Mạng lưới y tế xã: Vẫn còn bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trạm y tế xã có chức năng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh, tuyến đầu về y tế này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, vật chất, thiết bị y tế không được sử dụng, hư hỏng gây lãng phí.

Chỗ thừa, nơi thiếu

Tháng 7-2010, Trạm Y tế xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chính thức được khánh thành với diện tích đất sử dụng 2.500 m2, tổng diện tích xây dựng 263 m2 quy mô nhà cấp IV với kinh phí đầu tư gần 1,2 tỷ đồng. Trạm không chỉ đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho trên 1.400 hộ dân thuộc 8 làng của xã Ia Dom mà còn là nơi khám-chữa bệnh ban đầu cho nhân dân cụm 3 xã biên giới phía Tây của huyện Đức Cơ gồm: Ia Nan, Ia Pnôn và Ia Dom.

 

Quá tải bệnh nhân tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ chuyên môn. Ảnh: N.G
Quá tải bệnh nhân tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ chuyên môn. Ảnh: N.G

Năm 2014, Trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới. Tuy nhiên, sau 6 năm sử dụng và 2 năm được công nhận chuẩn quốc gia, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhiều thiết bị chuyên khoa ít được sử dụng, bảo quản không đúng cách dẫn đến hư hỏng.

Mặc dù được công nhận đạt chuẩn và có bác sĩ trực tiếp làm việc nhưng Trạm vẫn chưa thực hiện tiếp nhận điều trị cũng như các biện pháp cấp cứu thông thường như khâu vết thương, truyền dịch... vì không được phép? Do vậy, dù là xã vùng xa, vùng biên giới được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, nhân lực là bác sĩ đáp ứng các yêu cầu cơ bản, nhưng lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây không quá 30 người/tháng! Phần lớn bệnh nhân tự mua thuốc tại các quầy thuốc tư nhân hoặc lên thẳng Trung tâm Y tế huyện để khám, dù có những bệnh cấp thuốc ngay tại trạm y tế. Theo lời cán bộ y tế trực tại đây cho biết: Hiện nay, một bộ phận dân cư không mặn mà với việc tham gia bảo hiểm y tế.

Không riêng gì với Trạm Y tế xã Ia Dom, phần lớn các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Đức Cơ vẫn đang vướng phải khó khăn tương tự. Các xã như Ia Kla, Ia Kriêng còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nơi khám bệnh xuống cấp chưa được xây dựng mới sau hàng chục năm sử dụng.

Các xã Chư Mố, Ia Tul, Ia Kdăm (huyện Ia Pa) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì thế, một trạm y tế trung tâm được xây dựng ngay tại xã Ia Tul. Theo đó, cơ sở vật chất, nhân lực và trang-thiết bị y tế được quan tâm đầu tư. Năm 2015, Trạm Y tế trung tâm Ia Tul được công nhận đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ các phòng chức năng. Điều đáng nói là những thiết bị y tế quá hiện đại, vượt khả năng sử dụng tại Trạm cũng được cấp về đây. Ông Hiao Nghek-Trưởng trạm Y tế trung tâm xã Ia Tul cho biết: Do bác sĩ vừa được điều chuyển công tác nên các thiết bị mới chưa dùng, hiện đang cử cán bộ đi học.

Những thiết bị y tế mới toanh được trang bị, tưởng chừng là tín hiệu vui và sử dụng hiệu quả, tuy nhiên mọi thứ gần như ngược lại. Các máy như châm cứu, bộ khám ngũ quang và vô số thiết bị y tế hiện đại khác bị lãng quên, trùm chăn bám bụi.

Đâu là giải pháp?

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay, có rất ít trạm y tế đủ 70% danh mục trang-thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Trong số 222 xã, phường, chỉ có 140 trạm có bác sĩ trực tiếp công tác tại trạm y tế. Có trạm được đầu tư, đưa về nhiều lô thiết bị nhưng rồi bỏ không vì cho là  không có sự đồng bộ, không phát huy hết hiệu quả khám-chữa bệnh.

Để giải quyết phần nào vấn đề trên, vừa qua, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nội, ngoại khoa từ tuyến tỉnh đến trung tâm y tế huyện. Riêng với trạm y tế xã, Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế huyện tập trung rà soát kiện toàn bộ máy, tăng cường hỗ trợ, đào tạo.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-ông Trần Quang Chỉ cho biết: Hiện tại, Trung tâm đã thực hiện luân chuyển cán bộ y tế từ Trung tâm về công tác tại xã. Ngược lại, cán bộ y tế xã được luân phiên về huyện để học tập, nâng cao kỹ năng công tác sơ cấp cứu. Nếu triển khai hiệu quả công tác này thì số lượt bệnh nhân đến trạm để khám, điều trị tại chỗ ngày một tăng cao. Qua đó, các trạm sẽ được nhận kinh phí trích từ quỹ bảo hiểm y tế theo quy định. Về lâu dài, các trạm sẽ đảm nhiệm các yêu cầu về tiếp nhận bệnh, điều trị, lưu bệnh điều trị các bệnh thông thường.

Nói về những trang-thiết bị y tế cũng như việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế xã trên địa bàn trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế-ông Đinh Hà Nam cho biết: Thông thường các trang-thiết bị được đầu tư cùng với việc xây dựng trạm. Sở dĩ việc sử dụng các trang-thiết bị gặp nhiều khó khăn bởi mỗi đơn vị được cung cấp mỗi kiểu. Trong thời gian qua, các dự án đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ nên nhiều trang-thiết bị sử dụng không hiệu quả dẫn đến tình trạng có thiết bị mới nhưng không dùng đến.

Nhận định về thực trạng đang diễn ra tại các trạm y tế xã, ông Nam khẳng định: Các xã đều hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ bản của mình, còn những vấn đề chuyên môn khác thì rất khó nói. “Riêng việc tăng cường bác sĩ tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã thì các trung tâm y tế huyện báo cáo đều có bố trí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì vẫn còn một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của Sở. Ngành đã kiểm điểm và đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện”- ông Nam cho biết thêm.

Qua khảo sát và đề xuất Sở Y tế, từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 trạm y tế được xây dựng mới. Về nhân lực, ngành sẽ tiếp tục đưa bác sĩ về tuyến xã cũng như luân chuyển cán bộ nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Nguyễn Giác-Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.