Bài cuối: Lọt vào quần sơn Ngok Ang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngok Ang là tên gọi chung cho quần sơn gồm cả chục ngọn núi tiêu biểu như: Ngok Hum Beo nằm bên phía Đông thuộc Nam Trà My-Quảng Nam (cao 2.116 mét), núi Mường Hoong, phía Bắc thuộc huyện Đak Glei-Kon Tum (2.400 mét), Ngok Linh, nằm chếch phía Tây Bắc, có độ cao tuyệt đối 2.598 mét nằm giữa địa phận Trà Linh-Quảng Nam, Ngọc Linh và Ngọc Lây-Kon Tum. Đây là vùng núi cao nhất miền Trung nước ta, nổi tiếng với loài dược liệu tự nhiên quý hiếm được phát hiện từ những năm 1970 thế kỷ trước, gọi là sâm Ngọc Linh, sâm mắt trúc hay sâm Khu 5; đồng bào dân tộc địa phương gọi là “cây thuốc giấu”… Đồng thời tại quần sơn hùng vĩ này cũng là nơi phát nguyên của nhiều dòng sông lớn ở Tây Nguyên và miền Trung. Chúng tôi lặn lội tiếp tục đi tìm một địa danh mà sử sách đã ghi: Ngọc Rô-Kon Tum.


Đoàn làm ký sự chúng tôi theo quốc lộ 14 nhưng không đi về phía đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Đak Glei mà theo đường 672 qua huyện Đak Tô đến huyện Tu Mơ Rông. Vượt dốc Măng Rơi có cảm giác như leo lên cổng trời vào buổi chiều thiếu nắng, con đường vào huyện lỵ gập ghềnh hơi khó đi, đến trung tâm hành chính huyện thì đã cuối giờ làm việc, chúng tôi vào trụ sở Huyện ủy xin tá túc qua đêm ở nhà khách. Dò la đến ngành Giáo dục-Đào tạo huyện, nơi mà hệ thống giáo dục đến các thôn-làng, với hy vọng sẽ tìm được địa danh Ngọc Rô nhưng các thầy giáo đều phủ nhận không có tên Ngọc Rô trong địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Riêng anh A Ngọc Mít-nguyên Bí thư Huyện ủy là người địa phương, cũng cho rằng cái tên Ngọc Rô không hiện diện ở huyện Tu Mơ Rông, chỉ có làng Ngok Đo nhưng ở xã Ngọc Yêu.
 

Khu dân cư dưới chân núi Ngọc Linh. Ảnh: B.Q.V
Khu dân cư dưới chân núi Ngọc Linh. Ảnh: B.Q.V

Buổi sáng hôm sau, trời nắng đẹp, những dãy núi trập trùng nối nhau xanh đến tận chân trời, đi cùng cô Y Thu-cán bộ hưu trí, người ở xã Tu Mơ Rông, làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến xã Ngọc Lây, nơi giáp với tỉnh Quảng Nam. Trụ sở UBND xã Ngọc Lây nằm trên một đỉnh đồi lộng gió với độ cao 2.200 mét nằm ngay trên đường 672 đi về TP. Tam Kỳ, nhìn theo hướng Bắc có thể thấy rõ ngọn Ngọc Linh cao chót vót, đó là núi cha, bên cạnh là núi mẹ và thấp hơn là núi con trập trùng vây quanh; bên dưới các triền đồi là những ngôi làng người Sê Đăng ngụ cư lâu đời như: Koxia, Măng Rương, Mô Bá… Ở đây khí hậu lưỡng tính vừa có hai mùa đặc trưng của Tây Nguyên vừa pha chút nắng mưa của đồng bằng miền Trung.

Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 2 năm sau, trời lạnh quanh năm, độ ẩm cao. Các cụ già người bản địa ở xã Ngọc Lây, cho biết, ở phía Đông và Đông Nam Tu Mơ Rông hiện nay, gồm các xã: Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, giáp với vùng Trà My-Quảng Nam và huyện Kon Plông-Kon Tum. Rừng nguyên sinh nơi đây có độ che phủ cao, có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh trải rộng qua nhiều địa phương. Vùng này là lưu vực của con sông Đak Psi chạy dài qua các xã phía Đông và đổ về phía Tây nhập vào hệ thống Sê San; ngoài ra còn có suối Đak Ngòm, Đak Klei (xã Ngọc Lây); ở Ngọc Yêu có suối Đak Tơ Đrây và Đak Chum là thượng nguồn của suối Đak Snghe (huyện Kon Plông)-hiện đang xây dựng thủy điện thượng Kon Tum, bậc thang cuối cùng của hệ thống thủy điện trên sông Sê San với công suất 220 MW. Trong dự án thủy điện thượng Kon Tum, có một hợp phần xẻ dòng đưa nước Đak Snghe về sông Trà Khúc-Quảng Ngãi. Bên cạnh phía Tây Ngọc Yêu còn có suối Đak Play và suối Đak Plan (Đông Bắc)… Tất cả các dòng chảy này không thuộc lưu vực sông Ba. Toàn bộ các dòng chảy phía Đông và Đông Bắc từ các dãy núi thuộc quần sơn Ngọc Linh ở các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đak Glei (tỉnh Kon Tum) là lưu vực chính cho các dòng sông lớn thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc …

Qua khảo sát thực địa trên các địa bàn, phỏng vấn nhiều cán bộ và nhân dân địa phương, cũng như sự hỗ trợ công nghệ tìm kiếm qua bản đồ vệ tinh, cho đến hiện tại, chúng tôi chưa thể tìm được địa danh Ngọc Rô-nơi phát nguyên của thượng nguồn sông Ba như các tài liệu trước đây đề cập. Căn cứ vào sự mô tả của những người đi trước, như: Dãy núi Ngọc Rô nằm phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, ở độ cao 1.549 mét (Wikipedia) hay sông Ba bắt nguồn từ núi Ngok Rô, ở độ cao 1.240 mét trên dãy Ngok Linh, chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn (Lịch sử Đảng bộ Gia Lai) hoặc trong bài “Đặc điểm lưu vực sông Ba trong vận hành hồ chứa và đánh giá môi trường tích lũy” của các tác giả: Ngô Đình Tuấn, Lương Hữu Dũng, Nguyễn Văn Sỹ (tapchivatuyentap.tlu.edu.vn) đã mô tả, dòng chính sông Ba dài 396 km, bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Rô, ở cao trình 1.549 mét của dải Trường Sơn, tạm thời chúng tôi có mấy nhận xét như sau:

Về địa danh Ngok Rô, có thể những người khảo sát trước đây đã xác định được nhưng do biến chuyển qua thời gian, nhiều lần thay đổi, cắt ghép tên do sáp nhập, chia tách nên hiện tại không còn ai nhớ đến tên địa danh này nữa (từ Ngok, tiếng Sê Đăng là núi, thường được sử dụng cho các ngọn núi trong dãy Ngok Linh, nhất là vùng Tu Mơ Rông). Còn lưu vực của thượng nguồn sông Ba, qua thực địa quan sát có thể xác định nằm trong vùng núi phía Tây Bắc xã Đak Rong (huyện Kbang-Gia Lai), giáp với địa phận huyện Kon Rẫy và Kon Plông (tỉnh Kon Tum), vì địa thế núi ở đây có độ cao khoảng từ 1.500 mét trở lại, như vậy phù hợp với các tài liệu ghi chép (núi Ngọc Rô cao từ 1.240 mét đến 1.549 mét). Và chiều dài của sông Ba, nếu tính từ cửa Đà Diễn-Phú Yên đến thượng nguồn Đak Rông ước độ trên 370 km là tương đối phù hợp. Có một điều trùng lặp với nhận định này của chúng tôi, khi tra khảo trong Địa chí Gia Lai (xuất bản năm 1999) có ghi sông Ba còn được gọi là Đak Rong Ia Pa (cách ghép 2 địa danh sông Đak Rong và sông Ba).

Cuộc hành trình của đoàn làm ký sự ngược dòng sông Ba tạm thời khép lại. Chúng tôi rất mong được sự góp ý, phản hồi của độc giả xa gần, các nhà khoa học để xem xét điều chỉnh về các địa danh, số liệu liên quan đến dòng sông Ba ở Tây Nguyên, làm tài liệu cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp cận một cách tương đối chính xác với con sông quê hương.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.