Những bức thư theo chân người chiến sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã từ lâu, hàng năm tôi hay về lại khu căn cứ Krong (huyện Kbang) và An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, nơi một thời trong kháng chiến tôi từng sống, làm việc, được bà con, đồng đội, bạn bè, các anh, các chị, cô chú… đùm bọc chở che, rèn luyện chỉ bảo mà trưởng thành, và may mắn là một trong những người sống sót sau cuộc chiến ở nơi vô cùng ác liệt này. Tôi thường đến các nghĩa trang thăm đồng đội, bè bạn của tôi đang nằm ở đó vào những dịp lễ, Tết… Sau những lần trở lại như thế, lòng cảm thấy vợi đi chút ít bao nỗi niềm day dứt và thêm phần nhiều hơn sự trách nhiệm với quá khứ trên cương vị nhỏ nhoi của người còn sống-là tôi, tác giả bài báo nhỏ này.

Công nghệ thông tin giúp cho người ta ngày nay thuận tiện hơn nhiều trong giao dịch công việc cũng như tình cảm riêng tư, điều ấy thật tuyệt. Nhưng đi đôi với đó, một trong những thói quen ưu việt nhất trong thể hiện tình cảm chân thành, sâu sắc, kín đáo của những người có mối quan hệ thân-sơ nào đó muốn trao cho nhau bằng thư viết tay cũng theo thời thế mà mai một đi, thậm chí trong một số người nó đã không còn tồn tại từ lâu rồi. Nhưng đấy là chuyện khác, trong bài viết này tôi muốn nói về những bức thư viết tay mà mình là người sở hữu.

 

Xin phép tác giả của một vài trong nhiều lá thư viết tay gửi cho mình mà may mắn tôi còn giữ được cho đến ngày nay, tôi trân trọng trích ra đây những dòng tâm sự riêng tư ấy mà thuở xưa với tôi, nó được coi trọng hơn cả bao cuộc chỉnh huấn, bao lời cổ động sáo rỗng từ những tài liệu, công văn, chỉ thị… “Năm hết Tết đến rồi, cháu có nhớ ba cháu không? Chắc có chứ cháu nhỉ? (hỏi vậy, vì khi ấy tôi chỉ còn ba). Cô nhớ gia đình cô quá! Sống ở rừng núi này cô thấy xa lạ quá, không có người bà con ruột thịt, người cùng cảnh thì nhiều nhưng cùng quê thì không. Cô muốn những ngày Tết này nó trôi qua cho nhanh để bớt sự suy nghĩ, sự nhớ nhung, nhưng dòng thời gian bất tận nó cứ trôi từ từ, không thông cảm và chiều lòng người tí nào cả…”. Sau những dòng vô cùng chân thật ấy, là những lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi… “Thấy cháu ngoan, dễ thương và biết lo lắng công tác, cô quý cháu, coi cháu như những đứa cháu của cô đang học ở ngoài Bắc… cô cần có trách nhiệm nhiều hơn nữa với cháu, chăm sóc, lo lắng, nhất là những lúc cháu đau ốm, thiếu tình thương yêu ruột thịt…”.

“Năm mới cô cũng muốn có một cái gì mừng tuổi cháu, nhưng hoàn cảnh ở đây khó khăn quá; vậy cô chỉ biết lấy tình thương chúc cháu sang năm mới vui, khỏe, ngoan và công tác có nhiều tiến bộ, đừng quên rèn luyện bản thân và nghe lời các anh, các chị lớn tuổi…”. Cuối bức thư, cô còn bảo tôi: “Nếu được phép, Tết này cháu vào đây ăn Tết với cô cho vui”. Thư dài đến những 4 trang giấy pơ-luya khổ 12 cm x 18 cm. Bao nhiêu chữ viết là bấy nhiêu điều cô muốn gởi gắm tình yêu thương, lời động viên, nhắc nhở… đến người nhận là tôi. Đó là cô Nguyễn Thị Tắc-bác sĩ, làm việc ở nhiều vị trí, khi viết thư cho tôi lần này là ngày 20-1-1970, lúc cô đang ở Bệnh xá K7, cách nơi tôi ở hơn ngày đi bộ đường rừng. Sau này, cô về công tác ở Trạm xá của tỉnh, khu căn cứ Krong, huyện Kbang ngày nay.

