Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ngược gần 20 cây số từ Trung tâm Y tế huyện Krông Pa trên quốc lộ 25, chúng tôi vào tới Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm khi trời vừa đứng bóng. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Triều-Trưởng trạm Y tế đang trong ca trực. Cất vội bữa cơm ăn dở, anh niềm nở ngồi tiếp chuyện chúng tôi. “Hơn chục năm công tác ở Trạm Y tế xã, không ngày nào là không có người bệnh đến khám”. Người dân trong vùng chủ yếu mắc các loại bệnh như: lỵ, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, cảm cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết và sốt rét”-bác sĩ Triều cho biết.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa.    Ảnh: Đ.P
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa. Ảnh: Đ.P

Xã Ia Rsươm mang dáng dấp của một thị tứ bên quốc lộ 25, nơi tập trung dân cư sinh sống và các dịch vụ hàng hóa buôn bán khá sầm uất. Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm được xây dựng trên cơ sở sáp nhập Phòng khám Đa khoa khu vực Lệ Bắc với Trạm Y tế xã Ia Rsươm. Đây là cầu nối đưa các dịch vụ chăm sóc y tế giữa tuyến huyện về với hơn 30 ngàn đồng bào 5 xã phía Bắc huyện gồm: Ia Rsươm, Ia Rsai, Uar, Chư Rcăm và một phần xã Chư Drăng. Trạm được biên chế 13 các bộ y tế, trong đó có 3 bác sĩ (2 bác sĩ chuyên khoa I) và 1 dược sĩ đại học. Đội hình này thực sự là một ngạc nhiên lớn đối với một xã của huyện nghèo ở Tây Nguyên.

Nhờ đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững, Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm là địa chỉ tin cậy của người dân trong vùng mỗi khi đau ốm. Trung bình mỗi năm Trạm thực hiện khám-chữa bệnh cho trên 9.850 lượt người, trong đó thu dung điều trị nội trú gần 450 lượt người bệnh. Được biên chế 10 giường bệnh và bổ sung nhiều trang-thiết bị y tế cần thiết như bàn đẻ, nồi-tủ hấp sấy dụng cụ, máy hút đờm, cụm kính xét nghiệm… chu cấp cơ số thuốc đầy đủ, Trạm đã đáp ứng về cơ bản các nhu cầu khám sơ cấp cứu ban đầu và triều trị nội-ngoại trú các bệnh thông thường của người dân.

Ở các xã vùng xa, chuyện các cán bộ y tế thay phiên nhau xuống làng giám sát, điều tra dịch tễ, khám bệnh, cấp thuốc rồi ăn ngủ lại làng là thường. Ngay như bác sĩ Nguyễn Ngọc Triều và các bác sĩ chuyên khoa I Nay Rê, bác sĩ Nông Thúy Hương, dược sĩ đại học Bùi Công Điệp mỗi tháng cũng mất 4 -5 đêm ăn ngủ tại làng. Những năm gần đây, tình hình sốt rét, sốt xuất huyết diễn biến bất thường. Do đó, Trạm lại phải cắt phân công từng tổ cán bộ vào tận rẫy sản xuất của dân để giám sát dịch tễ và điều trị sốt rét.

Tối đó, chúng tôi theo các bác sĩ vượt gần chục cây số đến buôn Phùm Ang dưới chân đèo Tô Na để giám sát dịch bệnh. Buôn Phùm Ang có 186 hộ dân với 869 người Jrai có tập quán đi rừng, ngủ rẫy. Nhất là những ngày tháng 4, khi mùa thu hoạch mì đang rộ thì thời gian ngủ rẫy của bà con càng kéo dài hơn. Vì thế bệnh sốt rét luôn rình rập.

Được nhân viên y tế thôn Ksor H’Sina thông báo trước nên dân làng tập trung đông đủ từ sớm tại nhà của Trưởng thôn. Anh Triều và anh Điệp nhanh tay soạn phích thuốc, dụng cụ hành nghề, lần lượt thăm hỏi khám bệnh cho từng người. Bóng những chiếc Blu trắng hòa lẫn trong vòng người.

