Bài 1: Long đong phận nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vậy là tôi cũng đến được Đak Trôi, một xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang (Gia Lai). Hôm trước, nghe tôi định đi bằng xe máy, qua điện thoại, anh Lương Ngọc Thiệp- Chủ tịch UBND huyện sốt sắng bàn: Anh cứ xuống đây rồi huyện sẽ bố trí xe ô tô đưa anh đi. Đường bụi lắm!

Cảm nhận đầu tiên của tôi là có lẽ con đường vào 5 xã phía Đông sông Ayun của Mang Yang là một trong số ít những con đường nông thôn đẹp nhất tỉnh. Cái nắng tháng ba Tây Nguyên làm mặt đường nhựa như loáng nước, in bóng hàng cây bạch đàn, bời lời trong ngút ngàn rừng  Lơ Pang chạy dài hai bên. Con đường ngoằn ngoèo uốn lượn quanh những quả đồi thấp, tròn, lúc lọt thỏm, hun hút giữa rừng cây. Cứ như vậy cho đến khi qua hết trung tâm xã Kon Thụp thì mới vào đường đất, phía sau xe mù mịt bụi…

Trên đèo Klong. Ảnh: Thanh Phong
Trên đèo Klong. Ảnh: Thanh Phong

Từ đây vào đến Đak Trôi còn đến 17km nữa, cảnh bên đường đã khác, hoang vắng, khô khốc giữa trưa nắng như đổ lửa. Những thửa ruộng bậc thang nhỏ như bàn tay úp trên sườn đồi đã cuốc ải xong đang chờ mưa. Liếc sang tôi, anh tài xế tên Chinh cười: Cách đây chừng 10 năm, bác mà vào đây thì chỉ có… khóc? Hỏi mới biết những năm trước Chinh lái Uoát (không phải xe xịn như bây giờ), mỗi lần vào đây ai ngồi trong xe cũng đều phải mặc áo mưa dẫu là mùa khô. Còn mùa mưa thì đi chưa chắc đã đến, “đường như ai quết mỡ, bùn ngập đến gối, còn dốc thì như anh thấy trước mặt đó, cao như đèo, hai cầu chứ bốn cầu cũng chịu”- Chinh lắc đầu kể lại.

Vào đến xã, Bí thư, Chủ tịch UBND xã đã đi chỉ huy truy quét lâm tặc từ sáng sớm ở vùng rừng cách đó gần 20km, giáp với địa phận huyện Chư Sê. Vùng này là rừng khộp, lâm tặc thường lén lút chặt cây về làm trụ tiêu. Anh Phạm Văn Kỳ- cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết thêm, gần đây trên địa bàn còn nổi lên hiện tượng trộm bò rất dã man. Theo tập quán, đồng bào dân tộc thiểu số không chăn dắt bò mà thả rông trong rừng, bọn xấu lần theo dấu vào rừng giết bò, chỉ chặt lấy bốn chân mang đi, vài ngày sau những gì còn lại của con bò là một đống lầy nhầy thối um, nhờ đầu, sừng mới biết đó là bò.

 Bà cụ trong làng vắng Klong.  Ảnh: Thanh Phong
Bà cụ trong làng vắng Klong. Ảnh: Thanh Phong

Năm 2003, điện lưới quốc gia đã về đến Đak Trôi. Trước đó Trạm Y tế xã, nhà rông văn hóa cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, trường phổ thông cơ sở hai tầng thì đang xây mới, gần hoàn thiện. Như vậy nếu cứ theo cách người ta thường dùng để đánh giá một địa phương là “điện, đường, trường, trạm” thì Đak Trôi hầu như có đủ, dẫu đường ô tô đến trung tâm xã còn là đường đất.

Song thực tế cuộc sống nơi đây ra sao đâu chỉ dựa trên các tiêu chí khô cứng như vậy được? Toàn xã có 8 làng, 390 hộ, 2.120 nhân khẩu thì đã có đến 139 hộ nghèo và nhiều hộ đang có nguy cơ tái nghèo. Như nhiều buôn làng Tây Nguyên khác, người dân Bahnar nơi đây quanh năm sống dựa vào chăn nuôi, trồng trọt mà công việc này thì ở Đak Trôi còn nhiều vấn đề còn phải bàn. Trừ khoảng chục hàng quán tạp hóa do người Kinh vào đây mua bán, toàn xã chưa có một loại hình dịch vụ nào, người dân chưa biết vay vốn vì vay không biết làm gì, đầu tư vào đâu? Chẳng khác một chuyện có thật ở huyện Kông Chro trước đây, nhiều nhà được vay vốn xóa đói giảm nghèo mang tiền về cất trong… ống tre vì cũng không biết dùng tiền để làm gì…

Có một thứ “tài sản” lớn của Đak Trôi là quỹ đất với tổng diện tích tự nhiên hơn 7.400 ha, song phần lớn là đất lâm nghiệp địa hình đồi dốc, đá sỏi, phần còn lại là thung lũng mùa mưa đều bị ngập nước. Cả xã có 200 ha ruộng một vụ ở cánh đồng gần làng Klong (cũ), cách hồ Ayun Hạ khoảng 5 km. Điểm nhấn của Đak Trôi chính là khu vực sản xuất này. Từ trung tâm xã, xe ô tô lượn chầm chậm trên đường đèo dốc 45 độ thảm bê tông hơn 4 km đưa chúng tôi xuống làng.

Từ trên đỉnh đèo nhìn thấy những ngọn núi lửa tròn nhấp nhô và mặt hồ xanh Ayun Hạ ở phía xa. Con đường bê tông này là kết quả sự tích cực vận động các nguồn vốn nhà nước của Đảng bộ và chính quyền huyện Mang Yang, đặc biệt là Bí thư Huyện ủy Phan Xuân Trường (nay ông Trường là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai). Có con đường, dân làng Klong chịu dời lên làng mới ở gần trung tâm xã có điện, có trường học, gần trạm y tế và dễ dàng vận chuyển nông sản từ ruộng về. Làng cũ Klong vẫn còn giữ nguyên nhưng không ai ở.

Làng vắng thật! Những ngôi nhà sàn lợp tôn, lợp lá tranh nằm im lìm dưới nắng trưa, bầy gà thản nhiên bươi rác và mẹ con đàn heo chạy theo bước chân khách. Một vài nhà có xe máy dựng sát chân cột dưới sàn nhưng không thấy ai. Ngoài kia ruộng đã cuốc ải, chờ mưa, đất lật lên, lấp loáng. Thật may, trong một ngôi nhà còn có người. Đó là một bà cụ chừng 80 tuổi và người con trai khoảng 50 tuổi. Trên bếp lửa, một nồi cơm nhỏ đang sôi. Vốn tiếng Bahnar ít ỏi của anh Chinh và tiếng Kinh bập bẹ của anh chủ nhà tên Dút, tôi được biết hôm nay anh mệt và ở nhà trông bà cụ yếu, không lên nương được, đã có vợ và hai con đi thay. Nhà anh làm 4 sào ruộng lúa một vụ trên cánh đồng gần làng và khoảng một mẫu rẫy nữa cách đây một buổi đường, làng không người vì mùa này hầu như cả làng đều đi rẫy xa, chiều mới về.

Xe ngược đèo đưa tôi về xã, ngoái nhìn lại phía sau, mặt hồ Ayun Hạ vẫn xanh mát giữa nắng trưa. Chợt nhận ra một nghịch lý, cách hồ chỉ mấy cây số mà ruộng đồng Đak Trôi lại khô khốc chờ mưa…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.