Sở dĩ, có đoạn trong thư cô bảo cô buồn, vì ở nơi cô công tác chỉ có bạn bè, đồng đội, những người cùng cảnh ngộ, không có ai là người cùng quê, là do quê cô Tắc ở ngoài Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ngày ấy, ở các đơn vị quân dân chính Đảng khu vực Gia Lai rất ít người Huế. Cô Tắc là một bác sĩ giỏi, điều ấy chắc nhiều người cùng thời biết cả, cô ít nói, ít tiếp xúc với nhiều người, nó đúng là mẫu của các cô gái Huế. Cho dù chiến tranh, đạn bom là thế, cái chất Huế trong cô vẫn như chẳng có gì thay thế, từ cách nói năng, tiếp xúc, ăn mặc, đi lại. Thời buổi gian lao, ác liệt như vậy, trong cộng đồng của những tập thể, trong đó không ít người cùng giới, nhưng cô chẳng lẫn vào đâu. Những thương-bệnh binh được cô trực tiếp điều trị, chăm sóc, cho dù những cơn đau đến nhức óc, nhói tim, những phận người, những chàng trai trẻ sau những cuộc phẫu thuật, có người nhìn về tương lai như một màu đen bởi thân thể không còn nguyên vẹn… nhưng khi nhận được những lời động viên, sẻ chia chân tình, sự chăm sóc tận tụy của cô bác sĩ... Huế, tự dưng như lòng mình nhẹ hơn, như phía trước kia, rồi cuộc chiến sẽ kết thúc, nước non sẽ về một mối, tương lai sẽ mở cho họ những con đường xán lạn. Tôi là một trong những bệnh nhân như thế.

 

Đường về khu căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.M.P
Đường về khu căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.M.P

Chừng vài ba tháng, không nhận được thư hồi âm của tôi, cô lại viết thư trách khéo: “…Lâu nay cháu có khỏe không? Công tác ra sao?... Cô muốn biết tin tức về cháu… nhớ cháu nhiều, nhưng chắc rằng khó có dịp cô cháu mình được gặp nhau. Cháu nhớ viết thư cho cô chứ cô trông thư cháu đấy…”. Viết thư tay và gửi thư cho nhau thời ấy không đơn giản chút nào. Chỉ cách nhau chừng mấy ngày đi bộ là có thể thăm nhau được, nhưng không dễ vậy đâu, kỷ luật của đơn vị và thời chiến mà. Những cánh thư đến được tay nhau có nhanh cũng một vài tuần, chậm có khi một vài tháng, thậm chí cả năm, tùy thuộc vào khoảng cách địa lý và điều kiện thuận lợi hay khó khăn trên những chặng đường giao liên bất tận.

Mỗi khi có anh chị giao liên, liên lạc ghé cơ quan, đơn vị, bao người háo hức, đợi chờ những cánh thư của riêng mình. Nhiều anh chị có khi cả tuần, cả tháng vì lý do nào đó, không loại trừ những cánh thư đã rơi vào tay giặc khi mà anh chị giao liên ngã xuống trên những cung đường “Cũng lắm lúc gian nan, chung quanh ngàn bom rơi chắn lối…”(*) ấy, mà chẳng nhận được thư của người thân, bạn bè đâm ra buồn bã lắm, chia sẻ với họ, nhiều người đem cả thư của người thân, người yêu của mình đọc cho tập thể cùng vui. Những niềm vui, nỗi buồn qua thư đều như là của chung cả đơn vị. Ngày nhận được thư của người nhà báo tin cha tôi đã bị giặc giết (đầu năm 1972), cả đơn vị như cùng nỗi đau chung, mấy bạn tôi ôm nhau mà nước mắt chảy ròng. Anh Thám-người anh cả trong nhóm chúng tôi đã không cầm nổi cảm xúc, hét vang cả một khu rừng, rằng: “Sao chúng bay ác độc thế những tên Mỹ-Ngụy kia, mẹ thằng bé chúng bay đã giết, chưa đủ sao, giờ cả cha nó chúng bay cũng không tha…”. Sau đấy không lâu, anh Thám của chúng tôi cũng ra đi dưới làn đạn của bọn lính Nam Hàn trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi vinh dự được cấp trên cho theo học nhiều lĩnh vực, khi trở về lại Gia Lai, hay tin cô Nguyễn Thị Tắc đã đảm đương chức Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai-Kon Tum, tìm thăm cô ở nhà riêng ngoài khu Hoa Lư của TP. Pleiku, khi ấy cô đã sinh cháu và “có da có thịt” hơn khi còn trong thời kháng chiến, cô mừng đến không cầm nổi nước mắt… “Cô hỏi thăm nhiều người bên Tỉnh ủy, biết cháu đã đi học, cô mừng lắm. Cháu còn nhớ thăm cô, đúng là cô không nhầm người, gắng học nữa để làm được việc gì ấy nghe cháu, cô tin cháu…”. Sau này, cô chuyển cả nhà về lại Huế-quê cô, và từ lần gặp ấy tôi không còn cơ hội thứ hai. Viết những dòng này nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh nhà, tôi cố gắng liên lạc với những người cùng ngành với cô nhưng không thể biết chính xác giờ cô ở đâu, còn hay đã mất, gia đình ra sao… Thật buồn, một nỗi buồn trong ngày vui giải phóng mà không thể nói bằng lời, viết hết ra bằng chữ.

Đoàn Minh Phụng

(*) Lời bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.