trong khu vực, thì rốt cuộc, anh cũng đã hòa vào sự chân thành bè bạn của các đồng nghiệp Việt Nam. “Hội chúng tôi chỉ có chừng vài ngàn hội viên, còn phía Trung ương Hội thì có 25 ủy viên Ban Chấp hành, trong đó 9 người trong Ban Thường vụ. Tuy thế nhưng hoạt động cũng khá đấy. Chúng tôi cũng vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của ngành báo chí, xuất bản Lào...”-nhà báo Bualaphan vui vẻ kể.

Tìm hiểu thì được biết, báo chí trên xứ Lane Xang cũng đã hình thành từ khá lâu, xuất hiện và đồng hành cùng với Đảng nhân dân cách mạng Lào. Hội của những người làm báo ở xứ Triệu Voi là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, thành lập từ năm 1968, hiện trực thuộc Bộ Thông tin-Văn hóa và Du lịch (TTVH&DL), Chủ tịch của Hội chính là Bộ trưởng của Bộ này. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bạn cho hay, báo chí và xuất bản của Lào còn nhiều khó khăn lắm. Lâu nay được sự giúp đỡ cả trong việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và tài chính của báo chí Việt Nam, nhất là các trường, học viện, Hội và các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam như Thông tấn xã, Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đài Truyền hình, và Đài Tiếng nói Việt Nam... Tuy vậy, nhưng hiện cả về nhân lực, tổ chức và trang-thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế nhiều.

 

Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Hiện nay ở Lào có 11 tờ báo xuất bản hàng ngày, một số bộ, ngành có cơ quan báo chí, một số địa phương có báo tuần và bán nguyệt san. Lượng phát hành cũng chưa nhiều, một số tờ báo Đảng phát hành tới chi bộ. Riêng Trung ương Hội có tờ báo ngày, do Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Lào kiêm làm Tổng Biên tập. Nghe các đồng nghiệp nói về báo chí của họ chúng tôi có phần chia sẻ, cảm thông. Trong khi công nghệ thông tin, báo chí điện tử của thế giới cũng như trong nước ngày một phát triển thì báo chí in ngày thêm khó khăn, lượng phát hành không thể tăng được và điều đó dẫn đến thu nhập của người làm báo ngày thêm khiêm tốn. Basason, Vientiane Times, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình quốc gia... được coi là những con chim đầu đàn của làng báo trong nước. Tờ Vientiane Times và hai đài quốc gia rất chú ý đến các chương trình quốc tế, đặc biệt là đối với các thứ tiếng như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Khmer.

Còn ông Phó Giám đốc Sở TTVH&DL tỉnh Vientiane-Puli thì rất thiết tha mong ước về một sự phát triển của báo chí địa phương của Lào trong tương lai. Ông cho biết, hội nhà báo địa phương ông cũng mới chỉ thành lập hồi năm 2005, có 60 hội viên và hoạt động còn rất yếu. Một tỉnh lớn của Lào, với diện tích trên 15.000 km2, 350.000 dân, vậy mà báo chí hoạt động ọp ẹp lắm. Báo in thì ra không định kỳ, phát hành chừng trên dưới 1.000 tờ/kỳ. Còn đài phát thanh và truyền hình cũng chỉ phát từ 4 đến 6 tiếng/ngày, các cơ quan này chủ yếu là làm chương trình gửi về đài quốc gia phát, còn mình thì tiếp âm, tiếp sóng. Cơ sở vật chất và phương tiện hành nghề của các nhà báo còn quá khiêm tốn. Đưa chúng tôi thăm công trình thủy điện lớn nhất phía Bắc Lào, được Nhật giúp xây dựng từ những năm 1970 thế kỷ trước, Phó Giám đốc Puli rất tự hào về một công trình tầm cỡ này, nó cũng đồng thời là một địa chỉ du lịch, đáng để khám phá; tuy vậy mà ít được báo chí để ý đến, nên cũng chưa nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

 

Phó Tỉnh trưởng Luang Phrabang-Buakhong Nammavong (bên phải) tiếp và làm việc với Đoàn nhà báo Việt Nam. Ảnh: Bích Hà
Phó Tỉnh trưởng Luang Phrabang-Buakhong Nammavong (bên phải) tiếp và làm việc với Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Bích Hà


Khác với báo chí của tỉnh Vientiane (không phải là thủ đô Vientiane), Luang Phrabang có cả đài phát thanh, đài truyền hình và báo in. Làm việc với đoàn chúng tôi, Phó Tỉnh trưởng tỉnh này-Buakhong Nammavong, sau khi cho biết nhiều thông tin bổ ích về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, ông đặc biệt chú trọng đến công tác báo chí. Dù rằng báo chí ở Luang Phrabang chưa phát triển mạnh, nhưng thông qua các kênh thông tin này, giúp cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của một cố đô-di sản văn hóa thế giới đến với bạn bè xa gần, cho nên thu hút một lượng lớn khách tham quan, du lịch, và vì thế mà tạo nên bộ mặt của đô thị cổ này mỗi ngày thêm khởi sắc. Một con số đáng quan tâm mà chúng tôi biết được là thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở đây đạt 1.530 USD, không dễ có ở nhiều địa phương khác của Lào.

Luang Phrabang gần như một tổ hợp dịch vụ du lịch. Bạn làm du lịch khá bài bản. Vài ngày lưu lại ở đây, được sự hướng dẫn chu toàn của các đồng nghiệp ở báo, đài địa phương và trung ương, chúng tôi cũng đã kịp đến tham quan, tìm hiểu khá nhiều địa chỉ mà được coi là đến cố đô lâu đời bậc nhất của xứ Triệu Voi mà chưa đến những nơi đó thì coi như chưa biết gì về cố đô này. Thì đành vậy, hẹn một dịp khác, và điều đó là chắc chắn, bởi (cũng là bởi) người viết bài này đã có những lời hứa với biết bao đồng nghiệp xứ Triệu Voi!

 Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.