Đập Đồng Cam-Dấu ấn sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có lẽ công trình đại thủy nông Đồng Cam-Phú Yên là vết cắt đầu tiên của con người trên  sông Ba vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Người Phú Yên thời ấy cũng chưa biết xuất xứ của cái tên “đồng cam” là từ đâu mà ra và có cùng thời với cái tên “công trình thủy nông Bảo Đại” hay không? Nhưng cuối cùng, người địa phương cũng thích dùng từ “đồng cam” hơn vì nó gắn liền với một thời kỳ chung tay, góp sức vượt qua gian khổ, hy sinh để xây dựng nên công trình kỳ vĩ của vùng đồng đất Tuy Hòa.
 

Đập Đồng Cam. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Đập Đồng Cam. Ảnh: Bùi Quang Vinh

Sau 82 năm kể từ ngày khánh thành đưa vào sử dụng đập Đồng Cam (1933), chúng tôi mới có dịp đến thưởng lãm một công trình mang tính lịch sử này. Có quan sát hết cái vựa lúa cò bay thẳng cánh, lớn nhất miền Trung ở Phú Yên từ cánh bắc đến cánh nam, chúng ta mới thấy tầm vóc của công trình thủy nông có một không hai trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ ở Việt Nam do người Pháp khảo sát và xây dựng. Trong đoàn chúng tôi, ai cũng nghe danh công trình thủy nông này qua sách vở nhưng chưa được mục sở thị nên rất háo hức được đến để chiêm ngưỡng dung nhan của “người đẹp” sông Ba một thời, ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc.

Dừng lại ở Văn phòng Ban Quản lý của Công ty Thủy lợi Đồng Cam nằm gần khu vực đập đầu mối (thuộc bờ bắc, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), chúng tôi được anh công nhân trực ban nhiệt tình đón tiếp đưa đi thăm thú các điểm chính của công trình. Vượt lên hàng trăm bậc tam cấp để đến đỉnh núi Trù Cúc, chúng tôi thắp hương ở miếu Sơn Thần và viếng đền thờ 54 vị tiền bối, những công nhân hy sinh khi xây dựng đập Đồng Cam này, sau đó mới xuống vực để tiếp cận với đập tràn, nơi mà ròng rã 6 năm trời, hàng vạn công nhân “nằm gai nếm mật” nơi rừng thiêng nước độc để đào núi ngăn sông tạo dựng nên một công trình dân sinh làm thay đổi cuộc đời của người nông dân Phú Yên. Nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình với mây trời và gió núi, một con đập tràn dài khoảng 525 mét bắc ngang qua sông Ba như một con trăn khổng lồ trườn mình vắt từ đầu núi Trù Cúc (phía nam) đến thân núi Quy Hậu (phía bắc). Bên trên đập là một hồ nước mênh mông với hàng trăm bãi đá nhấp nhô. Nghe đâu, ngày xưa những kỹ sư người Pháp đã khảo sát khá toàn diện vùng hạ lưu sông Ba từ cuối thế kỷ XIX và đã chọn được địa điểm ưu việt nhất nơi đây để làm thân đập-nơi mà sách cũ có tên là Thạch Hãn. Đó là vùng có những vỉa đá granite nằm như bàn thạch ở lòng sông tạo thành một nền móng tự nhiên vững chãi. Chính những dải đá này trở thành vật cản trên con đường thủy ngày xưa giữa người miền xuôi và miền ngược, nhất là thời kỳ vương quốc Chăm Pa còn trị vì.

Theo tài liệu lịch sử về quá trình xây dựng đập Đồng Cam thì ý tưởng hình thành công trình thủy nông này bởi những kỹ sư người Pháp có từ cuối thế kỷ XIX, nhưng mãi sau năm 1920 thì đề án xây dựng đập Đồng Cam của Kỹ sư trưởng Lefevre cùng người cộng sự là kỹ sư Nordey mới được Toàn quyền Đông Dương chấp thuận và bắt đầu khởi công ngày 30-11-1923. Đây là công trình thủy nông tự chảy thiết kế theo hệ thống bậc thang dựa vào địa hình tự nhiên từ cao xuống thấp; gồm các hạng mục: đập chính và 2 tuyến kênh (hữu ngạn dài 36 km với 9 kênh phụ, kênh tả ngạn dài 32 km với 7 kênh phụ), ban đầu chỉ tưới tiêu cho 8.000 ha thuộc vùng đồng đất Tuy Hòa. Sau nhiều lần tu bổ, cải tạo đã từng bước nâng cao năng lực tưới lên 19.000 ha rồi 28.000 ha từ sau ngày giải phóng (1975) và mới đây, người ta đã nâng cao thân đập thêm 30 phân để mở rộng vùng tưới tiêu lên 31.000 ha.

Vào thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, đời sống vô cùng bần hàn, nhất là người nông dân ở miền Trung phải chịu cảnh đói khổ quanh năm thì công trình thủy nông Đồng Cam hoàn thành đưa vào sử dụng là một cứu cánh cho người dân Phú Yên nói riêng và vùng Trung kỳ nói chung. Khi chưa có công trình thủy nông này, một vùng đồng đất rộng hàng vạn mẫu nằm ở hạ lưu sông Ba có lớp phù sa màu mỡ đã bị bỏ hoang hóa với những đầm phá lau lách mọc hoang dại, cư dân thưa thớt chỉ canh tác trên một phần diện tích ít ỏi và làm mỗi năm l mùa, nhờ vào nước trời là chính.

Gần 10 năm trời, kể từ ngày khởi công cho đến khi hoàn tất công trình thủy nông lớn này, người ta đã huy động hàng vạn công nhân lao động làm việc cật lực trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt và phương tiện máy móc thiếu thốn. Trên công trường đến thời cao điểm, hàng ngày phải huy động đến 5.000 lao động đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, dưới sự chỉ huy của kỹ sư điều hành người Pháp là De Fargue và 2 kỹ sư Machefaux và Carrez. Một sự cố đau lòng xảy ra trên công trường đập Đồng Cam bấy giờ, mãi đến nay người dân Phú Yên còn nhớ. Đó là, vào ngày 1-9-1929, tức là vào mùa mưa lũ phía thượng nguồn sông Ba, do bất cẩn, một chiếc thuyền chở công nhân qua sông đã bị lật úp khiến 52 công nhân tử nạn. Tên tuổi của họ hiện được người dân lập bia thờ cúng chung trên đỉnh núi Trù Cúc gần với công trình đầu mối, cùng với 2 công nhân khác cũng tử nạn trong lúc đắp đê, bắn mìn. Người Phú Yên ngày nay còn truyền tụng câu ca: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Đồng Cam xây dựng nhớ ngày năm xưa/Gian nan cực nhọc nắng mưa/Công ơn biết mấy cho vừa, đừng quên”.

Công trình đại thủy nông Đồng Cam, một dấu ấn đầu tiên của bàn tay con người, góp phần đưa nguồn nước sông Ba vào đồng đất Phú Yên, tạo nên một vựa lúa lớn nhất miền Trung, giúp người nông dân một nắng hai sương nơi đây giải quyết được nạn thiếu lương thực trầm kha; đồng thời nó cũng góp một phần nhỏ trị thủy ở vùng hạ lưu, điều tiết dòng chảy tự nhiên của sông Ba và làm đổi thay môi trường khắc nghiệt nơi vùng sơn cước heo hút này.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.