Mai một nghề đan thuyền thúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lão ngư Phan Liêm nói mà như than: “Tui nhận truyền nghề cho hàng chục đệ tử, nhưng rút cục chỉ còn hai đứa con tui là trụ lại với nghề. Phận thuyền thúng lênh đênh biển khơi đã đành, nhưng tui không nghĩ rồi có ngày, nghề đan thuyền thúng cũng cùng chung số phận lênh đênh như thế”. Lớp trẻ ngày nay không mấy ai còn thiết tha với chuyện còng lưng ngồi đan lát, thêm nữa, trước sự cạnh tranh khốc liệt với thuyền nhựa, thuyền thúng đan bằng tre ngày càng khó tiêu thụ. Đau đáu với nghề, ông Phan Liêm còn nặng lòng bởi trước cơn lốc đô thị hóa, mai này, có muốn nắm níu với nghề, việc tìm kiếm nguyên-vật liệu như tre, phân bò… cũng không hề đơn giản.

Bao giờ cho đến ngày xưa…

 

Hơn 30 năm qua, cái dáng ngồi chẻ tre của ông Phan Liêm vẫn không thay đổi. Ảnh: Hà An
Hơn 30 năm qua, cái dáng ngồi chẻ tre của ông Phan Liêm vẫn không thay đổi.
Ảnh: Hà An

Ông Phan Liêm (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) nói rằng mình còn “dính líu” một chút với biển dù đã trọn 30 năm, ông không còn cảnh “ăn sóng nói gió”, không còn tất bật cho những chuyến ra khơi sau mỗi mùa trăng. Nói “dính líu” là bởi gia đình ông là một trong vài ba địa chỉ hiếm hoi còn lại ở Đà Nẵng vẫn còn bám trụ với nghề đan thuyền thúng cho ngư dân đi biển. Chỉ tay về hướng những chiếc thuyền thúng đang nằm phơi dọc con đường Hoàng Sa ven biển, ông bảo, chúng đều từ “lò” nhà ông mà ra cả. Đi biển từ năm 14 tuổi, đến năm 30 tuổi đã là thuyền trưởng của một thuyền đánh cá công suất lớn. Nhưng rồi sau lần hai cha con ông suýt bỏ mạng trong trận cuồng phong năm 1985, ông Liêm quyết định bỏ biển lên bờ. Ở bờ thì lại nhớ cồn cào những giấc ngủ dập dềnh theo con sóng, ông quyết định mưu sinh bằng nghề đan thuyền thúng, vốn đã được người cha truyền dạy cho từ thuở nhỏ.

Dù chỉ có mấy công đoạn, từ chọn rồi cưa tre, chẻ tre, vót nan, đan thúng, uốn vành, phơi thúng, quét phân bò, quét dầu rái… nhưng để có một chiếc thuyền thúng hoàn chỉnh, đảm bảo yếu tố kỹ thuật là không hề đơn giản. Tre được chọn phải có độ tuổi khoảng 1,5 tuổi, nếu tre quá già thì khi quét lớp chống thấm nước bên ngoài sẽ khó có độ kết dính. Khó nhất trong các công đoạn, có lẽ là khâu uốn và nức vành. Ông Liêm cho biết, mỗi chiếc thuyền thúng có sức chứa khoảng 8 – 10 người, tất cả đều được làm thủ công nên khi uốn tre và nức vành, người thợ phải tính toán sao cho không quá to nhưng cũng không quá nhỏ. Để uốn thủ công một vành thuyền thúng cũng “vẹo hết cả xương sống”, nếu thợ không có sức khỏe thì không thể đảm đương nỗi. Anh Phan Minh-con trai ông Liêm nói đầy tự hào: “Làm thợ chi, từ thợ hàn, thợ mộc, thợ hồ… còn dùng thước, còn có máy móc hỗ trợ chớ làm thợ thuyền thúng chỉ có quen tay quen mắt thôi cô ơi”. Rồi anh xòe bàn tay đầy vết sẹo và chai sần, kể cho chúng tôi nghe “đoạn đời” học nghề của mình: “Tui theo học cha tui cũng phải mất gần 7 năm thì tay nghề mới tàm tạm. Hồi mới võ vẽ học cực lắm, tui phải bắt đầu từ việc học vót tre, không cẩn thận là đổ máu như chơi, tui bị tre đâm, dao cắt chảy máu như cơm bữa”.

Ông Liêm cho biết, để đan được một chiếc thúng mất khoảng 5 ngày, bán ra thị trường với giá từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Trừ chi phí mua nguyên-vật liệu, tiền công mỗi ngày thu về khoảng 200 ngàn đồng. “Trước đây nghề ni thịnh lắm, như trại làm thúng của nhà tui, bạn hàng các nơi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, rồi cả ở ngoài Huế… cũng tìm đến mua, mở mắt ra là cắm cúi với nó cho đến khi đi ngủ mà còn không kịp giao hàng. Chừ thì…”-ông Liêm bỏ lửng câu nói.