Đêm lạnh, vòng người khép lại bên bếp lửa nguội dần. Trưởng thôn Phùm Ang ghé tai tôi nói nhỏ: “Nhờ các cán bộ y tế về làng chỉ bảo cách phòng-chống bệnh tật nên dân làng mình không sợ con ma bệnh như trước nữa. Người trong làng đã bỏ hẳn việc mời thầy cúng về “bắt bệnh” rồi. Dân làng mình tin và nghe theo các cán bộ y tế thôi!”.

Không ồn ào, những thầy thuốc ở Trạm Y tế trung tâm xã Ia Rsươm cứ tận tụy làm việc, hết trực ở trạm lại xách phích thuốc xuống làng khám bệnh cho dân. Nhờ đó, trong 3 năm lại đây, tất cả các trường hợp bị sốt rét đều tự giác về trạm để xin thuốc điều trị. Nhờ đó, xã không xảy ra trường hợp sốt rét ác tính và không có người bệnh tử vong vì sốt rét. Bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh nguy hiểm khác cũng bị đẩy lùi. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được quan tâm hơn trước. Từ năm 2015, xã Ia Rsươm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác y tế.

Ngồi trò chuyện với các cán bộ y tế ở đây, tôi thấy họ vẫn còn phân vân rằng: Không biết Gia Lai lấy mô hình từ đâu để xây dựng trạm y tế trung tâm (Trạm chồng lên trạm-N.V) vì Bộ Y tế không có mô hình này? Lúc trước còn là Phòng khám Đa khoa khu vực Lệ Bắc thì đơn vị được phép dùng thuốc tương đương bệnh viện huyện; còn bây giờ trở về mô hình trạm y tế xã thì cơ cấu thuốc được sử dụng bị giảm lại, chẳng hạn thuốc Cefotaxim là loại kháng sinh thông dụng được chỉ định dùng thay cho thuốc Penicillin trước đây, giờ không được dùng. Vì vậy thiệt thòi thuộc về phía người dân…

Còn một vấn đề nảy sinh khiến các thầy thuốc nơi đây cảm thấy lo lắng là thời gian gần đây, các vụ việc thanh niên say rượu đánh nhau và tai nạn giao thông vào trạm cấp cứu gia tăng và có không ít lần các “thần men” đã đánh nhau và đuổi đánh cả cán bộ y tế. Chẳng hạn đêm 26-3 vừa rồi, trong ca trực của y sĩ Ksor Phi Ly có nhóm thanh niên say rượu bị tai nạn giao thông vào trạm cấp cứu. Trong khi chị Phi Ly đang lau rửa vết thương thì họ xảy ra kình cãi nhau rồi lật tung cả giường cấp cứu, đuổi đánh nhau, đuổi cả cán bộ y tế khiến chị Phi Ly phải trốn vào nhà vệ sinh chốt cửa lại để lánh nạn.

Hoặc là ngay đêm 23-4 mới đây, điều dưỡng trung học Nguyễn Văn Sinh đang trong ca trực thì có 2 nhóm thanh niên đánh nhau ngoài đường rồi lần lượt vào trạm khâu rửa vết thương. Khi phát hiện ra “đối thủ”, họ vác bàn ghế của trạm phang nhau. Có thanh niên đang được anh Sinh khâu vết thương đã chụp cây kéo y tế đâm loạn xạ, may mà anh Sinh kịp chụp lấy cánh tay và “tước vũ khí”, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

…Chia tay những người thầy thuốc nơi đây, dù vẫn còn chút vướng bận trong lòng về những âu lo ngoài chuyên môn ấy của các thầy thuốc, nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, người dân các xã phía Bắc huyện Krông Pa rồi sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
An Khê: Hơn 200 người hiến máu tình nguyện

An Khê: Hơn 200 người hiến máu tình nguyện

(GLO)- Sáng 28-5, Ban Vận động hiến máu tình nguyện thị xã An Khê phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã và Khoa Huyết học-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ hiến máu tình nguyện lần thứ I năm 2017.