Hồi đó, ông Liêm còn phải thuê đội ghe vận chuyển tre theo đường sông từ mạn Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) rồi cẩu tải lên bờ, về sau, thì thuê hẳn một đội xe chỉ chuyên chở tre bằng đường bộ. Mỗi ngày, trại nhà ông xuất xưởng một thúng vẫn không đủ hàng, giờ thì mỗi tuần, ba cha con ông chỉ làm cầm chừng khoảng 2-3 chiếc mà còn sợ không bán được. Ngôi nhà ba tầng khang trang của gia đình ông Liêm như là minh chứng cho thời ăn nên làm ra của nghề. Cứ nghĩ rằng, chừng nào còn người đi biển, chừng đó nghề còn thịnh hành, bởi cách duy nhất để vận chuyển ngư cụ ra tàu, cũng như hải sản đánh bắt được vào bờ là dùng thuyền thúng, đó cũng là vật không thể thiếu được của các tàu câu mực trên biển. Thế nhưng, giờ cả Đà Nẵng, chỉ còn chưa đến năm nhà bám trụ theo nghề. “Xưa, các làng chài ven biển này hầu như nhà nào cũng đan. Bây giờ, mà cũng không mấy ai còn mặn mà với cái nghề đau lưng, chai sần bàn tay này nữa. Mai này lớp người như chúng tôi mất đi, không biết lấy ai theo nghề giữ nghiệp”-ông Liêm không giấu được sự ngậm ngùi. Giờ muốn mua tre, những trại thuyền như nhà ông Liêm phải đi xa hơn, có khi sang cả mạn Quảng Nam; phân bò để trét phủ kín lớp ngoài của thúng nhằm chống thấm nước cũng đã khó mua hơn xưa, khi đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần…

Thuyền thúng xuất ngoại

 

Sau khi quét lớp phân bò ở mặt ngoài, thuyền thúng được phơi khô khoảng 2-3 ngày rồi được quét thêm lớp dầu rái, đây là bí quyết để thuyền không bị thấm nước. Ảnh: Hà An
Sau khi quét lớp phân bò ở mặt ngoài, thuyền thúng được phơi khô khoảng 2-3 ngày rồi được quét thêm lớp dầu rái, đây là bí quyết để thuyền không bị thấm nước.
Ảnh: Hà An

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Liêm còn thoáng chút niềm vui khi nhắc đến “sự kiện” thuyền thúng by Liem xuất ngoại.

Dù thúng nhựa dần thay thế thuyền thúng tre, đơn đặt hàng không còn nhiều và dày như trước, nhưng ông Liêm vẫn động viên hai con giữ lấy nghề truyền thống của gia đình: “Tui phải làm công tác tư tưởng với con, dù nghề không còn thịnh nhưng cũng không thể lụi tàn bởi đi khơi thì vẫn phải dùng thuyền thúng đan bằng tre vì thuyền làm bằng nhựa nhẹ, lướt da rất dễ bị lật và mau bể. Tuổi thọ bình thường thuyền thúng tre 5-7 năm, nhưng dùng 2-3 năm rồi sau đó quét lớp nhựa composite phủ bên ngoài sẽ tăng tuổi thọ lên 15-20 năm. Giá thành thuyền thúng nhựa và tre cũng gần tương đương nhau”. Ông cười: “Thế rồi như trời đãi vì mình đã không phụ nghề, cách đây đâu khoảng gần chục năm, cha con tui đang cặm cụi làm thì có một nhóm khách du lịch người Nhật đứng xem rất chăm chú. Hôm sau, một vị khách quay trở lại, đặt mua một lúc 10 chiếc rồi vận chuyển về nước theo đường hàng thủ công xuất ngoại. Lúc đầu tui tưởng họ mua về cũng để dùng đánh cá như dân mình, nhưng sau mới biết là để làm du lịch. Họ còn “tư vấn” cho tui khắc chữ “thuyen thung by Liem” trên mỗi chiếc vành thúng. Nhờ vậy mà sau này, nhiều khách du lịch ở các nước khác cũng tìm đến đặt hàng chỗ tui”.

Mỗi năm, trại thuyền thúng của cha con ông Liêm nhận khoảng năm, bảy hợp đồng đến từ nhiều quốc gia như Anh, Úc, Philippines, Nhật Bản, Tây Ban Nha… với vài ba chục chiếc thuyền thúng. Thỉnh thoảng, ông Liêm cũng nhận đơn đặt hàng từ các khu du lịch ở trong vùng. “Nhờ rứa mà cũng đủ để nắm níu với nghề. Tui xác định làm nghề ni, khó mà giàu lên được, nhưng vẫn đủ chi dùng, nuôi được con cái học hành, rứa là được rồi. Chỉ tiếc, người gắn với nghề này không còn nhiều, lớp trẻ lại càng không mặn mà với nghề…”-anh Phan Minh, dù mới chỉ 43 tuổi, cũng đã bắt đầu lo cái lo của cha mình, về sự nối tiếp của nghề…

Hà An

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.